Nguyễn Đình Ấm
(VNTB) – Có thể khẳng định thành tích của hầu hết quan chức doanh nghiệp, cơ quan nhà nước là rởm.
Lâu nay, nhiều quan chức từ dân sự đến quân đội,công an khi ra toà đều nêu mình có nhiều thành tích để giảm tội. Ông Nguyễn Văn Hiến, thứ trưởng bộ Quốc phòng, tại tòa kêu: “Công lao, huân, huy chương của tôi rất nhiều” rồi xin tòa cho mình tại ngoại.
Thường thường các quan tòa “cùng hội, cùng thuyền” hoặc nể, sợ quan chức nên cũng mách nước, lấy cớ đó mà giảm tội cho họ. Thẩm phán Trương Việt Toàn khi xử dân Đồng Tâm, anh Lê Đình Công mặt đầy thương tích kêu bị điều tra viên đánh “mười ngày như một” nhưng không xem xét. Thế mà mãn vụ xử Nguyễn Đức Chung ông Toàn hạ mình xuống bá vai, bắt tay như “xin thông cảm” vì ông Chung chức to, quyền cao, cơ man thành tích…
Quả thực, đã là quan chức, lãnh đạo một cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thì anh, chị nào cũng bộn giấy, bằng khen, huân, huy chương…
Tôi công tác ở cơ quan báo chí hơn 30 năm, ở, biết rất nhiều cơ quan, đơn vị, chứng kiến hàng nghìn buổi bình bầu thi đua của cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Quy trình bình bầu thi đua là thế này: Họp đảng, chính quyền, công đoàn, phụ nữ, thanh niên…bình bầu. Đầu tiên là tiết mục giới thiệu người có thành tích ở cỡ nào (tiên tiến, xuất sắc,giấy, bằng khen, huân, huy chương của ngành, chính phủ…). Những phút đầu thường khá im ắng do mọi người tính toán xem giới thiệu những ai để khỏi được lòng người nọ mất lòng người kia. Đến khi có một người “nổ súng” thì bắt đầu sôi nổi.
Tất nhiên không ai giới thiệu tất cả cơ quan, đơn vị đều có thành tích. Lập tức những người còn lại thấy mình, người thân không được giới thiệu thì “tức khí”, hoặc để lấy lòng người giới thiệu mình bổ sung ngay. Người thứ ba “bổ sung” tiếp và cuối cùng thì gần như cả cơ quan được giới thiệu. Người này, người nọ giới thiệu người nọ, kia, có thể lần này, lần khác thay đổi nhưng với lãnh đạo cơ quan, đơn vị thì không bao giờ thay đổi.
Lãnh đạo luôn được giới thiệu có thành tích ở mức cao nhất dù sếp có thành quả gì nổi bật hay không. Ở đơn vị, cơ quan nhà nước trừ những người “hâm, dở” không xu nịnh lãnh đạo đã là “dũng cảm” nói chi đến việc không giới thiệu, bàu hoặc phản đối thành tích của sếp- người quyết định tương lai mình. Vì thế, đến mùa tổng kết, thi đua, lãnh đạo đơn vị, cơ quan chồng chất thành tích: Ở cơ quan đảng, chính quyền, thanh niên, phụ nữ, công đoàn…đều gán cho lãnh đạo đủ loại thành tích các cỡ. Có những lãnh đạo không được phân công trách nhiệm,chẳng có vai trò gì trong lĩnh vực nào đó nhưng họ cũng gán cho sếp thành tích nọ, kia làm người có liêm sỉ phải xấu hổ.
Có chuyện lạ ở cục hàng không VN vào “mùa” tổng kết thành tích cách nay hơn chục năm. Các hội nghị thi đua văn phòng cục cũng giới thiệu gán không thiếu thứ thành tích gì cho cục trưởng hàng không kiêm thứ trưởng bộ Giao thông Nguyễn Tiến Sâm (đã mất). Khi biên bản bầu đưa lên báo cáo, cục trưởng Sâm một người thẳng thắn ném tờ giấy và chửi tục người trình vì tội gán cho anh cả thành tích mảng “sinh đẻ có kế hoạch” như với ông Võ Nguyên Giáp.
– Tao có thành tích đ. gì cái này mà ghi vào đây!
Do kiểu nể nang, nịnh bợ như thế nên hầu hết số người trong các cơ quan, đơn vị nhà nước là có danh hiệu thành tích y như các lớp học tiểu, trung học cơ sở, cả lớp là học sinh tiên tiến, xuất xắc, dù có cháu lớp 6 mà chưa biết chữ.
Trên thực tế, với doanh nghiệp, cơ quan nhà nước không bao giờ sợ khó khăn, lỗ lã, phá sản, đơn vị cứ hoạt động theo guồng máy sẵn có nên lãnh đạo chủ yếu phán xét, ký giấy tờ, hưởng lộc, rất nhàn hạ. Nếu doanh nghiệp, cơ quan lỗ lã thì do khách quan, thiên tại, ngược lại là do lãnh đạo tài giỏi…Chính vì thế mà cấp trên phân công bất cứ ai giữ chức vụ,thuộc ngành nghề gì cũng “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Thời ông Đinh La Thăng làm bộ trưởng Bộ Giao thông bổ nhiệm 3 người cỡ trưởng phòng, ban là người thân, con cháu của các chóp bu làm phó tổng giám đốc hai sân bay lớn nhất Nội Bài, Tân Sơn Nhất, nhổ toẹt việc quy hoạch cán bộ xưa nay ở ngành mà ai cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Một anh có vợ là người thân của chóp bu đương chức còn lên chức cỡ “tóp” trong ngành hàng không.
Đã có chức quyền là có “tiếng, miếng” đủ đầy . Điều này giải thích tại sao rất nhiều quan chức mới nhân bằng khen, huân, huy chương các cỡ thì đã phải hầu tòa như các đồng chí Nguyễn Văn Hiến, Nguyễn Đức Chung, Trịnh Xuân Thanh…
Việc “phổ cập” thành tích cho quan chức cũng nhiều khi làm cho các đồng chí lãnh đạo trao thành tích nhầm bị “việt vị” để dư luận đàm tiếu, bôi bác oan. Rất nhiều người vừa được VIP biểu dương, khen thưởng xong thì bị kỷ luật, bắt giam…
Có thể khẳng định thành tích của hầu hết quan chức doanh nghiệp, cơ quan nhà nước là rởm.
1 comment
“Đã có chức quyền là có “tiếng, miếng” đủ đầy … Có thể khẳng định thành tích của hầu hết quan chức doanh nghiệp, cơ quan nhà nước là rởm”
Hồi tướng Nguyễn Trọng Vĩnh về với Bác Hồ ở chỗ Các Mác-Lê Nin, trí thức nhà mình viết ai còn xem mình là người Việt đều kính trọng tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, vì ông đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Đảng . Đọc xong, tự nhiên muốn mình không là người Việt . Công nhận trí thức nhà mình đòi hỏi người Việt những điều quá sức & quá mức tưởng tượng . Nhiều lần muốn làm dân khác cho nó phẻ . Làm người Việt phải kính trọng đảng viên Đảng Cộng Sản, kinh bỏ mịa lên được .