Việt Nam Thời Báo

VNTB – Trại Tập Trung: Vết Thương Không Bao Giờ Lành (bài 2)

Đỗ Văn Phúc

 

(VNTB) – Cộng sản bắt các tù nhân phải nặn óc cho ra tội ác tưởng tượng nào đó để chứng minh đã thông hiểu các bài học do cán bộ truyền đạt, không tự tìm ra tội có nghĩa là chưa thành thật…

 

Tẩy não

Trong những tháng đầu tiên và sau đó thì mỗi năm vài lần, tù nhân phải kê khai tiểu sử chi tiết từ lúc còn nhỏ cho đến tháng 4 năm 1975; bản thân và dòng họ ba đời. Công an Cộng sản rất giỏi trong việc theo dõi, so sánh các bản khai để tìm ra những điều mà tù nhân còn che giấu hay man khai. Năm 1975, các trại tổ chức chương trình học kéo dài khoảng ba tháng trong đó những lớp học toàn trại gồm 10 bài căn bản; mỗi bài kéo dài một tuần vừa nghe cán bộ giảng trên hội trường, vừa tổ chức thảo luận từng nhóm và ngày cuối tuần là viết bài luận gọi là “bản thu hoạch.” Chương trình đầu tiên là để tẩy não tù nhân về nhận thức và quan điểm; làm cho họ phải thấy chế độ miền Nam là phản động, là tay sai của Mỹ nhằm xâm chiếm Việt Nam; người tù phải nhận thức chế độ miền Bắc là thật sự dân chủ, ái quốc và con đường tiến đến chủ nghĩa xã hội là chân lý. Bài viết “thu hoạch “ cuối cùng phải là một bản tổng kết mà tù nhân phải tự đánh giá mình sau khóa học là đã nhận ra mình có tội với tổ quốc, với đồng bào; phải tự nhận bản án là “tội đáng chết” và xin được hưởng khoan hồng. Tù nhân phải viết lên những câu ca ngợi tính nhân đạo độ lượng của nhà nước Cộng sản và hứa sẽ học tập, lao động thật tích cực để được tiến bộ. Ai cũng phải viết những câu đại khái như thế. Ai cũng phải nhận mình gây ra tội ác, dù là lính chiến đấu ngoài chiến trường hay lính làm việc trong các văn phòng; dù là bác sĩ cứu người hay giáo viên chỉ lo việc giảng dạy. Phải nặn óc cho ra tội ác tưởng tượng nào đó để chứng minh đã thông hiểu các bài học do cán bộ truyền đạt. Các cán bộ luôn ngồi bên cạnh các nhóm thảo luận để nhắc nhở rằng có khai báo thành thật thì mới tự chứng minh tiến bộ để sớm được tha về với gia đình; không tự tìm ra tội có nghĩa là chưa thành thật, còn ngoan cố, quanh co giấu diếm; tội càng nặng thêm! Điều đau đớn nhất là qua các đợt thảo luận, với bầu không khí căng thẳng và bức bách, những người lính miền Nam không những bị cán bộ Cộng sản bêu nhục, mà chính do bạn đồng đội, hay chính mình nói, viết ra những câu tự bôi nhọ do sự thúc ép, mớm lời của cán bộ Cộng sản. Tuy nhiên, cũng có nhiều người khôn khéo viết và nói cách chung chung để né tránh không dùng chủ từ “tôi” hay “chúng tôi” trong những câu thú tội.

Chương trình nhồi sọ kế tiếp là vào năm sau (1976) khi chính quyền Cộng sản đang thi hành chính sách cải tạo công thương nghiệp miền Nam theo kiểu Cộng sản là tiến đến công hữu hóa tất cả nền kinh tế; lập các công trường, nông trường và hợp tác xã. Tù nhân trong khi học phải viết thư khuyến khích gia đình lìa bỏ thành phố đi khai hoang các vùng rừng núi để thực hiện kế hoạch “Khu Kinh Tế Mới.” Sau ngón đòn đổi tiền hai lần đã vét sách hết tài sản dân miền Nam, đây là lúc họ đuổi dân Nam ra khỏi thành thị để đưa dân miền Bắc vào chiếm ngụ.

Sau đó, các chương trình học tập giảm dần và cũng kém phần sôi nổi so với hai chương trình đầu tiên. Một điểm mỉa mai đáng nhắc đến là hàng trăm tù nhân mà trình độ thường cỡ trên trung và đại học phải ngồi xổm trên nền đất để nghe lời giảng từ các “cán bộ giáo dục” mà trình độ thì chỉ ở cấp tiểu học nói chưa tròn một câu! Những câu, những lời họ nói ra đều rập khuôn từ sách của đảng từ Nam ra Bắc, trại nào cũng một kiểu nói, một cách lý luận.

 

Các hình phạt trong tù

Cuộc tắm máu mà dư luận quốc tế dự đoán đã không xảy ra sau chiến tranh ở Việt Nam. Tuy nhiên vẫn xảy ra những vụ giết người vô tội vạ trong các trại tập trung; nhất là các trại vùng đồng bằng Cửu Long, trại Katum, trại Suối Máu. Tù nhân thường bị bắn tại chỗ vì trốn trại; có người bị bắn tung toé óc vì khai bệnh không chịu lên hội trường nghe giảng bài. Tù nhân bị trừng trị nếu có thái độ hay lời nói biểu lộ không tin tưởng vào chế độ, vì né tránh lao động, vì vi phạm các điều trong nội quy trại. Hình phạt là bị nhốt trong các xà lim hàng tháng dài. Người tù bị cùm chặt hai gót chân vào một thanh sắt 12 li có khía ở sát vách tường. Anh ta chỉ có hai vị thế: một là nằm dài ra, hai là nửa ngồi nửa nằm. Khi vào xà lim, tù nhân chỉ có trên người bộ áo quần mỏng manh, không dép, không vớ, không nón hay khăn trùm, chăn đắp. Do đó, vào mùa đông, nhất là ở những vùng núi rừng khi cơn lạnh xuống đến gần độ âm, người tù chỉ còn cách cuốn mình lại mà run rẩy chịu đựng. Đã thế, mỗi ngày, anh ta chỉ được phát một lần thức ăn vào lúc xế trưa gồm hai muỗng cơm chan ngập thứ nước mắm mặn chát và hai muỗng nước uống. Việc giam giữ có thể kéo dài hàng tháng cho đến khi người tù chỉ còn là một bộ xương biết cử động. Bản thân tôi bị ba lần nhốt, tổng cộng gần năm tháng.

Khi còn ở trại Suối Máu, vào mùa hè năm 1977, chúng tôi đã bị nhốt vào một cái conex của quân đội Mỹ. Cùng chịu chung với tôi là hai anh bạn nữa. Ba người trong một cái thùng sắt dày bề ngang 1.5 mét, dài 2 mét kín bưng phơi giữa trời khi nhiệt độ bên ngoài lên tới 40 độ C.

Trường hợp tù nhân bị tra tấn hay đánh đập đến chết xảy ra không hiếm. Vào tháng 10 năm 1979, ở trại Vườn Đào vùng Tiền Giang, tù nhân Quách Dược Thanh đã bị tên trưởng trại Ba Minh nửa đêm dùng khăn siết cổ đến chết. Lý do: tên Minh đã không đủ lý luận tranh cãi về vấn đề chính trị với anh Thanh. Cũng ở trại này, Trung tá Nguyễn Đức Xích, cựu Tỉnh trưởng Gia Định đã bị gạt đến hàng rào kẽm gai để tên lính gác vu tội mưu trốn trại và bắn chết.

 

Chấm dứt cải tạo

Năm 1977, chính phủ bắt đầu thả lai rai một số nhỏ những sĩ quan cấp nhỏ có liên hệ gia đình với các cán bộ Cộng sản. Qua sau năm 1978, họ tiếp tục thả thêm nhiều đợt những người có chuyên môn mà họ cần dùng như các bác sĩ, nha sĩ. Vào đầu thập niên 1980, mỗi năm ba lần vào các dịp lễ lớn, nhiều đợt tù nhân được thả về. Tù nhân khi về đến địa phương phải chịu sự quản chế của công an khu vực thêm một năm nữa; mỗi tuần họ phải đến văn phòng công an để khai báo những hoạt động như đi đâu, làm gì, và gặp gỡ ai. Dĩ nhiên họ không được phép ra khỏi thành phố nơi cư ngụ. Đa số được khuyến cáo phải đưa gia đình đi vùng kinh tế mới. Người công an phụ trách khu vực có quyền lùng sục vào nhà bất cứ lúc nào và tra vấn cả thành viên trong gia đình.

Nhiều người tù khi ra về gặp nhiều hoàn cảnh trái ngang gia đình tan vỡ, con cái bơ vơ thất học. Có những người vợ đã vì cuộc sống mà bỏ đi lấy chồng, thậm chí lấy những cán bộ Cộng sản. Người cựu tù bị coi là thành phần thấp nhất trong xã hội, không thể tìm được một công việc theo khả năng mà phải chấp nhận những việc làm tay chân như đạp xe xích lô, khuân vác, phụ hồ, làm ruộng…

Con cái của nhân viên chế độ cũ dù có khả năng, cũng không bao giờ vào đại học được. Cộng sản áp dụng gắt gao chế độ truy cứu lý lịch tận ba đời.

