VNTB – Thích Chân Quang đối diện hình phạt gì?

VNTB – Thích Chân Quang đối diện hình phạt gì?

Ngọc Lan

 

(VNTB) – Ban Tôn giáo chính phủ đã yêu cầu thẩm tra các bài pháp thoại của Thích Chân Quang, trụ trì chùa Thiền Tôn Phật Quang.

 

Cơ quan truyền thông của Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM vào chiều ngày 7-6-2024 đã loan tin Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị thẩm tra các phát ngôn, thuyết giảng của Thượng tọa Thích Chân Quang.

Cụ thể là những phát ngôn trong một số clip lan truyền trên mạng xã hội không đúng với giáo lý, giáo luật, truyền thống văn hóa của Phật giáo và lịch sử của dân tộc Việt Nam; sửa đổi giới cấm trong chứng điệp quy y Tam bảo của Phật giáo…

Đơn vị chịu trách nhiệm thẩm tra ban đầu là Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ cùng làm việc với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam của tỉnh này, vì chùa Thiền Tôn Phật Quang nằm ở địa phương Bà Rịa – Vũng Tàu.

Bản tin kể trên không đính kèm hình ảnh về công văn yêu cầu của Ban Tôn giáo chính phủ, qua đó tạm cho thấy phạm vi thẩm tra ở đây chỉ liên quan đến giáo lý – giáo luật của tôn giáo.

Vấn đề mà người viết muốn đề cập là vì sao cơ quan chức năng không đưa yêu cầu xem xét của pháp luật hình sự, luật an ninh mạng đối với những phát ngôn này trên tư cách công dân có tên Vương Tấn Việt; bởi đây còn là một người có học vị “tiến sĩ luật”, từng được Trường Đại học Luật Hà Nội vinh danh bằng một tấm bảng vàng xướng đầy đủ danh xưng: “Tiến sĩ luật học Vương Tấn Việt – Quốc trung hiền sĩ”.

Như vậy về lý thuyết thì một khi đăng đàn giảng pháp, Thượng tọa Thích Chân Quang ý thức rất rõ về tuân thủ pháp luật ra sao trong nội dung thuyết pháp trước cộng đồng, bên cạnh nguyên tắc tối thượng là phải tuân thủ giáo lý – giáo luật của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Theo Luật tín ngưỡng, tôn giáo thì “Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng” (Điều 2.1).

Chắc hẳn với một tiến sĩ luật như Thích Chân Quang sẽ thừa hiểu hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể mê tín dị đoan, nhưng hoàn toàn có thể hiểu mê tín dị đoan là tin vào những điều mơ hồ, không phù hợp với lẽ tự nhiên dẫn tới hậu quả xấu cho cá nhân, gia đình, cộng đồng về sức khoẻ, thời gian, tài sản, tính mạng.

Dĩ nhiên tiến sĩ luật Thích Chân Quang cũng hiểu ở điều 320.1 Bộ luật hình sự 2015, chỉ ràng buộc khi từng bị xử phạt hành chính: “Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

Tuy nhiên với việc Thích Chân Quang đã đăng đàn miệt thị hành giả Thích Minh Tuệ, khiến công chúng quan tâm đến các nội dung thuyết pháp khác của Thích Chân Quang, và rồi dậy làn sóng phản đối…

Một khi các bài giảng pháp này của Thích Chân Quang vấp phản đối bởi tính tiêu cực, hành vi đe dọa cuộc sống bình thường của người Phật tử nói riêng, công chúng nói chung thì Thích Chân Quang đang đối mặt dấu hiệu phạm tội cổ súy mê tín, dị đoan, “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” được quy định tại điều 320.2.c của Bộ luật hình sự. Đó là tội có thể chịu phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)