Việt Nam Thời Báo

VNTB – “Thu dung” là gì mà lại có bệnh viện dã chiến thu dung Covid?

Hiền Vương

 

(VNTB) – Theo từ điển Tiếng Việt của miền Bắc trước tháng 4-1975, “thu dung” là động từ, được sử dụng trong cách hiểu “đón nhận và cho ở” đối với các thương bệnh binh chiến tranh.

 

Phải chăng vì mệnh lệnh buộc phải tư tưởng nhất quán, xuyên suốt ‘chống dịch như chống giặc’ của văn bản số 07-KL/TW của Bộ Chính tr nên các bệnh viện được gắn thêm động từ “thu dung” tương tự như các trạm thu dung thương binh ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa thời chiến tranh?

Trạm thu dung thương binh là từ vẫn được sử dụng khi có chiến tranh.

Ở bài báo “Gặp người mổ cứu thương binh Hoàng Đức Vượng: Thương binh không đợi!” đăng trên báo Yên Bái, có đoạn viết: “Mùng một tết năm 1985, trạm thu dung thương binh vẫn cứ dồn dập. Hoàng Đức Vượng vào ca mổ cho chiến sỹ Toàn, một bên chân Toàn đã hoại tử, phải cắt bỏ từ đùi. Toàn thản nhiên nói: “Anh ơi, hôm nay mùng một tết, em tròn mười tám tuổi!”. Vượng nén lòng làm nhiệm vụ. Ca mổ kết thúc, Toàn được cứu sống.

Quân y viện 93 trực thuộc Quân khu II đặt tại Hà Giang có nhiệm vụ thu nhận, phân loại thương binh và phẫu thuật bước 1 những thương binh nặng. Gọi là Viện nhưng chỉ có một số bác sỹ; trong đó, Hoàng Văn Công gây mê hồi sức và Hoàng Đức Vượng trực tiếp mổ.

Đêm 12/7/1984, ta đồng loạt tấn công cả mười mấy điểm mà quân Trung Quốc đã lấn giữ trái phép. Sự phối hợp của các đơn vị khá chặt chẽ: đặc công, bộ binh, pháo binh, dân công… Nhưng pháo tầm xa của địch quá mạnh, các điểm giao chiến lại là vách đá tai mèo rất hiểm trở, khiến bộ đội thương vong nhiều.

Quân y viện dã chiến có cơ số 200 giường, đột ngột tăng lên 2.400 giường chỉ trong hai ngày. Cơ sở vật chất của tất cả các cơ quan hành chính, trường học, lâm trường… đều dày đặc lán thương binh.

Bác sỹ chủ nhiệm phòng khám kiêm phẫu thuật viên Hoàng Đức Vượng cùng các chuyên môn y khoa phải phân loại thương binh một cách nhanh nhất, chính xác nhất để mổ, cấp cứu, sơ cứu hoặc chuyển tuyến. Quân y viện 93 do Trung tá Nguyễn Đức Nam làm Viện trưởng được tăng thêm hai bác sỹ, các anh vừa phẫu thuật vừa hội chẩn và theo dõi tiên lượng sát sao đối với thương binh nặng.

Không có điện, máy nổ chạy suốt ngày đêm; có lúc phải dùng cả các loại đèn mới đủ ánh sáng. Y dụng cụ, thuốc men, băng gạc… cho các ca mổ dã chiến tuy đáp ứng nhưng phải điều chuyển, bổ sung liên tục. Các bác sỹ phẫu thuật cứ xong một thương binh, ra thay găng, uống cốc sữa lại vào mổ ngay. Trời tháng 7, nắng nóng hầm hập, tâm niệm của anh em quân y lúc này chỉ có một câu: “Thương binh không đợi!”…”.

Như vậy có thể thấy rằng “trạm thu dung thương binh” là bước đầu sàng lọc để chuyển vào bệnh viện dã chiến. Nay là thời bình, mặc dù Đảng và Nhà nước yêu cầu ‘chống dịch như chống giặc’, nhưng không thể tiếp tục sử dụng động từ của thời súng đạn được, bởi nó dễ mang đến cho người ta bất an hệt như tâm niệm hồi nào của quân y là “Thương binh không đợi”.

Hơn thế, động từ “thu dung” được hiểu theo nghĩa “đón nhận và cho ở” lại dáng dấp của một kiểu ban ơn với chuyện “cho ở”.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh nói rằng người dân có “Quyền được khám bệnh, chữa bệnh có chất lượng phù hợp với điều kiện thực tế”, không có chuyện “cho” hay “không cho” từ các bệnh viện, cơ sở y tế.

Quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh cũng được ghi rõ ở Điều 32 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh:

“1. Được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh mà tiên lượng bệnh vượt quá khả năng hoặc trái với phạm vi hoạt động chuyên môn của mình, nhưng phải báo cáo với người có thẩm quyền hoặc giới thiệu người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để giải quyết.

Trong trường hợp này, người hành nghề vẫn phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.

2. Được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu việc khám bệnh, chữa bệnh đó trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp”.

Như vậy, để tiếng Việt được sử dụng rõ ràng về ý nghĩa, các bệnh viện dã chiến điều trị người nhiễm Covid hiện tại cần được ‘biên tập’ cắt bỏ động từ “thu dung”.


Tin bài liên quan:

VNTB – ‘Giấy âm tính’: thêm thủ tục trắng trợn moi tiền dân chúng 

Phan Thanh Hung

VNTB – Ông Phùng Xuân Nhạ sẽ là người hùng của chống dịch Covid trên toàn cầu?

Phan Thanh Hung

VNTB – Thấy gì từ ‘lời thật bụng’ của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo