Phạm Bá Hoa
(VNTB) – Tự Do Dân Chủ không phải là quà tặng
Tôi là người Việt Nam. Chào đời năm 1930, phục vụ quân lực Việt Nam Cộng Hòa từ ngày 12/5/1954 đến Giờ Thứ 25 ngày 30/4/1975. Sau ngày tang thương này, lãnh đạo Việt Cộng đẩy tôi vào trại tập trung trên đất Nam ngày 14/6/1975, chuyển đến trại tập trung trên đất Bắc từ ngày 16/6/1976, ra khỏi trại tập trung ngày 9/9/1987 về đến nhà ở Sài Gòn chiều ngày 12/9/1987, rời khỏi Việt Nam tháng 4/1991 tị nạn cộng sản trong đợt H05, và đang sống tại Hoa Kỳ.
Ước mơ của tôi là được trở về Việt Nam sống trên quê hương cội nguồn của mình dưới chế độ dân chủ tự do. Vì vậy mà ước mơ đó luôn thúc đẩy tôi tổng hợp các tin tức và chọn lọc vào nội dung, giúp Các Anh và những thành phần yêu chuộng dân chủ tự do có nét nhìn rộng hơn và rõ hơn, về những sự kiện trên thế giới liên quan trực tiếp lẫn gián tiếp đến mục tiêu ngăn chận tham vọng thống trị thế giới của Trung Cộng, mà Hoa Kỳ và một số quốc gia phát triển đang thực hiện. Và khi lãnh đạo Việt Cộng tự suy yếu, hoặc Trung Cộng bị suy yếu thì lãnh đạo Việt Cộng không còn chỗ dựa, đó là cơ hội cho Các Anh và toàn dân đứng lên giành lại Quyền Làm Người của mình, nối tiếp dòng lịch sử oai hùng của dân tộc từ ngàn năm trước.
Là Người Lính trong Quân Đội gắn liền với hai chữ “Nhân Dân”, phải hiểu là Các Anh có trách nhiệm bảo vệ Nhân Dân, cũng là bảo vệ Tổ Quốc, vì Tổ Quốc với Nhân Dân là trường tồn, trong khi đảng cộng sản hay bất cứ đảng nào cầm quyền cũng chỉ một giai đoạn của lịch sử. Ngay cả Cộng Sản Quốc Tế là Liên Xô như đang chờ nắm quyền thống trị thế giới vô sản, đã phải sụp đổ từ đầu năm 1991 vì cộng sản là chế độ độc tài và độc ác. Liên Xô sụp đổ, kéo theo nhóm quốc gia cộng sản vùng Đông Châu Âu cùng sụp đổ.
Chưa hết, Các Anh hãy nhớ lại vào nửa thế kỷ trước đó, phát xít Đức bắt đầu chiến tranh xâm lăng Ba Lan từ tháng 10/1939 và chiếm gần hết Châu Âu, trong khi phát xít Nhật bắt đầu chiến tranh với Hoa Kỳ từ tháng 12/1941 và chiếm gần hết các quốc gia vùng Đông Nam Châu Á, nhưng đến nữa cuối năm 1945 thì cả Đức lẫn Nhật phải gục ngã -vì họ là chế độ độc tài và độc ác không thể tồn tại dài lâu- trước thế giới tự do do Hoa Kỳ dẫn đầu. Và nội dung tôi gởi đến Các Anh được đặt trên căn bản đó.
Với lá Thư này, tôi sưu tầm và chọn lọc những tin tức liên quan đến Việt Nam thời cộng sản, mà quyền lực của đảng với nhà nước đã biến Nhà Giáo thành những công cụ của đảng, trong mục đích truyền đạt nền giáo dục chỉ đào tạo những thần dân để hình thành một xã hội dối trá, dối trá đến mức hèn hạ mà ai còn giữ được tâm hồn Việt Nam với nỗi ngậm ngùi không dám viết hoa hai chữ “việt nam”!
Bài 1. Là Nhà giáo, ai cho chúng tôi lương thiện?
Tác giả: Thái Hạo
Tôi chánh thức bước chân vào nghề giáo từ năm 2013, đến năm 2020 thì bước ra, có lẽ là mãi mãi; trong khoảng thời gian ấy có bị gián đoạn vài lần, vì bỏ việc. Nhưng ở đây, tôi không muốn nói về câu chuyện của mình, mà là chuyện của Những Nhà Giáo.
Tôi đi dạy được vài năm, trường thiếu giáo viên, đúng hơn là thiếu giáo viên giỏi, vì đó là trường chuyên. Tôi lục lại trong trí nhớ và hỏi han tìm kiếm. Cuối cùng cũng tìm lại được một người bạn vong niên, học trước tôi mấy khóa, thông minh, giỏi giang. Lúc ấy, anh đang dạy tại thành phố Biên Hòa, đã có vợ con và có cuộc sống yên ổn như bao người.
Tôi dùng biết bao nhiêu lý lẽ về việc cùng nhau “làm một cái gì đó” cho thế hệ trẻ, cuối cùng anh đồng ý, bỏ thành phố mang theo vợ con lên vùng thị xã miền cao để cùng nhau thực hiện một “cuộc cách mạng” về dạy và học. Hơn 1 năm sau, tôi bỏ việc trước, anh bỏ việc sau. Lại dắt díu vợ con trở về Biên Hòa.
Tôi ở nhà 2 năm thì Hiệu Trưởng cũ gọi, nói: “Mày quay lại giúp tao một chuyến”.
Tôi ra điều kiện, rằng: “Tôi phải được tự chủ về chuyên môn cho cả tổ, và phải được quyền tuyển người. Đồng ý. Thế là lại hăm hở, lập kế hoạch đổi mới, xây dựng chương trình, thay đổi phương pháp… Lúc đó chương trình 2018 cũng sắp được ban hành…
Tôi tìm được một người bạn học khác, một kẻ say mê văn chương và nghiêm cẩn trong công việc. Ông thầy giáo này cũng từng đi dạy và đã bỏ dạy, hiện đang đi làm một công việc chẳng liên quan gì đến giáo dục. Nghe lời ngon ngọt của tôi, anh ấy khăn gói từ thành phố lên Biên Hòa.
Nhưng giáo viên vẫn còn thiếu, vì dường như năm nào cũng có người bỏ việc, tôi tìm khắp nơi, cuối cùng cầu cứu thầy tôi, hiện là Trưởng Khoa của một trường đại học. Thầy nói có 2 bạn này, tốt lắm. Thế là hai thầy giáo tương lai ấy từ Huế lên đường vào Nam. Nhưng ngay sau ngày đầu tiên vào trường, một người đã không bao giờ quay lại nữa. Bạn ấy nói: “Có lẽ em không hợp”. May là một người đã ở lại cùng chúng tôi, với thư viện sách của cậu ấy.
Một hôm, tôi ngồi lướt FaceBook, rất ngạc nhiên khi chợt thấy người bạn “say mê văn chương” của tôi đang ở phi trường Tân Sơn Nhất, và nơi đến là Nhật Bản. Hóa ra bạn không còn say mê văn chương và dạy học nữa, mà đi lao động ở Nhật. Trong khi cậu giáo viên trẻ từ Huế vào, cũng giã từ nghề giáo, xuống Sài Gòn lao động.
Hai hôm trước tôi gặp lại người bạn vong niên, người đầu tiên đã bỏ việc ở Biên Hòa đến với chúng tôi. Anh nói:
“Hết năm nay là tôi nghỉ, kiên trì đến bây giờ là quá đáng rồi. Mình đã làm một công việc vô nghĩa quá lâu, vì chỉ nhồi nhét để thi chớ không phải giúp các em trau dồi kiến thức. Thương học trò lắm, nhưng trong cái hệ thống vận hành kiểu này của giáo dục, thì không còn lựa chọn nào khác. Không thay đổi được nó thì đành phải vứt nó mà đi thôi”.
Tôi hỏi anh: “Rồi Anh làm gì để sống?“
Anh đáp: “Làm gì chẳng được, có khi còn sống yên ổn hơn là đi dạy học”.
Vậy là những người đồng nghiệp mà tôi “cầu hiền”, đến nay tất cả đã rời bỏ giáo dục. Không ai còn có ý quay lại con đường ấy. Họ nói với tôi rằng: “Lên lớp là thợ dạy chớ không phải Thầy Dạy. Ở trường là cu li, đảng ủy bảo gì làm nấy, vừa bị người ta coi thường, vừa kiếm cơm một cách cay đắng”.
Họ, là những người hiếm hoi còn đọc sách trong những giáo viên mà tôi biết, và còn có tủ sách. Họ yêu nghề, yêu văn chương. Là Thầy Giáo Cô Giáo, họ còn làm thơ, viết truyện đăng báo, xuất bản sách, họ suy tư và trăn trở, họ đau đớn với nghề nghiệp, đến mức phải rời khỏi giáo dục mang theo nỗi đau trong lòng!
Tôi phải đứng nhìn những người đồng nghiệp giỏi giang và có nhân cách lần lượt ra đi. Mà không chỉ bạn tôi, lâu lâu lại nghe tin một người mà mình từng biết và tôn trọng nghỉ việc. Tôi tự hỏi: “Giáo dục sẽ còn ai? Và ai ở lại với các em?
Nhiều năm nay, vẫn đều đặn nghe các vị lãnh đạo nói về việc giáo dục là “ưu tiên dạy người”.
Tôi lại tự hỏi: “Ai dạy? Dạy bằng cách nào, khi mà những Thầy Giáo Cô Giáo còn chưa được đứng thẳng để làm người thì dạy ai! Bởi, giáo viên phải ngoan ngoãn im lặng làm theo đảng, có ai đó trung thực thẳng thắn thì bị hành hạ, bị đuổi ra khỏi trường. Muốn yên thân thì phải hèn, phải giả câm giả điếc, làm sao dạy các em thành người”!
Chỉ trong năm 2022 đã có 16.000 giáo viên bỏ việc. Sự mất giá của nghề giáo không phải chỉ là chuyện lương, mà là lương thiện. “Và ai cho chúng tôi được làm người lương thiện”?
Nếu không có một cuộc cải tổ về bộ máy trong hệ thống giáo dục, không có công đoàn độc lập để bảo vệ nhà giáo, không phân chia lại quyền lực trong nhà trường để cân bằng, thì mọi lời hay ý đẹp vẫn chỉ là khẩu hiệu. Và giáo dục, theo thời gian, cứ phải sa mạc hóa dần đi, không thể cưỡng lại được.
Bài 2. Tôi thật buồn về Ngày Nhà Giáo.
Tác giả là Nhà Giáo Mai Thị Mùi, viết nhân Ngày Nhà Giáo 20/11/2022.
Không có một đất nước nào mà lại nhiều ngày truyền thống như nước ta. Ban bệ, ngành nghề nào cũng có ngày riêng, quân đội, công an, luật sư, nhà giáo, nhà báo, nhà may, nhà thổ. Phải cố đặt ra một ngày nào đó để tự tôn, và buộc mọi người tôn vinh mình. Nhưng Ngày Nhà Giáo Việt Nam có lẽ là ngày dễ nhớ nhất, vì ai trong đời cũng là học sinh, không thì cũng là phụ huynh để PHẢI nhớ mà cúng cô hồn cho yên thân cả cha mẹ lẫn con cái.
Tôi hỏi quý vị đồng nghiệp, quý vị hãnh diện và hân hoan chào đón cái ngày này để làm gì? Một năm 365 ngày, được “tôn vinh” một ngày, rồi cả xã hội phỉ nhổ 364 ngày có đáng không quý vị?
Tôi nhìn quý vị xúng xính váy áo, ôm những bó hoa mua bằng máu và nước mắt của phụ huynh nghèo, quý vị nghiêng vai nghiêng cổ để phụ huynh choàng vào, chụp hình, rồi ngồi vào những mâm cỗ từ quỹ “tự nguyện” đóng góp của phụ huynh học sinh mà tôi thấy như ăn phải miếng thịt ôi, chỉ chực nôn ra cho bằng sạch.
Một đất nước không cần có ngày Người Cao Tuổi, chỉ cần ở đất nước ấy người già không phải đi bán vé số, nhặt ve chai, xin ăn, hay bươi rác.
Một đất nước không cần có ngày Trẻ Em, miễn là đừng có trẻ em bị ấu dâm, trẻ bỏ học đi kiếm sống, trẻ bị bạo hành, trẻ bị lạm dụng.
Một đất nước văn minh không cần có ngày Phụ Nữ, chỉ cần họ không bị bạo hành, phân biệt đối xử.
Một đất nước không nên có các bà mẹ Anh Hùng, ba lần tiễn con đi hai lần khóc thầm lặng lẽ. Chúng mày có thương mẹ thì để mẹ sống yên bình bên các con mẹ. Chứ chúng mày tạo chiến tranh rồi bắt con mẹ lao vào cuộc chiến tranh phi nghĩa, phi nhân. Để rồi con mẹ mất, mẹ sống với nỗi đau thắt ruột, rồi chúng mày cấp cho cho mẹ cái bằng mẹ Việt Nam anh hùng.
Mỗi dịp kỷ niệm ngày cướp chính quyền thì chúng mày lại đem mét rưỡi vải đỏ với cái hình thằng diệt chủng (ý nói hồ chí minh. PB Hoa) đến dí vào tay mẹ. Phụ nữ không cần anh hùng, phụ nữ chỉ cần cuộc sống an nhiên với chồng, với con thôi. Chúng mày không tạo ra chiến tranh tức là công đức vô lượng rồi.
Một người thầy cũng không cần đến ngày tôn vinh nhà giáo. Chỉ cần cái ngành giáo dục trả lương cho họ đủ sống, để họ không phải bắt học sinh đi học thêm, chỉ cần họ không dí học sinh đóng tiền học, chỉ cần họ không hối phụ huynh đóng quỹ lớp, nhất là để họ thực hiện được tư cách và lương tâm của Thầy Giáo Cô Giáo.
Họ –tức nhà giáo- chỉ cần chuyên tâm vào công việc chuyên môn thì tự khắc cả xã hội kính trọng họ, kính trọng từ ngày này sang tháng khác, từ năm này qua năm nọ, từ đời này đến đời kia. Chứ đâu chỉ có 1 ngày hoa trái, quà cáp, phong bì, hộp nơ, rồi những tháng còn lại trong năm nhìn nhau theo cách nhìn của những người mua bán con chữ, kinh doanh tri thức.
Quý vị hiểu mình cần phải làm gì rồi chứ? Muốn người khác tôn trọng, trước hết mình phải có tự trọng. Lòng tự trọng từ đâu mà có?
Tự trọng là không đủ tri thức không đứng trên bục giảng.
Tự trọng là thấy nghề giáo không đủ sống thì mạnh dạn bước ra khỏi ngành, chớ không phải cào cấu phụ huynh cho đầy hũ gạo nhà mình.
Tự trọng là thấy sai trái, bất công phải lên tiếng, chớ không hùa theo lũ lãnh đạo bóp cổ phụ huynh và học sinh.
Tự trọng là bị cử đi làm “nhiệm vụ chính trị” phải biết phản đối.
Tự trọng là thấy trường lạm thu phải đứng về phía phụ huynh.
Tự trọng là không câm lặng nghe và làm theo những điều dối trá, sai quấy của cấp trên cốt để yên thân, vững ghế.
Chỉ cần quý vị làm được những điều trên, mỗi năm xã hội sẽ tôn vinh quý vị đủ 365 ngày với sự yêu kính chân thành, không phải bằng những tấm thiệp ghi những câu hoa mỹ do bố mẹ chúng nó có kẹp mấy tờ bạc. Những bó hoa tươi mua bằng những đoạn ruột héo, những cái hộp đựng vài mảnh vải áo dài, những coupon, những chai dầu thơm, sữa tắm…mà chỉ cần thêm nén nhang, nắm muối, nắm gạo là đủ bộ cúng mùng 2 và 16 mỗi tháng.
Bài viết của Nhà Giáo Mai Thị Mùi đến đây là hết, nhưng tôi chợt nhớ đến bản tin do phóng viên của AFP viết từ Hà Nội ngày 4/5/2020 về giáo dục Việt Nam, như sau:
“Thực tế giáo viên ở Việt Nam không thể sống hoàn toàn bằng lương, bởi mức lương cho giáo viên mới ra trường chỉ hơn 3.000.000 đồng/tháng. Giáo viên dạy lâu năm nhất, sắp về hưu thì cả lương lẫn phụ cấp và các khoản khác, cũng chỉ khoảng 10 đến 12 triệu/tháng là tối đa.
Trong khi đó, nhiều công trình kiến trúc, tượng đài lịch sử hay cổng chào được xây dựng từ ngân sách nhà nước, rải rác khắp các tỉnh thành từ bắc chí nam gây lãng phí hằng trăm hằng ngàn tỷ đồng.
Điển hình như khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, và học sinh Miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 mang tên “Con tàu tập kết” với trị giá 255 tỷ đồng. Bình Dương chỉ xây cổng chào mà tiên tốn đến 40 tỷ đồng. Hải Phòng dựng một cổng chào nghệ thuật trị giá 24 tỷ đồng.
Để giải quyết tiền lương giáo viên mà không phải lấy từ ngân sách nhà nước, Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục & Đào Tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị nghiên cứu, tư nhân hóa hệ thống trường công thành trường tư để có tiền trả lương giáo viên, đồng thời giảm chi từ ngân sách nhà nước về giáo dục. (Ông Bộ Trưởng này nhìn ngân sách giáo dục như là sự phí phạm ngân sách nhà nước. PB Hoa)
Đề nghị của ông Nguyễn Kim Sơn bị phản bác của người dân và nhà giáo, bởi lãnh đạo giáo dục gia mà xem giáo dục không là gì cả.
Giáo Sư Đặng Hùng Võ nhận định: “Hơn nửa đời người gắn bó với ngành giáo dục, tôi thấy tổ chức khối giáo dục ở Việt Nam đang có những vấn đề căn bản chưa giải quyết được tận gốc rễ. Chính ngành giáo dục đã khuyến khích sự gian dối ngay trong môi trường giáo dục bởi những thành tích ảo. Tất cả các trường đều “đạt thành tích tốt” sau khi tự mình hạ tiêu chuẩn thành tích xuống, và nâng điểm học sinh lên”.
Báo Thanh Niên dẫn lời Thầy Giáo Nguyễn Duy Khánh, trường trung học phổ thông Hùng Vương (Phú Thọ) rằng: “Tháng 11 là tháng tri ân, nhưng cũng là tháng khổ nhất của Thầy Giáo Cô Giáo, bởi phải lo thi đua tất cả các trường các lớp. Giáo Viên phải chuẩn bị luyện tập các buổi thao dượt giảng dạy mất đến hàng tháng với những áp lực nặng nề từ Đảng Ủy nhà trường, mà thật ra những buổi thao dượt này chỉ có tính cách chuẩn bị để biểu diễn chớ không dựng lại hình ảnh của thực tế dạy và học”.
Bài 3. “Người Việt Nam Hèn Hạ”
Tóm lược bài do Mặc Lâm Đài Á Châu Tự Do dẫn chuyện.
Tác giả tên Hân Phan, cô chào đời năm 1979, tốt nghiệp Luật Khoa, đang là Giám Đốc một công ty truyền thông ở Sài Gòn. Với bài viết “Người Việt Nam Hèn Hạ”, đã gây sôi đọng trên hệ thống internet. Cô gái trẻ này nói về thực trạng đời sống xã hội cũng như tâm tính, văn hóa, thói quen ứng xử của người Việt Nam, mà dưới ánh mắt của cô, nó chỉ đáng được gọi là hèn hạ, cùng với hai chữ Việt Nam không được viết hoa.
Bài viết rất thuyết phục, cũng rất gây tranh cãi, nếu người đọc nó với những suy nghĩ của những năm tháng mà đất nước được tô đầy những màu hồng rực rỡ.
Lần lượt từng vấn đề một, tác giả phơi bày dưới ánh sáng của chiếc đèn giải phẩu. Cô soi rọi những góc ẩn, mà không ai muốn nhắc tới. Tác giả Hân Phan viết về thế hệ của cô, lớp tuổi 40 thời xã hội chủ nghĩa nhuộm đỏ toàn cõi Việt Nam.
Và xin vào bài.
Gần 40 năm thống nhất, việt nam có hơn gì thời chiến, ngoài cái đống xe gắn máy chạy đầy đường… trong túi ai cũng có một cái điện thoại di động?
Dù nhà ở không có, đất đai không có, bảo hiểm không có, tương lai cho con cái không có, nhưng bia rượu chảy tràn lan mỗi ngày trong quán nhậu.
Người ta được ru suốt 40 năm, bằng niềm ước mơ cháy bỏng về cơm no áo ấm. Hạnh phúc chỉ thế thôi. Muốn hạnh phúc hơn thì hãy làm giàu, làm giàu, và làm giàu. “Doanh nhân là chiến sĩ thời bình.” Cái khẩu hiệu sặc mùi con buôn, đầy phân chợ trời trong đó.
Tiếng súng không còn nổ ngoài đường. Nhưng, một cuộc chiến khác đậm chất mafia, côn đồ, mà nhà cầm quyền việt nam hoàn toàn im lặng. Cuộc chiến đó là rình mò, là theo dõi, là cấm cản, là kiểm duyệt, là vu cáo, là bắt bớ, là dùi cui, là tù đày, là chết không lý do, là bịt miệng tại tòa, là con cháu theo lời lãnh đạo cầm gậy gộc ra ngoài đồng ức hiếp ông bà cha mẹ chòm xóm của mình, vì họ đang giữ đất để sống còn.
Những đứa thanh niên đó, nó đang nghĩ gì khi quay lưng lại với gia đình, quay lưng với dân tộc?
Ðơn giản thôi. Chúng nó tin rằng, trung thành với cái thể chế mà nó đang phục vụ, thể chế đó sẽ cho nó đặc quyền, đắc lợi hơn người. Vậy là chúng nó nhắm mắt làm theo, coi nhân dân là cỏ rác, coi gia đình cũng là thứ cỏ rác, chúng nó chỉ biết đến lợi ích cá nhân .
Chứ ngoài ra, liệu còn cái lý tưởng cao đẹp nào có thể tin vào lúc này? Ðừng nói với tôi là “lý tưởng Hồ Chí Minh” hay “lý tưởng cộng sản” nhé! Hỏi những đứa mặc áo xanh cán bộ đoàn thử xem, nó nói có trôi chảy không?
Tôi đã thử rồi, rốt cuộc là chúng nó ngồi im nghe tôi nói toàn những điều mà trường học gọi là “phản động.”
Đọc tới đây chắc nhiều người trong chúng ta vẫn cho rằng, cô gái này đang nói ai đấy, chớ không phải mình….Nhưng khoan đã, hãy bình tỉnh với những dòng kế tiếp.
Cuộc chiến này được khoác lên chiếc áo “bảo vệ hòa bình, tự do, hạnh phúc”. Còn thật sự thì bên trong là để bảo vệ quyền lợi, quyền lực cho một nhóm người gắn kết với nhau bằng những chiếc răng cùn gặm vào xương máu người nghèo, người thất học, người bán buôn lương thiện hàng ngày.
Những người mà mỗi ngày chỉ biết tạ ơn Trời Phật đã cho chúng con một ngày yên ổn làm ăn: –
– Không bị cán bộ thuế đến nhũng nhiễu.
– Không bị Công An Giao Thông thổi phạt kiếm ăn.
– Không bị đội dân phòng rượt đuổi.
– Không bị ông chủ đẩy vào toa lét để sờ soạng.
– Không bị cắt tiền tăng ca.
– Không bị cho ăn cơm thiu ngộ độc.
– Không bị bệnh đột ngột phải vào bệnh viện nằm dưới gầm giường chờ chết…
Thế là cái dân tộc đầy sợ sệt, bất an đó cuống cuồng kiếm tiền, cuống cuồng vơ chỗ này, cấu chỗ kia để nuôi sống thân mình, gia đình mình. Họ còn biết làm gì nữa? Và khi họ chăm bẳm vào tiền và sự yên ổn cho mình, họ để mặc cho một bọn ác ôn lên ngôi, bọn này dựa vào công thức:
Bên trên, chúng nhìn thấy cách hành xử của một chính quyền côn đồ, muốn có thêm tiền là ra luật.
Bên cạnh, chúng nhìn thấy những con người thờ ơ với người khác, chỉ còn biết nghĩ tới mình.
Bên dưới, chúng nhận ra một đám người khổ sở, sợ sệt, yếu ớt.
Vậy là, chúng nhận ra chúng có khả năng luồn cúi bên trên, tránh né bên cạnh, và ức hiếp bên dưới.”
Sau một lúc vẽ ra khung cảnh thật đang xảy ra chung quanh mình, tác giả lặng lẽ than thở: “Sao mà tôi sợ bọn người đó như thế? Bọn đó tập trung vào các cơ quan công quyền, làm quản trị, làm công an, làm công chức,…gọi chung là làm “đầy tớ” của nhân dân, nhưng thật ra là những ông chủ bà chủ có toàn quyền với nhân dân. Bọn công bộc đó đã cùng nhau chiếm đất chiếm nhà, đẩy những cụ già bỏ quê bỏ xứ, lên Sài Gòn ngồi vạ vật dầm mưa dãi nắng suốt ngày đêm, ngày này qua tháng nọ để kêu oan.
Tôi sợ bọn chúng vì bọn chúng đông quá, đông như kiến cỏ.
Chúng nhan nhản khắp nơi, ngày ngày bóp chết mọi ước mơ, triệt tiêu mọi khao khát, thêm sự dốt nát của chúng vào nữa là hoàn hảo, để tạo ra một nền kinh tế xã hội thụt lùi đến chóng mặt, quay cuồng trong dối trá, và danh lợi.
Bọn này tiếp tay cho bọn con buôn cũng lưu manh không kém. Thế là chúng ta ăn thức ăn có độc mỗi ngày, con cháu chúng ta uống sữa độc mỗi ngày, chúng ta đi trên những con đường đầy hiểm họa mỗi ngày, chúng ta tiêu dùng những gì chúng mang tới, chúng ban phát, với giá mà chúng ấn định, với mức thuế mà chúng muốn, trong khi chúng ta không dám phản ứng, vì chúng ta … lương thiện.
Tôi đọc tin ông bà chủ đánh trẻ làm công đến thương tật. Tôi đọc tin một gã thanh niên có học, chặt chém bạn gái mình thành từng khúc chỉ vì một chiếc xe máy và chút ít tài sản. Tôi đọc tin cả chủ và lơ xe vứt xác hành khách bị lèn chết giữa đường, mà cả xe không ai phản ứng. Tôi đọc tin nữ sinh phải ngủ với thầy giáo để được điểm tốt.
Tôi đọc tin người đi đường bị cướp, may mắn giật lại được túi tiền, nhưng túi rách, tiền bay ra, xung quanh thiên hạ xúm lại nhặt, nhưng không phải nhặt giúp, mà nhặt hết đi không chừa lại đồng nào. Thay vì bị 1 đứa cướp, anh ta bị cả đám người con đường hè nhau mà cướp. Còn rất nhiều tin mà tôi chưa đọc.
Một dân tộc gì mà độc ác và hèn hạ thế? Dĩ nhiên, không chỉ có mình tôi biết đau đớn vì những điều đó.”
Còn văn chương xã hội chủ nghĩa thì sao?
Hân Phan không ngại chút nào khi lôi ra từng cuốn sách đóng mốc lên meo của chủ thuyết văn chương phải đạo, hay văn chương than khóc, cho chúng ta nhìn ngắm:
Chúng ta có cả một thứ to tát mà tôi tạm gọi là “nền văn chương than khóc. Trong những tác phẩm thi ca xuất bản từ khoảng 20 năm trở lại đây, tôi không dám nói mình đọc nhiều hay nghe nhiều, nhưng tôi cố gắng đọc, cố gắng nghe, cố gắng tìm hiểu, và cố gắng tìm kiếm một tác phẩm xứng đáng làm cho tôi thấy dân tộc việt nam của tôi thực sự là “cần cù, nhân hậu, thông minh, kiên cường, bất khuất, đoàn kết thương yêu nhau, nhưng không tìm thấy, mà chỉ thấy:
– Loại mờ nhạt, rẻ tiền, xúc cảm vu vơ, vụn vặt, vô thưởng vô phạt.
– Loại có trăn trở, có suy tư, nhưng toàn đau đáu những nồi niềm xưa cũ, tương lai chả biết phải vứt đi đâu và vứt cho ai?
– Loại mạnh mẽ hơn, trực diện hơn, nhưng tầm vóc tác phẩm chỉ ở mức gẩy lên 1 tiếng đàn, rồi im bặt.
Tâm hồn chúng ta trong xã hội này được nuôi dưỡng bằng những thứ chỉ đến mức đó mà thôi.”
Nút thắt của những điều mà tác giả vừa nói, là do nền giáo dục xã hội chủ nghĩa đào tạo, và mọi người trưởng thành từ nền giáo dục đó phải thực hiện nó. Tác giả viết:
“Vậy cái gì đã gây nên nông nỗi? Nhiều người rất cực đoan, nói ra cái gì sai, đều là lỗi do cộng sản. Nhưng cộng sản tệ đến như thế mà cai trị được chúng ta hơn 70 năm qua, hoá ra chúng ta càng tệ hơn họ.
Và tôi nghĩ đến một điều, cái gì đã làm cộng sản tồn tại lâu như thế? Ngoài sự cấu kết quyền lực quyền lợi để cùng bảo vệ lẫn nhau, cộng sản đã làm gì để chúng ta thành ra một dân tộc hèn hạ tự trên xuống dưới như ngày hôm nay? Ngoài sự mafia, côn đồ, trấn áp bằng sợ hãi, giáo dục một cách ngu dân ra, chúng còn làm gì nữa?”
“Tôi có cảm giác như mình đang sống giữa một bầy đàn hỗn loạn nhưng hoang vu. Hỗn loạn về vật chất, nhưng hoang vu về tinh thần. Bạn có thấy như thế không?”
Và bây giờ là chúng ta, tất cả chúng ta, những người có trách nhiệm với ngôi nhà mang tên Việt Nam, nhưng đang giương mắt nhìn ngoại bang cấu kết với bọn lãnh đạo đảng với nhà nước làm mất dần đất nước, hay ít ra mất hẳn cái gọi là lòng yêu nước, vốn luôn bị lợi dụng trong cuộc chiến tranh vừa qua.
Đúng là “đĩ” chưa từng thấy! Chưa có nhóm cầm quyền nào mà “đĩ” như nhà cầm quyền việt nam hiện tại. Dựa hơi mà cũng không biết dựa hẳn bên nào cho trót. Lá mặt lá trái như thế, bảo sao quốc tế nó không khinh?
Hân Phan thố lộ với tôi, tức Mặc Lâm:
“Bài viết đã xuất hiện cách đây mấy năm, mà mỗi lần nó ồn ào trở lại thì mỗi lần gây tranh cãi. “Trời ơi, người ta khen cháu cũng có, nhưng người ta chửi cháu không còn gì hết. Nhưng cháu không có trả lời ai hết, vì những gì muốn nói thì cháu đã nói hết rồi.
Hơn nữa, cháu cũng bị theo dõi lâu rồi, trong Inbox hay trong e-mail cháu vẫn để đó cho họ đọc, vì họ càng đọc thì càng thấy mình không có động cơ gì xấu hết, mà mình chỉ muốn cho xã hội tốt hơn thôi, nên mặc kệ họ.
Cháu không sợ họ. Mà việc gì phải sợ, sợ thì mình đã không viết”./.
Đây là lời cuối của Mặc Lâm: “Giới thiệu bài này tôi nhận ra một điều: Suốt cả bài viết, mặc dù tác giả không hể viết hoa hai chữ Việt Nam, nhưng tôi lại thiếu can đảm để làm điều ấy. Bởi, có một cảm giác mong manh nào đó thiêng liêng lắm trong tiềm thức của tôi, mặc dù biết rằng chính mình không xứng đáng để viết hoa hai chữ Việt Nam”.
Kết luận.
Tôi chọn lọc và sử dụng bài văn bài thơ của các tác giả nói lên sự thật trong xã hội Việt Nam thời cộng sản để mọi người Việt Nam nói chung, và Các Anh nói riêng, nhận thấy sự trái ngược giữa con người trong xã hội Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của Các Anh, với con người trong xã hội Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi, dù Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi không còn nữa. Mục đích của tôi là giúp Các Anh dễ dàng nhận ra con người trên đất Bắc từ năm 1954, và trên toàn cõi Việt Nam từ năm 1975 đến nay, đã bị lãnh đạo cộng sản vùi dập dưới tận đáy của xã hội văn minh nhân bản, trong khi lãnh đạo cộng sản dối trá đến mức tận cùng của nấc thang dối trá trong xã hội Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, để đẩy người dân vào cuộc chiến tranh xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa theo lệnh của cộng sản quốc tế là Liên Xô, kế tiếp là Trung Cộng từ năm 1991 đến nay.
Dưới đây là bài viết “Gửi các đảng viên đảng cộng sản Việt Nam để nhìn lại chính mình” của tác giả Lê Minh Đức. Từng là đảng viên đảng cộng sản Việt Nam, nhưng tác giả đã nhìn thẳng vào sự việc và đi thẳng vào nội dung một cách mạnh mẽ:
“Này nhé. Ta chiến đấu vì lý tưởng cộng sản, coi Mỹ là kẻ thù của hòa bình thế giới. Ta thắng nó với lòng tin rằng, chẳng bao lâu sau thằng tư bản sẽ quỳ gối trước mặt phe cộng sản để cầu xin ân huệ.
Thế mà tất cả những gì ta hy sinh cho cuộc chiến 20 máu lửa đó, trong phút chốc bỗng biến thành trò cười rẻ tiền. Chủ nghĩa cộng sản sụp đổ tan tành như mây khói. Nay ta quay lại cầu xin nó, theo đuôi nó xây dựng chủ nghĩa tư bản, và năn nỉ nó công nhận ta là kinh tế thị trường”.
“Bao thế hệ hy sinh chống Mỹ, để rồi nhìn thấy những thế hệ sau chiến tranh lớn lên hướng về văn hoá Mỹ, cuồng Mỹ. Hoá ra những gì ta làm trong quá khứ đều sai, đều ngu muội, chỉ vì ta có tầm nhìn không quá lũy tre làng.
Hỏi như thế có nhục không? Mà nhục như thế thì quên thế nào được. Nay ta trải thảm đỏ mời Mỹ quay lại. Cái mặt dày đểu cáng của ta biết giấu vào đâu? Đành phải lôi lại chuyện quá khứ rằng Mỹ giết dân ta. Thì sao, nó không giết ta để ta giết nó hay sao?
Cuộc chiến tranh này do ta chủ trương, có thằng nào trong chúng ta không phải là Việt Cộng trong mắt người Mỹ. Ta sống trong dân, ta giấu vũ khí trong vườn nhà dân. Dân và ta đều quần đùi đen, áo bà ba đen, tay cầm liềm cắt cỏ mà AK 47 giấu trong bờ ruộng. Ta đánh úp nó chết nhăn răng, vì nó tưởng du kích ta là dân lành”.
“Trong khi đó ta giết chính đồng bào ta, ta trói đồng bào ta như trói gà, rồi ta chặt đồng bào ta làm ba khúc sau vườn. Ta dùng cuốc đập đồng bào ta vỡ sọ. Ta chôn sống đồng bào ta sau khi bắt chính họ đào huyệt…
Ta tuyệt đối không nhắc lại chuyện đó. Ta tuyệt đối tìm cách quên rằng thằng đàn anh Trung Quốc đã giết đồng bào ta còn tệ hơn giết chó, máu chảy thành sông ở biên giới phía Bắc. Vậy mà ta vẫn tiếp tục thờ lạy nó”.
“Vậy, ta là ai? Ta là cộng sản Việt Nam, là Việt Cộng. Là thứ cặn bã của dân tộc này. Ta là thứ mọi rợ, thứ đạo đức giả. Ta là loài khỉ đột, đã xua đuổi được mọi nền văn minh để tiếp tục tự sướng với nhau trong bóng tối của thời trung cổ.
Và còn nữa? Hãy chờ xem ta sẽ nghiến nát kẻ thù là nhân dân, như đàn anh Trung Quốc của chúng ta dùng xe tăng xay thịt nhân dân chúng nó thành thức ăn cho súc vật trên quảng trường Thiên An Môn”.
“Ta là quái thai thời đại. Ta không xứng đáng đứng ngang hàng với loài người văn minh trên trái đất này. Thảm họa diệt chủng đã hiện ra trước mắt, không ai có thể cứu được dân tộc Việt Nam khỏi thảm họa này, ngoài 90 triệu người Việt. Mỗi người cần nhìn thấy cái chết đang đến với chính mình và con cháu mình”.
“Xin hãy chuyển tải bài viết này tới tất cả mọi người, mọi tờ báo, nói chung là mọi phương tiện thông tin để mọi người cùng biết, cùng nhau đứng lên chống thảm họa diệt chủng đã đến trước mắt, để cả thế giới cùng biết và lên tiếng bảo vệ chúng ta”.
Vì vậy mà tôi vững tin là khi Trung Cộng thật sự hỗn loạn, hoặc ngay trong hàng ngũ lãnh đạo Việt Cộng hỗn loạn, thì đó là cơ hội giúp Các Anh cùng đồng bào đứng lên diệt trừ chế độ độc đảng độc tài và đ ộc ác trên quê hương Việt Nam, trong khi Cộng Đồng Tị Nạn Việt Cộng tại hải ngoại chúng tôi rất nhiều thuận lợi để vận động các quốc gia trợ giúp chúng ta cùng xây dựng chế độ Dân Chủ Tự Do và phát triển toàn diện, cùng lúc hòa nhập vào cộng đồng thế giới. Từ đó, người Việt Nam chúng ta sẽ ngẫng cao đầu giữa thế giới văn minh lịch sự, được hãnh diện trước những người ngoại quốc đến Việt Nam du lịch, tìm hiểu nếp sống văn hóa dân tộc với chiều dài lịch sử ngàn năm trước đã lừng danh thế giới.
Hãy nhớ, “Tự do, không phải là điều đáng sợ, mà là nền tảng cho sự thịnh vượng của đất nước. Không có dân chủ, không thể có sự trỗi dậy và phát triển bền vững. Muốn được sống trong Tự Do Dân Chủ, chính chúng ta phải tranh đấu, vì Tự Do Dân Chủ không phải là quà tặng./.
Texas, ngày 14 tháng 12 năm 2022