Hàn Giang
(VNTB) – “Tất cả cũng hơn mười mấy lần, nặng nhất là lần bị đánh cuối năm 2013 tôi bị đánh gẫy ba cái xương sườn lúc ấy có chị Bùi Hằng chứng kiến vì đi đòi tài sản cho bà con dân tộc Hmông nên bị chúng nó bắt và đánh“
Không một điều luật nào quy định yêu quê hương đất nước, yêu giống nòi dân tộc là vi phạm. Thế nhưng, điều này đang xảy ra đặc biệt là đối với một số người hoạt động dân sự, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam. Họ bày tỏ sự phẫn nộ khi lãnh hải lãnh thổ của quốc gia bị ngoại bang xâm phạm, họ lên tiếng cho vấn đề ô nhiễm môi trường và bất công xã hội nhưng lại bị những người thừa hành pháp luật cho những việc làm này là vi phạm pháp luật nên đã ra tay bắt bớ, đánh đập hoặc gây khó khăn, cản trở trong lúc bày tỏ quan điểm, chính kiến…
Bị bắt bớ, đánh đập vì lên tiếng bảo vệ môi trường…
Tháng 04/2016, một tại họa ập xuống đầu người dân Việt Nam nói chung và người dân ở các tỉnh miền Trung nói riêng đó là hiện tượng hải sản chết hàng loạt hay còn gọi là thảm họa Hưng Nghiệp Formosa. Ban đầu, thảm họa xảy ra ở Vũng Áng tỉnh Hà Tĩnh và sau đó lan rộng ra ở các tỉnh ven biển miền Trung từ Hà Tĩnh cho đến Thừa Thiên Huế, con số ước chừng có khoảng hơn 300 tấn hải sản các loại bị chết, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 200.000 người dân, trong đó có 41.000 ngư dân do Chính phủ Việt Nam thống kê.
Ngày 30/06/2016, Chính phủ Việt Nam tổ chức họp báo, công bố nguyên nhân cá chết là do chất thải gây ô nhiễm từ Công ty Hưng Nghiệp Formosa có trụ sở tại Vũng Áng thải ra biển có nồng độ độc hại vượt mức cho phép.
Phẫn nộ trước thảm họa, người dân Việt Nam ở các tỉnh, thành từ Bắc xuống Nam đã xuống đường biểu tình hàng loạt và kéo dài cho đến hiện tại là tháng 03/2017 vẫn chưa chấm dứt, khẩu hiệu người biểu tình đưa ra là yêu cầu Hưng Nghiệp Formosa đền bù thỏa đáng cho người dân và rời khỏi Việt Nam.
Ngày 05/03/2017, một cuộc tổng biểu tình nổ ra đồng loạt ở nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam như; Sài Gòn, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nha Trang, Đồng Nai, Buôn Mê Thuột… Con số ước chừng có đến hàng ngàn người tham gia và cũng với yêu cầu chính yếu là Hưng Nghiệp Formosa phải đền bù thỏa đáng cho người dân và rời khỏi Việt Nam.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là nhiều cuộc biểu tình nổ ra đã bị lực lượng chính quyền ra tay trấn dẹp, rất nhiều người tham gia biểu tình bị bắt bớ, đưa về các đồn công an xử lý đã tố cáo lên công luận là mình bị công an đánh đập và ép ký nhận tội gây rối trật tự công cộng.
Một trường hợp mới đây nhất là anh Thái Sơn, một người tham gia biểu tình ở Sài Gòn vào ngày 05/03/2017 vừa qua đã cho Việt Nam Thời Báo được biết, anh bị lực lượng chính quyền bắt đưa về sân vận động Tao Đàn, sau đó di chuyển qua đồn công an phường Bến Nghé ở Quận 1 làm việc, quá trình làm việc anh Sơn nói mình bị những kẻ mặc thường đánh đập rất thô bạo cho đến đổ máu.
“Hôm ấy tôi có mặc bộ đồ lính xuống đường biểu tình, an ninh đã bắt tôi, đè đầu tôi xuống gầm xe buýt và đánh tới tập vào đầu tôi, đánh đập tôi đổ máu. Khi họ đưa tôi vào sân vận động Tao Đàn, họ cho nhiều người làm việc bắt tôi nhận sai nhưng tôi không nhận sai. Đến chiều họ đưa tôi vào phường Bến Nghé, với đủ chiêu trò bắt tôi lấy lời khai nhưng tôi không chấp nhận. Họ đã đánh đập tôi, đánh vào đầu tôi.“
Anh Thái Sơn với vết thương trên mặt trong một lần bị hành hung (ảnh: Facebook ThaiSon Ly)
Cũng như nhiều người lên tiếng từ trước đến nay, anh Sơn có lý do để khẳng định những người ra tay đánh đập mình thô bạo là những công an, an ninh mặc thường phục và không khai tên tuổi khi làm việc với dân.
“Những người đó họ đều ở trong đồn công an phường Bến Nghé, không lẽ côn đồ hoặc ai vào trong đó được? Mặc dù là họ bận đồ dân sự những họ là những công an, không có khai tên tuổi và cũng như không đeo thẻ bảng tên nên mình không biết họ là ai.”
Theo như thông tin từ các trang Facebook lan tải, anh Sơn bị bắt vào sáng ngày 05/03 nhưng phải đến khuya ngày 06/03/2017 mới được thả ra. Trước khi được thả ra, anh Sơn cho biết mình còn bị đánh thêm một trận nữa cũng tại đồn công an phường Bến Nghé. Anh Sơn nói:
“Trước khi họ thả tôi ra họ vừa tát vào mặt tôi và vừa xối nước vào mặt tôi để xóa vết máu vì mặt tôi toàn máu.”
Anh Sơn hay nhiều người hoạt động dân sự, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam thừa biết việc bị lực lượng chính quyền nói chung bắt bớ, đánh đập không chỉ vì xuống đường lên tiếng cho vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn đề môi sinh mà ngay cả việc xuống đường lên tiếng cho vấn đề lãnh hải lãnh thổ đang bị ngoại bang chủ yếu là bành trướng Bắc Kinh xâm phạm cũng bị bắt bớ, bị đánh đập thô bạo không kém.
Anh Trương Văn Dũng, một gương mặt nhiệt tình có mặt trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội đã cho Việt Nam Thời Báo biết là có khoảng gần mười lần anh xuống đường là bị bắt bớ, đánh đập.
“Nếu tính riêng những lần biểu tình chống Trung Quốc bị đánh thì cũng gần mười lần nhưng tính chung tất cả lần đánh khác là 14 lần nặng, nhẹ“
Anh Trương Văn Dũng bị thương trong một lần bị những kẻ mặc thường phục hành hung (ảnh: Blog Nguyễn Tường Thụy)
Anh Dũng cho biết là nếu tính luôn những lần bị đánh đập vì xuống đường cho các vấn đề môi sinh, dân sinh, dân chủ và chống bất công xã hội thì cũng hơn mười lần, trong đó có lần nặng nhất là bị đánh gãy đốt xương sườn.
“Tất cả cũng hơn mười mấy lần, nặng nhất là lần bị đánh cuối năm 2013 tôi bị đánh gẫy ba cái xương sườn lúc ấy có chị Bùi Hằng chứng kiến vì đi đòi tài sản cho bà con dân tộc Hmông nên bị chúng nó bắt và đánh“
Yêu nước, yêu giống nòi là vi phạm pháp luật…?
Một điểm chung cho trường hợp anh Dũng ở Hà Nội, anh Sơn ở Sài Gòn và nhiều người xuống đường ở các tỉnh, thành khác là khi bị bắt về đồn công an rồi sau đó phía công an lập biên bản xử phạt hành chính cho là các hoạt động của mọi người đang thực hiện đã phạm tội gây rối trật tự nơi công cộng hoặc nặng hơn một chút là quy vào tội lợi dụng tự do dân chủ theo Điều 258 Bộ luật hình sự. Có không ít người xuống đường biểu tình bị kết án tù vì bị cơ quan công an cáo buộc phạm vào Điều 258 Bộ luật hình sự.
“Họ ghép tội vi phạm hành chính nào là gây rối trật tự nhưng tôi không khai, không nhận“- lời của anh Sơn.
Anh Sơn kết thúc những chia sẻ với Việt Nam Thời Báo bằng những lời quyết tâm đi đến cùng con đường đấu tranh mà mình đã chọn chứ không nản chí.
“Tôi nghĩ là mình bị bắt bớ, bị đánh nhưng tôi vẫn xuống đường để cùng mọi người phản đối Formosa xả thải ra môi trường“
“Tôi sẽ không nản chí cho dù sẽ phải chết chứ không nản chí“
Trong khi đó, anh Trương Văn Dũng lại cho Việt Nam Thời Báo thấy là một sự phản kháng mạnh mẽ, những kẻ đã mạnh tay bắt bớ, đánh đập anh và người dân mà không đánh những kẻ ngoại bang xâm phạm lãnh hải lãnh thổ Việt Nam là vì lý do gì. Anh Dũng kết lời, việc anh và người dân bị đánh trong những lần xuống đường biểu tình chống Trung Quốc đã nói lên một điều:
“Điều này họ sợ ảnh hưởng đến chế độ của họ nên thành thử ra họ có những cách hành xử phải nói là hết sức côn đồ, không riêng họ đánh mình tôi mà còn đe dọa với những người xung quanh nữa.“
Anh Sơn bị đánh đập vì xuống đường lên tiếng cho vấn đề môi trường bị ô nhiễm, anh Dũng bị đánh vì xuống đường lên tiếng cho vấn đề lãnh hải lãnh thổ bị ngoại bang xâm phạm, hai nhân vật mà Việt Nam Thời Báo chọn để nói chung cho hoàn cảnh hàng trăm, hàng ngàn người dân Việt Nam đã và đang xuống đường liệu có đúng là họ đang gây rối trật tự nơi công cộng hoặc lợi dụng tự do dân chủ hay không? Họ làm những công việc như đã nêu trên là vì mưu cầu lợi ích cá nhân hay nó cũng vì lợi ích chung cho toàn dân, toàn xã hội? Nếu không vì một tình yêu quê hương đất nước, yêu giống nòi dân tộc thì liệu họ có mạnh mẽ dấn thân cho những quyết định gian khổ và hiểm nguy đã chọn? Và cuối cùng là có Điều luật nào quy định tội yêu quê hương đất nước, yêu giống nòi dân tộc là phải bị bắt bớ, bị đánh đập và tù đày?
Một nỗi buồn trên quê hương Việt Nam…