Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thế giới toàn cầu hoá mới ảnh hưởng đến ĐCSVN ra sao? (bài 20)*

Đan Tâm 

(VNTB) – Các nước văn minh đang lấy “Hệ sinh thái Internet và Trí tuệ Nhân tạo”mới” cho công việc và cuộc sống làm phương tiện để thực hiện “Kinh tế Trọng tâm vì con người” chứ không phải vì sự tồn tại của thể chế hay đảng phái. 

Bài 20: Đặc tính của Thế Giới Toàn Cầu Hóa Mới từ năm 2020

Theo tác giả Đoàn Hưng Quốc của VNTB (https://vietnamthoibao.org/vntb-buoc-thoai-trao-dan-chu-toan-cau/) thì trong vòng 4 năm cuối 2015-2019 của kỷ nguyên tòan cấu hóa cũ, trào lưu dân tộc chủ nghĩa và dân túy cánh hữu đồng loạt nở rộ nắm các chính quyền dân cử từ Đông sang Tây, do bởi:

 1. Toàn cầu hóa cũ và điện toán hóa dây chuyền sản xuất đã tạo ra hố sâu giàu nghèo giữa một bên là giới trung lưu cấp thấp và công nhân thợ thuyền đánh mất công ăn việc làm khi công ăn việc làm được tự động hóa hay các nhà máy hãng xưởng di dời sang Á Châu. Và bên kia gồm những chuyên viên sống trong các đô thị lớn miền duyên hải cùng giới tinh hoa ưu tú (elite) hưởng lợi lộc nhờ vào kiến thức chuyên môn và thương mại toàn cầu. 

2. Trật tự thế giới tự do (liberal world order) do Mỹ lãnh đạo từ sau Chiến Tranh Lạnh bị hai lần tổn thương khi Hoa Kỳ sa lầy thảm hại trong cuộc chiến Việt Nam và cuộc chiến Iraq, rồi sau đó mô hình phát triển kiểu Mỹ (Washington consensus) làm bùng nổ khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 do thiếu kiểm soát thị trường tự do.

Đương kiêm TT Mỹ, Donald Trump và một số đông dân chúng Mỹ ngày nay phản đối khuynh hướng quốc tế hóa (internationalism), chống lại việc Mỹ làm sen đầm quốc tế (interventionalism) trước đây, và chống các hợp tác quốc tế như NATO, WTO và TPP nếu bất lợi cho Hoa Kỳ. Trump cũng còn ủng hộ Brexit của Anh và cùng Đông Âu chống EU và Brussel độc đoán. Các phong trào dân túy ở Nam Âu giận dữ đòi tách ly ra khỏi khu vực Eurozone để không bị nước Đức chèn ép.

3. Đại chúng hóa thông tin nhờ điện thoại cầm tay và mạng xã hội đã làm thay đổi sinh hoạt của nhân loại. Những nước như Hoa Kỳ trước đây tự do nhưng sự chọn lựa được gạn lọc chỉ trong hai hay ba quan điểm bởi giới tinh hoa như chống hay theo Walter Cronkite (đài CBS) trong chiến tranh Việt Nam và chống hay ủng hộ Martin Luther King về phong trào Dân Quyền (Civil Rights). Ngày nay ai ghét Trump thì nghe CNN; thân Trump cứ theo dõi Fox News; không thích xem Tivi lại lấy tin tức từ Facebook hay YouTube; không muốn đọc báo Mỹ cứ chọn The Economist (Anh) hay Sputnik News (Nga).

Nền dân chủ thật khó sinh hoạt trong khung cảnh ồn ào hỗn loạn (cacophony) khi đám đông tụ họp lại theo nền chính trị bản sắc (identity politics – bản sắc nơi đây không giới hạn vào màu da, giới tính mà gồm những người cùng chia xẻ một quan điểm bảo thủ hay cấp tiến) để loại trừ (cancel culture) lẫn nhau mà không thể nào đạt đến sự tương nhượng và đồng thuận.

Cách mạng công nghệ 4.0

Sự xuất hiện của cách mạng công nghiệp 4.0 và AI đang mở ra những khả năng phát triển hoàn toàn mới, cho phép giải quyết ngày càng hiệu quả hơn những mâu thuẫn hay những vấn đề (dù là do con người hay do thiên tai, hoặc do các yếu tố trong tự nhiên khác) đang thách thức cuộc sống của con người nói chung và của mỗi quốc gia nói riêng.

Trong thế giới hôm nay, một quốc gia có thể chế chính trị và có con người làm chủ được những tiến bộ và thành tựu mới này của văn minh nhân loại, sẽ luôn luôn giành được những thành tựu phát triển mới, sẽ có khả năng tốt hơn để thăng tiến và đồng thời có thể dấn thân cao hơn cho sự tiến bộ chung của cộng đồng các quốc gia.

Đảng CSVN không có khả năng thích ứng với tiến bộ nầy, bằng chứng là 30 năm qua họ đã làm cho VN phát triển không bền vững (unsustainable development), nếu không muốn nói là “phát triển bệnh hoạn” (ill development). Chính vì lý do đó mà đảng CSVN phải chịu thêm nguy cơ tụt hậu nầy. 

Cấu trúc tổng thể và toàn diện cho quá trình toàn cầu hóa mới về kinh tế thế giới hiện nay đang đặt ra cho mọi quốc gia những thách thức hoàn toàn mới, đòi hỏi mỗi quốc gia và mọi công dân của nó phải thay đổi toàn diện để tạo ra cho mình khả năng thích nghi mới và khả năng phát triển mới trong thế giới thời hậu dịch bệnh Covid-19.

Hơn nữa, Thực tế này đòi hỏi mỗi quốc gia phải tăng cường hơn bao giờ hết sức mạnh nội trị làm nền tảng gốc trên cơ sở ra sức phát huy sức mạnh của thể chế chính trị dân chủ – và đặc biệt là phát huy vai trò con người của quốc gia mình, để quốc gia có đủ trí tuệ, khả năng, bản lĩnh và thực lực ứng phó có hiệu quả với mọi tác động của những yếu tố bên ngoài chẳng hạn như đại dịch Covid-19.

Vì vậy phát huy thể chế chính trị dân chủ để phát huy được ở mức cao nhất vai trò con người (bao gồm 2 vế là thực thi quyền con người – human right, và nâng cao quyền năng của con người – people empowerment) là con đường tạo ra sức mạnh cốt lõi của mỗi quốc gia, nhưng lại là nguy cơ lớn lao cho thể chế độc tài toàn trị Xã Hội Chủ Nghĩa (XHCN).

Giới tinh hoa hồng hơn chuyên

Trách nhiệm nặng nề xây dựng nên một thể chế chính trị như vậy cho quốc gia trước hết đặt lên vai giới tinh hoa và giới trí thức của quốc gia, thông qua những cuộc vận động xã hội khai dân trí và những cải cách chính trị – kinh tế phù hợp. Trong toàn bộ quá trình vận động này, lấy phát triển kinh tế bền vững và những tiến bộ đạt được trong cải thiện và nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của đông đảo các tầng lớp nhân dân làm động lực thực hiện công cuộc cải cách để phát triển.

Cụ thể hơn, đây là quá trình vận dụng những kiến thức và khả năng mới nhất của thành tựu văn minh nhân loại hôm nay cho xây dựng và phát triển hệ thống rường cột quốc gia – bao gồm kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự – thích nghi được và theo kịp những đòi hỏi mới của thế giới thời hậu đại dịch Covid-19. Lấy thực hiện công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình làm nguyên tắc cho mọi hoạt động kinh tế, chính trị và xã hội của đời sống đất nước.

Quán tính của cộng sản nói chung và đảng CSVN nói riêng không đủ điều kiện trí tuệ, tầm nhìn, tư duy và nhân sự để thực hiện chiến lược nầy, bởi lẻ sách lược XHCN cứng ngắt và không thể thay đổi, kèm theo là việc ĐCSVN xem cải cách là chướng ngại của XHCN. Trong thế giới mở của thời đại thông tin hôm nay, các nước đang phát triển có nhiều điều kiện hơn bao giờ hết để thực hiện sự thay đổi mang tính đổi đời cho quốc gia mình, để tạo ra sức mạnh cốt lõi như vừa trình bầy trên.

Nhưng điều kiện đầu tiên là giới tinh hoa và trí thức của quốc gia phải ý thức được sức mạnh cốt lõi nhất thiết phải xây dựng này và có ý chí theo đuổi và thực hiện. Nhưng đảng CSVN lại không thể đáp ứng điều kiện nầy vì suốt 70 năm qua họ đã điều kiện hóa đảng viên và bộ máy công quyền thành tập đoàn “hồng hơn chuyên”!

Covid-19

Đại dịch Vũ Hán 2019 đã làm cho mặt nạ của ĐCSTQ rách nát và làm lộ ra rất nhiều yếu kém của tất cả mọi quốc gia, của những cách thức thế giới vận hành theo toàn cầu hóa cũ, của những định chế và tổ chức quốc tế vốn đã lỗi thời và kém hiệu quả trong một thế giới toàn ngày càng minh bạch và hổ tương nhau nhiều hơn. Minh chứng là virus Covid-19 (Sars-Cov-2) đã lan tỏa ra khắp thế giới trong thời gian cực ngắn từ một chấm nhỏ không được xử lý tốt ở Vũ Hán tại TC.

Trong lịch sử mà con người ghi nhận được trên thế giới, chưa từng có một trận dịch nào hoặc sự lây lan vấn đề nào đó có tốc độ khủng khiếp như dịch Covid-19. Virus không quan tâm đến ý muốn chủ quan của con người, nó chỉ dựa vào thực tế môi trường liên kết của con người đã phẳng và ngày càng phẳng hơn để thúc đẩy sự tiến hóa hiệu quả cho chính con virus.

Đại dịch COVID-19 đã dạy cho các nhà lãnh đạo thế giới bài học về tinh thần hợp tác quốc tế để tránh những tai họa chung của loài người. Những trường hợp khẩn cấp xảy ra trên thế giới trong tương lai có thể được thu xếp, quản lý khéo léo, dễ dàng hơn cho mục tiêu  toàn cầu hóa mới. Toàn cầu hóa mới là một xu thế theo quy luật phát triển xã hội tự nhiên nên sẽ không phụ thuộc vào ý muốn của người này người kia, quốc gia này hay quốc gia nọ.

Nước Mỹ đang đi đầu trong việc thúc đẩy những cách thức để giải quyết các trục trặc của thế giới, làm cho sự vận hành toàn cầu hóa mới tốt hơn 30 năm toàn cầu hóa cũ trước đây. Rút bớt chuỗi sản xuất ra khỏi TC, chuyển đến Mỹ hoặc các nước khác là một cách đúng đắn và lành mạnh để làm cho thế giới toàn cầu hóa bớt lệ thuộc nguy hiểm vào Trung Cộng để chuỗi cung ứng của thế giới cân bằng và công bằng hơn.

Trung Cộng đã khai thác quá nhiều yếu kém của các định chế toàn cầu hóa cũ để tạo ra lợi thế cho mình và sử dụng lợi thế đó một cách nguy hiểm cho hòa bình thế giới, cho sự tôn trọng và bảo vệ Nhân Quyền kể cả quyền con người cho nhân dân Trung Quốc. Tinh thần bài Trung đúng đắn là không phải nhằm vào người Trung Quốc hay nước TQ, mà là bài bác cách hành xử không thượng tôn trọng Nhân Quyền, đạo đức giả, nói một đàng làm một nẻo, chủ nghĩa dân tộc cực đoan thúc đẩy tham vọng bá quyền, bắt nạt nước nhỏ, độc tài giả dối và bưng bít sự thật của ĐCSTQ – những thứ mà nhà cầm quyền cộng sản Trung Cộng không chỉ nuôi dưỡng trong nước mình mà còn nỗ lực “xuất khẩu” chúng ra khắp thế giới để có được một môi trường toàn cầu hóa theo ý muốn của ĐCSTQ.

Đáng sợ là họ đã phần nào làm được như vậy nhờ vào tiềm lực kinh tế khổng lồ và từ sự lao động miệt mài của hơn 1 tỷ dân Trung Cộng mấy mươi năm qua. Các “giá trị” mà họ cổ súy không chỉ ảnh hưởng đến các nước nghèo, độc tài và tham nhũng mà còn len lỏi đến một số nơi ở Châu Âu và cả ở Mỹ.

Nếu không có sự đi đầu dũng cảm của Mỹ khi quay ngược chiều chính sách Nixon-Kissinger đối với ĐCSTQ kể từ năm 2020 nầy thì có lẽ sự lây lan của “dịch độc tài” đã lan rộng hơn rất nhiều do ĐCSTQ khai thác hệ thống toàn cầu hóa cũ. Giờ thì nạn dịch “XHCN mang màu  sắc TQ” này bị dịch Covid-19 giáng cho một đòn chí tử.

Cuộc điều tra quốc tế độc lập về Covid-19 sẽ còn mất nhiều thời gian, sẽ dẫn đến cáo buộc chính thức của nhiều chính phủ sẽ đủ để thế giới “giãn cách thương mại” với TC, không chỉ cấp quốc gia mà cả ở cấp độ cá nhân. Người ta trên khắp thế giới sẽ giảm tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ TC. Khi mức độ giảm chỉ cần đến 20% thôi thì người dân Trung Quốc sẽ có thái độ chống  đối ĐCSTQ mạnh mẽ hơn. Đây là cách sử dụng phương tiện hòa bình để tháo ngòi nổ chiến tranh theo quy luật hòa bình. 

Đọ sức giữa tự do và độc tài

Một đặc tính nữa của kỷ nguyên toàn cầu hóa mới từ năm 2020 nầy là cuộc đọ sức giữa tự do và độc tài mà quân đội Mỹ đã sẵn sàng đọ sức giữa hai thể chế, theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Ngày 24/08/2020, trong một bài viết của mình đăng trên Wall Street Journal,

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper bày tỏ, thế giới đã bước vào kỷ nguyên mới của cuộc chạy đua vũ trang của hai thể chế, một bên là trật tự quốc tế tự do và cởi mở của phương Tây, một bên là thể chế độc tài của chính quyền đảng Cộng sản Trung Cộng (tiêu đề tiếng Anh: The Pentagon Is Prepared for China. The PLA serves Beijing’s authoritarian goals. The U.S. and our allies are ready to defend every front).

Ông Esper viết rằng, ngày 01/08/2020, khi ĐCSTQ kỷ niệm 93 năm ngày thành lập “giải phóng quân”, ông Tập Cận Bình – Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ, một lần nữa kêu gọi phát triển quân đội ĐCSTQ thành quân đội hàng đầu thế giới và có khả năng thúc đẩy hơn nữa các chương trình nghị sự của ĐCSTQ ở nước ngoài. Quân đội ĐCSTQ tuyên bố công khai rằng đến năm 2035 họ sẽ hoàn thành hiện đại hóa quân đội, đến năm 2049 xây dựng thành công quân đội đứng đầu thế giới.

Kế hoạch hiện đại hóa toàn diện của nó bao gồm một kho súng ống đạn dược cùng tên lửa đạn đạo lớn mạnh, một tập hợp các năng lực tác chiến điện tử, không gian và mạng lưới internet tiên tiến. Nó cũng bao gồm việc triển khai trí thông minh nhân tạo để tăng cường kiểm soát độc tài đối với người dân TC. “Bài phát biểu của ông ấy (Tập Cận Bình) đã nhắc nhở chúng ta một cách rõ ràng rằng chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên mới của cuộc cạnh tranh toàn cầu giữa một trật tự quốc tế tự do và cởi mở với thể chế độc tài của Bắc Kinh, ông Esper viết.

Bài báo nói rằng quân đội ĐCSTQ không phụng sự đất nước giống như quân đội Hoa Kỳ, càng không nói đến chuyện phục vụ Hiến pháp, mà nó chỉ chuyên phục vụ ĐCSTQ. Một đội quân hùng mạnh sẽ giúp ĐCSTQ hiện thực hóa tham vọng đẩy hệ thống quốc tế ngả về phía TC. Đó là một hệ thống quốc tế với các chính sách kinh tế và ngoại giao bất lợi đối với lợi ích của Hoa Kỳ và các nước đồng minh của Mỹ.

Bài viết nói rằng, thế giới (phương Tây) phải bắt tay nghiên cứu về việc hiện đại hóa quân đội của ĐCSTQ và làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó và kiềm chế nó — giống như Hoa Kỳ và phương Tây đã nghiên cứu và ứng phó với các lực lượng vũ trang của Liên Xô trong nửa sau của thế kỷ 20. Vì vậy, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ phải đưa ra phản ứng toàn diện với ĐCSTQ. Bài viết nói rằng việc ĐCSTQ nhấn mạnh vào việc tiến hành nhồi sọ tư tưởng, hiện đại hóa và tăng cường kiểm soát đối với quân đội cho thấy rằng người lãnh đạo ĐCSTQ coi quân đội là cốt lõi để thực hiện mục tiêu của họ.

Mục tiêu quan trọng nhất trong số những mục tiêu này là định hình lại trật tự quốc tế, phá hoại các quy tắc đã được thừa nhận trên toàn cầu, đồng thời bình thường hóa chủ nghĩa độc tài, và giúp ĐCSTQ ép buộc các nước khác phải đáp ứng điều kiện của TC và phá hoại chủ quyền của các nước khác. Những hành động này của ĐCSTQ đã thúc đẩy Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đưa ra phản ứng toàn diện và đẩy nhanh việc thực hiện “Báo cáo Chiến lược Quốc phòng”.

“Báo cáo Chiến lược Quốc phòng” hướng dẫn Hoa Kỳ điều chỉnh và hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của mình, trong đó ĐCSTQ là mục tiêu chính trong cuộc chạy đua vũ trang của Hoa Kỳ. Ông Esper đã phân tích và trình bày 3 phương cách để quân đội Hoa Kỳ áp chế ĐCSTQ như sau:

  • Trước hết là có một lực lượng có khả năng cạnh tranh, uy hiếp và giành chiến thắng trong tất cả các lĩnh vực trên biển, trên bộ, trên không cũng như trên tất cả không gian mạng. Ngũ Giác Đài hiện đang đầu tư vào các năng lực quy mô tiên tiến và các công nghệ thay đổi cuộc chơi, chẳng hạn như vũ khí siêu thanh, liên lạc 5G, phòng không và chống tên lửa tích hợp, và trí tuệ nhân tạo – tất cả đều vô cùng trọng yếu để Hoa Kỳ duy trì ưu thế của mình trong những thập kỷ tới.

  • Thứ hai là mở rộng và củng cố mạng lưới đồng minh và đối tác làm ăn của Mỹ, điều này mang lại cho Mỹ một lợi thế mà các đối thủ không sao bằng được.

  • Thứ ba là thiết lập một mạng lưới rộng lớn hơn gồm các đối tác có năng lực và cùng chí hướng. Ví dụ, Hoa Kỳ đã cung cấp khoảng 394 triệu đô-la Mỹ viện trợ để tăng cường khả năng hàng hải với các đồng minh và đối tác trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Cuối cùng, ông Esper nói rằng, trái ngược với chính quyền độc tại Trung Cộng, Hoa Kỳ ủng hộ một hệ thống toàn cầu tự do và cởi mở, trong đó tất cả các quốc gia có thể đạt được thịnh vượng dựa trên các giá trị chung cùng các quy tắc và chuẩn mực lâu đời. Cuối cùng, ông Esper đặc biệt kêu gọi các quốc gia coi trọng tự do, Nhân Quyền và pháp trị, và cần phải gắn kết lại với nhau để đối đầu với các hành động gây hấn phá hoại chủ quyền của các quốc gia từ phía ĐCSTQ.

Thêm nữa, theo Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper hôm 26/08/2020 cho biết Hoa Kỳ có trách nhiệm với khu vực Thái Bình Dương và sẽ “không nhượng bộ một tấc” lãnh thổ nào của khu vực này cho quốc gia khác. Phát biểu trong chuyến thăm Hawaii, ông Esper nói rằng Trung Cộng đã không thực hiện những lời hứa tuân thủ luật pháp, quy tắc và chuẩn mực quốc tế, đồng thời muốn phô trương sức mạnh của mình ra toàn cầu.

Để thúc đẩy chương trình nghị sự của ĐCSTQ, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Cộng (PLA) tiếp tục tích cực theo đuổi kế hoạch hiện đại hóa để vươn tới quân đội đẳng cấp thế giới vào giữa thế kỷ này, ông Esper phát biểu. “Điều này chắc chắn sẽ liên quan đến hành vi khiêu khích của PLA ở Biển Đông, Hoa Đông và bất kỳ nơi nào khác mà chính phủ Trung Quốc cho là quan trọng đối với lợi ích của họvà “Mỹ có trách nhiệm dẫn đầu.

Chúng tôi là một quốc gia ở Thái Bình Dương, ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong một thời gian khá dài, ông Esper nói tiếp: “Chúng tôi sẽ không nhượng bộ ở khu vực này, kể cả một tấc đất, cho bất kỳ quốc gia nào khác nghĩ rằng thể chế chính trị của họ, quan điểm của họ về Nhân Quyền, chủ quyền, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do hội họp, tất cả những điều này ở một mức độ nào đó, vượt trội hơn cả những giá trị mà nhiều nước chúng tôi chia sẻ.

Như vậy thế giới toàn cầu hóa mới vẫn do Mỹ dẫn đầu nhưng với những đặc tính khác nhiều so với 30 năm toàn cầu hóa trước cột mốc 2020. Rõ ràng nhất là TC không đủ trí lực và vật lực để ngoi lên làm chủ vận mệnh thế giới như ĐCSTQ mong muốn. Riêng Cộng Hòa Nga thì kinh tế chỉ ngang hàng Tây Ban Nha nên khó có cơ hội nắm giữ vận mệnh của thế giới trong thế kỷ 21 nầy. Vì vậy địa vị lãnh đạo thế giới toàn cầu hóa mới sau 2020 không phải Mỹ thì còn nước nào khác nữa đâu.

Điều đáng tủi hổ là ở VN chính phủ Cộng Sản và ĐCSVN vẫn bám lấy cương lĩnh của các đại hội ĐCSVN cũ rích và đang loay hoay làm kinh tế thị trường định hướng XHCN cùng kinh tế triết học Mác- Lê, trong khi các nước văn minh đang lấy “Hệ Sinh Thái Internet và Trí Tuệ Nhân Tạo mới cho công việc và cuộc sống” làm phương tiện để thực hiện “Kinh Tế Trọng Tâm Vì Con Người”. Xin nhấn mạnh “Vì Con Người” chứ không phải vì sự tồn tại của thể chế hay đảng phái.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Lời nói của đảng không đi đôi với hành động (*)

Phan Thanh Hung

VNTB – Phù Nam (Bài 1)

Phan Thanh Hung

VNTB – Đảng CSVN: những nguy cơ nội tại ( bài 12)*

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo