Lê Tự Do
(VNTB) – Các đại biểu tất cả tỉnh/ thành, bộ/ ngành phải com-lê chỉnh chu ngồi trước màn hình để nghe giáo huấn giữa lúc dầu sôi lửa bỏng của dịch Covid-19…
Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là với những ca có liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng ở quận Gò Vấp đã đẩy nhanh số lượng ca nhiễm bệnh trong cộng đồng ở thành phố Hồ Chí Minh, nhiều người quan tâm hơn về tin tức về dịch.
Càng bức xúc hơn nữa khi tình hình dịch đang diễn biến khó có thể hình dung hết thì một nhân vật khá có tiếng làm hành động “đặc biệt”: phát quà cứu trợ lũ lụt năm 2020 giữa thời tiết nắng nóng.
Nhiều người ví von rằng, đây là một “người thành công” vì có lối đi riêng.
Thời điểm lũ lụt xảy ra, dịch tạm ổn, thì lại đổ thừa cho việc dịch căng thẳng nên tạm thời chưa đi phát quà cứu trợ. Và giờ thì, ngày nào thành phố cũng có ca nhiễm, “người nổi tiếng” (mà cộng đồng mạng đặt tên là L14) ấy lại “nhanh chóng” giải ngân số tiền bà con quyên góp với danh nghĩa của chính cá nhân mình.
“Giống theo kiểu trả nợ quỷ thần hơn là thật lòng đi cứu trợ, san sả nỗi đau với bà con khó khăn. Cái kiểu con nít, ờ mày không thích, tao làm cho bõ ghét”.
Cái hình ảnh quen thuộc ấy, đi ngược với điều mà cả không chỉ cộng đồng, người dân mà còn cả chính quyền (không chỉ với thành phố Hồ Chí Minh) quan tâm, lại được bắt gặp tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
“Tư tưởng Hồ Chí Minh, ngày xưa được học trong trường đại học, là một môn rất hay và ý nghĩa. Có thể nói đây là một tư tưởng đúng đắn với những phẩm chất cao quý của một người cách mạng. Đó là: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Thật ra, không chỉ cán bộ cần học mà nên khuyến khích, mở rộng ra cho nhiều người học hơn nữa.
Tuy nhiên, giữa tình hình dịch đang diễn biến phức tạp như thế này, hội nghị nên dời lại. Vì sao? Đơn giản thôi, thứ nhất, dù có được tiêm vắc-xin hay không, thì theo như nhiều thông tin mình đọc được, không có vắc-xin nào hiệu quả 100%.
Mình nhớ Bộ y tế cũng từng cảnh báo, dù tiêm vắc-xin cũng không nên ỷ y mà bỏ qua 5K. Nên làm gương cho người dân về vấn đề tuân thủ nguyên tắc 5K, dù chỉ là một K như khoảng cách cũng nên làm gương.
Không biết có phải là sự trùng hợp hay không. Để minh chứng cho lời của Bộ, chiều 12-6, nhân viên bệnh viện bệnh Nhiệt đới đã có người nhiễm bệnh Covid-19.
Giải thích lý do, theo một tờ báo điện tử tường thuật thì theo ông TS.BS Lê Quốc Hùng – trưởng khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy – cho biết sau khi tiêm (2 mũi), tác dụng của vắc xin chưa thể phát huy ngay mà nó cần thời gian (mỗi loại vắc xin có quy định cụ thể) để có đủ lượng kháng thể chống lại virus.
“…những người được tiêm vắc xin COVID-19 đủ mũi, đủ thời gian vẫn có thể bị mắc COVID-19 bình thường. Lợi ích lớn nhất của việc tiêm vắc xin là giúp người bệnh (nếu mắc) tránh được diễn tiến trở nặng và hạn chế được khả năng lây nhiễm cho những người xung quanh…”
Thiết nghĩ, Hội nghị hôm nay chưa làm được, ngày mai có thể làm, khi tình hình dịch ổn định, cũng có thể làm mà, gấp gáp chi vậy (!?)…”
Ý kiến được trích dẫn ở trên từ một cựu sinh viên ngành Văn trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn cho thấy hình như ông Tổng đang tự lấy dây để trói mình giữa thời dịch bệnh.
Tại sao lại là ‘trói mình’?
Dân gian truyền lại câu “học đi đôi với hành”, đó là một nguyên tắc xưa cũ đã bao đời nay chứ không phải do bất kỳ một ai “sáng chế” ra, đã được nhiều người làm theo, thành công nhiều nhưng thất bại cũng có. Nhất là đối với những người đứng đầu, có quyền hành trong tay mà không thận trọng, kỹ lưỡng trong quyết định, theo tư tưởng “một lần ngã là một lần bớt dại” là cũng mệt cho người dân lắm à nha…
Người dân không phải là những con chuột bạch; không phải chỉ có quyết tâm và thấm nhuần tư tưởng đạo đức là có thể làm được. Mỗi người mỗi trình độ, mỗi tiếp thu khác nhau, đó là chưa kể đến việc cuộc sống của thập kỷ trước đã khác với cuộc sống của thập kỷ này.
Cứ làm đi, hiệu quả, dân tin là không sai (trích bài nói chuyện dài 21 phút của ông Tổng hôm sáng 12-6). Tuy nhiên, chẳng may không hiệu quả thì thế nào? Người dân sẽ ra sao? Hay là đành chấp nhận cái kiểu “dân quyết sai dân chịu chứ kỷ luật ai?”