Phú Nhuận
(VNTB) – Một khi có được con người xã hội chủ nghĩa, tự khắc sẽ có đội ngũ cán bộ không dám – không thể – không cần – không muốn tham nhũng.
Trả lời ý kiến cử tri ngày 23-11 về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, ông Võ Văn Thưởng cho biết đang hướng tới xây dựng cơ chế để cán bộ không dám, không thể, không cần, không muốn tham nhũng.
Trở ngược thời gian.
Nói theo đúng ngữ cách của cách đây hơn 45 năm, thì vào ngày 25-4-1976, trên 23 triệu cử tri của nước Việt Nam thống nhất đã nô nức đi bầu cử, bầu ra những đại biểu xứng đáng nhất vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất.
Đây là cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI (1976 – 1981) – Quốc hội chung của cả nước đầu tiên sau thống nhất; là một sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước thắng lợi quyết định của nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước.
45 năm đã đi qua, và tiếc thay nói như ông Võ Văn Thưởng, ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư, đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu khu vực TP Đà Nẵng – thì mãi đến nay, “công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng sau Đại hội XIII là vấn đề Đảng rất quan tâm, có tính sống còn với vận mệnh của Đảng, Nhà nước và chế độ”.
Theo ông Thưởng, những quy định của Đảng sau Đại hội XIII theo hướng đổi mới rất chặt chẽ, rõ ràng, có tính khả thi và phòng ngừa rất cao. Nếu cán bộ có khuyết điểm, sai lầm, uy tín giảm sút thì trước hết là khuyến khích từ chức. Nhưng đồng thời cũng phải tạo ra áp lực chính trị của tổ chức Đảng và cơ quan để cán bộ từ chức khi uy tín giảm sút, không chờ hết nhiệm kỳ.
Hướng tới xây dựng cơ chế để cán bộ không dám, không thể, không cần, không muốn tham nhũng. Trong đó, tập trung hướng vào chuyện không dám tham nhũng bằng hình phạt đúng mức, chính sách chặt chẽ, công khai minh bạch và sự giám sát của người dân.
“Có đồng chí bảo tăng lương để cán bộ không tham nhũng. Thực ra không phải như vậy, những nước có thu nhập rất cao cũng vẫn tham nhũng. Trong thực tế khi xử lý cán bộ và giải quyết các vụ án liên quan đến tham nhũng thì những cán bộ tham nhũng không phải do nghèo khó, thậm chí là có điều kiện sống tốt hơn nhiều cán bộ khác nhưng vẫn tham nhũng” – ông Thưởng nói và cho biết đang hướng tới xây dựng cơ chế để cán bộ không dám, không thể, không cần, không muốn tham nhũng.
Lẽ nào 45 năm thống nhất Quốc hội mà Đảng vẫn loay hoay cho xây dựng cơ chế để cán bộ không dám – không thể – không cần – không muốn tham nhũng?
Cá nhân người viết cho rằng giả dụ như vẫn cách hiểu quen thuộc của “Tư tưởng Hồ Chí Minh”, thì cơ chế này có sẵn từ lâu rồi.
Nói theo cách của Tuyên giáo Đảng, thì trong niềm tự hào và xúc động kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tác phẩm nghiên cứu “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng như một thông điệp khẳng định mạnh mẽ ý chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục hành trình và vững bước trên con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.
Con đường đó là gì?
“Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa và có tư tưởng xã hội chủ nghĩa” là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói chuyện trước Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội, ngày 20 tháng 6 năm 1960.
Tiêu chuẩn của con người xã hội chủ nghĩa được Hồ Chí Minh nêu lên nhiều lần, có thể khái quát ở mấy điểm chính sau:
Một, có tư tưởng xã hội chủ nghĩa: có ý thức làm chủ, có tinh thần tập thể, có tư tưởng mình vì mọi người, mọi người vì mình, có tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết vươn lên hàng đầu, có tinh thần tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.
Hai, có đạo đức và lối sống xã hội chủ nghĩa: trung với nước, hiếu với dân, yêu thương con người, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Có tinh thần quốc tế trong sáng, có lối sống lành mạnh, trong sáng.
Có tác phong xã hội chủ nghĩa: làm việc có kế hoạch, có biện pháp, có quyết tâm, có tổ chức, có kỷ luật, có kỹ thuật, có năng suất, chất lượng hiệu quả: lao động quên mình, không sợ khó, sợ khổ, làm việc vì lợi ích của xã hội, tập thể và bản thân mình.
Ba, có năng lực để làm chủ: bản thân, gia đình và công việc mình đảm nhiệm, đủ sức khỏe và tư cách tham gia làm chủ nhà nước và xã hội, thực hiện có kết quả quyền công dân: phải không ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học – công nghệ, chuyên môn nghiệp vụ để làm chủ.
Từ những huấn thị ở trên cho thấy một khi có được con người xã hội chủ nghĩa, tự khắc sẽ có đội ngũ cán bộ không dám – không thể – không cần – không muốn tham nhũng.