Việt Nam Thời Báo

VNTB – “Tị nạn giáo dục”

Châu Nam Việt

 

(VNTB) – Gần 5% học sinh lựa chọn du học thay vì môi trường học tập trong nước.

 

Du học nhưng thật ra là “tị nạn giáo dục”

Những ngày vừa qua, báo chí trong nước “hồ hởi” đưa tin thống kê của UNESCO cho thấy Việt Nam có hơn 132.000 du học sinh năm học 2021-2022, đứng đầu Đông Nam Á. Đó quả thật là một tin tức thú vị và “đáng tự hào”.

Nếu dựa theo thống kê Năm học 2021-2022, số học sinh THPT trong cả nước và khoảng 2.790.000 học sinh, thì bằng một phép tính đơn giản, cho thấy số liệu chính thức đã có gần 5% học sinh lựa chọn du học thay vì môi trường học tập trong nước.

Nhiều gia đình lựa chọn du học như tìm kiếm sự hội nhập quốc tế, nâng cao và chuẩn bị tốt hơn với môi trường quốc tế và nâng cao trình độ ngoại ngữ. Ngoài ra cũng có nhiều yếu tố khiến người ta phải suy ngẫm. Một trong những nguyên nhân hàng đầu đó là sự lo ngại về năng lực giáo dục trong nước đã tụt hậu, lạc hướng.

Thực tế cho thấy giáo trình và kiến thức không được cập nhật, mỗi năm lại thay đổi theo một xu hướng hỗn loạn, gây ra sự hoang mang không chỉ cho giáo viên mà còn cho phụ huynh. Giáo Sư Hoàng Tụy đã có một câu nói chấn động, ngắn gọn rằng nền giáo dục của chúng ta không lạc hậu, mà nó lạc hướng. Lạc hậu thì còn cố gắng sửa chữa và bắt kịp được, chứ lạc hướng thì càng chạy càng xa rời mục tiêu. Sự lạc hướng này bắt nguồn từ cố gắng của Nhà nước trong việc kiểm soát, nhồi nhét nội dung giáo dục, từ cơ chế độc quyền và cố gắng kiểm soát dẫn tới bệnh thành tích trong giáo dục, sự giả dối trong môi trường giáo dục.

Bên cạnh những nguyên nhân đó, chi phí cho một môi trường giáo dục theo chuẩn quốc tế ở trong nước lại quá cao so với thu nhập của đại đa số người dân. Do đó, việc đưa con đi du học ở nước ngoài trở thành một lựa chọn khả thi và có lợi hơn nếu xét kỹ về nhiều mặt, dù có thể gặp phải nhiều thách thức về văn hóa và ngôn ngữ.

Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn chấp nhận những khó khăn đó vì niềm tin vào giáo dục quốc tế và mong muốn mang lại cơ hội tốt hơn cho tương lai của con cái. Thực tế con số du học sinh cho thấy rất nhiều gia đình đã nhận ra sự lạc hướng này, và việc lựa chọn đi du học cũng là một giải pháp, như là một hình thức “tị nạn giáo dục” dành cho thế hệ tiếp theo.

Điểm tối của “ham …du học”

Không thể phủ nhận những điểm tối sáng của việc du học, như việc nâng cao sự hội nhập quốc tế và trình độ chung của đầu ra. Nhưng cũng phải nhấn mạnh đến những điểm tối của nó, khi dường như việc du học trở thành trào lưu, như một hình thức tị nạn giáo dục phổ thông của những gia đình tương đối khá giả để tìm kiếm một nền tảng giáo dục cơ bản, mà lẽ ra có thể dễ dàng tìm thấy ở môi trường trong nước.

Một trong những vấn đề đầu tiên và quan trọng là chảy máu ngoại tệ, vì bên cạnh chi phí du học, còn có chi phí sinh hoạt hàng ngày như ăn ở, sinh hoạt, và du lịch. Cần lưu ý rằng hiện nay rất nhiều gia đình lựa chọn cho con du học từ cấp 3, thậm chí là cấp 2 với người giám hộ đi theo, điều đó có nghĩa là những học sinh này hoàn toàn không thể và không đủ điều kiện để đi làm thêm và tự trang trải tiền học. Điều này có thể gây áp lực tài chính lớn cho sinh viên và gia đình của họ.

Ngoài ra còn có tình trạng chảy máu chất xám, khi những học sinh giỏi học xong sẽ sẵn sàng ở lại nước ngoài làm việc, dẫn đến việc mất mát những tài năng quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Hơn nữa, cũng cần lưu ý đến tình trạng học sinh lợi dụng du học để đi lao động chui hoặc trốn đi định cư, gây ra những vấn đề về pháp luật và an ninh trong cộng đồng học sinh Việt Nam ở nước ngoài và cái nhìn thiếu thiện cảm với du học sinh Việt Nam, tạo ra những hệ lụy khó khăn cho những thế hệ tiếp theo.

Một điều cuối cùng không thể không nhắc đến khi du học sinh trở về nước, các du học sinh thường phải đối mặt với khoảng cách lớn với môi trường giáo dục và xã hội trong nước, gây ra những khó khăn trong việc hòa nhập và phát triển sau khi kết thúc chương trình du học. Một bài học nhãn tiền khi những gia đình giàu có ở Trung Quốc cho con đi du học và trở về gặp khó khăn vô cùng trong việc tìm kiếm một công việc và hội nhập môi trường trong nước.

Nhiều phân tích đã đặt ra vấn đề về sự thất bại của chính sách giáo dục trong hệ thống “độc quyền” dưới sự lãnh đạo tuyệt đối. Hậu quả của sự độc quyền đã dần thâm nhập vào cuộc sống hàng ngày của người dân, và được minh họa bằng những con số rõ ràng. Đó là một cuộc “bỏ phiếu” mạnh mẽ thông qua sự chọn lựa du học, mặc dù rất nhiều gia đình hiểu rõ sự khó khăn của quyết định này.

Cuộc “bỏ phiếu” này đặt ra một thách thức đối với nhà cầm quyền Việt Nam: họ có sẵn lòng mở cửa cho một nền giáo dục tự do hơn, để có thể chọn lựa những nhà lãnh đạo giáo dục có tâm, có tầm nhìn để điều hành con tàu giáo dục quốc gia, hay họ vẫn tiếp tục giữ vững sự độc quyền, dựa vào sự tuyên truyền sai lầm để ép buộc chính sách, và gây ra thêm một cuộc tị nạn giáo dục khổng lồ nữa?

Câu hỏi đặt ra là: nhà cầm quyền sẽ lựa chọn giữa việc mở cửa cho một hệ thống giáo dục tự do, hay tiếp tục thực hiện chính sách độc quyền dẫn đến sự trầm trọng của tình trạng giáo dục trong quốc gia?

_____________

Tham khảo:

Du học sinh TQ chật vật trong việc xin việc trong nước: https://vnexpress.net/du-hoc-sinh-trung-quoc-chat-vat-xin-viec-trong-nuoc-4693384.html

Nam Australia dừng nhận học sinh ba tỉnh của Việt Nam: https://vnexpress.net/nam-australia-dung-nhan-hoc-sinh-ba-tinh-cua-viet-nam-4709069.html

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Thiếu lý luận sinh động: bi đát của ĐCSVN

Phan Thanh Hung

VNTB – 25.000 cây xanh ngã đổ nhờ công của cán bộ tham nhũng

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Đảng ta mất mạng chẳng chơi!

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.