Hà Nguyên
(VNTB) – Một quyết định hành chính đất đai đẻ ra tiền, đó là nguồn cơn của rủi ro tham nhũng. Một quyết định hành chính đẻ ra tiền, sẽ tạo ra cơ chế không có lợi cho quản lý.
Một khảo sát công bố hồi tháng 12/2017 của nhóm Dữ liệu mở về phát triển Việt Nam (ODV), cho biết: Là một quốc gia có dân số đông và nguồn lực đất đai hạn chế, Việt Nam có diện tích đất nông nghiệp bình quân khoảng 0,3 ha/người, thuộc hàng thấp nhất trên thế giới. Phương thức canh tác truyền thống dựa trên quy mô nhỏ, trung bình mỗi hộ được nhận khoảng 0,156 ha, thấp hơn 1/3 mức bình quân ở các nước trong khu vực như Thái Lan và Campuchia.
Tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng của Việt Nam trong hai thập kỷ gần đây đã góp phần chuyển đổi khoảng một triệu ha đất nông nghiệp thành đất thương mại và đất ở. Chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã dẫn đến xu hướng gia tăng tranh chấp đất đai, và góp phần khắc sâu khoảng cách giữa thành thị và nông thôn (*).
Số liệu kiểm tra trong hai năm 2016 – 2017 về quản lý đất đai do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện qua 18 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 64 tổ chức sử dụng đất, kết quả đã phát hiện nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai ở hầu hết các đối tượng được thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên kết quả xử phạt vi phạm hành chính về đất đai mới thực hiện 8 trường hợp với số tiền hơn 1,36 tỷ đồng.
Còn tại ở các địa phương, trong 2 năm 2016 – 2017 đã thực hiện 957 cuộc đối với 2.918 tổ chức, cá nhân sử dụng đất, và đã xử phạt 376 tổ chức, cá nhân với số tiền hơn 8,4 tỷ đồng.
Sai phạm liên quan đến đất đai còn xảy ra khá phổ biến trong quân đội.
Cuối tháng 4-2019, Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân, Bộ Quốc phòng, đã phải nhận các mức kỷ luật Đảng khác nhau, bao gồm cả hình sự. Theo đó, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên ủy viên Quân ủy Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trong thời gian làm Phó bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân chủng cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy; chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Quân chủng và trách nhiệm cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng.
Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên ủy viên Quân ủy Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chính ủy Quân chủng chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng. Chuẩn Đô đốc Lê Văn Đạo, nguyên Đảng ủy viên, nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Quân chủng và trách nhiệm cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng.
Cùng trong đợt kỷ luật kể trên xảy ra ở Quân chủng Hải quân, còn có Trung tướng Nguyễn Hoàng Thủy, Phó bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân khu 9 và Đại tá Trương Thanh Nam, Đảng ủy viên, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 9, nguyên Phó bí thư Đảng ủy, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 8. Trung tướng Thủy và Đại tá Nam đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để xảy ra vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý, sử dụng đất tại Sư đoàn 8, để nhiều tổ chức đảng và đảng viên liên quan bị xử lý kỷ luật.
Nói một cách ngắn gọn, các vị tướng lãnh được xướng tên ở trên đều có chung hành vi là tham nhũng.
Tham nhũng ở đây đến từ việc ‘tận dụng’ chức vụ quyền hạn để ‘ban phát’ về đất đai một cách ưu ái như giao đất, cho thuê đất với diện tích lớn, vị trí thuận lợi, giá đất thấp, giải quyết thủ tục nhanh chóng một cách bất thường, và trục lợi thông qua việc ‘ban phát’ ưu ái đó, nhất là đối với đất các dự án đầu tư. Tham nhũng còn là chuyện ‘tận dụng’ quyền lực đang có để nhũng nhiễu, gây khó khăn nhằm vòi vĩnh khi thực hiện các thủ tục hành chính trong quản lý đất đai quân đội.
Mặt trái của quy định ở Điều 4, Luật Đất đai 2013: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này”, xét về công thức toán học, thì đó là: Tham nhũng = Độc quyền + Độc đoán.
Ở Việt Nam có hay không “độc quyền” + “độc đoán” trong quản lý đất đai? Không khó để tìm câu trả lời, khi mà đến nay vẫn chưa giới định hợp lý, rõ ràng quyền sở hữu toàn dân, quyền quản lý nhà nước và quyền sử dụng của các tổ chức, cá nhân đối với đất đai; chưa minh định rõ các quyền và nghĩa vụ, lợi ích và trách nhiệm giữa các chủ thể sở hữu, quản lý và sử dụng.
Xác định Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đối với đất đai, nhưng lại chưa xác định rõ vai trò, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu của Nhà nước đối với đất đai, chưa xác định rõ chủ thể cụ thể đại diện chủ sở hữu ở từng cấp, từng ngành.
Nếu tiếp tục bảo thủ về định nghĩa đất đai thuộc sở hữu toàn dân, thì rõ ràng là lâu nay chưa phát huy tốt vai trò của nhân dân, chưa thực hiện tốt công khai, dân chủ trong việc xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về đất đai. Từ đó, ở chừng mực nhất định, đã biến sở hữu toàn dân về đất đai trở thành sở hữu danh nghĩa, biến quyền đại diện chủ sở hữu của Nhà nước trở thành sở hữu hình thức, và biến sở hữu đất đai trở thành sở hữu thực chất của một số cá nhân trực tiếp nắm quyền quản lý trong vai trò là đại diện quyền lực Nhà nước để mà toàn quyền định đoạt đối với đất đai.
________________
Chú thích:
(*) https://vietnam.opendevelopmentmekong.net/topics/land/