Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thử ngồi ghế thẩm phán xét xử về tội danh ở điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015

Điều 117 BLHS

Hà Nguyên

(VNTB) – Trên thực tế thì cơ quan tố tụng luôn đánh đồng cứ hễ ai phê phán Đảng, là người đó cũng muốn đả phá Nhà nước.

 

Theo thống kê của Toà án nhân dân tối cao từ năm 2010 đến năm 2019, tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, là loại tội phạm chiếm tỉ lệ cao nhất trong chương các tội xâm phạm an ninh quốc gia với khoảng (36,8%) trong tổng số các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia.

Đó là con số được lấy từ Vụ thống kê tổng hợp – Toà án nhân dân tối cao, thống kê xét xử hình sự sơ thẩm (từ năm 2010 đến 2019).

Luật sư Nguyễn Văn Miếng trả lời phỏng vấn trên BBC hôm 21-10-2020, cho rằng, “Thông thường các vụ án hình sự ở Việt Nam rất ít khi thay đổi tội danh, người ta có thể thay đổi giữa khung này với khung khác, nhưng tội danh thì ít khi thay đổi, và hai ông Dũng và Thụy đã bị họ truy tố về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm chống nhà nước mà được quy định theo điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017, thì theo tôi là ít khi họ sửa đổi tội danh.

Trừ trường hợp có gì đặc biệt mà phải bổ sung điều tra, mà Tòa trả lại hồ sơ, thì ít khi họ thay đổi tội danh của hai ông và khả năng cao là các ông sẽ bị xét xử theo đó” (https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54614544).

Cái đáng ngại mà ít luật sư đề cập đến khi nhận bảo vệ thân chủ đang bị cáo buộc bởi điều luật 117 của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017, đó là chuyện trong quá trình tiếp cận hồ sơ vụ án, gặp gỡ thân chủ, rất có thể vị luật sư ấy lâm cảnh tiến thoái lưỡng nan bởi điều luật oái oăm, là tại khoản 3 điều 19 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định trường hợp luật sư phải tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này, và tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà luật sư biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.

Trong danh sách 87 tội bắt buộc luật sư phải tố giác thân chủ của mình, có “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”, tức điều luật số 117.

Khi diễn ra các phiên tòa xét xử liên quan điều luật số 117 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017), phía công tố viên thường có lập luận với mẫu câu rất chung chung sau đây:

“Để thực hiện được ý đồ trên các đối tượng đã tiến hành tuyên truyền, phát tán các luận điệu xuyên tạc chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, bóp méo, pha loãng thông tin hướng lái quần chúng xem xét lại lịch sử, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, bôi nhọ các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước với mong muốn tác động xấu đến tư tưởng làm giảm sút ý chí, niềm tin của quần chúng nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn…”.

Dĩ nhiên ở đây luật sư thường ‘vặn lại’, rằng cáo buộc đã nêu một điều không có trong luật, đó là việc cấu thành tội phạm này không hề mô tả Đảng cộng sản Việt Nam là khách thể trực tiếp được bảo vệ của điều luật, do đó về nguyên tắc, các ông/ bà bị buộc tội đã không có hành vi phạm tội.

Tuy nhiên trên thực tế thì cơ quan tố tụng luôn đánh đồng cứ hễ ai phê phán Đảng, là người đó cũng muốn đả phá Nhà nước.

Một vấn đề khác. Tại khoản 3 điều 117 quy định “người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Theo các dấu hiệu pháp lý quy định tại điều 14 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) về chuẩn bị phạm tội, thì giai đoạn chuẩn bị phạm tội là quá trình tìm kiếm, sửa soạn, công cụ phương tiện, hoặc tạo ra các điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm.

Giai đoạn chuẩn bị phạm tội bao gồm ba nhóm hành vi: hành vi tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện để thực hiện tội phạm; hành vi tạo ra các điều kiện khác (điều kiện vật chất và tinh thần) cho việc thực hiện tội phạm; hành vi thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm.

Tuy nhiên, căn cứ vào đặc điểm cấu trúc mặt khách quan của cấu thành tội phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, trong đó có tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, thì các điều luật này được xây dựng là cấu thành tội phạm hình thức. Vì vậy, thời điểm tội phạm hoàn thành được xác định từ khi người phạm tội thực hiện các hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm.

Do đó, giữa lý luận và thực tiễn áp dụng đối với giai đoạn chuẩn bị phạm tội trong điều luật này có mâu thuẫn, và vấn đề đặt ra là việc áp dụng áp luật đối với các cơ quan hành pháp được xác định như thế nào, nếu không muốn nói là không khả thi – và cũng bởi vì sự lúng túng này nên hiếm hoi khả năng những ai bị cáo buộc tội danh theo điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017), có thể nhận bản án tuyên từ 01 đến 05 năm.

Thế nhưng, biết đâu sắp tới đây, rất có thể vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa hình sự nào đó liên quan đến xét xử tội danh 117, sẽ căn cứ vào nguyên tắc nếu chứng cứ không rõ ràng thì ưu thế thuộc về bị cáo, và tuyên – ví dụ như trường hợp ông Phạm Chí Dũng, là 12 tháng tù giam, thời hạn được tính từ ngày ông bị bắt giữ…

Tin bài liên quan:

VNTB – Cơ quan An ninh điều tra Hà Nội bắt giữ ông Dũng Vova

Phan Thanh Hung

VNTB – Đã có cáo trạng vụ án bà Nguyễn Phương Hằng

Do Van Tien

VNTB – Việt Nam lại vi phạm nhân quyền khi bắt ông Nguyễn Chí Tuyến

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo