Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tổ chức hội đoàn xã hội dân sự ‘không có giấy phép’ có là vi phạm pháp luật?

Hà Nguyên

(VNTB) – Hội đoàn xã hội dân sự không có giấy phép thành lập từ nhà chức trách, liệu có vi phạm pháp luật hình sự?

Trước tiên, nếu tổ chức hội đoàn xã hội dân sự đó được thành lập không nhằm đến việc phủ nhận hệ thống chính trị hiện hành, thì việc hoạt động của hội đoàn ấy nếu chưa tuân thủ quy định về thủ tục hành chính, thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền.

Theo Luật xử lý vi phạm hành chính, thì “vi phạm hành chính” là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính”.

Xử phạt vi phạm hành chính, là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

Biện pháp xử lý hành chính là biện pháp được áp dụng đối với cá nhân vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm, bao gồm biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Nôm na, nếu như có cáo buộc tổ chức Hội nhà báo độc lập Việt Nam là hội đoàn xã hội dân sự được thành lập và hoạt động, song không theo trình tự luật định liên quan tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, Nghị định số 33/2012/NĐ-CP, thì hội đoàn này sẽ chịu mức xử phạt hành chính. Các cá nhân đứng ra thành lập hội đoàn xã hội dân sự đó, nếu để hoạt động của hội, đoàn gây mất trật tự, an toàn xã hội, thì không coi là tội phạm, và có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương của những cá nhân ấy.

Thực tế thì các văn bản pháp luật liên quan chuyện về quyền lập hội ở Việt Nam chưa cập nhật được nhu cầu; đặc biệt là phía cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục bảo thủ yêu cầu “cơ quan chủ quản” đối với thủ tục thành lập hội, đoàn xã hội dân sự.

Trong khi đó thì lâu nay vẫn có nhiều hội, đoàn có thể không có hoặc không cần tư cách pháp nhân, hoặc có tư cách pháp nhân để thuận tiện cho việc giao dịch, ký hợp đồng. Cũng cần lưu ý rằng, quan niệm về “tư cách pháp nhân” có sự khác nhau tại các quốc gia. Các hội đó có thể là các câu lạc bộ, hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các quỹ, công đoàn, tổ chức tôn giáo, chính đảng hoặc công ty. Do sự đa dạng của các nhóm, pháp luật các quốc gia thường có quy định điều chỉnh riêng một số nhóm, hội bằng các luật riêng như: luật về doanh nghiệp – công ty, luật về công đoàn – nghiệp đoàn, luật về các đảng phái chính trị.

Trong tiến trình vận động cách mạng trước năm 1945, quyền lập hội, hội họp luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng Cộng sản Đông Dương) đề cao như một mục tiêu đấu tranh quan trọng.

Ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước dân chủ cộng hòa, “quyền tự do tổ chức và hội họp” đã được ghi nhận trang trọng, bên cạnh 4 quyền khác (Điều 10, Hiến pháp năm 1946). Các bản Hiến pháp tiếp theo (1959, 1980, 1992 và 2013) cũng đều ghi nhận, bảo vệ quyền lập hội. Căn cứ vào Hiến pháp năm 1946, Sắc lệnh số 102/SL/L004 ngày 20/5/1957 của Chủ tịch nước ban hành Luật quy định Quyền lập hội.

Những năm gần đây, cuộc thảo luận xung quanh quan điểm và cách thức tiếp cận trong xây dựng Luật về Hội đã bắt đầu sôi nổi từ năm 1993, nhưng đến nay, vẫn chưa có được một đạo luật mới hơn về hội.

Hiện nay, Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền… hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Cách quy định này khiến cho các quyền được nêu tên, trong đó có quyền lập hội, có nguy cơ bị hạn chế, thu hẹp bởi các văn bản quy phạm pháp luật cấp thấp hơn (như luật, nghị định, thông tư).

Trong tình cảnh như mô tả ở trên cho thấy nếu sắp tới đây công chúng thấy đâu đó đưa tin về chuyện “hình sự hóa dân sự” đối với Hội nhà báo độc lập Việt Nam chẳng hạn, thì cũng chẳng nên quá ngạc nhiên, vì lâu nay với những hội đoàn xã hội dân sự không chấp nhận cơ quan chủ quản là một đại diện chính quyền, thì nguy cơ đối mặt hình sự trong nhóm “an ninh quốc gia”, là rất đỗi thường tình.

Tin bài liên quan:

VNTB – Ai là bị hại trong vụ án ‘đại gia điếu cày’?

Do Van Tien

VNTB – Người dân có phải thực hiện theo chỉ thị của Thành ủy?

Phan Thanh Hung

VNTB – “Triệu tập” là gì trong chuyện tố tụng?

Phan Thanh Hung

1 comment

Loi Tran 01.09.2020 2:03 at 14:03

Ngạc nhiên chưa…!!!?

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo