Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thu phí người nuôi bệnh để ‘cân đối’ ngân sách?

Ngọc Lan

 

(VNTB) – “Bệnh viện hoạt động theo cơ chế tự chủ. Bệnh viện nghèo nên mong muốn có điều kiện phục vụ người bệnh và thân nhân tốt hơn, nếu giàu đã không làm như thế”.

 

Đơn giản là vì bệnh viện… chưa dư dả tiền bạc

Ông Cao Tấn Phước, giám đốc bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, nhìn nhận như trên. Và bác sĩ Cao Tấn Phước cũng cho biết ông tâm niệm rằng: “Có một câu nói ‘Ba chiếc chìa khóa dẫn tới cuộc sống mãn nguyện là: quan tâm tới người khác, dám làm vì người khác và chia sẻ cùng người khác’. Và bệnh viện của chúng ta cũng đang hướng tới điều đó, không những là nơi khám và điều trị bệnh, mang lại một sức khỏe tốt cho tất cả mọi người mà còn là nơi quan tâm đến cả đời sống, hoàn cảnh của những bệnh nhân đang gặp khó khăn”.

Một ghi nhận khác. Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (cơ sở 1). Một nữ nhân viên cho biết chi phí trung bình cho người nuôi bệnh là 200.000 đồng/ ngày/ người và thanh toán chung với chi phí điều trị của bệnh nhân.

Một cán bộ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM giải thích thêm với mức phí thu như hiện nay, người nuôi bệnh được bệnh viện chăm sóc rất chu đáo. Cụ thể như có giường ngủ riêng, nhà vệ sinh được lau chùi thường xuyên… Ngoài ra bệnh viện còn trang bị cả bàn chải, kem đánh răng, khăn mặt, khăn tắm… hằng ngày cho người nuôi bệnh.

Như vậy, ‘phản đề’ của lời giải thích trên, có thể là ở các bệnh viện công, nhà vệ sinh không được lau chùi thường xuyên, người nuôi bệnh phải ngủ hành lang, dưới gầm giường…

Không ‘trả công’ thì thôi, chứ sao lại ‘trấn lột’ tiếp?

Có một biện luận khác rất đáng quan tâm, đó là các thân nhân chăm bệnh, lẽ ra phải được ‘cho tiền’, chứ không phải ‘chịu thêm phí’ – một bác sĩ yêu cầu ẩn danh nói rằng về lý thuyết, ngành y tế và bảo hiểm xã hội phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc chi trả cho công dân đã đóng đủ bảo hiểm y tế, và bảo hiểm xã hội.

Nghĩa là bệnh viện phải lo đủ biên chế cho việc chăm sóc bệnh nhân một cách toàn diện và triệt để, đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu mà tình trạng sức khỏe của người bệnh đòi hỏi, kể cả chăm sóc chuyên môn và chăm sóc đời thường như ăn uống, tắm giặt, vệ sinh, đi lại, giải trí…. Điều này được thấy rất rõ ở các nước phát triển, và ở một số bệnh viện tư nhân tại Việt Nam gần đây.

Ngó sang các bệnh viện công thì ngành y tế không có biên chế cho việc chăm sóc đời thường của bệnh nhân như ở các nước trên, bao gồm hộ lý để chăm sóc “toàn diện” người bệnh. Vậy là bệnh viện buộc phải sử dụng đến hệ thống nhân lực không chuyên nhưng rất sẵn có và hợp lý, đó là người nhà bệnh nhân.

Đội ngũ nhân lực này làm việc tự nguyện, tuy không được chi trả tiền công, nhưng hết sức tận tình và chu đáo đối với người thân của họ. Về mặt kinh tế, đáng lẽ bệnh viện phải trả tiền công, hoặc chí ít là cám ơn họ và tạo điều kiện cho họ ‘làm việc’, thì đàng này bệnh viện lại bắt họ phải trả tiền. Vì thế nghe rất nghịch lý…

“Tất cả những điều kể trên là rất khó, bởi những khái niệm như ‘săn sóc toàn diện’ mới nằm trên các báo cáo thành tích của nghị quyết Đảng, và trong các hội thảo có tính hiện đại mang ý nghĩa cập nhật quốc tế thời đại, trong khi nhà nước chưa có chủ trương đào tạo đội ngũ nhân lực thiết yếu này, bảo hiểm chưa hề tính đến chi phí ‘cận chuyên môn’ ấy…” – vị bác sĩ yêu cầu ẩn danh, nhận xét.


Tin bài liên quan:

VNTB – Tự chủ bệnh viện và các kiến nghị để bệnh viện phát triển bền vững

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – “Truyền thông có thương thì đừng để ý”

Do Van Tien

VNTB – Sài Gòn còn vậy, nói gì đến các tỉnh

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo