Việt Nam Thời Báo

VNTB – TP. HCM muốn sống lại như xưa: Phải đổi mới cơ chế!

Trần Quí Thường

(VNTB) – HCM muốn uống thuốc phải xin phép Hà Nội


Đối diện với tình hình kinh tế ảm đạm, bí thư Nguyễn Văn Nên ví von rằng TPHCM đã được bác sĩ kê toa nhưng chưa biết người bệnh có uống hay không. Quan điểm của người đứng đầu thành phố lớn nhất đất nước cho thấy căn bệnh trầm kha này sẽ còn kéo dài. Và càng ngày càng nặng trước bối cảnh kinh tế khủng hoảng trầm trọng như hiện nay.

 

Khi cái đầu tàu có nhiều người lái

Tổng cục Thống kê công bố mức tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2023 cho thấy, mức tăng trưởng của TPHCM chỉ là 0,7%. Thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương (TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) và thấp hơn mức trung bình chung của cả nước, xếp hạng 56/63 địa phương.

Sau bao nhiêu năm khó khăn, không thể cầm cự nổi, người dân bắt đầu bỏ phố về quê. Lực lượng lao động suy giảm, kinh tế kém tới mức có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Những con đường thường xuyên kẹt xe ở TPHCM như Cộng Hoà, Trường Chinh nay đã vắng hơn. Những khu vực kinh doanh mua bán sầm uất như Phan Xích Long, Lê Lợi, giờ chỉ thấy đóng cửa treo bảng cho thuê hàng tháng trời không có khách.

Chỉ cần nhìn vào nồi bún riêu lề đường khu vực trung tâm tài chính đường Nguyễn Công Trứ – Hàm Nghi quận 1 là thấy lực lượng nhân viên văn phòng ở mảnh này suy giảm như thế nào. Trước đây, mỗi ngày chỉ bán tới 17h chiều là dọn hàng về, nhưng nay bán tới 21h tối vẫn chưa hết nồi, chủ quán bún riêu vỉa hè chia sẻ.

Muốn vực dậy nền kinh tế sau dịch là bài toán không hề dễ dàng. Lãnh đạo TPHCM biết điều đó và đã tổ chức nhiều buổi hội thảo xin ý kiến chuyên gia, đã rất nhiều toạ đàm để tìm cách khởi động lại đầu tàu kinh tế của cả nước. Nhưng cái đầu tàu này đâu phải chỉ có lãnh đạo TPHCM được toàn quyền vận hành.

HCM muốn uống thuốc phải xin phép Hà Nội

Tháng 7/2021, giữa tâm điểm của đại dịch Covid19 chủ tịch TPHCM cũng thành lập tổ tư vấn gồm 8 chuyên gia. Dư luận tỏ ra hoài nghi khi trong tổ này chỉ có một người là có chuyên môn về y tế. Và dù cho những cố vấn đã làm hết sức trong khả năng của họ, nhưng rồi tất cả vẫn phải nghe chỉ đạo từ các quan chức ở Hà Nội.

Lúc đó, dịch chưa hết mà Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong đã phải mất chức. Tất cả các phương án mà chuyên gia đưa ra đều không thắng nổi các khẩu hiệu, biểu ngữ, chủ trương từ Hà Nội. Và dĩ nhiên, tổ tư vấn cũng giải tán theo chủ tịch Phong. Nhắc lại điều này để thấy rằng các chuyên gia góp ý là một chuyện, trung ương đảng có muốn để TPHCM làm theo ý kiến chuyên gia không là chuyện khác. Đó là chưa nói tới thành phần các chuyên gia này là ai, góp ý cái gì.

Còn nhớ mới đây, ngày 09/3, khi bàn về luật Đất đai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng tuyên bố các ý kiến góp ý trái với chủ trương, đường lối của đảng, thì không tiếp thu. Hiểu rộng ra, tuyên bố này không chỉ dành riêng cho luật Đất đại, mà nó cho thấy mọi thứ đã, đang và sẽ được trung ương đảng, bộ chính trị toàn quyền quyết định. Các ý kiến góp ý chỉ là hình thức để đảng cộng sản mị dân rằng họ rất cầu thị, dân chủ, luôn luôn lắng nghe đề xuất từ các bên.

Có lẽ ông Nguyễn Văn Nên hiểu rõ những điều này hơn ai hết. Vì thế khi than thở rằng “bệnh đã được kê toa nhưng không biết có chịu uống không” thì ông bí thư cũng ngầm gửi một thông điệp ra Hà Nội. Còn nỗi đau nào hơn khi mình làm ra rất nhiều tiền, để rồi khi chết lâm sàng, bác sĩ cho toa chữa trị, nhưng vẫn phải “xin chỉ đạo” rồi mới dám uống?

Và chắc có lẽ ông Nên cũng thừa hiểu rằng muốn cứu TPHCM thì phải có một cơ chế khác, nhưng cơ chế khác thì chẳng khác nào bất tuân các lãnh đạo Hà Nội, âm mưu thay đổi chế độ!


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Việt Nam – Cuba, tứ đầu thọ địch!(*)

Phan Thanh Hung

VNTB – Khủng hoảng vật tư y tế ở TP.HCM

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Phóng sự ảnh: Sài Gòn mùa bùng dịch Covid, hạ tuần tháng 5-2021

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo