(VNTB) – Tôi không quên hỏi nhà nước: Mừng chiến thắng hào hùng 30/4 đã chưa? Ngày hội non sông sướng chưa? Và chỉ còn vài ngày nữa là đến 1/7, việc cấp tập làm căn cước công dân sắp xong chưa?
Nói gì nói cũng phải công nhận chính quyền TP.HCM rất quyết tâm chống dịch. Chỉ cần có 1 ca nghi nhiễm, cả một hệ thống ập đến vừa đưa người đi cách ly, vừa giăng dây phong tỏa canh phòng ngày đêm. Rất cực khổ.
Chỉ nói sơ sơ mấy anh dân phòng thôi, mấy tháng nay cực như chưa từng cực bao giờ vậy, công an nữa, và cả chủ tịch phường, không ăn trên ngồi trốc gì hết mà phải xuống tận khu cách ly làm việc với lính lác.
Nhưng rồi đến một hôm, nghe con số ca nhiễm mới và theo dõi nội dung phát biểu của mấy quan thì chúng ta nghĩ với chủng virus delta mới này, cách làm của họ không còn hiệu quả nữa.
Vì số ca nhiễm mới theo thông báo của họ là chủ yếu trong khu cách ly, phong tỏa. Tôi chỉ mong họ nói sai. Tôi chỉ mong sự thật là con số này là ở ngoài cộng đồng, là đụng đâu thấy đó.
Cũng đừng lý luận là nếu không cách ly, con số nhiễm còn lớn hơn. Chưa chắc.
Với những thông tin mới nhất mà lãnh đạo cung cấp, tôi thích nhất là sắp tới có thể cho cách ly F1 tại nhà (do các khu cách ly đã bắt đầu quá tải, nhân viên y tế ở đó ngã bệnh, lực lượng chức năng ở đó quá mệt mỏi). Không có gì lo lắng hơn nhà phải đóng cửa, rồi phải đi vào trại tập trung để người ta lây cho mình.
Đã có chuyên gia không đồng tình cách ly bắt buộc tất cả F0, làm cho các bệnh viện chuyện điều trị Covid quá tải không đáng có, vì có thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh TP.HCM (HCDC) là 68% F0 không hề có triệu chứng gì, huống chi là cách ly F1 một cách duy ý chí như lâu nay.
Đã đến lúc phải thay đổi cách nghĩ, cách làm.
Một bác sĩ ở bệnh viện Nhi Đồng Thành phố khám cho một bé, hôm sau bé đó dương tính. Cả khoa phải làm xét nghiệm và phong tỏa. Riêng vị bác sĩ kia phải bị cách ly tại bệnh viện 21 ngày, dù liên tục có kết quả xét nghiệm âm tính. Nếu tình hình dịch bệnh nặng thêm, lấy đâu đủ người làm việc?
Tôi đọc trên báo thấy đăng tấm hình có chú thích là cô công nhân Pouchen. Đồng nghiệp bị dương tính. Cô cùng đứa con nhỏ và hàng trăm công nhân khác cùng phân xưởng gạt nước mắt lên xe đi cách ly tập trung cái đã, hạ hồi phân giải.
Nhiều đồng nghiệp trong ngành y nhận xét rằng ngay cả F0 không có triệu chứng mà đưa vào bệnh viện là chuyện vớ vẩn chỉ có Việt Nam làm. Bệnh viện là để chữa trăm thứ bệnh chớ không phải để chực đóng cửa. Tôi đau lòng khi thấy những cụ già bệnh mãn tính đang điều trị bảo hiểm y tế giờ không dám đến bệnh viện mà phải đến phòng khám tư, nhà thuốc bỏ tiền ra mua thuốc. Họ thường rất nhiều bệnh nên đơn thuốc không ít tiền.
Chuyện tiền cũng là vấn đề của người bị bắt đi cách ly tập trung.
Cách ly 21 ngày phải trả phí nghe đâu tầm 5 đến 6 triệu bạc ở khu tập trung, còn cách ly ở khách sạn chỉ định của Bộ Y tế, khoảng từ 40 triệu trở lên. Sau 21 ngày về nhà tự cách ly, theo dõi sức khỏe, làm xét nghiệm vào ngày 7 tự trả phí, khoảng 1 triệu).
Còn trợ thở Ecmo khi khởi động máy khoảng 100 triệu, sau đó tính phí mỗi ngày, mỗi lần thay dây người nhà phải ký cam kết (dù có tiên lượng cầm cự 30%), sơ sơ cũng mất nửa tỷ… Đó là thông tin từ nhân viên y tế tại khu cách ly cung cấp.