Việt Nam Thời Báo

VNTB – “Thiếu” vắc-xin vì hàng rào thủ tục

Mai Lan

 

(VNTB) – Vắc-xin có sẵn nhưng nhà sản xuất lại không được phép bán…

 

Vắc-xin cho trẻ em trong chương trình tiêm chủng mở rộng (*) vẫn đối mặt nghịch lý: vắc-xin có sẵn trong nước, nhưng nhà sản xuất lại không được phép bán…

Vắc-xin có thật sự thiếu?

“Hiện chúng tôi không biết ai sẽ mua vắc xin của mình cũng như phương thức mua bán, giá cả thế nào” – lãnh đạo một đơn vị sản xuất vắc-xin chia sẻ với báo chí trong tâm thế đầy thận trọng.

Đại diện một nhà sản xuất vắc-xin khác không muốn nêu tên, trải lòng: “Mặc dù vậy, theo nhiệm vụ, các đơn vị vẫn phải luôn sẵn sàng vắc-xin để cung cấp khi có yêu cầu. Nhưng sản xuất khi chưa có hợp đồng ký kết thì rủi ro cho các nhà sản xuất rất lớn.

Vì vắc-xin chúng tôi sản xuất ra có thể không được đưa vào sử dụng cho chương trình tiêm chủng mở rộng vì một lý do nào đó, chẳng hạn như một tổ chức nào lại tặng vắc-xin tiêm chủng mở rộng cho Việt Nam, đồng nghĩa với vắc-xin của chúng tôi sẽ không được sử dụng, thiệt hại và trách nhiệm lại thuộc về chúng tôi”.

Một nhà báo thâm niên lãnh vực y tế nhận xét rằng chính việc lùng nhùng trong việc đưa ra phương án giải quyết việc thiếu vắc-xin tiêm chủng mở rộng cho trẻ đã đẩy các đơn vị sản xuất vắc-xin vào thế “5 ăn 5 thua”: Không có vắc-xin sẵn để cung cấp khi cần thì “ăn đủ”, nhưng sản xuất vắc-xin tiêm chủng mở rộng mà không ai lấy, thì chỉ có cách huỷ, dù trẻ vẫn không có vắc-xin tiêm.

“Mà huỷ thì dễ bị quy trách nhiệm, cũng lại “ăn đủ!”. Thực tế là năm ngoái, chỉ 1 đơn vị đã phải huỷ khoảng 3 triệu liều (giá 16.000 đồng/liều) vắc-xin tiêm chủng mở rộng, mà vẫn “ngậm bồ hòn” chả dám kêu nửa câu. Vì lên tiếng còn bị ăn mắng. Rồi thanh tra, thanh bố. Thế nên tôi phải “cạy răng” mãi mới moi được tí thông tin từ các nhà sản xuất, mà họ còn phải “đánh võng” thông tin chút chút vì sợ, vì họ đang ở thế đầy rủi ro!” – nữ nhà báo vốn rất ‘già nghề’ trong lãnh vực y tế, cho biết như vậy.

Hai bộ chỏi nhau, dân lãnh đủ

Nếu theo phương án Bộ Y tế đặt hàng thì phải dùng ngân sách Trung ương. Như vậy, sẽ phải duyệt giá vắc-xin. Nhưng hiện vẫn đang triển khai thì chưa biết khi nào mới xong.

Còn nếu các địa phương mua thì bằng ngân sách tỉnh và theo hình thức đấu thầu, thì sẽ không cần Bộ Tài chính duyệt giá, nhưng dễ dẫn đến tỉnh có, tỉnh không, tỉnh làm nhanh, tỉnh làm chậm. Đó là chưa kể lúc mà 63 tỉnh tự mở thầu thì nhà sản xuất sẽ có 63 hợp đồng cung cấp, vận chuyển vắc-xin. Vấn đề đặt ra là việc vận chuyển sẽ như thế nào, vì liên quan đến dây chuyền lạnh bảo quản vắc-xin lẫn chi phí, mà đầu tư dây chuyền lạnh lại không hề rẻ?

Vấn đề mà các nhà sản xuất lo lắng nhất là đảm bảo quy trình vận chuyển (GDP) và quy trình bảo quản (GSP) nếu không sẽ ảnh hưởng đến chất lượng vắc-xin.

Trước đây Bộ Y tế đặt hàng tập trung thông qua chương trình tiêm chủng mở rộng, thì nhà sản xuất chỉ vận chuyển về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, hoặc cùng lắm đến 4 Viện Vệ sinh Dịch tễ ở 4 khu vực.

Tuy nhiên đúng như những gì mà tác giả bài báo “Dân ở đâu trong mắt quan chức?”, đăng trên trang Việt Nam Thời Báo hôm 11-6-2023, phía Bộ Tài chính không đồng ý tiếp tục việc đặt hàng tập trung qua Bộ Y tế, với lý do kinh phí mua vắc-xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng thay đổi qua các năm. Giai đoạn 2016 – 2022, số tiền này do ngân sách trung ương chi. Tuy nhiên, từ năm 2023 trở đi, ngân sách trung ương không thực hiện chi khoản này và chuyển cho ngân sách địa phương đảm bảo.

Do vậy, Bộ Tài chính cho rằng việc Bộ Y tế đề nghị được giao tổng hợp nhu cầu và nhận ủy quyền của địa phương đặt hàng đơn vị sản xuất vắc-xin sản xuất trong nước sử dụng trong tiêm chủng mở rộng là không phù hợp.

Chính phủ không thể cứ tiếp tục ‘tọa sơn quan hổ đấu’

Trong khi đó, Bộ Y tế đã thông tin cho báo chí về các biện pháp nhằm giải quyết tình trạng thiếu vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Theo đó, đối với các loại vắc-xin sản xuất trong nước, Bộ Y tế cho hay, do các đơn vị sản xuất là doanh nghiệp nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, nên không đủ tư cách hợp lệ tham gia đấu thầu.

Vì vậy, Bộ Y tế đề xuất đối với vắc-xin trong nước, các địa phương đăng ký nhu cầu với Bộ Y tế, thực hiện ủy quyền cho Bộ Y tế đặt hàng, đồng thời đề nghị được Chính phủ cho thực hiện mua theo phương thức đặt hàng. Hơn nữa, để đáp ứng yêu cầu vắc-xin cấp bách hiện nay.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Anh Dũng nêu những khó khăn liên quan đến vấn đề pháp lý. Theo đó, các vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đều thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia nên địa phương không có cơ chế thực hiện tự đấu thầu.

Ông Nguyễn Anh Dũng cho biết, nếu để các địa phương tự đấu thầu thì thời điểm có vắc-xin sẽ khác nhau, người dân có thể đưa con em từ địa phương này sang địa phương khác để tiêm, ảnh hưởng đến khả năng dự trù của các địa phương. Sự dịch chuyển này sẽ ảnh hưởng đến định hình, lên kế hoạch tiêm chủng.

“Phương án khả thi nhất là Trung ương cấp ngân sách để Bộ Y tế đấu thầu và phân bổ vắc-xin. Theo đó, chỉ 1-2 tháng là có vắc-xin, đáp ứng được nhu cầu và giải quyết tình trạng hiện nay”, ông Nguyễn Anh Dũng bày tỏ.

Tương tự, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, đến nay, thành phố đã hết một số loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. “Địa phương không thiếu kinh phí, không sợ trách nhiệm nhưng đang thiếu cơ chế mua sắm”, bà Trần Thị Nhị Hà cho biết, và kiến nghị tiếp tục thực hiện cơ chế Bộ Y tế mua sắm, đấu thầu tập trung vắc-xin và phân bổ, điều phối cho các địa phương.

Đề xuất thực hiện đàm phán giá để có vắc-xin càng sớm càng tốt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Dương Thị Hồng cho hay, hiện, 9/11 loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia còn đủ, đang thiếu hai loại vắc-xin là vắc xin 5 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và viêm phổi, viêm màng não), vắc-xin 3 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván).

_____________

Chú thích:

(*) Chương trình tiêm chủng mở rộng bắt đầu được triển khai ở Việt Nam từ năm 1981 do Bộ Y tế khởi xướng với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).

Chương trình có mục tiêu ban đầu là cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi, bảo vệ trẻ khỏi mắc 6 loại bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao. Sau một thời gian thí điểm, chương trình từng bước được mở rộng dần cả về địa bàn và đối tượng tiêm chủng.

Từ năm 1985 tới nay toàn bộ trẻ em dưới 1 tuổi trên toàn quốc đã có cơ hội được tiếp cận với chương trình. Đến năm 2010, đã có 11 vắc-xin phòng bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm cho trẻ em được đưa vào chương trình bao gồm vắc-xin phòng bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib.


Tin bài liên quan:

VNTB – Cấm mở lớp “dạy thêm”

Do Van Tien

VNTB – Tuyển sinh đại học cần thay đổi từ chính sách vĩ mô

Do Van Tien

VNTB – Siết giờ làm thêm của sinh viên là thêm gánh nặng tài chính cho chuyện ăn học

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo