VNTB – Tranh chấp “bảo hiểm nhân thọ”: Khi dao cầm đằng lưỡi (Bài 2)

VNTB – Tranh chấp “bảo hiểm nhân thọ”: Khi dao cầm đằng lưỡi (Bài 2)

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Các vụ tranh chấp thuộc lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ vẫn khá căng thẳng do như điều khoản không rõ ràng trong thiết kế câu từ pháp lý

 

Số liệu ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy chiếm tỷ trọng lớn của toàn ngành nên các vụ tranh chấp thuộc lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ vẫn khá căng thẳng, vì rất nhiều lý do như điều khoản không rõ ràng trong thiết kế câu từ pháp lý…

Kỳ 2: Khi dao cầm đằng lưỡi

Ông Lương Xuân D là người đại diện hợp pháp của bị đơn (xem kỳ 1) không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, và trình bày:

Bị đơn xác nhận hai bên có ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ số 00182519 và số 00196105 từ năm 2001, sau đó hai hợp đồng này đã được khôi phục hiệu lực (tái tục) bằng cách dời ngày bắt đầu có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm.

Sau đó, bị đơn đã cấp cho nguyên đơn Thư xác nhận hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và Giấy chứng nhận bảo hiểm nhân thọ của hợp đồng số 00182519 ngày 18 tháng 6 năm 2008; Thư xác nhận hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và Giấy chứng nhận bảo hiểm nhân thọ của hợp đồng số 00196105 ngày 18 tháng 6 năm 2008 có các chi tiết tương ứng với ngày hiệu lực mới ngày 01 tháng 01 năm 2007; Giấy chứng nhận bảo hiểm nhân thọ được phát hành trước đây không còn giá trị.

Theo quy định tại Điều 4.3.1 và Điều 5.2.9 của Điều khoản hợp đồng bảo hiểm nhân thọ Phú – Tích lũy An khang thì nếu chủ hợp đồng không thanh toán khoản phí bảo hiểm đến hạn, không yêu cầu hủy bỏ hợp đồng khi hết thời gian gia hạn nộp phí bảo hiểm và hợp đồng đã có giá trị giải ước, bị đơn sẽ tự động cho chủ hợp đồng tạm ứng từ giá trị giải ước số tiền tương đương với khoản phí bảo hiểm đến hạn để nộp phí bảo hiểm; và trong thời gian hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực, bị đơn sẽ không có quyền hủy bỏ hay thay đổi các điều khoản và điều kiện của hợp đồng bảo hiểm, trừ khi được sự chấp thuận bằng văn bản của bên mua bảo hiểm.

Nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng liên quan đến hợp đồng bảo hiểm đã giao kết, bị đơn sẽ đóng phí tự động từ giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm chính. Trường hợp khách hàng yêu cầu hủy hợp đồng thì phải có văn bản thông báo cho bị đơn biết về việc này.

Tuy nhiên, hết thời gian gia hạn đóng phí bảo hiểm, bị đơn đã không nhận được bất kỳ yêu cầu hoặc thông tin phản hồi nào của khách hàng liên quan đến việc yêu cầu hủy hợp đồng.

Nguyên đơn không thể tham gia các sản phẩm bảo hiểm bổ sung độc lập mà phải tham gia cùng với sản phẩm chính; Quy tắc, điều khoản của các sản phẩm bổ sung là những nội dung thỏa thuận bổ sung giữa bị đơn và nguyên đơn nhằm bổ sung cho người được bảo hiểm có tên trong hợp đồng bảo hiểm đã ký kết.

Do đó, các quy định về thủ tục bảo hiểm, thủ tục giải quyết quyền lợi bảo hiểm và giải quyết tranh chấp được hiểu theo đúng nghĩa đã được giải thích trong điều khoản hợp đồng chính.

Bị đơn chỉ đồng ý thanh toán cho nguyên đơn 909.900 đồng giá trị hoàn lại (giá trị giải ước theo cách gọi cũ) còn lại, cụ thể:

Đối với hợp đồng số 00182519, nguyên đơn đã đóng 48 tháng x 443.800 đồng/tháng = 21.302.400 đồng; giá trị hoàn lại là 10.803.600 đồng; bị đơn đã đóng phí tự động từ giá trị hoàn lại là 10.196.000 đồng; giá trị hoàn lại còn lại là 607.600 đồng.

Đối với hợp đồng số 00196105, nguyên đơn đã đóng 49 tháng x 221.900 đồng/tháng = 10.873.100 đồng; giá trị hoàn lại là 5.401.800 đồng; bị đơn đã đóng phí tự động từ giá trị hoàn lại là 5.099.500đồng; giá trị hoàn lại còn lại là 302.300 đồng.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 486/2019/DS-ST ngày 22 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân Quận X, Thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu của ông Lâm Nghĩa H.

Buộc Công ty TNHH Prudential có nghĩa vụ thanh toán cho ông Lâm Nghĩa H 909.900 đồng giá trị hoàn lại tại thời điểm hủy hợp đồng ngày 07 tháng 3 năm 2019 của Thư xác nhận hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và Giấy chứng nhận bảo hiểm nhân thọ của hợp đồng số 00182519 ngày 18 tháng 6 năm 2008; Thư xác nhận hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và Giấy chứng nhận bảo hiểm nhân thọ của hợp đồng số 00196105 ngày 18 tháng 6 năm 2008.

2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lâm Nghĩa H đòi Công ty TNHH Prudential thanh toán 18.002.900 đồng.

3. Về án phí: Công ty TNHH Prudential phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Ông Lâm Nghĩa H được miễn án phí dân sự sơ thẩm; Hoàn trả cho ông Lâm Nghĩa H số tiền 421.610 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự đã nộp theo biên lai số AA/2018/0007880 ngày 25 tháng 7 năm 2019 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận X, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 02/12/2019, nguyên đơn – ông Lâm Nghĩa H kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

(Kỳ 3: Con kiến quyết kiện… củ khoai đến cùng)


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)