Anh Khoa dịch
(VNTB) – Khoảng cách từ Bãi Ba Đầu đến Trung Quốc nhiều gấp 3 lần khoảng cách từ đó đến Philippines
Ngày 8 tháng 4 năm 2021
Các tàu Trung Quốc xuất hiện quanh Bãi Ba Đầu vào tháng 3 rất khác so với các tàu cá thông thường. Đầu tiên, chúng dường như không đánh cá. Hình ảnh vệ tinh cho thấy chúng còn mới nguyên và được sắp xếp với độ chính xác quân sự. Trung Quốc cho biết các tàu này chỉ đơn giản là trú ẩn trong thời tiết xấu. Nhưng chính phủ Philippines cho biết chúng thuộc “lực lượng dân quân hàng hải” của Trung Quốc, một lực lượng hải quân phụ trợ thuộc quyền chỉ huy của Quân đội Giải phóng Nhân dân. Kết quả là một bất ổn mới nhất ở Biển Đông.
Philippines nói rằng Bãi Ba Đầu, mà họ gọi là Rạn san hô Julian Felipe, nằm trong “vùng đặc quyền kinh tế” (EEZ) — khu vực trong vòng 200 hải lý tính từ đường bờ biển của một quốc gia với một số quyền nhất định. Rạn san hô này, một trong số nhiều rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa ở trung tâm Biển Đông, trông không giống một tài sản quý giá. Dài khoảng 13 km và có hình dạng giống như một chiếc boomerang, chỉ xuất hiện trên mặt nước khi thủy triều xuống. Cách Philippines khoảng 320 km và cách Trung Quốc khoảng 1.060 km. Tuy nhiên, Trung Quốc, quốc gia có tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, đã xây dựng và chiếm đóng các đảo nhân tạo xung quanh các mỏm đá tương tự ở Trường Sa, chẳng hạn như Đảo Gạc Ma, 50 km về phía tây và Đá Chữ Thập, 180 km về phía tây (xem bản đồ). Hiện có đường băng, hệ thống radar và nhiều loại tên lửa.
Vào năm 2016, tòa án quốc tế The Hague đã bác bỏ các tuyên bố chủ quyền mơ hồ và rộng lớn của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Trường Sa, trong một vụ kiện do Philippines khởi xướng. Tuy nhiên, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, phần lớn tránh đối đầu với Trung Quốc về vấn đề này, thay vào đó muốn chọc giận Mỹ, một đồng minh nhưng cũng là một nước từng chiếm đóng của Philippines.
Vì vậy, thật bất ngờ khi chính phủ của ông Duterte mạnh mẽ lên án những hành động khiêu khích mới nhất. Vào ngày 21 tháng 3, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana đã yêu cầu 220 tàu Trung Quốc trong đầm phá của rạn san hô rời khỏi “lãnh thổ thuộc chủ quyền của chúng tôi”. Hai tuần sau, ông phàn nàn rằng Trung Quốc đã thể hiện thái độ “hoàn toàn coi thường… luật pháp quốc tế”. Ngày hôm sau, bộ trưởng ngoại giao Teddy Locsin đã nổi giận trước “sự giả dối trắng trợn” của Trung Quốc. Mặc dù nhiều tàu hiện đã rời Rạn san hô Whitsun, chúng được cho là đã phân tán đến các rạn san hô gần đó, vẫn nằm trong phạm vi lãnh thổ của Philippines.
Trung Quốc đã triển khai một lực lượng dân quân biển kể từ những năm 1970, và Việt Nam cũng vận hành một hạm đội tương tự, mặc dù không lớn hoặc hoạt động tích cực bằng lực lượng của Trung Quốc. Ryan Martinson thuộc Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ cho biết, các tàu đánh cá của Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong việc chiếm giữ các bãi đá và bãi cát ở trong tình trạng tranh chấp như Đá Vành Khăn vào năm 1994 và Bãi cạn Scarborough vào năm 2012. Vào cuối năm 2019 và 2020, Trung Quốc đã sử dụng cả lực lượng dân quân hàng hải và lực lượng tuần duyên của mình để uy hiếp tàu West Capella, một con tàu được Malaysia cấp phép để khoan dầu và khí đốt. Vào tháng 1, Trung Quốc đã thông qua luật mở rộng quyền hạn của lực lượng tuần duyên, cho phép lực lượng này sử dụng vũ lực dễ dàng hơn.
Cuộc đối đầu với West Capella đã khiến Mỹ điều một tàu chiến, sau đó là máy bay ném bom và cuối cùng là một cặp hàng không mẫu hạm tới khu vực này. Lần này, Mỹ đã quyết định thể hiện sức mạnh một lần nữa. Vào ngày 4 tháng 4, một nhóm tàu sân bay tấn công của Mỹ, dẫn đầu là USS Theodore Roosevelt, đã tiến vào Biển Đông.
Chính phủ Philippines không nhất quán. Bất chấp những tuyên bố giận dữ của cấp dưới, ông Duterte tỏ ra mềm mỏng: “Bất kể sự khác biệt nào giữa chúng tôi với Trung Quốc… chúng sẽ không là trở ngại đối với quỹ đạo tích cực chung của quan hệ hữu nghị song phương giữa hai nước. Như ông đã nói vào tháng Hai, “Tôi không muốn thách thức Trung Quốc, vì chúng tôi đang tránh bất kỳ cuộc đối đầu nào có thể dẫn đến tình trạng khó có khả năng đối phó.” Ngay cả khi ông muốn cử lực lượng tuần duyên hoặc hải quân của mình để đẩy các tàu Trung Quốc ra khỏi Bãi Ba Đầu, các lực lượng này vẫn thiếu các bản đồ cần thiết để di chuyển trong vùng nước nông xung quanh.
Nguồn: The economist