Trần Xuân Thời (1)
(VNTB) – Tương kính lẫn nhau là bước đầu trên ngưỡng cửa xây dựng tình huynh đệ đại đồng.
Xã hội là một cộng đồng chung sống giữa người và người trên hai bình diện TÌNH và LÝ. Để truyền thông cái tình và hoằng dương cái lý, tự cổ con người đã biết dùng văn tự để chuyển tải tư tưởng.
“Nhập thể cục bất khả vô văn tự
Xuất mẫu hoài tiện thị hữu quân thân”
Sự thông đạt tư tưởng cho tha nhân trong Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia (CDNVQG) chẳng những để chuyển tải tư kiến mà chủ-đích chính là tạo nên giao-thoa giữa các QUAN ĐIỂM DỊ và ĐỒNG trong tinh thần tiến bộ và hiểu biết: “Ai không đồng quan-điểm với ta không có nghiã là người đó chống đối ta” hầu tìm ra một đường hướng thích hợp, một hướng tiến chung” cho Cộng-Đồng Việt-Nam Hải-Ngoại (CĐVNHN). Trong đó mọi người đều có cơ hội tham-gia tranh luận, thể hiện trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm tập thể, phối trí lại nhân sự trong mọi tổ chức địa phương và trên bình-diện quốc gia, tận dụng tài nguyên cơ-hữu, kết chặt thân tình, kết tinh chí- hướng, chung sức xây dựng Cộng-Đồng Việt Nam vững mạnh cho hiện tại và tương lai.
Ai trong chúng ta cũng nhận định được rằng: Chúng ta không thể tìm quên hay chối bỏ cái bản sắc VIỆT TỘC để tự mình tan loãng vào xã-hội bản xứ. Văn hoá Việt Nam là tất cả những gì thể hiện sự hiện hữu của người Việt trên mảnh đất chúng ta đang sống, do đó ngôn ngữ, diện mạo, phong tục, tập quán không thể nhất đán (một ngày, chú thích Ban Biên Tập) để bị đồng hoá với các đặc trưng văn hóa của các sắc dân khác. Chúng ta đã: “Vượt biển trèo non, lên ghềnh xuống thác đấu sức với ba đào (sóng to, chú thích của Ban Biên Tập), thi gan cùng sương tuyết, trải qua biết bao nhiêu là nguy hiểm mới có cảnh tượng ngày nay”. Chúng ta đang làm lại cuộc đời với một sức sống mãnh-liệt và kiên trì, không hề e ngại gian khổ với hai bàn tay trắng và một khối óc năm liệu bảy lo: Lo cho bản thân, cho gia đình, cho (CĐVNHN) và cho Quê-Hương:
Chúng ta đã nhập cuộc thế thì không thể uỷ mị bi quan chán chường không phải lẽ vì trời hành đạo cốt giúp người tự-lực tự-cường chứ không giúp người biếng nhác hay nhụt chí tiến thủ.
“Thiên hành kiện quân tử dĩ tự cường bất tức
Cố tài giả bồi chi, khuynh giả phúc chí“
Trời hành đạo rất mạnh mẽ, quân tử phải làm việc không ngơi nghỉ. Người có tài thì được đôn đốc thêm nên, lười biếng thì buông thả.
Hãnh diện về Thánh Gióng Phù Đổng Thiên Vương không phải là ca ngợi hình ảnh của Thần-Đồng và Ngựa sắt mà là biểu tượng quật khởi oai hùng nhằm trả thù cái thực tại đắng cay của một dân tộc thường bị Bắc phương trấn áp.
Ngày nay hình ảnh hào hùng đó vẫn còn sống mãi trong tâm khảm của mọi người. Dù chúng ta phải tha hương, sống nhờ, ở đậu, học nhờ viết mướn, nhưng “Tứ Hải Giai Huynh Đệ” bốn bể đều là Anh Em, không nên quá tự tôn về nguồn gốc dân tộc mà cũng chẳng tự ti, khắc khoải về thân phận tha hương của kiếp sống lưu đày.
Hoa-Kỳ, Gia Nã-Đại và các quốc gia tự do tiền tiến khác là quê-hương quốc tế của những người có ý-chí tự do, ý chí tự tồn, và ý chí bá chủ di dân đến sinh cơ lập nghiệp và tạo nên những quốc gia hùng mạnh. Việt kiều chúng ta đang dõng dạc đường hoàng xây dựng lại cuộc đời trong tinh thần tương thân tương ái.
Người là loài thọ sinh có tinh thần xã hội thể hiện qua nhu cầu bẩm sinh: Nhu cầu Kết Hợp. Kết hợp là nhu cầu thiết yếu trong công tác xây dựng CĐVNHNtrong tinh thần hòa hợp đúng với thái độ của Quân Tử “Hoà Nhi Bất Đồng”.
Bất đồng là lẽ đương nhiên vì “Bá nhân bá tánh” tuỳ hoàn cảnh gia đình, xã hội, giáo dục, môi trường sinh sống mà có thể mỗi cá nhân có một nhân-sinh-quan và vũ-trụ-quan riêng biệt. Cách xử thế và giải quyết vấn đề khác nhau dù cùng chung mục đích hay đường nào cũng đến La-Mã.
Lại nữa, dân chủ khác với độc tài vì trong xã hội dân chủ không có sự đồng-nhất về tư-tưởng. Nhưng sự tôn trọng quan điểm khác biệt hay dị đồng không có nghĩa là mạnh ai nấy làm vì như thế sẽ tạo nên sự hỗn loạn.
