VNTB – Tinh giảm biên chế “phục vụ”, nhìn từ nhất thể hóa

Thái Hiền (VNTB) Như vậy, để loại bỏ sự nặng nề về ngân sách do số lượng công chức biên chế kiểu “tạp vụ” như Quảng Trị, thì việc tiền hành nhất thể hóa bộ máy Đảng và chính quyền mà tỉnh Quảng Ninh đang thí điểm có thể xem như một giải pháp cơ sở tốt cho mục tiêu tinh giảm biên chế 100.000 người mà Bộ Nội Vụ đề ra từ đây cho đến hết năm 2021. 

Càng tinh giảm, càng phình to vì tăng… biên chế lo công tác “tạp vụ”.

Quảng Trị tăng biên chế do trụ sở to

UBND tỉnh Quảng trị vừa xin thêm một biên chế để lo công tác tạp vụ phục vụ HĐND tỉnh.

Một chỉ tiêu biên chế… bất thường so với Nghị quyết 22.NQ-HĐND ngày 10/12/2014 của HĐND tỉnh Quảng Trị.

Giải thích cho chỉ tiêu này, ông Nguyễn Đức Dũng – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị cho biết, do HĐND tỉnh mới chuyển qua trụ sở mới quy mô, kiến trúc, không gian quá lớn nên thường trực hội đồng HĐND xin thêm một biên chế để lo công tác tạp vụ.

Dù thế, ông Nguyễn Đức Chính – Chủ tịch UBND Quảng Trị lại cho rằng chưa nhận được sự trao đổi hay văn bản chính thức nào về việc xin thêm một biên chế như Phó chủ tịch HĐND vừa nói.

Và đại biểu HĐND tỉnh Quảng Trị nói rằng họ chỉ biểu quyết con số 288 chỉ tiêu, chứ không phải con số 289 như HĐND báo cáo.

Đến Quảng Ninh muốn giảm con số 20% nhân viên phục vụ

Khác với Quảng Trị, Quảng Ninh đang đi đầu trong tinh gọn bộ máy chính quyền, trong cuộc trả lời phỏng vấn Thời báo kinh tế Sài Gòn, bà Đỗ Thị Hoàng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh chỉ ra thực trạng là, mỗi cơ quan ở cấp tỉnh biên chế chỉ trên dưới 30 người nhưng bộ phận phục vụ như hành chính, lễ tân, tạp vụ, lái xe chiếm tới 20%.

20% đó nguy hại ở chỗ, hầu như không “sử dụng không hết công năng, hiệu quả thấp. Hoàn toàn có thể sử dụng một bộ phận phục vụ chung”.

Tỉnh này cũng sẽ “tinh giảm” qua nhất thể hóa (đảng và chính quyền), và bà Đỗ Thị Hoàng thừa nhận, “việc này đụng chạm nhiều lắm, nhưng không thể không làm…”

Gửi gắm con em, phình to bộ máy

Làm hay không làm trong tinh giảm biên chế chính là việc lãnh đạo ở mỗi ban ngành, địa phương có vượt qua khỏi lằn ranh giữa mối quan hệ thân thuộc với nhau. Khi mà việc gửi gắm con em vẫn là một thực trạng quen thuộc trong nền hành chính công Việt Nam và là nguyên nhân cản trở cật lực “tinh giảm biên chế” 4 lần trước đó.

Câu chuyện tăng 1 chỉ tiêu biên chế phục vụ của UBND tỉnh Quảng Trị cho thấy, đề xuất tinh giảm biên chế 100.000 người của Bộ Nội Vụ trong 6 năm tới (2015 – 2021) không hề là câu chuyện đơn giản mà có khả năng rơi vào tình trạng “đánh trống bỏ dùi” như Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình từng lo ngại trong chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời” .

Trong 6 giải pháp mà Bộ trưởng Bộ nội vụ đã nêu ra, có cả giải pháp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Nhưng cho đến nay, giải pháp tinh giảm biên chế không mang lại nhiều hiệu quả, bởi nó liên quan đến quan hệ lợi ích giữa các cán bộ, công chức với nhau, do đó, “không có đơn vị nào xin giảm biên chế mà đều xin tăng.”

Tăng về lượng, nhưng lại không tăng về chất, khiến đội ngũ “biên chế nhà nước” dù hưởng ngân sách lớn, nhưng người làm việc chuyên môn ít, bộ máy tổ chức cồng kềnh trong khi năng lực thực thi công vụ lại không hề tăng lên.

Sự phình to cũng khiến cho đề án 40 ngàn tỷ đồng để cải cách tiền lương theo đúng lộ trình có khả năng phá sản bởi 1/3 trong tổng số 4 triệu công chức hưởng lương; 11 triệu người ăn lương, hưởng lương và mang tính chất lương, theo dạng “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”.

Sự phình to sau mỗi lần tinh giảm cũng khiến cho dân đuối hơi khi đóng thuế nuôi nuôi bộ máy.

Tinh giảm biên chế: từ đề án 25 đến câu chuyện nhất thể hóa

Với Đề án 25 nhằm cắt giảm biên chế, năm 2014, Quảng Ninh tiết kiệm 268 tỷ đồng ngân sách nhà nước khi giảm được 1.097 biên chế trong ngành giáo dục – đào tạo; 1.380 biên chế sự nghiệp không hưởng lương từ ngân sách nhà nước; 372 biên chế cán bộ, công chức cấp xã; 1.164 những người thực hiện không chuyên trách; cắt chi trả phụ cấp là 17.433 người hoạt động không chuyên trách theo chính sách riêng của tỉnh này…

Ngoài ra, chính quyền tỉnh Quảng Ninh cũng đặt vấn đề nhất thể hóa một số cơ quan tham mưu giúp việc của khối Đảng với khối chính quyền có chức năng, nhiệm vụ trùng lặp. Bởi theo bà Đỗ Thị Hoàng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết, “giữa các cơ quan Đảng và cơ quan chính quyền có những bộ phận tương đồng về chức năng nhiệm vụ, nhưng vẫn tồn tại ở hai hệ thống khác nhau. Điều này dẫn tới tình trạng chồng chéo, tăng biên chế, thậm chí làm chậm trễ công việc”.

Nếu đề án này được thông qua, sẽ giảm được 101 phòng, ban, đơn vị; tinh giản 15% biên chế so với định mức. Như vậy, để loại bỏ sự nặng nề về ngân sách do số lượng công chức biên chế kiểu “tạp vụ” như Quảng Trị, thì việc tiền hành nhất thể hóa bộ máy Đảng và chính quyền mà tỉnh Quảng Ninh đang thí điểm có thể xem như một giải pháp cơ sở tốt cho mục tiêu tinh giảm biên chế 100.000 người mà Bộ Nội Vụ đề ra từ đây cho đến hết năm 2021.

Bởi theo TS Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội – việc hợp nhất cơ quan Đảng và quản lý mà Quảng Ninh đang thực hiện mang lại rất nhiều lợi ích, bởi nó “sẽ tinh giản được khoảng 1/3 biên chế so với hiện nay, nhất là đội ngũ người đứng đầu. Bộ máy bớt cồng kềnh, vận hành tốt hơn, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị”.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)