Việt Nam Thời Báo

VNTB – Trương Vĩnh Ký có xứng đáng là danh nhân văn hóa?

Hà Nguyên

 

(VNTB) – “Người ta chỉ cần nhìn vào việc ông có cộng tác với người Pháp, còn ông có làm cho văn hóa dân tộc bao nhiêu thì người ta cứ để đấy đã”.

 

Ban Tuyên giáo Trung ương đã yêu cầu không đặt tên đường liên quan đến nhân vật lịch sử có tên Trương Vĩnh Ký.

“Gần đây, lịch sử chúng ta cũng minh định lại công tội nhiều bậc tiền nhân bị rơi vào vòng xoáy khắc nghiệt của thời cuộc, của những góc nhìn lịch sử khác nhau. Chúng ta nên trả lại tên tuổi cho các vị ấy để con cháu hiểu đúng tổ tiên mình, bởi không có xưa làm sao có nay.

Tôi rất mong có ngày đường phố đặt lại những tên như danh tướng trung liệt Võ Tánh, học giả có công truyền bá quốc ngữ Trương Vĩnh Ký, công thần Phan Thanh Giản,… Họ đều là bậc tiền hiền có công với nước, có nghĩa với dân” – nhà sử học Nguyễn Đình Tư, ý kiến.

Một câu chuyện cũ.

Cuốn sách “Petrus Ký, nỗi oan thế kỷ” do Nhã Nam và Nhà xuất bản Tri thức phát hành, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu chủ biên, là một công trình công phu tập họp các bài viết của nhiều tác giả xưa và nay, đã được Cục Xuất bản chấp nhận và đã qua thời hạn lưu chiểu theo luật định, tức được phép lưu hành, được các đơn vị xuất bản tổ chức ra mắt tại Đường Sách Sài Gòn vào sáng Chủ nhật 8-1-2017.

Giấy mời tham dự buổi ra mắt đã được gửi đi, nhưng bất ngờ ngày 4-1-2017, một “lệnh miệng” được ban xuống yêu cầu hủy bỏ buổi ra mắt sách. Nhiều thông tin từ nội bộ giới hữu quan cho biết lệnh này xuất phát từ ý kiến của một cựu quan chức lãnh đạo TP.HCM đã nghỉ hưu gửi tới “cấp trên” có thẩm quyền.

Và nay, ngày 5-1-2022, Ban Tuyên giáo Trung ương phát hành văn bản cho rằng Trương Vĩnh Ký là nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau, nên các tỉnh ủy, thành ủy không dùng tên nhân vật lịch sử này để đặt tên đường.

Trong bài viết giới thiệu tác phẩm biên khảo “Petrus Ký Nỗi oan thế kỷ”, nhà xuất bản Nhã Nam có đoạn nhận định:

“Năm 32 tuổi làm chủ bút người Việt đầu tiên của tờ Gia Định báo (tờ công báo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam). Năm 39 tuổi được làm hội viên Hội Á châu (Société Asiatique). Cũng năm này Trương Vĩnh Ký là người Việt Nam duy nhất được cử vào làm thành viên Hội đồng thị xã Sài Gòn (Conseil de la commune de Saigon). Trương Vĩnh Ký đã dịch, soạn, viết ra hàng trăm tác phẩm thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trong suốt cuộc đời.

Chính bởi một Trương Vĩnh Ký, một người con Nam Bộ chính gốc, nhiều tài năng nhưng cũng lắm bấp bênh trong cuộc đời, mà học giả Nguyễn Đình Đầu – một nhà nghiên cứu nổi tiếng trong lĩnh vực địa lý học lịch sử Việt Nam hiện nay – đã dày công nghiên cứu về Petrus Ký, thu thập được nhiều tư liệu về Trương Vĩnh Ký trong Thư viện Hội Nghiên cứu Đông Dương (Société des Études indochinoises), Trung tâm lưu trữ Hội Thừa sai Paris (Société des Missions étrangères de Paris), đồng thời cũng đã dịch, chú thích, xuất bản một số tác phẩm của Trương Vĩnh Ký như Cổ Gia Định phong cảnh vịnh, Gia Định thất thủ, Kim Gia Định phong cảnh vịnh, Tiểu giáo trình địa lý Nam Kỳ, Ký ức lịch sử về Sài Gòn và vùng phụ cận. Trên cơ sở chuẩn bị nhiều năm, học giả Nguyễn Đình Đầu xuất bản một công trình như một hồ sơ Trương Vĩnh Ký mang tên Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ” (dừng trích).

Biên khảo về Trương Vĩnh Ký của học giả Nguyễn Đình Đầu cho thấy bản thân Petrus Ký là một trí thức luôn bị nghi ngờ, bị coi là tay sai của phe này, kẻ thù của phe kia, đứng giữa hai làn đạn trong binh biến thời cuộc.

Ông có quan điểm rất rõ ràng như trong bức thư viết cho nhà địa chất học người Pháp tên Stanislas Meunier: “Tôi chỉ muốn làm sao cho hai dân tộc này hiểu nhau và yêu thương lẫn nhau… Chính vì thế mà tôi tiếp tục dịch tiếng An Nam sang tiếng Pháp và từ tiếng Pháp sang tiếng An Nam, với niềm tin rằng đằng sau ngôn ngữ, đằng sau câu từ, sẽ là các tư tưởng và rồi sớm có một ngày chúng tôi thông hiểu và hướng về nền văn minh của các bạn”…

“Cụ không hô hào người dân ra bưng biền kháng chiến mà kêu gọi dân giữ văn hóa Việt Nam trong lúc giao thời. Cụ ra đời lớn lên vào buổi giao thời nhưng là người tiên phong phát triển văn hóa hiện đại Việt Nam trên nền văn hóa cổ truyền, với hơn 100 tác phẩm đã in và 40 tập di cảo”, nhà báo Phúc Tiến, một cử nhân lịch sử, đưa ra nhận xét như vậy ở tham luận trong tọa đàm ngày 11-9-2020 do Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức.

Ở tọa đàm này, cũng câu chuyện Trương Vĩnh Ký yêu nước hay không yêu nước, nhà sử học Dương Trung Quốc nói: “Yêu nước thì ai cũng yêu nước, đừng ai đòi độc quyền yêu nước. Chỉ là chủ nghĩa yêu nước của mỗi người thể hiện khác nhau, thậm chí xung đột nhau về lợi ích”.

Còn nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân khẳng định, với những gì mà Trương Vĩnh Ký để lại thì ông là tác giả quốc ngữ lớn và phong phú nhất từ khi chúng ta dùng chữ quốc ngữ. Và nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã than trời rằng: “Người ta chỉ cần nhìn vào việc ông có cộng tác với người Pháp, còn ông có làm cho văn hóa dân tộc bao nhiêu thì người ta cứ để đấy đã”.

Còn với ông nghị – nhà sử học Dương Trung Quốc thì hoàn toàn không ngạc nhiên khi hiện nay vẫn còn những đánh giá chưa đúng về một nhân vật đa diện như Trương Vĩnh Ký. “Đến nhân vật như Phan Chu Trinh mà lịch sử còn từng đánh giá là một nhà cách mạng cải lương theo nghĩa tiêu cực nữa là một nhân vật phức tạp như Trương Vĩnh Ký”, ông Quốc nói.

Chủ trì tọa đàm, GS-TS. Đỗ Quang Hưng, Đại học Quốc gia Hà Nội, kết luận, Trương Vĩnh Ký là khối đa diện có nhiều chiều kích, động đến nhiều vấn đề lớn của lịch sử dân tộc và lịch sử văn hóa cần nhiều ngành nghiên cứu để làm sáng tỏ về con người này.

Tiếc là Ban Tuyên giáo Trung ương với đứng đầu hiện tại là tướng quân đội Nguyễn Trọng Nghĩa – một người chính hiệu Nam bộ, lại tiếp tục có cái nhìn qua lăng kính định hướng chính trị nhiệm kỳ.


Tin bài liên quan:

VNTB – Phải hối lộ mới được chữa trị – tội gì?

Phan Thanh Hung

VNTB – Xuyên tạc, phi báng chính quyền nhân dân là tội gì?

Phan Thanh Hung

VNTB – Cần tôn trọng tính độc lập của hội đoàn dân sự

Do Van Tien

1 comment

Nguyễn Tuấn Anh 17.01.2022 3:42 at 03:42

Nước mình, xét về quỹ tên danh nhân, không thiếu tới độ phải đem những kẻ có tiền án tiền sự ra đặt tên . Nước mình không thiếu những trí thức đã đóng góp tài năng cho cách mạng . Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Ngọc, Vũ Khiêu, Trương Đình Tuyển, Nguyễn Quang A … Chưa tới mức phải đem Trương Vĩnh Ký ra đặt tên . Vả lại Ngụy cũng xài rùi, mình hổng nên bắt chước Ngụy .

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo