Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tham nhũng trong giáo dục ở Việt Nam

Mai Lan

 

(VNTB) – Lạm thu trong giáo dục được thế giới xem là hành vi tham nhũng.

 

Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (IT), thu những khoản lệ phí không chính thức trong trường học cũng là một hình thức tham nhũng. IT định nghĩa tham nhũng trong giáo dục rất rõ ràng: “Là việc lạm dụng quyền lực để đạt được những lợi ích cá nhân, có thể xảy ra trong quá trình xây dựng chính sách, gian lận tài sản, dạy thêm, học thêm, lạm thu, tuyển sinh, cho điểm, công nhận tốt nghiệp, đạo văn…”.

Vậy thì ở Việt Nam việc lạm dụng quyền lực này trong giáo dục, tiếc là không thấy được đề cập đến ở những thông tin công khai trên báo chí về tường thuật các phiên họp của Ban Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trung ương. Xin lưu ý là người đứng đầu ban này vốn xuất thân từng là giảng viên, tin chắc ông hiểu rõ những góc khuất về tài chính tham nhũng trong giáo dục.

Hậu quả của tham nhũng trong giáo dục làm xói mòn chuẩn mực đạo đức, góp phần làm xuống cấp giá trị đạo đức của giáo viên và học sinh vì gây thiệt thòi cho những người sống chính trực. Làm tăng chi phí và bất bình đẳng: Tham nhũng trong giáo dục đe dọa tăng chi phí giáo dục cho các hộ gia đình, làm tăng nguy cơ bỏ học của con em các gia đình không có đủ điều kiện chi trả các khoản ngoài quy định. Từ đó, tham nhũng trực tiếp làm tăng bất bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội.

Giáo dục cũng là ngành rất dễ bị tổn thương với những hành vi tham nhũng, trong đó có cả hành vi dạy thêm học thêm, lạm thu.

Vì sao tình trạng lạm thu vẫn diễn ra và ngày càng có nhiều trường, đặc biệt là các trường ở các thành phố lớn lạm thu càng tăng?

Theo số liệu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, tính theo tỷ lệ GDP, mức chi tiêu cho giáo dục của Việt Nam tương đương 4,9% GDP, chỉ kém Malaysia 5%, còn cao hơn các nước khác trong ASEAN gồm Campuchia 1,9%, Singapore 2,9%, Lào 3,3%.

Đó là chưa tính phần đóng góp của người dân Việt Nam cho giáo dục. Tính trung bình, gia đình đóng góp khoảng 24% tổng chi phí cho học sinh (mầm non, tiểu học, phổ thông) đi học và mức đóng góp có xu hướng tăng dần theo cấp học.

Ở góc độ khác, cần thẳng thắn nhìn nhận việc có từ 80 – 90% nguồn thường xuyên cho các nhà trường hiện nay dùng vào việc chi lương cho giáo viên, phần còn lại quá ít không thể đáp ứng các yêu cầu, hoạt động khác. Vì vậy, các trường luôn cần những khoản hỗ trợ ngoài ngân sách để hoạt động, xây dựng các phong trào, ngoại khóa…

Để đủ kinh phí, ban giám hiệu các trường dựa vào phụ huynh, xin tiền tài trợ của phụ huynh, dẫn đến thiếu kiểm soát, hay cố tình không kiểm soát, dẫn đến lạm thu…

Nhiều phụ huynh cũng trong ngành giáo dục đã chua chát nhận xét rằng: “Giáo dục hóa ra cũng là ngành “độc quyền”, phụ huynh “ngoan” là phải đóng đủ tiền phí, làm bài rập khuôn thì con em chúng ta sẽ được điểm cao, mới thành trò “giỏi”. Nhà trường làm gì với các khoản thu, dạy gì với các trò giỏi là việc của trường, của hiệu trưởng, của ban giám hiệu, miễn đi đúng hướng chỉ đạo bề nổi của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới là trường “tốt”, được bằng khen.

Đã mấy ai “chụp ảnh” được chuyện tham nhũng trong giáo dục chưa? Đương nhiên là… làm gì có, vì chúng ta toàn là các phụ huynh “ngoan” mà!…”.

Một ý kiến khác, đó là hình thức tự nguyện ngày càng biến tướng. Cơ quan chức năng cứ có văn bản cấm là bên dưới lại có cách để lách. Ngay như việc cấm bán sách bài tập thì đầu năm nhà trường không bán, chỉ nguyên bộ sách giáo khoa.

“Tôi đang mừng vì trường có cải tiến. Ai dè, khi vào học, giáo viên lớp yêu cầu phải mua sách bài tập nếu không có cô không dạy con mình nữa. Vậy là phụ huynh lại chạy vạy khắp nơi để mua. Tại trường trung học phổ thông Bình Phú (quận 6, TP.HCM), khi tiếp nhận hồ sơ lớp 10, một nhân viên trong quá trình hướng dẫn mua đồng phục đã yêu cầu phải mua đủ cả ‘combo’ và còn ‘hù’ học sinh không đeo ba-lô đồng phục, bảo vệ không cho vào trường…

Tất cả những điều trên, nói theo cách quen thuộc ở các vụ án tham nhũng, đó là cần đặt trong danh sách ‘đặc biệt theo dõi’ của Ban phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà địa phương nào cũng có riêng ban bệ này.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Làm 66 nút đèn giao thông “ngốn” 80 tỷ đồng

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Đói – nghèo vẫn là chuyện quan tâm bậc nhất của người Việt Nam

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Giáo án cũng phải theo định hướng?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo