VNTB – Thủ tướng Việt Nam mang món bánh vẽ qua Nhật

VNTB – Thủ tướng Việt Nam mang món bánh vẽ qua Nhật

Mỹ Tiến

 

(VNTB) – Thủ tướng Phạm Minh Chính: “”Việt Nam là nơi khu trú an toàn trong cơn bão kinh tế hiện nay trên thế giới, xét về mọi mặt khác nhau.”

 

Ngay sau khi chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sang Nhật ký tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đi Nhật để mời gọi đầu tư. Tuy nhiên, nhìn vào lời mời gọi của ông Chính, người ta chỉ thấy một sự cái bánh vẽ khổng lồ chứ không thấy mong muốn hợp tác chân thành.


Kinh tế thế giới gặp “bão”, Việt Nam vẫn trụ vững?

Gặp các doanh nghiệp lớn tại Tokyo, Nhật Bản sáng 16/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng trước “bão” kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn trụ vững, ổn định kinh tế vĩ mô, dự trữ ngoại hối trên 100 tỷ USD và xuất siêu 25 tỷ USD.

Ông Chính tuyên bố Việt Nam chọn tăng trưởng nhưng vẫn kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Thị trường lao động cân bằng, đủ năng lượng cho sản xuất, kinh doanh. Các cân đối lớn như nợ công, nợ chính phủ và nước ngoài được kiểm soát, tạo lòng tin, an tâm cho các nhà đầu tư.

“Việt Nam là nơi khu trú an toàn trong cơn bão kinh tế hiện nay trên thế giới, xét về mọi mặt khác nhau”, thủ tướng Việt Nam nói với các đại diện doanh nghiệp Nhật Bản.

Tuy nhiên, trên thực tế, tình hình kinh tế trong nước hiện nay lại rất bất ổn. Nợ công tăng cao, cả hệ thống chính trị từ chủ tịch nước, tổng bí thư, chủ tịch quốc hội, thủ tướng phải chạy vạy khắp nơi để tìm cách vay nợ mới để trả nợ cũ. Nếu không muốn nói ông Chính đang mời doanh nghiệp Nhật ăn bánh vẽ, thì có thể nói rằng ông này đang định lừa người Nhật về tình hình Việt Nam.

Chim trong lồng muốn bay ra, liệu chim bên ngoài có dám chui vô?

Việc mời gọi đầu tư của Phạm Minh Chính là chuyện mà một thủ tướng phải làm. Nhưng nếu không giải quyết được những vấn đề nội tại, mà chỉ phác họa những cái bánh vẽ; thì có thể sẽ mất luôn những doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Chứ đừng nói tới chuyện kêu gọi thêm doanh nghiệp mới đầu tư vào.

Mới đây, tập đoàn Intel phải gác lại kế hoạch mở rộng sản xuất chip ở Việt Nam vì tình trạng tham nhũng tồi tệ, cùng đó là nguồn điện không ổn định.

Trong khi đó, những tập đoàn ở lại và mở rộng đầu tư tại Việt Nam thì cũng gặp nhiều khó khăn do trình độ nhân công, các thủ tục hành chính và sự nhiễu nhương của cán bộ địa phương. Ví dụ trường hợp tập đoàn điện tử Samsung, suốt hai năm trời không được hoàn 44 triệu đô la tiền thuế VAT (khoảng 1000 tỷ đồng). Tập đoàn này phải nhờ truyền thông và các bên liên quan vào cuộc thì mới được trả khoản một nửa tiền số tiền mà nhà nước Việt Nam nợ họ (khoảng 550 tỷ đồng).

Ngoài việc kêu gọi các tập đoàn công nghệ đầu tư vào Việt Nam. Phạm Minh Chính còn kêu gọi các ngân hàng lớn của Nhật tham gia tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém tại Việt Nam như SCB, CBBank, OceanBank, GPBank, DongABank.

Cần nhớ rằng, tại phiên chất vấn ngày 6/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết cơ quan này sẽ hoàn thiện đề án chi tiết tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, để thực hiện. Tức là ngân hàng nhà nước vẫn chưa hoàn thiện đề án tái cơ cấu, các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa phê duyệt để thực hiện tái cơ cấu hệ thống tài chính yếu kém này.

Nếu phía Nhật Bản đầu tư vào những ngân hàng đang đứng trước nguy cơ phá sản này, họ sẽ rơi vào bẫy tài chính mà cả hệ thống chính trị Việt Nam vẫn không biết cách giải quyết. Cùng với đó là cơ chế quan liêu, tham nhũng từ địa phương tới trung ương. Liệu người Nhật có dám mạo hiểm đầu tư để rồi phải còng lưng gánh nợ cho Việt Nam?


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)