VNTB – Thơ Việt đương đại và bàn luận 

VNTB – Thơ Việt đương đại và bàn luận 

Dương Tử

 

 

(VNTB) – “Ngày Thơ Nguyên tiêu Rằm tháng Giêng” chọn bài thơ “Nguyên tiêu” của ông HCM làm “đề từ”, để giữ lập trường tư tưởng.

 

(nhân ngày “Thơ Nguyên tiêu Rằm tháng Giêng” Quí Mão 2023)

 

 

***

Mùa xuân thiên hạ ưa thích lê hội và làm thơ, và bàn luận về thơ. Có hai loại thơ: thơ nhà nước và thơ dân gian. Cũng có hai kiểu bàn luận Thơ: quan chức bàn luận và dân gian nòng cốt là văn  nghệ sĩ, bàn luận. Hội nhà văn xài tiền ngân sách nhà nước bày ra “Ngày Thơ Nguyên tiêu Rằm tháng Giêng” chọn bài thơ “Nguyên tiêu” của ông HCM làm “đề từ”, để giữ lập trường tư tưởng. Hội đặt ra qui chế mở đầu phải ngâm diễn  bài  thơ của ông Ho Chi Minh. Được vài năm các tỉnh thành tuân theo răm rắp. Năm nay nhiều Hội tỉnh thành bỏ bài Nguyên tiêu, không diễn  nữa. Tuy nhiên Thơ tự do tự tại vung khắp Mạng Xã Hội. Lời bàn luận cũng thoải mái chảy theo 2 hướng, trên 2 loại diễn đàn khác nhau.

Nhà thơ họa sĩ Trần Nhương phát biểu trên FB:

“Chả việc gì mà kêu toáng lên” 

Tại Hội thảo thơ nhân ngày Thơ tại Hoàng thành Thăng Long. Nhiều ý kiến kêu toáng lên nào là tủi thân cho nhà thơ, nào là buông lỏng xuất bản để thơ xoàng tràn lan.

Ý kiến tôi lại khác:

1- Thơ quần chúng là nhu cầu của họ, các cụ già làng quê, phố thị làm thơ ngâm vịnh, thù tạc cho vui sống. Họ không mong thành nhà thơ chuyên nghiệp, không mong “ẵm” giải Nhà nước, giải Hồ Chí Minh. Các cụ vui để đỡ bệnh tật, đỡ eo sèo, để sống tích cực. Sao các nhà thơ chuyên nghiệp lại chặn niềm vui của người già. Nhiều ý kiến của quan văn, quan thơ chuyên nghiệp rất “trịch thượng”.

2- Qua hàng ngàn năm lịch sử văn hóa Việt thì những câu tếu táo, ví von, xuất khẩu, bông đùa, qua kinh nghiệm sống mà chắt lọc thành kho tàng ca dao tục ngữ óng ánh. Cũng như thế dân gian đã làm nên kho tàng Cổ tích, truyện Tiếu lâm. Không có dân gian chắc gì Nguyễn Du đã viết nên Kiều. Chắc chắn những người có chữ không thể sáng tác được hết. Nhân dân ta thông minh, hài hước và cũng thâm thúy ra trò.

Trên FB, Ts.Nguyễn Hữu Sơn, nguyên viện phó  Viện văn học  viết FB: “Nghĩ đi ngẫm lại, THƠ DÂN CHỦ vẫn tốt hơn THƠ BAO CẤP, đặc lợi, đặc quyền, cửa quyền. Có Thi nhân và nhà Thơ, thợ Thơ, ông cóc Thơ… Có kiểu Thơ quan, Thơ cán bộ và Thơ Nhân dân, đại chúng, chúng sinh… Có kiểu Thơ gắn nghề nghiệp với chính trị xã hội. Có loại Thơ tụng ca, mùa vụ, hiếu hỷ. Có loại thơ hùng ca, tráng ca, hiệu triệu như “Nam quốc sơn hà” vẫn mãi đồng hành cùng lịch sử dân tộc… Lại có Thơ chỉ cảm thán “Cảnh nhỏ” và phận người cung nữ của Nguyễn Gia Thiều, cảm thương một đời oan khổ lưu ly Thúy Kiều của Nguyễn Du, một nỗi thanh tục, tục thanh Hồ Xuân Hương mà vẫn tầm vóc quốc gia, nhân loại. Chúng mình “có cơ may” được làm cán bộ, Đảng viên và hội viên Hội Nhà văn thì đại chúng cũng có quyền tham gia các nhóm hội Thơ thiếu nhi, Thơ phụ lão, Thơ phụ nữ, Thơ đoàn viên thanh niên, Thơ công nhân,Thơ nông dân, Thơ về biển, về núi, về giao thông, lâm nghiệp…. có sao đâu!? Các cụ làm Thơ cốt để di dưỡng tính tình, truyền lại con cháu, thế chẳng tốt sao! Các cụ mần thơ, tự bỏ tiền in, tặng cụ bà, tặng bạn bè, đồng nghiệp nhân kỳ khao vọng thượng thọ, thế chẳng thiện lắm sao!… Các cụ in thơ lành mạnh, chuẩn luật xuất bản, không xin tài trợ, hỗ trợ, trợ cấp và dứt khoát không quảng cáo, không cần ai tung hô, thế chẳng đáng kính và trọng lắm sao!… Các dòng sông đều chảy! Kính các nhà Thơ, các cây bút Thơ và những người theo nghiệp Thơ tiếp tục say Thơ, hay Thơ và có nhiều Thơ hay“.

Mỗi năm đến mùa Thơ Nguyên Tiêu, bài thơ “tứ tuyệt” của nhà thơ Bùi Hoàng Tám lại tràn lan mạng xã hội. Bùi Hoàng Tám viết trên FB kể lại câu chuyện anh viết bài thơ độc đáo thời còn bao cấp. Năm ấy lần đầu tiên bài thơ anh được đăng trên báo Văn Nghệ của Hội nhà văn Việt Nam, tờ báo văn chương danh giá nhất Việt Nam. Anh cầm tờ báo chạy tìm khoe với vợ. Bà vợ đang túi bụi dọn hàng bán, gắt lên báo gì. Anh nói bài thơ được đăng báo trung ương này. Vợ anh buông một câu “tôi thì dí l.n vào”.

Anh chua chát làm hai câu thơ:

Vợ tôi dở dại dở khôn

Hôm qua nó bảo dí l.n vào Thơ”.

Hai câu thơ bất hủ về sau lan truyền khắp nơi, bạn hữu làm thêm hai câu nữa cho đủ bài “tứ  tuyệt”.

Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ

Hôm nay nó bảo dí Thơ vào l.n”

Bài thơ này, nhiều người về sau cứ tưởng của tôi tất cả. Nhưng thực tình, tôi chỉ là kẻ làm 2 câu đầu tiên. 

Sau này,nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong bài tiểu luận “Trò chuyện với hoa Thủy tiên” có trích dẫn:” có một nhà thơ nói về thơ trong tình cảnh sau “Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ – Hôm qua nó bảo dí thơ vào L… Vợ tôi nửa dại nửa khôn. Hôm nay nó bảo dí L… vào thơ”. Tôi cũng không phủ nhận cảm tình của nhân dân đối với thơ nhưng quả thực trên thực tế, cái danh nhà thơ là một thứ nhìn chung chung, chỉ là nhăng nhít, hữu danh vô thực, chẳng ai muốn dây vào nó. Nhà thơ đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa” (nguyên văn). 

Đó là tiểu luận văn học của nhà văn lừng danh Nguyễn Huy Thiệp bàn về nhà thơ bao cấp, “nhà thơ cán bộ”. Bài viết của ông Thiệp như sấm sét giữa trời quang, gây sóng gió văn đàn. Khiến 600 tờ báo ra quân vùi dập ông Thiệp… nhưng thất bại (ông Thiệp phải nhờ bàn tay sắt của thiếu tướng  Phạm Chuyên cựu trùm công an Hà Nội yêu văn nghệ và thủ lãnh văn nghệ trung ương Nguyễn Khoa Điềm giải cứu mới thoát thân- xin bàn bạc ở dịp sau)

Còn Vũ Quần Phương trong ban lãnh đạo hội nhà văn Hà Nội cao giọng tuyên giáo dạy bảo trên Diễn  đàn:“Để cho dân gian làm thơ, còn hơn để họ chơi tổ tôm xóc đĩa”. Vẫn là giọng bề trên “để cho Dân làm thơ” ! 

Anh chàng Chủ tịch Hội nhà văn Nguyễn Quang Thiều gốc an ninh chép trên Fb rằng “Làng Chùa quê tôi có khắc câu “thêm một câu thơ, bớt một li chửi rủa”. Thực tế trên mạng xã hội đầy THƠ CHỬI RỦA thì lấy cái gì để… giảm bớt, hỡi anh Thiều ?

Một vị quan chức văn nghệ cao niên lên diễn đàn nói ”Thêm một người làm thơ, thêm một người lương thiện”.

Nhà thơ Đặng Tiến cảm tác bài thơ “họa” như sau:

HẬU NGUYÊN TIÊU

Thêm một người làm thơ

Là thêm

Một người lương thiện (!)

Thật là đại tiện

Cũng mênh mang bao chuyện.

Dưới bể trên giời

Thảo nào sinh thời

Nhà thơ lớn ru con quả quyết

Lớn lên

Con sẽ là thi sĩ.

Quả là hậu hĩ

Lương thiện đời nối đời

Nhưng bất chợt lại thấy ngậm ngùi

Cụ Trần Dần làm thơ

Bị uýnh tơi bời

Cụ Hoàng Cầm làm thơ 

Thơ hiền hòa như đất

Cũng bị uýnh tả tơi

Cụ Hữu Loan làm thơ khóc vợ

Càng bị uýnh 

Ối giời ơi!

Ai lương thiện?

Người uýnh tưng bừng hay người bị uýnh?

Ai lương thiện?

Hay là cả hai

Câu hỏi vu vơ gió thoảng bên tai…

Thêm một người làm thơ 

Thêm một người lương thiện

Dở khóc dở cười

Chém

Gió

Bay

Phần phật

Chém 

Gió

Lật đật

Bay bay bay

Lời giao đãi

Bỗng nhạt như nước ốc

Ngẫm nghĩ thấy hay hay.

chân lí là đây”.

1/50 bài thơ ưu tú chọn lọc từng được buộc bóng bay thả lên bầu trời Thăng Long- Hà Nội năm 2013. Năm nay trời mưa dày nặng nên thôi thả bóng bay.

 

 

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)