Tôn trọng quan điểm dị, đồng nhằm mục-đích tạo nên giao thoa tư-tưởng thể hiện qua sự phát biểu ý-kiến và tranh-luận trong tiến trình kiến tạo một phương thức, một giải pháp hợp lý. Hợp lý ở đây có nghĩa là không tìm ra lý lẽ nào hay hơn nữa trong một hoàn cảnh nào đó thuận theo ý kiến chung của mọi người mà thiểu số bất đồng vẫn phải tuân phục.
Chính nguyên tắc tôn trọng “Ý Chí Chung” điều hướng sinh hoạt của xã hội dân chủ. Do đó cái thái độ “Được làm vua thua làm giặc” chẳng những lỗi thời mà còn chứng tỏ trình độ thiếu trưởng thành trong sinh hoạt dân chủ.
Do đó khi lao mình vào sinh hoạt xã hội nhất là những Cộng Đồng có tinh thần dân chủ tiến bộ như các Cộng-Đồng VN, các nguyên tắc đều hướng phải được tôn trọng để tránh hành động lệch lạc như “Đánh bạc thua thì đòi tiền lại, bầu bán thất cử thì quay ra phản đối” sinh ra xung khắc thất lợi cho tình đoàn kết, thống nhất của khối Việt tự-do và đi ngược lại nguyên tắc dân chủ.
Trong xã hội dân chủ không ai có quyền khống chế người khác, nhưng một khi đã nhập cuộc sinh hoạt chung thì phải tôn trọng các nguyên-tắc sơ đẳng của trò chơi dân chủ dựa trên TINH THẦN TỰ CHẾ NGỰ. Tự chế không phải là mỗi người tự tiện làm theo ý thích của mình mà phải thực hiện nguyện vọng của mình theo nguyên tắc chung đã thoả thuận, dù những gì đã thoả thuận có thể giảm bớt phần nào quyền lợi riêng tư của mình.
Montesquieu đã thế hiện quan niệm căn bản này qua cuốn Vạn Pháp Tinh Lý (Esprit des Lois) như sau:
“Si un citoyen pouvait faire ce qu’il veut, il n’aurait plus de liberté; Parce que les autres auraient tout de même ce pouvoir”
Ai cũng muốn làm theo ý mình, và mọi người cũng hành động như vậy thì xã hội sẽ rối loạn và dĩ nhiên không còn tự do nữa. Do đó xã hội dân chủ được kiến tạo bởi những người có tinh thần tự chế và hy sinh phần nào quyền lợi riêng tư cho đại cuộc như lời của Khuất Nguyên:
“Gặp trường hợp phải cân nhắc giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi của quốc gia dân tộc thì người quân tử phải hy sinh quyền lợi cá-nhân để phục vụ quyền lợi quốc gia dân tộc.”
Cũng chính vì tinh thần trọng đại nghĩa mà biết bao vị anh hùng liệt nữ đã hiến thân để bảo vệ Quốc-Gia Dân-Tộc. John Locke cũng đã viết về tinh thần tự chế trong tác phẩm Luận về Chính Quyền Dân-Sự (On Civil Government).
“Men had once lived unrelated lives in a state of nature. At a certain stage of development, they entered into a SOCIAL CONTRACT with one another, thereby creating both a Society and a Government. By terms of the contract, each individual surrendered part of his natural rights and in return received protection and other advantages of organized government… What is right or wrong being determined by the WILL OF THE MAJORITY”.
Như thế chúng ta nhận thấy, tự cổ trong trạng thái thiên nhiên con người sống rời rạc, vô tổ chức nhưng đến một giai trình tiến triển nào đó con người đã biết ngồi lại với nhau để đạt đến sự kết ước gọi là XÃ ƯỚC (Social contract) nhằm xây dựng xã hội và chính quyền.
Khi kết ước như vậy con người đã trao một phần quyền hạn của mình cho Cộng Đồng, hay nói khác đi đã tự chế ngự bớt quyền thiên nhiên của mình để hoà đồng vào đời sống xã hội và để đổi lấy sự an toàn và các phúc lợi khác do Cộng Đồng cung ứng.
Điểm căn bản là ý chí của đa số tạo nên Ý CHÍ CHUNG (The will of the Majority) chỉ đạo hành động của mỗi cá nhân phù hợp với nguyện vọng của đa số.
Ý chí chung sẽ quyết định hành vi cá nhân đúng hay sai theo tiêu chuẩn do đa số quyết định qua luật pháp chi phối sự điều hành guồng máy quốc gia và hành vi của mỗi công dân.
Bằng vào những nhận định thiết thực và những nguyên-tắc căn bản chúng ta đang tiến trên con đường xây dựng lại cơ-chế dân chủ cho các Cộng Đồng Việt Nam nơi miền xa đất lạ này trong tinh thần nhường nhịn lá lành đùm lá rách, chung lưng đấu cật, kết chặt thân tình và kết tinh chí-hướng với thái độ tương kính và học hỏi lẫn nhau vì người nào cũng có điều hay đáng cho mình học hỏi. Không ai toàn mỹ toàn thiện mà cũng không ai sống thừa.
Tương kính lẫn nhau là bước đầu trên ngưỡng cửa xây dựng tình huynh đệ đại đồng. Tương kính sẽ mang lại sự hoà thuận, hoà thuận sẽ mang lại sự thành tâm, có thành tâm, mới có chánh ý; có chánh ý sẽ biết phục thiện học hỏi lẫn nhau bồi ưu bổ khuyết.
Người phục thiện không cố chấp, không thiên vị, và biết nghe điều phải. Biết nghe điều phải tránh được xung khắc đưa đến tinh thần xây dựng. Khi tạo được tinh thần xây dựng thì ngôn sẽ thuận; ngôn thuận làm cho danh được chánh và khi đó sự ắt sẽ thành.
Chú thích
- Cựu Chủ tịch Cộng Đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