VNTB – Tham nhũng quyền lực: Tài cao sao bằng tao cài

VNTB – Tham nhũng quyền lực: Tài cao sao bằng tao cài

Nhật Minh

 

(VNTB) – Tham nhũng quyền lực song hành với nhân sự quy hoạch

 

Tham nhũng quyền lực là dạng tham nhũng mà người tham nhũng lợi dụng quyền lực cá nhân để đưa những người thân tín vào bộ máy công quyền cũng như vào các tổ chức chính trị, xã hội, đơn vị kinh tế, tài chính…

Liệu ở kỳ bầu cử Quốc hội khóa XV cận kề, tham nhũng quyền lực có là nguồn đe dọa cho sự thành công của lá phiếu ‘Đảng cử – Dân bầu’?

Ngoài ra, câu chuyện về bầu cử tại Myanmar ở thời điểm này hẳn cũng nên là điều cần lưu ý. Câu hỏi là chúng ta đã có được một cơ chế bầu cử công bằng chưa? Những công dân có phẩm chất và năng lực xứng đáng liệu đã có cơ hội ứng cử thành công trở thành Đại biểu Quốc hội?

Nhìn từ Đại hội Đảng XIII trong tranh cử ‘trung ủy’

Thực tế thì để vào danh sách ‘trung ủy’ – tức ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, người ta không thấy bóng dáng nào của tranh cử công bằng.

Chứng minh: có ai thắc mắc vì sao đảng viên lãnh đạo TP.HCM vào ‘trung ủy’, trên thực tế chỉ có mỗi Nguyễn Thành Phong?

Gọi là ‘thực tế’ vì hai gương mặt Trần Lưu Quang và Nguyễn Văn Nên đều là nhân sự giờ chót của Bộ Chính trị khóa XII ‘điều’ về để sau đó họ đường hoàng trong ‘cơ cấu trung ủy’ khóa XIII. Còn sở dĩ gọi là thiếu sòng phẳng quyền lực về ‘trung ủy’, đơn giản TP.HCM là địa phương luôn phải đóng góp tỷ lệ cao nhất nước cho ngân sách quốc gia. Phải góp nhiều tiền nhất, nhưng quyền lợi chính trị lại lép vế nhất, thì không công bằng chút nào.

Về lý thuyết, vấn đề quy hoạch cán bộ cần phải minh bạch và công tâm, phải tạo sự cạnh tranh bình đẳng ngay từ cơ sở để ai cũng được quyền thể hiện tài năng và khát khao cống hiến.

Tuy nhiên, đây là con dao hai lưỡi; nếu không thực tâm thì dẫn tới tình trạng “chạy quy hoạch”. Thực tế, muốn có chức, có quyền thì trước hết phải vào được quy hoạch; muốn vào quy hoạch thì phải chạy, rồi lại chạy để giữ quy hoạch. Khi điều động hay bổ nhiệm thì tích cực chạy nữa.

‘Đảng cử’ từ quy hoạch nên đã làm khó lá phiếu ‘Dân cử’

Hơn chục năm trước, vị Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đã từng cảnh báo tại diễn đàn Quốc hội:

“Những người có phẩm chất, năng lực nhưng không chịu chạy sẽ không được đề bạt, bổ nhiệm. Còn những kẻ kém tài, kém đức nhưng khéo chạy, biết cách chạy có thể sẽ dễ dàng leo lên các thang bậc của quyền lực. Và khi có quyền họ sẽ tìm cách thao túng, phá thủng nền nếp quản lý để đặc quyền, đặc lợi, kiềm chế và triệt tiêu những người thẳng thắn, tiếp tục đưa những kẻ nịnh nọt, chạy chức, chạy quyền vào bộ máy nhà nước.

Điều này làm cho bộ máy nhà nước không còn trong sạch và rất có hại cho dân, cho nước. Nếu không ngăn chặn việc chạy chức, chạy quyền sẽ dẫn đến hậu họa khôn lường cho Đảng và cho đất nước”.

Kẽ hở ở đây là không quy định cụ thể về sự “cạnh tranh bằng năng lực” dẫn tới tình trạng nửa vời trong quy hoạch. Khác với thi tuyển cạnh tranh, người được quy hoạch không cần đầu tư chất xám, chẳng tốn thời gian xây dựng chương trình hành động; không phải trình bày, trả lời chất vấn, tranh luận về chương trình hành động của mình.

Vì không “cạnh tranh bằng năng lực” nên việc đánh giá khả năng cũng như những tố chất cần có về lãnh đạo, quản lý của người được bổ nhiệm trở nên hình thức. Thế nên mới có chuyện “nợ bằng cấp” khi bổ nhiệm hay bổ nhiệm người nhà, người thân…

Loại bỏ tiêu cực này, nhất định phải tạo nên sự cạnh tranh công khai ngay từ khi quy hoạch.

Có thể hiểu như: Thi tuyển vào quy hoạch cán bộ. Nghĩa là, trước khi đưa vào danh sách quy hoạch, những người đạt chuẩn quy hoạch phải trình bày chương trình hành động trước tập thể, trả lời những câu hỏi do tập thể đặt ra và thậm chí phải tranh luận với tập thể.

Sau đó, tập thể  tiến hành bỏ phiếu kín tín nhiệm. Tiếp theo đó là thực hiện các bước trong quy trình quy hoạch cán bộ để chọn người đưa vào quy hoạch.

Trong thời gian quy hoạch, người được quy hoạch phải chịu sự giám sát của tập thể. Nếu không giữ được phẩm chất đạo đức, không có thành tích cụ thể, không thể hiện được năng lực vượt trội và khả năng phát triển thì sẽ bị loại khỏi quy hoạch.

Người được bổ sung quy hoạch cũng phải thực hiện đúng quy trình như những người khác, không làm tắt, đơn giản như thời gian vừa qua.

Trước khi tiến hành bổ nhiệm, những người có trong quy hoạch, một lần nữa phải cạnh tranh sòng phẳng với nhau về năng lực lãnh đạo, khả năng chuyên môn và phẩm chất đạo đức thông qua chương trình hành động. Trên cơ sở đó, tập thể tiếp tục đánh giá từng người và tham gia vào 1 bước trong quy trình bổ nhiệm để được lựa chọn người lãnh đạo cho mình.

Quy trình này, không ngoại lệ cho bất kỳ ai, kể cả đối tượng trong diện luân chuyển và lãnh đạo chủ chốt. Đó là cách để quần chúng lựa chọn công tâm và thực chất những người có đủ phẩm chất, năng lực, nắm giữ trọng trách mà quần chúng nhân dân giao phó.

Đây cũng là cách phát huy dân chủ triệt để trong công tác cán bộ của Đảng, tối ưu hóa việc lựa chọn người hiền tài ở các cấp; bịt kín khoảng trống dẫn tới tệ nạn mua bán chức quyền và đó cũng là giải pháp để “không thể tham nhũng quyền lực”.

Thế nhưng như dẫn chứng ở phần đầu bài viết, nhân dân TP.HCM không hề biết năng lực lãnh đạo – khả năng chuyên môn của ‘bộ đôi Tây Ninh’ là Trần Lưu Quang và Nguyễn Văn Nên, song hai vị này vẫn là ‘trung ủy’, tức được trao quyền lực chính trị cao nhất ở TP.HCM.

‘Đảng cử’ cần tránh chuyện ‘quy hoạch cài cắm’

Chuyện kể, thuở xưa ở huyện nọ, một hôm dân tình xôn xao vì con trai của quan huyện được bổ nhiệm làm quan to. Cậu trẻ này cứ mỗi năm được nhảy phóc lên một ghế, cao ơi là cao.

Dân tình lời ra tiếng vào nhưng rồi bảo nhau thôi nói làm gì, cứ lo phận “con sãi ở chùa” đi, có trách về trách cha mẹ không làm quan to đi. Nhưng có mấy người “uống thuốc liều” cứ đòi lên huyện đường đánh trống kêu, dân huyện bảo thôi nhưng họ không chịu mà cứ đi.

Quan huyện sai đám sai nha ra trả lời, rằng con trai quan huyện có tài cao thì phải được làm to chứ. Chẳng lẽ con quan không được làm quan to à?

Mấy người hỏi mấy khái niệm tài cao đó trừu tượng lắm, cha con cùng làm quan to một chỗ có sai không? Đám sai nha nhất quyết nói không có, tất cả đều làm đúng quy trình.

Bãi chầu. Tất cả họ ra về.

Thế là dân huyện xì xào nói “thấy chưa, đã bảo đừng đi rồi”. Mấy người đi về vẫn còn bực, bảo cậu trẻ đó tài cao gì chứ, là đồng môn của con họ nên họ hiểu cả mà. Cậu trẻ chỉ được huyện cho lên kinh dùi mài kinh sử là hơn thôi (dám không cho à!), chứ con họ thật sự tài cao hơn.

Dân tình cười, bảo: “Mấy người ngây thơ quá đi. Ơ hay, con mấy người tài cao à? Tài cao có bằng tao cài không?”

Ai nấy đều tiu nghỉu.

Người đời nay gọi đó là ‘nhân sự quy hoạch’.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)