Hà Nguyên
(VNTB) – Câu khẩu hiệu này là một trong những khẩu hiệu rất phổ biến ở Việt Nam, cũng như ở nhiều nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa trước đây.
Nhưng xét dưới giác độ lý luận và pháp lý thì câu khẩu hiệu trên không đúng. Bởi vì Hiến pháp với tư cách là đạo luật cơ bản có hiệu lực pháp lý tối cao được làm ra, được thông qua không phải cho nhân dân thực hiện. Người thực hiện chính, chủ thể thực hiện chính là các cơ quan nhà nước thông qua các quan chức của Nhà nước. Cơ quan nhà nước, cá nhân trong thành phần các cơ quan nhà nước càng cao bao nhiêu thì càng phải có trách nhiệm tuân thủ Hiến pháp bấy nhiêu.
Những người dân bình thường không có khả năng vi phạm Hiến pháp.
Một khi Hiến pháp được thi hành nghiêm chỉnh, thì người dân chỉ được lợi mà thôi, không có điều ngược lại. Bởi lẽ, đối tượng điều chỉnh ở nghĩa hẹp nhất của Hiến pháp là giới hạn quyền lực nhà nước.
Điều này cũng là dễ hiểu, vì bản thân sự hiện diện của một bản Hiến pháp thành văn và sự đòi hỏi việc tuân thủ bản hiến pháp này đã bao hàm sự giới hạn quyền lực nhà nước. Cũng như những đạo luật khác, sự hiện diện của nó đã đòi hỏi một sự tuân thủ. Nếu không có sự tuân thủ thì cũng chẳng cần đến việc chuẩn bị, việc thảo luận, rồi thông qua chúng.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đoàn Luật sư TP.HCM nói rằng rất cần cơ chế bảo hiến thật sự dân chủ ở Việt Nam.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa biện luận: Thông qua hiến pháp, nhân dân trao cho nhà nước một bộ phận quyền lực, và giữ lại cho mình một số quyền lực, như quyền phúc quyết những vấn đề hệ trọng quốc gia, quyền phúc quyết sửa đổi hiến pháp, và nhất là quyền bầu cử – ứng cử dân chủ, tự do để thay đổi nhà nước nếu nhà nước làm hại cho dân.
Những ai thực sự học tập và làm theo Hồ Chí Minh thì không thể không biết đến quan điểm dân chủ và nhân văn của Người qua những câu nói nổi tiếng sau đây: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật.
Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta” (Thư gửi Uỷ ban Nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, báo Cứu quốc số ra ngày 17/10/1945). “Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần đến nữa” (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, NXB Sự Thật, trang 283).
Một cơ chế bảo hiến thực sự dân chủ, ngoài những công cụ bảo hiến của nhà nước, phải tạo điều kiện cho đa số nhân dân lao động, trí óc cũng như chân tay, tuỳ hoàn cảnh và năng lực của mình, được quyền trực tiếp giám sát việc tuân thủ hiến pháp, và được quyền tố giác, yêu cầu chấm dứt những hành vi vi hiến của của các “công bộc”, nhất là khi các quyền tự do cơ bản của mình bị xâm phạm.
Đây là lý do mà mọi hiến pháp ở các nước dân chủ, văn minh đều quy định nhân dân có quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do tụ họp hoà bình, cùng với những quyền tự do khác.
Những quyền tự do cơ bản ấy có gì xa lạ mà chính là những quyền con người được công nhận tại Thoả ước quốc tế về các Quyền dân sự và Quyền chính trị của Liên hiệp quốc có hiệu lực từ năm 1976 mà Việt Nam đã tham gia từ 24/9/1982.
Nội luật hoá những quyền ấy và đưa nó vào cuộc sống là nghĩa vụ của các nước thành viên. Chỉ khi những quyền tự do này được nhân dân sử dụng một cách thực chất thì chúng ta mới có một cơ chế bảo hiến với những điều kiện cần và đủ, và do đó có hiệu quả cao.
Từ góc nhìn trên của luật sư Trương Trọng Nghĩa, cho thấy với vụ án “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”, sẽ được xét xử phiên hình sự sơ thẩm vào ngày 5-1-2021 tại Tòa án nhân dân TP.HCM, các bị cáo ở vụ án này bằng các bài viết đăng báo, họ đã sử dụng quyền trực tiếp giám sát việc tuân thủ hiến pháp, và quyền tố giác, yêu cầu chấm dứt những hành vi vi hiến của của các “công bộc”, nhất là khi các quyền tự do cơ bản của mình bị xâm phạm.
Những hành động của công dân trong thực thi quyền dân chủ cho bảo hiến, không phải là hướng đến việc “chống Nhà nước xã hội chủ nghĩa”.