Khánh Hòa
(VNTB) – “Bảy xin hiến pháp ban hành/ Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.
Từ 1919, trong bản yêu sách tám điểm gửi Hội nghị Versailles đòi các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc nêu những điều liên quan đến pháp quyền, đòi thực dân Pháp phải cải cách nền pháp lý ở Đông Dương, phải bãi bỏ chế độ cai trị bằng các sắc lệnh và thay thế bằng các đạo luật.
Tư tưởng pháp quyền này được gọi là đã đi xuyên suốt tổ chức và hoạt động của Nhà nước Việt Nam độc lập. Trong “Việt Nam yêu cầu ca”, Nguyễn Ái Quốc khẳng định vai trò của pháp luật bằng hai câu: “Bảy xin hiến pháp ban hành/ Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Mọi quan hệ xã hội, mọi lĩnh vực của đời sống đều chịu sự chi phối của pháp luật. Pháp luật là cơ sở bảo đảm thực hiện các quyền tự do dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân.
Như vậy, trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, không quá lời khi người dân bày tỏ vào thần linh pháp quyền Vương Đình Huệ.
Thế thì nếu đúng tân Chủ tịch Quốc hội sẽ tròn vai “thần linh pháp quyền”, thiên hạ sắp tới đây sẽ ra sao?
Quốc hội là cơ quan làm luật nhưng có tới 90 – 95% các dự luật được soạn thảo và trình bởi Chính phủ. Cơ chế này là phổ biến trên thế giới vì suy cho cùng, bản chất quyền lập pháp của Quốc hội chính là quyền thông qua hoặc không thông qua luật. Thế nhưng cần phải giải thích thế nào khi một thống kê nhân khi sửa đổi luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho thấy, các dự luật thường bị sửa đổi lên đến trên dưới 70% sau khi trình lên Quốc hội?.
Có ý kiến, dù chỉ giữ 1 lá phiếu, ông Vương Đình Huệ sẽ dẫn dắt, điều hành Quốc hội khóa tới thực hiện ước nguyện của Hồ Chủ tịch: “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” để phục vụ mục đích tối thượng “dân giàu, nước mạnh” trong một thế giới dịch bệnh Covid biến đổi không lường được. Đó là trọng trách nhưng cũng là kỳ vọng với ông để cổ vũ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong các vị đại biểu, trong Quốc hội.
Thế nhưng xem ra lại rất oái oăm (hài hước thì đúng hơn) khi dùng từ “Quốc hội khóa tới”, bởi đã là “khóa tới”, có nghĩa mọi chuyện chưa xảy ra. Vậy có phải “thần linh pháp quyền” trong trường hợp cụ thể này có thêm tài hô phong, hoán vũ của một “thần đèn” như trong cổ tích?
Cổ tích chỉ dành để người lớn kể cho con nít nghe.
***
Việt Nam yêu cầu ca
Nguyễn Ái Quốc
Bằng nay gặp hội Giao hoà
Muôn giân hèn yếu gần xa vui tình.
Cậy rằng các nước Đồng minh
Đem gươm công lý giết hình giã man
Mấy phen công bố rõ ràng
Dân nào rồi cũng được trang bình quyền
Việt Nam xưa cũng oai thiêng
Mà nay đứng giới thuộc quyền Lang Sa
Lòng thành tỏ nỗi sút sa
Dám xin đại quốc soi qua chút nào
Một xin tha kẻ đồng bào
Vì chưng chính trị mắc vào tù giam
Hai xin phép luật sửa sang
Người Tây người Việt hai phương cùng đồng
Những toà đặc biệt bất công
Dám xin bỏ dứt rộng dung dân lành
Ba xin rộng phép học hành
Mở mang kỹ nghệ, tập tành công thương
Bốn xin được phép hội hàng
Năm xin nghĩ ngợi nói bàn tự do
Sáu xin được phép lịch du
Bốn phương mặc sức, năm châu mặc tình
Bảy xin hiến pháp ban hành
Trăm đều phải có thần linh pháp quyền
Tám xin được cử nghị viên
Qua Tây thay mặt giữ quyền thổ dân
Tám đều cặn tỏ xa gần
Chưng nhờ vạn quốc công dân xét tình
Riêng nhờ dân Pháp công bình
Đem lòng đoái lại của mình trong tay
Pháp dân nức tiếng xưa nay
Đồng bào, bác ái sánh tày không ai
Nỡ nào ngảnh mặt ngơ tai
Để cho mấy ức triệu người bơ vơ
Dân Nam một dạ ước mơ
Lâu nay tiếng núp bóng cờ tự do
Rộng xin dân Pháp xét cho
Trước phò tiếng nước, sau phò lẽ công
Dịch mấy chữ quốc âm bày tỏ
Để đồng bào lớn nhỏ được hay
Hoà bình may gặp hồi nầy
Tôn sùng công lý, đoạ đày dã man
Nay gặp hội khải hoàn hỉ hả
Tiếng vui mừng khắp cả đồng dân
Tây vui chắc đã mười phần
Lẽ nào Nam lại chịu thân tôi đòi
*
Hẵng mở mắt mà soi cho rõ
Nào Ai-lan, Ấn-độ, Cao-ly
Xưa, hèn phải bước suy vi
Nay, gần độc lập cũng vì dân khôn
Hai mươi triệu quốc hồn Nam Việt
Thế cuộc nầy phải biết mà lo
Đồng bào, bình đẳng tự do
Xét mình rồi lại đem so mấy người
Ngổn ngang lời vắn ý dài
Anh em đã thấu lòng nầy cho chưa