VNTB – Trách nhiệm của quản lý, đừng đổ thừa cho ngư dân

VNTB – Trách nhiệm của quản lý, đừng đổ thừa cho ngư dân

Sơn Trà

 

(VNTB) – Cơ quan chức năng đang xác minh, xử lý một số trường hợp chủ tàu có dấu hiệu gian dối, kê khai sai thông tin để trục lợi chính sách nên chậm trả tiền hỗ trợ ngư dân

 

Con sâu làm rầu nồi canh?

Đầu tháng 4 vừa qua, tàu Cảnh sát biển 4038, thuộc Hải đội 212, Hải đoàn 21, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 có chuyến tuần tra, thực thi pháp luật trên các vùng biển chủ quyền thuộc phạm vi quản lý của vùng. Trong quá trình tuần tra, tại vùng biển cách Đông Bắc Sơn Trà (thành phố Đà Nẵng) khoảng hơn 40 hải lý, tổ liên ngành trên tàu Cảnh sát biển 4038 kiểm tra tàu cá mang số hiệu ĐNa-90479TS đang thả trôi trên biển. Trên tàu chỉ có duy nhất thuyền trưởng.

Làm việc với tổ liên ngành, thuyền trưởng M. điều khiển tàu cá này cho hay tàu xuất bến từ ngày 1/4, đăng ký xuất bến gồm có 4 thuyền viên, đủ định biên tối thiểu theo quy định. Tuy nhiên, giải thích về việc trên tàu chỉ có một người, ông M. nói các thành viên đi đánh bắt thì xảy ra mâu thuẫn nên đã gửi tàu bạn cho ngư dân về bờ. Tuy nhiên, ông M. không nhớ các ngư dân trên tàu về bờ bằng phương tiện gì.

Kiểm tra tàu đánh cá của ông M., cơ quan chức năng nhận thấy các khoang chứa hải sản không cất trữ đá lạnh dùng để cấp đông hải sản. Đây là điều “bất thường” đối với các tàu đánh bắt hải sản dài ngày như tàu cá ông M.

Tương tự, tại vùng biển khu vực Đông Bắc Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), tổ liên ngành tiếp tục phát hiện tàu BĐ-97732TS công suất 710CV, do ông Q. (trú Bình Định) làm thuyền trưởng, trên tàu chỉ có 2 người. Ngoài ông Q., chỉ có một thợ máy, 2 ngư dân đăng ký xuất bến đã về bờ. Ông Q. khai nhận khi tàu xuất bến, đã thả thúng cho 2 ngư dân tự bơi vào bờ. Lý do được thuyền trưởng này đưa ra là một ngư dân bị ốm, một ngư dân khác bận việc nên xin không tham gia chuyến biển.

Theo quy định ở Thông tư số 01/2022/TT- BNNPTNT, các tàu của ngư dân khi đánh bắt ngoài biển đều phải đảm bảo định biên tối thiểu tùy theo công suất của tàu cá. Đối với 2 tàu cá nói trên, định biên tối thiểu là 4 người.

Thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra, trên tàu chỉ có 1 đến 2 người là thiếu định biên tối thiểu, vi phạm quy định khi đánh bắt trên vùng biển. Các chủ tàu này khai nhận ra biển nhắn tin tọa độ về trạm bờ để làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ theo Quyết định 48 về chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa.

Vươn khơi bám biển còn để khẳng định chủ quyền lãnh hải

Toàn huyện Núi Thành của tỉnh Quảng Nam hiện có 1.930 phương tiện đánh bắt hải sản, trong đó có 336 tàu cá công suất lớn đăng ký hoạt động thường xuyên trên các vùng biển xa.

Tổng số lao động trên địa bàn tham gia đánh bắt hải sản trên các tàu cá xa bờ là 4.320 người, chiếm 94,75% tổng lao động tham gia trên đội tàu cá sản xuất xa bờ, còn lại là ngư dân đến từ các địa phương khác.

Nhiều tàu đã hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ đề nghị giải quyết hỗ trợ giai đoạn 2022 – 2023 theo chính sách khuyến khích hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản trên các vùng biển xa để góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, nhưng đến nay các chủ tàu này vẫn chưa được giải ngân.

Ngư dân Phạm Xuân Lệ, trú xã Tam Quang, huyện Núi Thành, cho biết từ quý 1-2023 tới nay khoản hỗ trợ này bị tắc, chờ mãi chưa thấy giải ngân. Ông Lệ là chủ tàu lưới vây hơn 700CV, đánh bắt thường xuyên trên ngư trường Hoàng Sa.

Do chậm nhận hỗ trợ nhiên liệu, chủ tàu phải vay mượn các nơi để mua trước xăng dầu, lương thực thực phẩm đi biển. Năm nay nghề biển mất mùa, đánh bắt không đạt sản lượng, các chủ tàu rất khó khăn lo trả công cho thuyền viên và xoay xở đại tu, bảo dưỡng tàu.

Ngư dân Nguyễn Thanh Anh (45 tuổi), chủ 6 tàu cá tại huyện Núi Thành, cho biết kể từ năm 2022 tới nay chỉ nhận được kinh phí hỗ trợ 4 tàu, 2 chiếc tàu còn lại vừa thay máy, không được hỗ trợ. Ông Anh tâm tư nói 6 tàu của ông hành nghề lưới vây và tàu câu xa bờ ở ngư trường chính là Hoàng Sa – Trường Sa. Trong thời điểm hiện nay, nếu không được hỗ trợ sớm thì việc làm nghề sẽ rất khó khăn.

Lý do chung được phía nhà chức trách đưa ra: cơ quan chức năng đang xác minh, xử lý một số trường hợp chủ tàu có dấu hiệu gian dối, kê khai sai thông tin để trục lợi chính sách.

Tuy nhiên có ý kiến cho rằng việc ba cán bộ chủ chốt của Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam đi tù đã ảnh hưởng rất lớn đến việc chi trả chế độ, chính sách cho ngư dân trên địa bàn tỉnh. Theo đó, cựu Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam – bà Phạm Thị Hoàng Tâm cùng 1 trưởng, 1 phó phòng của đơn vị này dính vào vụ án đưa và nhận hối lộ liên quan việc thẩm định, chi trả tiền hỗ trợ nhiên liệu theo Quyết định 48 (*) trên địa bàn tỉnh. Điều này khiến hồ sơ tồn đọng trong thời gian dài cũng như ảnh hưởng đến tâm lý của các cán bộ làm việc tại cơ quan…

_____________

Chú thích:

(*) Theo Quyết định số 48/2010 của Chính phủ, mỗi tàu cá tham gia đánh bắt xa bờ được Nhà nước hỗ trợ 4 chuyến biển/năm, mỗi chuyến biển tàu có công suất từ 90 CV – 150 CV hỗ trợ 22.000.000 đồng; từ 150 CV – 250 CV hỗ trợ 30.000.000 đồng; từ 250 CV – 400 CV hỗ trợ 55.000.000 đồng; từ 400 CV – 700 CV hỗ trợ 75.000.000 đồng; từ 700 CV trở lên hỗ trợ 100.000.000 đồng.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)