Nguyễn Huyền
(VNTB) – Ông Nguyễn Xuân Phúc từ nhiệm với lý do chịu ‘trách nhiệm chính trị’ lúc ông còn giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ.
Tuần lễ đầu tháng 1-2023, ông Vũ Đức Đam và ông Phạm Bình Minh được cho là có lá đơn từ chức và được Bộ Chính trị chấp nhận để hai ông nghỉ hưu. Tuần lễ kế tiếp, đến lượt ông Nguyễn Xuân Phúc cũng được cho là có lá đơn từ chức tương tự, và Bộ Chính trị đồng ý với lý do đây là ‘trách nhiệm chính trị’ lúc ông Nguyễn Xuân Phúc còn là Thủ tướng. Hai cấp phó của ông Phúc ‘từ chức’, nên ‘trách nhiệm chính trị’ của ông Phúc là liên đới, nên ông… đành ‘từ chức’ theo.
Thử nhìn vấn đề ‘từ chức’ ở trên qua lăng kính của “công tác xây dựng Đảng”, qua đó sẽ thấy nếu truy đến cùng thì ai mới đang cần kêu gọi sự tự trọng cho ‘văn hóa từ chức’.
Trong tiết học bắt buộc ở chương trình đào tạo đại học, có môn gọi là “Tư tưởng Hồ Chí Minh”. Các trường chính trị cấp địa phương cũng dạy môn “Tư tưởng Hồ Chí Minh” cho đảng viên đang làm công tác quản lý tương ứng.
Vậy thì nếu căn cứ vào “Tư tưởng Hồ Chí Minh” sẽ thấy rõ trách nhiệm không thể chối từ của người đứng đầu Đảng khi để xảy ra việc biến động nhân sự cấp cao trong thời gian ngắn hồi hai tuần lễ đầu năm nay, như đã nêu ở phần đầu bài viết này.
Trong giáo trình môn “Tư tưởng Hồ Chí Minh” đại khái có viết rằng, sinh tiền, Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích về tinh thần trách nhiệm và không có tinh thần trách nhiệm như sau: “Tinh thần trách nhiệm là gì? Là khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy là không có tinh thần trách nhiệm” (*).
Như vậy, có thể hiểu trách nhiệm là điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình, phải bảo đảm làm tròn nhiệm vụ, công việc, phần việc được giao, với sự ràng buộc đối với lời hứa của mình, nếu kết quả thực hiện không tốt, hoặc nếu thực hiện sai thì phải gánh chịu hậu quả. Tinh thần trách nhiệm chính là kết quả của một quá trình rèn luyện, nhận thức và hành động đúng đắn, tích cực, tự giác trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Bình giảng ở đây về huấn thị trên, người viết bài này cho rằng vấn đề quan trọng bậc nhất chính là phải có tính tự trọng cao.
Bởi vì có tự trọng thì mới nêu cao ý thức trách nhiệm, làm việc với tinh thần, thái độ công tâm, khách quan, vì lợi ích chung của cơ quan, đơn vị, tập thể và nhân dân, vì uy tín, danh dự của Đảng, Chính phủ, của cơ quan đơn vị và của chính bản thân mình. Mỗi cán bộ, viên chức ý thức được tính tự trọng thì làm công việc một cách trong sáng, cao thượng, không lồng động cơ cá nhân hoặc vì lợi ích của bản thân, của gia đình, hay lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, từ đó không gây thiệt hại hoặc làm phương hại đến quyền, lợi ích chính đáng của tổ chức, cơ quan, đơn vị.
Tiếp nữa, phải biết tự soát xét lại chính bản thân mình trong mọi việc. Mỗi đảng viên quan chức phải tự kiểm tra, kiểm soát lại công việc đã thực hiện đến đâu, với mức độ, kết quả như thế nào, có kết quả, sáng kiến gì để phát huy, những gì chưa làm được hay làm với kết quả chưa như mong muốn cần điều chỉnh.
Trong cụ thể với ba đảng viên Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, người viết cho rằng nếu thật sự không có những ẩn tình như đồn đoán, thì ở đây trên cương vị Tổng bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng cần làm rõ nội hàm, khi chúng ta mắc phải thiếu sót, khuyết điểm phải tự giác nhận trách nhiệm cá nhân, xác định rõ nguyên nhân do đâu mà mắc phải để có biện pháp sửa chữa, khắc phục, phấn đấu vươn lên.
Nếu nội hàm trên vẫn còn là mập mờ cho những thuyết âm mưu, thì ‘trách nhiệm chính trị’ cuối cùng và ‘toàn diện’ trong nhiệm vụ xây dựng Đảng, căn cứ theo Điều 4, Hiến pháp 2013, đó chính là Tổng bí thư đương nhiệm.
Xin tạm kết chuyện lạm bàn ngày xuân ở trên bằng nhắc lại điều mà sinh tiền Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Đảng là gồm các đảng viên mà tổ chức nên. Mọi công việc của Đảng đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết của Đảng đều do đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng. Mọi khẩu hiệu, mọi kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện”.
Nói như vậy để thấy rằng, chất lượng đội ngũ đảng viên quyết định chất lượng các tổ chức Đảng, cũng như năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng. Vai trò lãnh đạo, uy tín, danh dự của tổ chức Đảng, của toàn Đảng đối với xã hội cũng do phẩm chất, năng lực và trình độ của mỗi đảng viên tạo thành.
Và chính lẽ ấy nên rất cần sự thẳng thắn đặt vấn đề về ‘trách nhiệm chính trị’ của Tổng bí thư Đảng.
____________
Chú thích:
(*) Hồ Chí Minh: Toàn tập, nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 6, trang 345.