VNTB – Chủ trương “ngồi chơi” để chống độc tài độc đảng toàn trị

VNTB – Chủ trương “ngồi chơi” để chống độc tài độc đảng toàn trị

TS Phạm Đình Bá

 

(VNTB) – Hãy chung tay vào nhau, truyền tay nhận thức “ngồi chơi” như kiểu đại dịch, 1 sang 2, 2 sang 4, 4 thành 8,… để trong khoảng 10 năm tới kéo sụp đi cái quái thai độc tài độc đảng toàn trị hiện nay.

 

Sức mạnh của chủ trương “ngồi chơi” là từ bài học trong đại dịch, khi Covid lan từ 1 người sang 2, 2 sang 4, 4 thành 8… cứ thế nhân lên mà làm cho toàn cầu phải tê liệt, với tử vong và khốn đốn cho đến bây giờ. Chủ trương này bắt đầu từ nhận thức, lan tỏa nhận thức và không làm, chỉ ngồi chơi vẫn đủ tiềm năng để đánh đổ độc tài độc đảng toàn trị. Đối tượng của chủ trương là bà con ta bị dày xéo bởi độc tài độc đảng toàn trị từ khi nó đem cái chủ nghĩa ngoại lai về dày xéo dân mình vào thế kỷ trước. 

Chủ trương này là một sự can thiệp vào hiện tình đất nước bây giờ để chống độc đảng, khi Trọng không biết đột quỵ ngày nào, khi chúng nó đang đấu đá trong nội bộ vẫn không tìm được cách đi và người cầm đầu lũ cướp ngày hôm nay.

Kết quả cuối cùng của chủ trương này là giành lại quyền kiểm soát cuộc sống của chúng ta, là tiếng nói của mỗi và một người đều đáng giá, là tương lai cho các thế hệ tiếp theo không có bất công xã hội của hôm nay.

Đầu tiên là nhận thức. Không thể chấp nhận độc đảng độc tài toàn trị gần cả một thế kỷ với một lũ cầm quyền vừa tham, dốt, ngu và tàn ác khôn cùng, với nhiều bằng chứng qua cách chúng làm việc, loay hoay chồng chéo trong đại dịch, với bằng chứng là biết bao nhiêu dân mình bị chết mà có thể tránh được, là bằng chứng về tội ác của chúng từ vụ Việt Á, bay giải cứu và “cách ly + tập trung”, cũng như những chuyện vô lý vô nhân khác.

Không thể sống trong một xã hội mà đại đa số dân tay làm hàm nhai được khoảng 7 – 8 triệu một tháng trong khi thái tử Đảng cầu hôn với bồ nhí bằng “máy bay không người lái” thắp sáng bầu trời Hà Nội, tiêu tốn hàng mấy tỉ chỉ trong 20 phút, khi thái tử này trong tầm kiểm soát hơn 40% GDP của cả nước.

Hãy nghĩ đến những tù nhân lương tâm, những luật sư bị tù đày và trốn chạy ra nước ngoài, những người lên tiếng lập hội làm báo, những nhà hoạt động môi trường, cụ Lê Đình Kình, Đồng Tâm, Lộc Hưng, thảm họa môi trường Formosa và những tội ác khác của độc tài độc đảng toàn trị.

Chúng ta không thể sống trong một xã hội mà chúng nó lấy toàn trị từ trung ương đến các tỉnh ủy vênh váo khuếch trương và ưu đãi “hạt giống đỏ”, và kỳ thị lý lịch con em chúng ta trên mọi nẻo đường đất nước. Thế kỷ trước, nó phản bội dân tộc khi nó lẫn lộn về việc cơ hội mà đất nước này có thể mang lại thuộc về tất cả mọi người, không chỉ một số người tôn thờ Mác Lê, không chỉ cho gia đình tùy tùng của chúng nó.

Chúng ta không chấp nhận một xã hội mà chúng nó chi ngân quỹ 10 đồng cho công an và 20 đồng cho bộ đội trong khi chỉ chi 1 đồng cho y tế và 0.5 đồng cho giáo dục và chúng tẩu tán tiền của ra nước ngoài. Chúng nó là giặc nội xâm, hèn với giặc lại ác với dân. Cái phi lý của Trọng và bè lũ của chúng nó là rất khôi hài.

Chúng ta không thể sống trong một xã hội mà những người trẻ nói “… kệ mẹ nó đi. Không đá động gì đến miếng ăn của mình là được. Con người ai cũng sẽ chết. Để nó nổ cho sướng cái tôi của nó cũng chả mất mát gì. Quan trọng bây giờ là lũ tham nhũng, nó ăn cả đống rồi ói tiền ra là được giảm án, nghỉ dưỡng vài năm cho yên xui là ra ăn tiếp.”…

“Truyền thông bẩn VN thường hay chế truyện cười từ những vấn đề tệ nạn xã hội. Tụi này khốn nạn ở chỗ, những tệ nạn xảy ra là để giới trẻ nhận thức được xã hội đang biến chất, đang nát dần mà cảnh tỉnh. Nhưng tụi truyền thông bẩn,… thì biến nó thành truyện cười cho tụi trẻ. Và tao thấy cứ có tin gì tệ nạn 1 cái là nó lên bài chế cháo, tụi trẻ bay vào cười cợt, giỡn với nhau, rồi cho qua.”

“Thì mày phải xem chúng nó tẩy não thế nào mà bây giờ con nít nó xem chuyện công an giao thông lấy chân đạp lên đầu dân chúng là chuyện vui, bình thường, thả hình chim cánh cụt các thứ.”

Có nhiều người đã sống qua lâu năm với độc tài độc đảng toàn trị đã kiến nghị cho thay đổi, với giả định là chúng nó sẽ thay đổi, là chúng nó sẽ từ bỏ độc quyền tham nhũng, độc quyền ăn cắp của công và độc quyền ăn trên đạp đầu dân mình.

Có nhiều giáo sư các vị học rộng hiểu xa làm bài kêu gọi độc tài độc đảng toàn trị từ bỏ độc đảng để thay đổi chính trị. Nhưng các giả định là Trọng và bè lũ của chúng có khả năng và trí tuệ để thay đổi rõ rệt là không đúng. Các kiến nghị để thay đổi giáo dục, y tế và nhiều thứ khác thì cứ như nước đổ đầu vịt.

Thế thì làm sao mà lấy lại chủ động trong việc chống lại độc tài độc đảng toàn trị? Bài học từ Trung Quốc cho thấy rằng cách làm an toàn nhất để khỏi ngồi tù và bị đàn áp mãnh liệt từ công an trị là không làm gì cả và lan tỏa cách không làm giống như Covid trong đại dịch. Các điểm chính là như sau.

Chủ trương “ngồi chơi” và làm ít đi cũng giống như những người trẻ tuổi ở Trung Quốc đang sử dụng các chiến thuật mà họ gọi là “nằm im” và “để nó mục nát”, những thuật ngữ dùng để biểu thị sự giảm bớt nỗ lực hoặc thậm chí rời bỏ lực lượng lao động hoàn toàn. Điều này khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc thất vọng và làm đảo lộn nền kinh tế chủ yếu là làm công xuất khẩu và bán thất nghiệp, thất nghiệp.

Chúng ta cũng có thể từ mỗi cá nhân từ chối những áp lực xã hội buộc phải làm việc quá sức và đạt thành tích quá cao, chẳng hạn như trong hệ thống làm việc nhiều giờ, cứ chạy theo chỉ tiêu mà không biết rằng càng làm nhiều thì trong cuộc đua tranh ấy, lợi lộc kiếm được vào những giờ làm thêm chả xứng đáng gì so với mệt nhọc và lợi nhuận ngày càng giảm dần.

“Ngồi chơi” và làm ít đi là thái độ thiếu ham muốn, thờ ơ hơn với cuộc sống. Cách này có thể được coi là tương đương với phong trào phản văn hóa hippie của Mỹ những năm 1960.

Chủ trương “ngồi chơi” của chúng ta là mô phỏng theo cách sống “nằm phẳng” ở Trung Quốc, một phong trào xã hội kêu gọi công nhân, chuyên gia, tầng lớp trung lưu, những người là động cơ cho sự phát triển trong nước của Tập Cận Bình, từ chối áp lực xã hội để thành công tại nơi làm việc. Thuật ngữ “nằm phẳng” này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ giới lãnh đạo Trung Quốc, vốn coi thái độ buông thả là mối đe dọa đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế.

Ngược lại với tinh thần kinh doanh làm giàu và vinh quang của các thế hệ trước, thanh niên Trung Quốc mới tốt nghiệp ngày nay phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao và triển vọng nghề nghiệp không chắc chắn. Với số lượng lớn, giờ đây họ chọn ở nhà và tận hưởng cuộc sống dễ dàng. Họ nằm phẳng.

Chủ trương “ngồi chơi” của chúng ta cũng bao gồm những suy nghĩ và tính toán về chuyện con cái và nếu cần thì coi như thế hệ của chúng ta là “thế hệ cuối cùng”. Lấy ví dụ, hãy nói chuyện với bất kỳ phụ nữ trẻ nào ở các thành thị Trung Quốc về triển vọng có con.

“Sẽ tốn kém quá nhiều để mang lại cho trẻ em một cuộc sống tử tế. Thứ họ dạy ở trường là tuyên truyền nên tôi muốn gửi con tôi đi trường quốc tế hoặc nước ngoài. Nhưng tôi không đủ khả năng chi trả”, một cô 26 tuổi, người thề rằng cô sẽ không có con, nói.

“Thế hệ cuối cùng” – trong đại dịch một thanh niên Trung Quốc từ chối đưa vào trại cách ly bị công an cảnh báo rằng hình phạt của anh ta sẽ ảnh hưởng đến gia đình anh ta trong ba thế hệ. Anh ta lạnh lùng đáp lại: “Chúng tôi là thế hệ cuối cùng, cảm ơn.”

Ở Trung Quốc, cụm từ “thế hệ cuối cùng” này đã trở thành một meme trực tuyến phổ biến đã tạo ra hàng triệu bình luận trước khi nó bị kiểm duyệt. Nhiều người cho biết việc lạm dụng quyền lực theo chính sách hà khắc của Covid đã khiến họ không thể có con.

“Ở đất nước này, yêu thương con mình ngay từ đầu là không bao giờ để nó được sinh ra”.

“Điều này gây ấn tượng sâu sắc trong tôi… Tôi đã mua một chiếc áo thun có viết dòng chữ ‘Chúng ta là thế hệ cuối cùng’ trên đó. Tôi không thể mang một đứa trẻ đến thế giới này để nó phải chịu đau khổ”, một cô gái ở Trung Quốc nói.

Một MC ở Việt Nam nói: “Nếu đứa con sinh ra để kế thừa sự vất vả, nghèo khó của bạn, vậy không sinh con cũng chính là một loại lương thiện”. Trước áp lực của độc tài độc đảng toàn trị, MC này sau đó xin lỗi mọi người vì ý kiến của mình.

Nhưng MC này không nên xin lỗi. Chúng ta không có gì để xin lỗi khi chúng ta từ chối xã hội theo kiểu độc tài độc đảng toàn trị.

Các bạn tôi ơi, cuộc hành trình đi vào “ngồi chơi” đã mở, mời các bạn cùng đi, cùng làm ít lại và thanh thản, thản nhiên nhìn độc tài độc đảng toàn trị càng lúc càng trở nên “cường quốc làm thuê, cường quốc thất nghiệp, cường quốc xuất khẩu lao động đi làm những việc độc hại, nguy hiểm và ở đợ” cho các nước trong khu vực. Hãy chung tay vào nhau, truyền tay nhận thức “ngồi chơi” như kiểu đại dịch, 1 sang 2, 2 sang 4, 4 thành 8,… để trong khoảng 10 năm tới kéo sụp đi cái quái thai độc tài độc đảng toàn trị hiện nay.

Cuộc hành trình đã mở, xin trân trọng mời dân cùng đi cùng xây lại cuộc đời…

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 4 months

    Thay vì “chơi” nên đổi thành “nhà” là tốt nhứt . Hiền Nguyễn đã nhắc đi nhắc lại rằng với chế độ TA, “nhà” hiện thời rất Tốt