Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tôi xin góp ý về điện và đảng

TS Phạm Đình Bá

 

(VNTB) – Chính phủ thực sự đại diện dân sẽ thiết lập một tổ chức phi lợi nhuận để điều hành lưới điện.

 

Tôi là con dân của mẹ Việt Nam và bị các dư luận viện buộc tội là “phản bội tổ quốc”, “trốn ra nước ngoài” mà vẫn cố tình “chống nhân dân ta”. Việc tôi góp ý hôm nay chẳng phải vì tôi, nếu không thì tôi đi thuyền buồm ở đây còn vui hơn. Nói rõ để bà con biết vì sao tôi xin phép bà con được góp ý.

Hôm qua tôi coi cuộc họp bên nhà về “giải quyết vấn đề điện thì chúng ta cần phải làm như thế nào” bởi MC Nguyên Long của Caféso trên Youtube, một cuộc bàn thảo dài hơn 2 tiếng với nhiều ý kiến trao đổi với đại diện của EVN lúc mở đầu cuộc họp trình bày về vấn đề điện hiện nay, những tháng tới và hai năm tới với hiện tượng El-Nino và biến đổi khí hậu tác động lên nhiệt độ không khí bên nhà.

Qua cuộc họp tôi được hiểu những vấn đề như sau.

– Trong vài năm qua (thí dụ như ba năm qua), không có các dự án sản xuất điện mới ở phía Bắc. Không có giải thích tỏ tường vì lý do gì EVN làm như vậy bởi vì những người tham dự cuộc họp không dám nói thẳng là lãnh đạo EVN là một phần của độc quyền, độc đảng, và không chấp nhận cạnh tranh từ tư nhân. Mục tiêu của độc quyền, độc đảng, toàn trị và bao cấp là nắm quyền lực, không phải là phục vụ cho người tiêu thụ nói riêng và dân nói chung.

– EVN sở hữu 100% lưới điện. Nếu EVN phát triển lưới điện với công suất truyền tải cao, thì bà con bên nhà không phải chịu cảnh điện thừa ở vùng nắng gió và điện thiếu ở các tỉnh miền Bắc và các trung tâm đô thị có nhu cầu điện cao từ lượng dân lớn, trung tâm thương mại to, tư nhân hoạt động mạnh và các hãng sản xuất chủ thể cho việc làm ăn và kinh tế của bà con bên nhà.

– EVN chiếm giữ khoảng hơn 90% thị trường tiêu dùng điện từ bà con bên nhà. Với mức độ độc quyền như thế, EVN gần như độc quyền trong khuynh loát thị trường điện tiêu dùng trong nước. Thế thì bố ai trong số vài phần trăm còn lại trong thị trường mà dám bỏ tiền khởi nghiệp để bán điện nếu không được EVN cho phép họ cấu kết với EVN để làm lợi cho cả hai bên. Bởi vậy EVN có quá trình tăng giá điện tùy tiện và hành xử tùy tiện trong việc cắt điện của bà con bên nhà, ai mà chẳng dùng điện, ai mà chẳng e dè khi đụng chạm đến EVN?

– EVN chiếm giữ khoảng hơn 80% thị trường sản xuất điện, có độc quyền trong việc lấn áp các nhà sản xuất điện tư, như điện gió, điện mặt trời, điện mái nhà. Các nhà sản xuất điện tư giống như đàn con gà con mà đảng giao cho EVN giống như con cáo chăn giữ đàn gà – con cáo cứ tùy tiện ăn dần những con gà yếu đuối lúc mới ra ràng hay những con béo mập, tùy tiện muốn lấn muốn dập thế nào cho vừa ý EVN bởi EVN nắm giữ lưới điện, thị trường tiêu dùng và EVN là con khủng long trong thị trường sản xuất điện.

– Bàn tay lông lá của EVN không chỉ trong chuyện điện, EVN còn có hậu thuẫn từ trung ương để bắt giam những nhà hoạt động môi trường gần đây một cách tùy tiện. Có trời biết EVN còn dùng ảnh hưởng chia chát doanh nghiệp điện với ai trong đảng và ảnh hưởng đến quyền lực và môi trường như thế nào.

Tôi rất hiểu những người tham dự cuộc họp nói loanh quanh nhưng không dám đặc vấn đề trực tiếp về ba mặt độc quyền của EVN. Họ khéo léo nhắc nhở về độc quyền trong lưới điện, mua điện và bán điện của EVN, nhất là việc tư nhân không thể hoạt động dưới dạng “cáo già chăn giữ đàn gà con”. 

Thế thì bối cảnh của chuyện điện ở đây là gì?

– Độc đảng, độc tài, toàn trị và bao cấp là nguyên nhân cơ bản của việc bà con mình có thu nhập thấp (khoảng phân nữa thu nhập của người Thái), với khoảng hơn 70% tài sản cả nước ở trong tay nhóm cầm quyền với khoảng 0,5% dân số của bà con mình.

– Không thể giải quyết chuyện điện nếu không giải quyết chuyện đảng. Không thể có thị trường tự do với bà con mình chủ động chuyện làm ăn nếu đảng vẫn nắm giữ công an làng, công an xã, công an phường và các tổ chức dân phố dân làng kềm kẹp mọi chuyện làm của dân mình. Không thể có tự do khi cái gọi là hiến pháp đặt quân đội vào tư thế bảo vệ nhóm quyền lực 0,5%.

Thế thì làm sao để giải quyết đảng? Tôi xin góp ý là cần ba thứ.

– Nhận thức – Dân mình có nhận thức về quyền của dân, nhất là 1-người-1-phiếu, thị trường tự do dân làm dân hưởng, chính quyền là do dân bầu và dân có thể cách chức đại diện dân trong chính phủ sau mỗi nhiệm kỳ ở mọi cấp, làng, xã, quận, thành phố và toàn quốc. Cứ vài năm là dân xem lại và thay đổi người đại diện. Dân có nhận thức nếu dân cứ phản biện về việc làm ảnh hưởng đến quyền lợi chung, như hội nghị vừa qua về chuyện điện do Café số thực hiện, như các báo Thanh niên, Tuổi trẻ và các báo lề đảng khác thỉnh thoảng đã làm, cũng như các báo Tiếng Dân và Việt Nam Thời Báo đã làm thường xuyên. Tôi thích phương châm của VNTB – phản biện, phản biện và phản biện không ngừng.

– Cơ hội – bà con mình không thể đưa đầu đứng ra cho quyền lợi chung với kết quả chắc chắn là đảng sẽ triệt họ gần như tức khắc. Bà con mình chỉ có thể làm như thế khi triển vọng tiếp tục cầm quyền của đảng chỉ tính trong vài tuần hay thậm chí vài ngày. Bài học từ Đông Đức với hệ thống công an kềm kẹp khổng lồ và rất dã man Stasi là rất rõ ràng. Dân Đông Đức không thể nổi lên, xuống đường (bây giờ thì gọi nôm na là cách mạng màu) và xô sập bức tường Bá Linh nếu Liên Xô không sụp đổ trong cuộc chạy đua vũ khí với Mỹ và các nước Tây Âu, dẫn dần đến sụp đổ kinh tế và lòng dân ở Nga. Cơ hội sắp tới là nếu Trung Cộng không thắng Mỹ và các nước Âu Châu trong canh tranh giữa độc tài và dân chủ, với kinh tế Tàu đi xuống và tư duy về thị trường tự do dẫn đến thay đổi thể chế ở bên Tàu. Tàu cộng không sập thì dân mình không thể đút đầu ra cho một cuộc cách mạng màu trên quê hương.

– Cách mạng màu – xuống đường với lượng rất lớn và đồng bộ trên nhiều tỉnh trên cả nước là cách duy nhất để không có đổ máu thêm nữa trong lịch sử cận đại của dân mình, mà cuối cùng vẫn đạt được tư do, giàu mạnh và vị trí xứng đáng trong các nước tiên tiến của nước mình. Một lượng rất lớn với khoảng 5% tới 10% dân số là cần thiết để xuống đường rộng rãi hầu dẹp đi giai cấp đỏ 0,5% hiện nay.

Thế thì làm sao giải quyết chuyện điện?

– Chính phủ thực sự đại diện dân sẽ thiết lập một tổ chức phi lợi nhuận để điều hành lưới điện. Tổ chức lưới điện sẽ là hoàn toàn độc lập với việc sản xuất và mua bán điện. Ai muốn chuyển tải điện thì tuân thủ những tiêu chí lựa chọn công khai và rõ ràng trên mạng để ai muốn biết thì dễ dàng truy cập. Chính phủ không thể nhúng tay vào việc làm hàng ngày của tổ chức. Nhưng chính phủ có thể thay đổi quản trị của tổ chức nếu chính phủ thấy tổ chức không làm đúng chức năng công khai và rõ ràng trên mạng để bà con xem rõ.

– Chính phủ mới sẽ giữ EVN để bảo đảm EVN mới là nhân vật chính trong việc chính phủ bảo đảm sự ổn định của thị trường sản xuất và mua bán điện tự do, tuy rằng EVN mới không thể thao tán thị trường này.

– Lãnh đạo và quản trị của EVN mới chịu trách trước chính phủ, và chính phủ chịu trách nhiệm trước dân sau mỗi nhiệm kỳ, ví dụ như 3-5 năm.

Một khi đã dẹp đảng rồi thì mọi bế tắc hiện tại mới giải quyết được. Thay đổi đầu tiên là thay đổi nhận thức. Thay đổi nhận thực cốt lõi là phải dẹp đảng độc quyền đi, phải cho đảng độc quyền đi vào dĩ vãng. Tương lai đất nước có thể có đảng cộng sản, họ có thể cạnh tranh với nhiều đảng khác nếu họ muốn.

Tôi xin cám ơn bà con bên nhà cho tôi được phép góp ý.

Viết từ Canada, ngày 11 tháng 6, năm 2023 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Thủ tướng thợ đụng

Do Van Tien

VNTB – Làm sao dân dùng trí tuệ để đấu tranh cho một Việt Nam mới?

Do Van Tien

VNTB – Tương quan giữa không-chịu-phát-triển, nghèo đói và Trọng

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo