Việt Nam Thời Báo

VNTB – Mất cân bằng trong kinh tế toàn cầu: các thành phố không người ở Trung Quốc

Đoàn Hưng Quốc

 

(VNTB) – Năm 2016 báo chí Tây Phương đăng tải nhiều tin tức về các thành phố tuy mới xây nhưng không người ở Trung Quốc. Kèm theo đó là những dự đoán về khủng hoảng nhà đất sẽ khiến nền kinh tế gãy cánh (hard landing).

 

Đến nay thì không báo nào còn nhắc đến các thành phố ma…nay tấp nập đông người qua lại! Tình trạng chảy máu ngoại tệ bị chặn đứng. Hiểm họa ngân hàng phá sản dường như lui xa. 

Nhiều thách thức mới xảy đến như chiến tranh thương mại; xuất cảng giảm do tác động đại dịch Vũ Hán và do khuynh hướng bảo hộ mậu dịch toàn cầu; đại kế hoạch Made In China 2025 gặp trở ngại vì căng thẳng Mỹ-Trung. Cộng vào đó là những vấn nạn củ tiếp tục chồng chất gồm tỷ lệ nợ vẫn rất cao; lương bổng ngày càng tăng trong khi xã hội bắt đầu lão hóa. Thêm mối nguy tiềm tàng khi vai trò của nhà nước ngày càng lớn dẫn đến độc tài chính trị, bất công xã hội và mất cân đối trong kinh tế thị trường. Dù vậy, GDP tuy tăng trưởng chậm hơn những năm trước nhưng nền kinh tế của Hoa Lục vẫn có vẻ sáng sủa hơn so với Âu-Mỹ-Nhật – ngay khi đã trừ bớt 5% các khoảng báo cáo láo.

Đến khi nền kinh tế và xã hội Trung Quốc sẽ phá sản? Đây là câu hỏi làm điên đầu các chuyên viên từ 40 năm nay vì những câu trả lời đều…trật dài dài!

1. Cuối thập niên 1980 sau khi Đặng Tiểu Bình mở cửa kinh tế lạm phát vọt lên 18%. Nợ xấu chiếm 30%GDP. Cuộc đàn áp Thiên An Môn khiến mọi người nhận xét Bắc Kinh chọn sai lề lịch sử khi chỉ cho phép mở cửa thị trường mà không dân chủ hóa.

2. Cuối thập niên 1990 khi khủng hoảng tài chính Đông Á bùng nổ nhưng Trung Quốc được khen ngợi góp phần tạo ổn định thị trường do không phá giá đồng Nhân Dân Tệ. Ngược lại cũng có nhiều tiên liệu đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ sớm tàn lụi theo cơn chấn động kinh tế không khác gì các chế độ độc tài ở Indonesia, Phi, Nam Hàn và Đài Loan.

3. Sang đầu thế kỷ thứ 21 khi Trung Quốc tham gia WTO nhiều chuyên gia dự đoán cạnh tranh quốc tế sẽ đánh gục các tập đoàn quốc doanh kém hiệu năng khiến hàng chục triệu công nhân viên nhà nước bị mất việc; cộng thêm vào đó một tầng lớp trung lưu mới nổi lên tất yếu sẽ dẫn đến cách mạng dân chủ.

4. Cuối thập niên 2010 trong lúc Âu-Mỹ chao đảo với khủng hoảng địa ốc và tài chánh thì kinh tế Trung Quốc nhảy vọt qua mặt Nhật để tiến lên hàng thứ nhì trên thế giới. Bắc Kinh từ bỏ lập trường “dấu ánh đèn trong trấu” của Đặng Tiểu Bình để theo đuổi chính sách trỗi dậy nước lớn.

5. Kích cầu từ năm 2007-08 dẫn đến tình trạng cho vay và đầu tư phí phạm. Khi nợ tăng lên chồng chất thì Trung Quốc kiểm soát và siết chặt tín dụng. Chính sách nặng tay của Bắc Kinh khiến thị trường nhà đất và địa ốc cuốn cuồn sụp đổ dẫn đến nguy cơ chảy máu ngoại tệ ồ ạt năm 2016. Nhiều chuyên viên tiên liệu nền kinh tế sẽ gãy cánh (hard landing.)

Nhưng sau đó thị trường ổn định trở lại khi Bắc Kinh kiểm soát việc chuyển tiền ra nước ngoài, nới lỏng tín dụng trong nước, tăng chi và tăng giám sát nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Nợ vẫn rất cao nhưng không còn nhảy vọt. Nhà nước kích thích kinh tế (kiểu giống như Mỹ tiếp tục in tiền) tức là đầu tư sẽ tiếp tục kém hiệu quả nhưng mối lo kinh tế gãy cánh không còn nữa.  

Tóm lại, Trung Quốc trong suốt 40 năm tuy nhiều lần chao đảo nhưng không sụp đổ. Trái lại Hoa Lục tăng trưởng ngoạn mục trong khi đi ngược chiều so với liều thuốc của giới kinh tế gia Tây Phương, tức là tăng thay vì giảm vai trò lãnh đạo của nhà nước. Dĩ nhiên thầy bói nào tiên đoán “anh sẽ chết” thì rồi sẽ đúng vì ai cũng chết, cho nên bài này tiếp tục cố gắng đóng góp một cái nhìn về ưu và khuyết điểm của mô hình Trung Quốc để lại dự đoán sẽ gãy cánh hay không!

 

Tiêu biểu qua câu chuyện các thành phố ma nay tấp nập đầy sinh hoạt và người ở, Bắc Kinh đã giải quyết khủng hoảng địa ốc bằng nhiều biện pháp mà không một nhà nước dân chủ nào có thể thực hiện được!

 

1. Phá sập hàng triệu dãy chung cư cũ kỹ và hàng ngàn làng mạc nhỏ rải rác ở nông thôn để di dời dân chúng vào các khu phố không người. Kèm theo là cung cấp hộ khẩu cho những gia đình di cư để họ được hưởng các quyền lợi về y tế và giáo dục con cái ở những thành phố đang mở mang (hộ khẩu trong Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Quyến, …tiếp tục bị siết chặt nên đắt hơn vàng.)

Biện pháp này tạo ra lạm quyền, tham nhũng, bất công và phẫn nộ trong xã hội nhưng bù lại giúp dân chúng có nhà ở mới, có cơ hội tìm việc làm cùng các dịch vụ y tế và giáo dục trong thành phố mà nông thôn không cung cấp được. Canh tác ở dưới quê cũng được hữu hiệu hóa vì đất nông nghiệp không còn bị chia thành manh múm. 

Nếu so sánh với Việt Nam tham nhũng cướp nhà dân để xây khu đất công nghiệp hay du lịch khiến dân oan phẫn uất nhưng bù lại GDP tăng trưởng (cho dù giàu nghèo vô cùng chênh lệch) nhờ cơ hội đầu tư mới.

2. Thị trường địa ốc và giá đất tăng nhanh trở lại khi nhà nước giải quyết được các khu phố ma không người ở. Các địa phương và công ty quốc doanh trước đây kiếm tiền hay mượn tiền nhờ sở hữu đất đai (gọi là của toàn dân) nên khi giá đất hạ sinh ngập nợ, nay giá đất tăng tuy nợ không giảm nhưng tỷ lệ nợ xuống đến tầm mức có thể kiểm soát được.

3. Chỉ tiêu cho các địa phương trước đây chỉ nhắm vào tăng trưởng nay kèm theo đánh giá tín dụng (để địa phương bớt đầu tư lãng phí) lẫn đo lường mức độ “hạnh phúc” của quần chúng (qua số lần biểu tình hay theo dõi các phát biểu trên Internet.) Các địa phương một mặt ngả theo phe Tập (để được giảm tội) nhưng đồng thời bớt làm bậy (để dân chúng bớt phẫn nộ.) Bù lại Bắc Kinh nhắm mắt cho địa phương đe dọa các phong trào quần chúng để không nổi lên quá trớn. 

4. Nợ xấu bớt đi nên thị trường tài chính tái ổn định. Nhà nước cấp vốn và ra lệnh các ngân hàng mạnh sát nhập những ngân hàng yếu kém nhằm kiểm soát không cho vay bừa bãi như trước, một mặt che dấu các khoảng nợ của công ty quốc doanh nhưng đồng thời ép buộc những công ty này phải canh tân hóa. Biện pháp nói trên tuy trái với nguyên tắc đào thải của thị trường tự do nhưng hữu hiệu vì củng cố hệ thống ngân hàng và khôi phục niềm tin trong dân chúng mà không sinh hỗn loạn.

5. Nhà nước đầu tư xây xa lộ, phi trường, xe lửa và internet nối liền các thành phố nhỏ. Các địa phương chiêu dụ công ty về nhờ giá nhân công hạ, đất rẻ và hạ tầng đầy đủ so với Bắc Kinh, Thượng Hải v.v…

6. Khi dân chúng có nhà ở và việc làm thì tiêu xài rộng rãi. Trái với liều thuốc của nhiều kinh tế gia Tây Phương là nền kinh tế Trung Quốc phải giảm đầu tư mà tăng tiêu thụ, Bắc Kinh tăng đầu tư để thúc đẩy tiêu thụ và tăng trưởng kinh tế.

 

Ở Mỹ và Âu Châu giải quyết khủng hoảng phần lớn chỉ qua biện pháp tiền tệ (monetary policy – in tiền và hạ thấp tín dụng) của Ngân Hàng Trung Ương thay vì phối hợp nhịp nhàng với ngân sách nhà nước (fiscal policy – đầu tư hạ tầng để kích cầu) vì giữa Hành Pháp và Quốc Hội (Mỹ) hay giữa Bắc và Nam Âu (Âu Châu) cãi nhau chí choé. Trong khi đó ở Trung Quốc đảng Cộng Sản toàn trị đạo diễn cả ngân sách lẫn tiền tệ từ trung ương đến địa phương, cho dù sinh nhiều bất cập nhưng so ra vẫn hữu hiệu hơn Âu-Mỹ. 

Điều này cũng giống như đối phó với đại dịch Vũ Hán, ở Trung Quốc tuy tàn nhẫn nhưng hiệu quả so với tình trạng hỗn loạn của Anh-Mỹ.

Churchill đã nhận xét “Dân chủ tồi tệ hơn cả, duy chỉ một điều là các hệ thống chính trị khác đều được thử qua và thất bại.” Khi dân chủ hỗn loạn thì dân chúng mơ ước mẫu người hùng hay minh quân trị nước. Nhưng lịch sử cho thấy các triều đại đều bắt đầu với minh quân và kết thúc bằng bạo chúa.

Nước Tàu hiện có minh-bạo-chúa! Báo chí Trung Quốc hay nhắc rằng mỗi triều đại thường kéo dài 150-200 năm, tức là đảng Cộng Sản chỉ mới đi nửa đoạn đường (so với nền dân chủ Hoa Kỳ nay già cỗi sau 240 năm). Bài sau sẽ phân tích về những ưu và khuyết điểm của mô hình Tư Bản Nhà Nước ở Trung Quốc.

 

   

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Tìm hiểu kinh tế Trung Quốc- Chương 6: Tham nhũng và tăng trưởng

Do Van Tien

VNTB – Mất cân bằng trong kinh tế toàn cầu: tại sao Mác vẫn chưa chết?

Phan Thanh Hung

VNTB – Kinh Tế Dễ Hiểu: Tiền Đô La Mỹ (Chương 8)

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.