Hàn Lam
(VNTB) – VN-Index có phiên giao dịch tệ nhất trong hơn 3 tháng vừa qua
Thông tin Ngân hàng Nhà nước chính thức nới hạn mức tín dụng thêm 1,5 – 2%, ước tính quy mô tín dụng cho nền kinh tế có thể tăng thêm 156.000-200.000 tỷ đồng. Tuy nhiên VN-Index lại có phiên giao dịch tệ nhất trong hơn 3 tháng vừa qua…
Với chứng khoán trong nước, việc tất cả chỉ số ngành đều đỏ lửa dẫn đến VN-Index cũng có phiên giao dịch tệ nhất kể từ ngày 3-10 đến nay. Chỉ số này giảm 44,98 điểm (-4,11%) về 1.048,69 điểm. Trong đó, bộ chỉ số VN30 trong phiên hôm 6-12 chứng kiến mức lao dốc 56,88 điểm (-5,12%) với toàn bộ 30 mã trong danh mục đều đi xuống. Riêng 9 mã vốn hóa lớn gồm GVR, HPG, MBB, NVL, PDR, STB, VIB, VPB, VRE đều đã giảm về giá sàn.
Diễn biến là điều bất ngờ, bởi trước giờ mở cửa, thị trường đón nhận thông tin tốt là Ngân hàng Nhà nước nới ‘room’ tín dụng thêm 1,5-2%, điều này có nghĩa dư địa cấp tín dụng cho nền kinh tế có thể tăng thêm 156.000 – 200.000 tỷ đồng. Việc nới ‘room’ tín dụng được đánh giá là sẽ có tác động tích cực đối với thị trường chứng khoán, đặc biệt, cổ phiếu ngân hàng sẽ hưởng lợi.
Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản có dự báo sẽ phản ứng tích cực trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nhìn về dài hạn thì nhóm bất động sản vẫn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro khi nút thắt về thanh khoản vẫn chưa được tháo gỡ, trong khi vấn đề đáo hạn trái phiếu vẫn chưa tìm được “đường ra”. Do đó, nhóm cổ phiếu bất động sản có thể “lướt sóng” ngắn hạn, về dài hạn chưa có nhiều thông tin hỗ trợ.
Tại báo cáo thị trường tiền tệ mới nhất của Công ty Chứng khoán SSI, thì cộng cả ‘room’ mới và ‘room’ cũ đang còn, hạn mức tín dụng còn lại cho tháng 12-2022 là khoảng 400.000 tỷ đồng.
Để giải ngân hết số vốn này, các ngân hàng phải tăng cường huy động vốn. Tuy nhiên chỉ tiêu tín dụng phân bổ thêm cho từng ngân hàng thương mại chưa được công bố. Ngân hàng Nhà nước mới chỉ nêu nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng cho các tổ chức tín dụng theo hướng các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.
“Điều này đồng nghĩa với việc nhóm các ngân hàng thương mại mới thực hiện việc cắt giảm lãi suất cho vay sẽ có lợi thế hơn. Tuy nhiên, áp lực cho việc cân đối vốn từ phía các ngân hàng là rất lớn, trong bối cảnh thanh khoản trên hệ thống về trung hạn vẫn chưa được cải thiện nhiều khi huy động vốn tăng trưởng thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng” – chuyên gia SSI nhận xét.
Một ý kiến khác đưa ra nhận định, việc nới ‘room’ tín dụng chỉ có thể xử lý vấn đề thanh khoản nền kinh tế trong ngắn hạn, chủ yếu gỡ khó cho các khách hàng hiện tại nằm trong mục tiêu cấp tín dụng của ngân hàng nhưng vì hạn chế về ‘room’ nên thời gian qua ngân hàng không thực hiện cho vay được.
Việc nới ‘room’ tín dụng chỉ giúp giải quyết nhu cầu vốn cho lĩnh vực ưu tiên liên quan đến nông nghiệp, thương mại, sản xuất dịch vụ, hàng hóa, không phải hướng tới các lĩnh vực không ưu tiên như chứng khoán, bất động sản.
Thêm vào đó, việc chênh lệch huy động vốn – tín dụng chưa có nhiều cải thiện, nên việc nới trần tín dụng có thể sẽ phù hợp hơn để gia hạn khoản vay cũ, thay vì dành cho các khoản vay mới.
Dù khó khăn lớn nhất của thị trường chứng khoán trong năm 2022 đang dần vơi bớt khi có nhiều tín hiệu tích cực cho thấy lãi suất sẽ hạ nhiệt trong thời gian tới.
Tuy nhiên, cần lưu ý là tăng trưởng kinh tế trong năm sau 2023 sẽ có sự giảm tốc so với năm 2022. Và như vậy dù cho có duy ý chí chính trị đến đâu đi nữa thì Việt Nam sẽ khó có chu kỳ tăng trưởng mạnh, tăng trưởng nóng đi ngược với xu hướng chung của thế giới. Đây cũng là một yếu tố khó lường trong dài hạn.