 

Hậu quả về tâm lý

Sức chịu đựng về sinh lý và tâm lý của con người có một giới hạn; vượt trên giới hạn đó, con người có thể quị gục hay qui hàng! Họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì để thoát khỏi cực hình này. Rất may, đa số anh em cựu quân nhân miền Nam đã nghiến răng chịu đựng các cuộc tra tấn, vượt qua nỗi sợ hãi do ở một niềm tin và lòng trung thành với lý tưởng họ theo đuổi dù trong cơn vô vọng.

Đáng sợ nhất là cơn đói thêm triền miên mà Cộng sản dùng như một phương tiện để trấn áp, mua chuộc. Có người dễ trở thành xấu xa chỉ vì được thêm một chén khoai hay chè ngọt. Tù nhân bị cơn đói hành hạ, ám ảnh; lúc nào họ cũng nói về các món ăn tưởng tượng; cả đến trong giấc mơ cũng thấy ăn.

Anh em chúng tôi thà bị phê loại kém với khẩu phần bị cắt xén hơn là đầu hàng nghịch cảnh!

Ngày nay, ở bến bờ tự do hàng chục năm sau, nhiều người vẫn trải qua những cơn ác mộng. Có người thấy mình vẫn còn ngắc ngoải trong các nhà tù chật ních, hôi hám trong khi vẫn ý thức được mình đang có nhà, có xe ở một thành phố văn minh ở Hoa Kỳ! Có người lại thường mơ thấy đang bị bủa vây giữa những thi thể đã sình thúi của bạn đồng tù.

 

Bài sử không chịu học

Có lẽ đây là sự khác biệt giữa văn minh Tây Phương và Đông Phương, giữa chế độ Tư bản và chế độ Cộng sản.

Nước Mỹ chấm dứt cuộc nội chiến trong trật tự và hòa hợp hòa giải. Ngày 6 tháng 11 năm 1865, Nam quân đầu hàng Bắc quân. Tướng miền Nam là Robert Lee được tướng Ulysses Grant đối xử rất tử tế; Tướng Grant ra lệnh cung cấp 25,000 khẩu phần cho phe bại trận; quân lính miền Nam sau khi giao nộp vũ khí được tự do trở về nhà mình, đem theo con ngựa (mà trong chiến tranh cũng được coi là vũ khí).

Sau Thế chiến thứ Hai, Hoa Kỳ giam giữ 175,000 tù binh Đức ở New York và Virginia. Họ được cho ăn ở tươm tất. Một năm sau chiến tranh kết thúc, số tù binh này được thả về; có một số phải chịu thêm hai năm giam giữ ở Pháp và Anh là hai nước mà Đức Quốc Xã tàn phá nặng nề. Các quốc gia đồng minh tập trung vào việc tái thiết hơn là trả thù.

Xã hội văn minh người ta cư xử với nhau như thế đó!

Cuối năm 2004, đánh dấu ba mươi năm sau chiến tranh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt của Cộng sản Việt Nam đã nói: “… một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu.” Đây có lẽ là một câu nói hiếm hoi từ cửa miệng một lãnh tụ cao cấp tỏ sự cảm thông với phe cựu thù.

Một cựu Đại tá Cộng sản ở Hà Nội cũng thú nhận khi được phóng viên Trà My phỏng vấn trên đài RFA ngày 7 tháng 5, 2006: “Tôi thấy có rất nhiều chính sách mà bây giờ mình mới nhận ra sai lầm. Sau khi thống nhất đất nước, thay vì phải tập trung vào mặt hòa bình, kiến thiết xây dựng thì lúc đó lại xảy ra những chính sách không thích hợp… đáng lẽ phải tập trung xây dựng thì lại tập trung vào chuyện đấu tranh không những đối với phía đối phương mà ngay cả trong nội bộ những người kháng chiến như chúng tôi cũng bị những sai lầm đó thao túng…

Người Việt Nam, đặc biệt là người miền Nam chúng tôi vẫn còn chờ đợi nhà cầm quyền Cộng sản bày tỏ sự ân hận của họ về những tội ác đã gây ra trong chiến tranh để chúng ta có thể bỏ quá khứ sang bên mà cùng chung tay xây dựng một nước Việt Nam phú cường.

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Khi nào người dân mới dám công khai chỉ trích đảng?

Do Van Tien

VNTB – Chính quyền Việt Nam sợ cờ vàng tới vậy sao?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Xin đừng trách Ngọc Trinh!

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo