Việt Nam Thời Báo

VNTB- Thời hiệu khiếu kiện về môi trường: 3 năm hay… vô thời hạn?

Thảo Vy

(VNTB) – Vụ việc người dân huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An bị chính quyền ngăn trở không cho đến Tòa án thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh để nộp đơn khởi kiện vào sáng ngày 18-10-2016, đang dẫn đến nghi ngại là sắp tới đây Tòa án thị xã Kỳ Anh sẽ không nhận đơn khiếu nại của ngư dân Quỳnh Lưu vì quá thời hạn?
Câu trả lời là không hề có chuyện quá hạn ở đây để mà Tòa viện cớ từ chối thụ lý đơn khởi kiện của bà con ngư dân Miền Trung trong vụ việc Formosa Hà Tĩnh.

Kết quả hình ảnh cho hinh anh ngư dân kiện formosa

Thời hiệu khởi kiện: 3 năm, theo quy định Bộ Luật tố tụng dân sự 2015
Nếu căn cứ vào Bộ Luật tố tụng dân sự 2015, thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm kể từ ngày lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm.
Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án, theo quy định tại khoản 1 Điều 161 Luật bảo vệ môi trường năm 2014, thì “Nội dung tranh chấp về môi trường gồm: a) Tranh chấp về quyền, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng thành phần môi trường; b) Tranh chấp về xác định nguyên nhân gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường; c) Tranh chấp về trách nhiệm xử lý, khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường”. Như vậy, việc giải quyết tranh chấp môi trường được thực hiện theo quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp dân sự ngoài hợp đồng và các quy định khác có liên quan.
Về nghĩa vụ chứng minh, đặc trưng của tố tụng dân sự là kèm theo đơn khởi kiện, các đương sự có nghĩa vụ chứng minh và cung cấp chứng cứ.
Đối với các tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản do ô nhiễm môi trường gây ra, thì mặc dù người khởi kiện không phải chứng minh lỗi của người gây ô nhiễm theo Điều 624 Bộ Luật dân sự năm 2005 (Điều 624. Bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường), nhưng người khởi kiện vẫn phải chứng minh đã có thiệt hại thực tế xảy ra; phải chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường với những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của họ.
Trong trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại sau khi đã có bản án hình sự, quyết định xử lý hành chính của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền đã có hiệu lực thì bản án, quyết định nêu trên được dùng làm chứng cứ để yêu cầu bồi thường thiệt hại mà không phải chứng minh theo Điều 92 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015.
Để hỗ trợ cho cơ chế giải quyết tranh chấp dân sự nói chung và tranh chấp về môi trường nói riêng, Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 đã mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong việc công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án.
Trong lĩnh vực môi trường, điểm d khoản 3 Điều 143 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 cũng quy định trách nhiệm hòa giải của Uỷ ban nhân dân cấp xã đối với các tranh chấp về môi trường phát sinh trên địa bàn. Tuy nhiên, các nguyên đơn – như trong vụ án Formosa Hà Tĩnh, cần yêu cầu áp dụng thủ tục công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án, quy định cụ thể từ Điều 416 đến Điều 419 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 nhằm nâng cao hiệu lực pháp lý và khả năng thi hành những thỏa thuận của các bên, qua đó góp phần bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, đặc biệt là bên bị thiệt hại – đối tượng dễ chịu thiệt thòi trong thỏa thuận với bên gây thiệt hại.

3 năm, nhưng khi nào được gọi là năm thứ nhất?
Theo quy định của pháp luật, thời hiệu khởi kiện là 3 năm, kể từ khi xuất hiện hành vi bị khởi kiện. Đối với lĩnh vực môi trường, thời hiệu khởi kiện như vậy là không hợp lý, vì trong nhiều trường hợp, hậu quả của môi trường ô nhiễm đối với con người xuất hiện sau hàng năm, thậm chí hàng chục năm như dị tật bẩm sinh, ung thư.
Vì vậy, tại Khoản 3 Điều 162 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, thời hiệu khởi kiện về môi trường được tính từ thời điểm tổ chức, cá nhân bị thiệt hại phát hiện được thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của tổ chức, cá nhân khác. Nghĩa là thời hiệu khởi kiện được mở rộng đến mức không có giới hạn.

Nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước là không được quyền khởi kiện Formosa?
Tòa án thị xã Kỳ Anh đã viện dẫn điểm C khoản 1 Điều 192, Bộ Luật tố tụng dân sự 2015, “sự việc đã được giải quyết bằng quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, để cho rằng Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1880/QĐ-TTg, ngày 29/9/2016, ban hành định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; do đó bác đơn khởi kiện của người dân tỉnh Nghệ An – địa phương không chịu sự điều chỉnh của quyết định số 1880/QĐ-TTg.
Vấn đề ở đây là ngay cả ngư dân Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế có nhận tiền đền bồi thường theo như nội dung của Quyết định số 1880/QĐ-TTg chăng nữa, thì họ vẫn có quyền yêu cầu Formosa trả lại môi trường biển trong sạch. Vì trước hết, Formosa có cả hai nghĩa vụ: bồi thường thiệt hại cho ngư dân, và đưa môi trường biển trở lại như khi chưa bị ô nhiễm. Sau nữa, mỗi người dân đều có quyền nhận bồi thường theo từng phần, từng giai đoạn cho đến khi được bồi thường đầy đủ.

Muốn như vậy chỉ cần lưu ý là khi ký nhận bồi thường, người dân phải được sự tư vấn của luật sư giỏi về nội dung ký nhận; và phải được một cơ quan có thẩm quyền xác nhận tổng giá trị thiệt hại theo đúng yêu cầu của họ. Khi cần thiết, họ có quyền yêu cầu tòa án công nhận giá trị thiệt hại này.

Tin bài liên quan:

Nguy cơ: Đảng lại tăng cường lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân

Phan Thanh Hung

VNTB – Án lệ và dân oan: Đất tranh chấp đã bị quy hoạch xây dựng công trình công cộng (bài 2)

Phan Thanh Hung

VNTB- ‘2% quy định tồi nhất’: Khác gì tiền mãi lộ

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo