Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tôn giáo Bà-ni của người Chăm ( Bài2)

 

Inra Sara

 

6. Đâu là mâu thuẫn Bà-ni và Islam?

Trong sinh hoạt đời thường, bởi chưa có khảo sát cụ thể, xin được miễn. Riêng trong văn chương thì rất rõ. Từ văn chương ảnh hưởng và tác động vào đời sống là khó tránh. Cụ thể ở sử thi Akayet Um Mưrup.

Hoàng tử Um Mưrup khi giác ngộ chân lí Islam, đã khinh bỉ tất cả những gì của Champa. Từ thực phẩm:

Ahar haram biak lo, ahar siam pak akhirah’: “Bánh trần gian quá ghê tởm, bánh quý ở thế giới khác.

Đến con người, vua cha hay hoàng hậu mẹ chàng cũng như binh lính:

Um Mưrup lac amư mưnwix haram’: “Um Mưrup bảo cha là kẻ phàm nhân ô trọc”, ‘Nhu tak baul gah amư yuw ra jah’: “Nó giết quân lính vua cha nằm chết như rạ

Ngay cả đền tháp là niềm hãnh diện của cả Champa cũng bị phế bỏ và cười ngạo nghệ trên tan nát đó:

‘… mưsuh tayah mưdhir gilơng/ Jalơh kalan takaprah’: “cung điện vua ông phá. Tháp đền đổ nát.

Cham Bà-ni không cải đạo theo Islam, mà theo Islam bởi hoàn cảnh rất đặc thù.

Năm 1960 vài đứa con Bà-ni vào nam “ngộ đạo” Islam về Pangdurangga truyền đạo nhấn vào hai làng Bà-ni lớn: Phước Nhơn và Văn Lâm. Ở Phước Nhơn, sự vụ như sau, trích Palei Phước Nhơn của tôi (xem Kiều Maily, Palei Phước Nhơn của tôi, 2017):

“Vào năm 1960 Mã Thanh Lâm làng Phước Nhơn sau khi có bằng Tiểu học được vào Sơ cấp nghề. Ông đi thực tập ở vùng Châu Đốc thuộc tỉnh An Giang, là nơi có cư dân Cham theo Islam. Về làng, ông nói với dân làng, rằng:

– Islam rất hay, cũng duh Po (phụng sự Allah) như Cham mình ở đây, nhưng họ không có ngap Yang (cúng tế) thần Yang. Nghĩa là không mê tín dị đoan.

Đây là quan niệm được cộng đồng ủng hộ, bởi lâu nay người Cham đã bị bao nhiêu lễ lạt cúng tế gây hao tiền tốn của, nên nghe ai thế cũng thích, rủ nhau tin theo Islam. Có thể nói bà con Phước Nhơn theo Islam gần hết.

Đó là vào cuối năm 1961. Để rồi chỉ sau 4-5 tháng, con số “gần hết” ấy rời bỏ Islam ngay, khi tôn giáo mới này va chạm với thực tế tín ngưỡng Bà-ni. 

Trước tiên là Ngap đok tian Cúng lúa làm đòng liên quan trực tiếp đến lễ nghi nông nghiệp; rồi chuyện vứt bỏ Ciet Atuw là biểu tượng của dòng họ [đã có dòng họ Bà-ni, sau khi Muk Rija mất, nửa đêm con trai bà theo Islam mang Ciet Atuw của dòng họ ra vứt xuống sông] – cuối cùng là bỏ Ew Yang (cúng thần Yang) trong nhà. Bà con Bà-ni kêu: Bảo Cham bỏ gì thì được, làm sao mà bỏ thần Yang!

Và đỉnh điểm của xung đột là, vào đầu năm 1965, tượng Po Klaung Kachait lâu nay vốn được bà con thờ phụng như vị Thần Hoàng của làng, nay bị mang ra thách thức đức tin của bà con Bà-ni! Lời qua tiếng lại để cuối cùng có người bứng tượng Po đi ném xuống cái ao làng. Sau vụ đó, bản thân ông ta bị hành đi lang thang và chết mất tăm tích. Kế đến con cháu ông cũng bị đọa gây tan hoang nhà cửa.

Dân làng bị phân hóa trầm trọng, tách ra hai phe rõ rệt: phe vừa duh (phụng sự) Po vừa duh Yang, phe chỉ duh Po. Năm 1966, một cuộc họp lớn được mở ra. Khoảng 5% dân Pabblap Biruw cùng Imưm Thành Thông theo đạo mới, còn lại vẫn giữ nguyên tôn giáo cũ.”  

Ở Văn Lâm hơi khác…

Cộng đồng Cham nhìn chung, nhỏ bé và biết yêu thương đùm bọc nhau. Dẫu sao khác biệt tôn giáo Bà-ni và Islam dẫn đến mâu thuẫn là không thể tránh. Mẫu thuẫn ở nhiều khía cạnh, nặng nhất vẫn là ở sống và chết.

Sống, cặp tình nhân khác đạo lấy nhau, dù là Bà-ni hay Muslim, nam hay nữ phải vào Islam. Nghĩa là Islam rút tín đồ Bà-ni qua hôn nhân. Trước, người Bà-ni cho chả sao cả, sau đó mới thấy mình bị thiệt. Đây là mẫu thuẫn lớn chưa có cách hóa giải.   

Chết, Cham [cả ‘Ahiêr Awal’] tối kị việc đưa thi hài người mất vào làng. Phước Nhơn là palei Bà-ni, Islam mới vào và chiếm số lượng nhỏ, bạn cần nhập gia tùy tục, nhưng không. Xung đột xảy ra từ đó.

Mâu thuẫn kiểu này, dân Chakleng Bà-la-môn làm tốt. Thi hài người Việt vẫn được mang vào nhà [trong làng], sau đó họ làm lễ tẩy tuế tốn 2 triệu đồng, thì ổn. 

Thời gian qua xảy ra mâu thuẫn lớn không phải ở Muslim chính gốc, mà từ vài đứa con Bà-ni muốn đưa Islam vào cộng đồng mình để trục lợi. Bà con Cham gọi họ bằng từ không đẹp cho lắm: ‘Jawa lai’, ‘Gai lah’. 

7. Tại sao Cham Pangdurangga không nên theo Islam?

Giải đáp cho rốt ráo câu hỏi cần đến sự vòng vo. Hãy tuần tự…

Ngoài kia, Islam nhập địa Ấn Độ và lớn mạnh, xung đột đẫm máu và kéo dài đến không thể hòa giải khiến Ấn Độ banh ra làm hai: Ấn Độ và Pakistan, sau đó tiếp tục Bangladesh tách khỏi Pakistan. 

Champa thì khác. Đây là ca duy nhất trên thế giới hóa giải được Islam thành Bà-ni mà vương quốc không bị phá vỡ!

Hóa giải được hai hệ tư tưởng không đội trời chung: Bà-la-môn và Islam, Cham ban tặng cho nhân loại bài học lớn, hôm nay và cả ngày mai.  

Là sáng tạo độc nhất vô nhị của Cham, Bà-ni làm đa dạng tư tưởng tôn giáo loài người, hay rộng hơn – làm phong phú nền văn hóa văn minh nhân loại.

UNESCO bỏ bao nhiêu tiền bạc và công sức bảo tồn mảnh văn minh quá khứ hay loài thú hiếm sắp tuyệt chủng, lẽ nào Bà-ni thì không? 45.000 Bà-ni cộng thêm vào Islam chỉ là muối bỏ biển, mất nó đi, nhân loại mất lớn!

Bà-ni lại là tôn giáo hòa bình. 

Non 4 thế kỉ chung sống, Bà-ni với Bà-la-môn Cham chưa hề xảy ra một xung đột. Islam vào Champa thì khác, khác từ quá khứ cho đến hiện tại.

Từ thế kỉ XIV-XVII, xung đột làm phân rã, nát tan đất nước và lòng người. Thập niên 1960, lần nữa Islam được truyền vào làng Cham Bà-ni Phan Rang, cộng đồng Cham tiếp tục bị chia xé. Nói không cần thiết, là vậy.

Nữa, Cham Bà-la-môn lẫn Bà-ni không truyền đạo, không chê bai tôn giáo khác, là ‘haruk haram’ ô uế, là “vô đạo”. Nghĩa là biết tôn trọng đức tin của người khác, dù đức tin đó có khác mình đến đâu. Sống xen cư và cộng cư với người Việt non 300 năm, hiếm có xung đột Cham Việt mang tính ý hệ, mà hai bên sống hòa hợp và hòa đồng. Vui vẻ!

Trở lại câu hỏi: Tại sao Cham Pangdurangga không nên theo Islam? Xin nhắc lại lời Cha Moussay: Bà con Cham đã có đạo rồi, đâu cần ai phải truyền đạo nữa.

Bà-ni và Bà-la-môn Cham là tôn giáo dân tộc. Như Israel và Nhật bản có tôn giáo dân tộc là Do Thái giáo và Đạo Shinto. Hai dân tộc trải qua sinh mệnh lạ biệt: Một chịu luân lạc hai ngàn năm, một không tài nguyên và đã phải chịu hai quả bom nguyên tử ở thế chiến II; họ có tôn giáo đặc thù, và là dân tộc đầy sáng tạo.

Thế kỉ XX, Do Thái với dân số ít oi đã đóng góp vượt trội cho văn minh nhân loại. Nhật Bản – chỉ tính riêng Giải Nobel, người Nhật ăn đứt nhiều nước phát triển cao trong khối NATO.

Cham Bà-la-môn và Cham Bà-ni chịu thứ định mệnh còn thê thảm hơn nữa. Thế nhưng dù “lọt sàng sống sót”, và dù phải cật lực chiến đấu bảo tồn bẳn sắc dân tộc, cộng đồng Cham Pangdurangga vẫn phát triển cả về kinh tế lẫn văn hóa.

Hà cớ Cham phải vứt đi bản sắc, hòa bình, và phát triển?!   

8. Theo Islam, Cham Pangdurangga có mất bản sắc không? 

Thêm một câu hỏi hóc búa nữa!

Tôn giáo hay ý hệ nào bất kì cần được nhìn toàn cảnh và soi chiếu qua 4 điểm chính: Bản sắc, hòa bình, chấp nhận cái “khác”, và mở để tiếp thu và sáng tạo. Với Cham bản sắc là cái cốt tủy, bởi Cham mất bản sắc rất dễ tiêu vong. Ta đã mất quá nhiều rồi.

“Không có ai

tim dễ tổn thương hơn trái tim chúng ta

phía mất mát”

(Lễ Tẩy trần tháng Tư-2002) 

Ở đây ta nói về bản sắc. Nếu theo Islam, cộng đồng Cham Pangdurangga có đánh mất bản sắc dân tộc không? Không! Cham gì vẫn là Cham, là Cham Muslim, Cham Tin Lành, như Cham Bà-ni, Cham Bà-la-môn. Dẫu sao do đức tin khác, quan điểm khác nên một phần quá khứ được giữ lại hay bị từ bỏ. 

Dẫu sao ở ‘Ahiêr Awal’, ‘Pô Yang’ tức vua chúa, anh hùng liệt nữ được thần hóa, ‘Muk kei’ Ông bà Tổ tiên cùng các nét đẹp truyền thống được thể hiện thường xuyên, mạnh mẽ và khá đầy đủ trong nghi lễ, trong ngôn từ, trong mọi sinh hoạt ngày thường.

Một ví dụ lễ cúng Pô Riyak là anh hùng dân tộc được thần hóa: Đẹp, độc đáo và tổng hợp. Nơi đó có: 

Lịch sử: hành lễ – bà con Cham nhớ đến nhân vật lịch sử này;  

Huyền sử: các ‘Damnưy’, lịch sử được huyền thoại hóa hát tụng trong buổi lễ;

Nghệ thuật: được diễn qua các điệu múa cúng tiếng Ginang, Xaranai… 

Damnưy’: thơ ca với vốn ngôn từ rất đặc thù; cuối cùng là 

Ngày tưởng niệm, đến mùa đó ngày đó, Cham nhớ Pô Riyak.

Như vậy một người Cham Muslim hiểu biết chỉ có thể biết và trân trọng một phần, đó là Pô Riyak như nhân vật lịch sử mà bỏ qua 4 thành tố còn lại, nghĩa là bản sắc bị mất rất nhiều. Không có gì sai ở đó cả, vì đức tin các bạn không chấp nhận lễ đó. Ở đây tôi chỉ đề cập sự “mất bản sắc”!

Do không tin vào ngẫu tượng, linh tượng, thế nên thập niên 1960 một anh ‘Jawa lai’ đã bứng tượng Pô Klong Kachat là thần làng Phước Nhơn ném xuống ao ngoài đồng. Đó là thái độ xâm phạm đức tin của người khác. Khác với ‘Ahiêr Awal’ đầy bản sắc lại là tôn giáo mở, tôn trọng đức tin của người khác, yêu tự do cá nhân và khuyến khích sáng tạo. Đặc tính này thể hiện rất rõ ở cộng đồng Cham Pangdurangga: Bản sắc, phát triển và sáng tạo. 

Vài sinh linh tiêu biểu, về lịch sử, có Po Dharma; về văn học, có Inrasara; về nghiên cứu tập tục nghi lễ, có Sakaya Trượng Văn Món; về sáng tác, từ cộng đồng này xuất hiện cả chục cây bút; về văn hóa đời sống nẩy ra hàng trăm người nghiên cứu, tiến sĩ thạc sĩ, kĩ sư bác sĩ, doanh nhân thành đạt. Vân vân. 

Tôn giáo ‘Ahiêr Awal’ không kéo Cham tụt hậu, mà tạo cơ hội và thúc giục Cham tiến tới: Nhập cuộc về hướng MỞ

Kết

Bà-ni là ca duy nhất trong lịch sử nhân loại hóa giải được Islam. Tư tưởng “hóa giải và hòa giải” của Đức Ngài Pô Rômê là bài học lớn cho thế giới hôm nay: các ý hệ xung khắc đến đâu vẫn có thể ngồi chung.

Bà-ni [& Ahiêr Awal] là tôn giáo dân tộc, tôn giáo bản địa. Dù đa thần, song việc thờ phượng nhấn ở hai hệ thần gần gũi: Pô Yang và Muk kei Tổ tiên. 

Đó là độc nhất vô nhị trên thế giới, làm đa dạng tư tưởng tôn giáo nhân loại. Dẫu sao, nếu “độc đáo và độc nhất” kia thuộc thế lực phá hoại, làm suy đồi con người, thì có nên truyền lưu không? Chắc chắn là không rồi. 

Bà-ni [& Ahiêr Awal] là tôn giáo hòa bình và hòa hợp. Suốt non 4 thế kỉ tồn tại, chưa hề có dấu vết xung đột giữa hai hệ phái ‘Ahiêr Awal’. Chức sắc hai tôn giáo thường xuyên ngồi lại để cùng phối hợp, hỗ trợ nhau nhuần nhị và êm đẹp.

Bà-ni là tôn giáo mở, đức tin mềm rất thích hợp với thời hậu hiện đại trong “thế giới phẳng”. Mở, thế nên ở đó nẩy ra nhiều sáng tạo; mềm, do đó nó dễ bị tổn thương.

Bà-ni mềm, chứ không yếu.

Bài học lịch sử: Xung đột Ấn giáo và Islam đẩy Champa phân rã rồi suy vong; kinh nghiệm làng Phước Nhơn qua xung đột với ‘Jawa lai’ thập niên 1960: không mạnh thì mất; Bà-ni đã trui rèn sức đề kháng mạnh mẽ, khi cần, họ giận dữ đáo để.

Cứ nhìn sự phản kháng của anh chị em Bà-ni thời gian qua cũng đủ hiểu. Hay có tận mắt thấy quý bà mang vũ khí đặc dụng chuẩn bị đón “đoàn hành hương” ở Pabblap Birau mới biết cơn giận kia lớn mạnh thế nào.  

Nó gửi đi MỘT THÔNG ĐIỆP dứt khoát.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Quyền tự do tôn giáo và chuyện tà đạo

Do Van Tien

VNTB – Bất hợp pháp hay đó là sự giả mạo

Phan Thanh Hung

VNTB – Làm thế nào để thanh tẩy Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.