Hiền Lương
(VNTB) – Nhân dịp nhận nhiệm vụ làm bộ trưởng Bộ Giáo dục – đào tạo, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn gửi thư tới các thầy cô giáo, công chức viên chức, người lao động trong ngành giáo dục.
Nhân thời gian hiện tại cũng là giai đoạn nước rút cho ôn tập kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học, lá thư của tân bộ trưởng được một ông thầy giáo cùng trang lứa và cũng dạy văn như ngài Nguyễn Kim Sơn, thử phân tích chuyện chữ – nghĩa với học trò ở tiết ngoại khóa cuối tuần.
Xin lược thuật về buổi ‘bình chữ – nghĩa’ này.
Tân bộ trưởng viết: “Chúng ta đang sống và đang làm việc, cống hiến trong thời khắc mà đất nước, dân tộc đang dâng niềm khát vọng bứt phá, mong đưa cơ đồ đất nước lên một vị thế phát triển mới, văn minh và thịnh vượng”.
Lời bình của ông thầy giáo: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn thường lặp lại mẫu câu sau đây ở nhiều diễn văn, “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Vậy thì nên hiểu thế nào với mong muốn hiện tại của tân bộ trưởng, là tiếp tục đưa cơ đồ lên vị thế mới với hai yêu cầu cần phải có là “phát triển mới – văn minh và thịnh vượng”? Phải chăng những “tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế” vẫn chưa thể giúp đất nước có được văn minh và thịnh vượng?
Nếu suy diễn theo thuyết âm mưu, thì mẫu câu “Chúng ta đang sống và đang làm việc, cống hiến trong thời khắc mà đất nước, dân tộc đang dâng niềm khát vọng”, xem ra đã phủ nhận sạch trơn về chuyện “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam” – bởi một khi đã “dâng niềm khát vọng”, có nghĩa cho đến nay người dân Việt vẫn loay hoay tìm kiếm văn minh và thịnh vượng!
Tân bộ trưởng viết: “Nhiệm vụ của chúng ta rất nặng nề, nhưng chúng ta có rất nhiều thuận lợi, toàn ngành đã làm được rất nhiều việc lớn trong năm qua. Đường lối đổi mới do Đảng lãnh đạo và chỉ hướng đã thật rõ ràng, vấn đề là cách làm”.
Lời bình của ông thầy giáo: Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của tác giả X.Y.Z., tức Hồ Chí Minh, nói rằng Ðảng có trách nhiệm vạch ra đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn để lãnh đạo Nhà nước và nhân dân cùng thực hiện, nhưng đồng thời, Ðảng cũng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về tất cả những kết quả đúng – sai, thành công – thất bại theo định hướng mà Ðảng đã đề ra.
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Ðó là một chân lý nhất định” (1).
Như vậy, với mẫu câu ở thể khẳng định “Đường lối đổi mới do Đảng lãnh đạo và chỉ hướng đã thật rõ ràng, vấn đề là cách làm”, có thể hiểu là tân bộ trưởng đã nhận ra cách làm của vị tiền nhiệm – nói như lời của Bác Hồ, đó là “cán bộ kém”.
Tân bộ trưởng có lý, bởi sinh tiền, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Trong các ngành hoạt động của chúng ta, nào chính trị, kinh tế, nào quân sự, văn hóa, chắc không thiếu những người có năng lực, có sáng kiến như A. Nhưng vì cách lãnh đạo của ta còn kém, thói quan liêu còn nồng cho nên có những người như thế cũng bị dìm xuống, không được cất nhắc. Muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo. Thí dụ: Bắt buộc cán bộ trong mỗi ngành phải thiết thực báo cáo và cất nhắc nhân tài” (2).
Tân bộ trưởng viết: “Khi mỗi bài giảng, cuốn sách mà chúng ta soạn đều hướng tới học sinh, mỗi đổi mới của chúng ta thực hiện đều vì những điều mà phụ huynh, học sinh kỳ vọng và phụng sự cho sự phát triển của đất nước, thì không có lý do gì để chúng ta không có vị thế xứng đáng trong xã hội”.
Lời bình của ông thầy giáo: Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác” (3).
Nay, giáo dục cũng nhằm “phụng sự cho sự phát triển của đất nước”, vậy thì cần chấm dứt những việc định hướng giáo dục qua những lớp tập huấn từ cơ quan Đảng, ở mỗi khi chuẩn bị vào niên học mới – vì đó còn là lòng tự trọng của sự tôn nghiêm nghề giáo cần phải được giữ gìn đúng như lời của tân bộ trưởng trong “Thư tới các thầy cô giáo, công chức viên chức, người lao động trong ngành giáo dục”.
“Học bao nhiêu vẫn thiếu. Hiểu bao nhiêu chẳng thừa” – tạm coi đó là một tuyên ngôn của ngài tân bộ trưởng, khi ông đã ghi dòng này như một ‘câu thiệu’ ở tài khoản facebook cá nhân của ông.
____________
Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh toàn tập. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, năm 1995. Tập V, trang 240.
(2) Hồ Chí Minh toàn tập. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, năm 1995. Tập V, trang 241.
(3) Hồ Chí Minh toàn tập. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, năm 2011, tập 5, trang 290.