Việt Nam Thời Báo

VNTB – Mai này ‘hòa bình’, liệu sẽ truy cứu trách nhiệm của những ‘tướng lĩnh’ ‘tham chiến’?

Phạm Lê Đoan

(VNTB) – ‘Tàn cuộc binh đao’,  những ‘tướng lĩnh’ bất tài đã đẩy quân – dân vào mất mát, thương vong trong cuộc chiến với COVID cần phải ra ‘tòa án binh’?!

 

Các tỉnh miền Tây Nam bộ cách TP.HCM chỉ vài trăm cây số nhưng việc lưu thông hàng hoá bị ách tắc do cách chống dịch cực đoan của chính quyền địa phương, khiến nông thuỷ sản miền Tây thừa mứa bán như cho nhưng chẳng có ai mua. Ngược lại thì TP.HCM, nơi tiêu thụ chính cho sản phẩm của các tỉnh miền Tây, thì lại đang thiếu nghiêm trọng các mặt hàng nông thuỷ sản vì đầu vào tắt tịt.

Cho dù ưu tiên cho việc chống dịch, nhưng để hàng hoá thiết yếu bị ách tắc trong lưu thông phân phối khiến dân tình bất an, thì đó vẫn là sự yếu kém về khả năng của những người quản trị đất nước.

Sài Gòn với ba tháng giãn cách khó khăn muôn trùng, để đến nỗi một bó rau, một cọng hành cũng thiếu; ba tháng rồi mà tới giờ giá một bó rau 20 đến 30 ngàn đồng là quá cao, trong khi đại đa số người dân thu nhập giảm mạnh, là khó chấp nhận. Dù có trợ cấp, nhưng một gia đình một tháng nhận hỗ trợ 1,5 triệu, một ngày 50 ngàn đồng, chỉ là sống lây lất.

Cay nghiệt thay, trong khi đó thì Sài Gòn có đến 237 chợ truyền thống với 62.000 hộ kinh doanh đóng thuế. Đó là con số chính thức, quanh chợ còn hàng ngàn hộ buôn bán vỉa hè. Hầu hết là hộ trung bình, hộ nghèo; làm ngày nào ăn ngày đó. Vậy mà họ ngồi không ba tháng rồi. Cơm áo gạo tiền… thúc bách hàng ngày.

Quân lương bị đứt, cuộc chiến càng thảm khốc thương vong. Không một sinh mạng nào không vô giá; không cuộc ra đi nào không đẫm nước mắt.

Duy trì hệ thống y tế là công việc đầu tiên cần làm nếu muốn chống lại dịch. Nói theo cách dùng từ quân sự hóa, thì chỉ có y tế mới có thể là “pháo đài” chống dịch. Tất cả các thứ mà người ta đã theo lệnh ai đó để dựng ngăn cách cứng, trạm kiểm soát, rào thép gai, khóa cửa… chỉ có thể là “pháo đài” chống lại con người mà thôi, bởi ‘giặc Covid’ vốn vô hình.

Ứng xử, đối phó với dịch bệnh phải bằng thái độ và hành động khoa học. Như vậy, việc khoanh vùng, xác định tâm dịch, hay xét nghiệm truy vết… là thuộc về hệ thống y tế dự phòng. Còn việc điều trị, phải thuộc về hệ thống điều trị. Do đó việc điều trị người nhiễm không thể giao cho các Trạm y tế phường, vốn dĩ chỉ làm công việc của y tế dự phòng, quản lý. Điều này giống như khi ‘địch quân’ dùng máy bay ‘rải thảm bom’, chỉ huy mặt đất lại lệnh cho bộ binh dùng súng trường, B40 chỉa lên trời để ‘diệt địch’.

Lãnh đạo là người có viễn kiến, nhìn trước những gì người khác chưa nhìn thấy.

Những hồi chuông cảnh báo đầu tiên về một đại dịch tiềm ẩn mới đã bắt đầu vang lên từ cuối tháng 12-2019. Đến ngày 10-1-2020, các nhà khoa học không chỉ phân lập được loại virus gây bệnh, mà còn giải trình tự bộ gen và công bố thông tin trên mạng. Chỉ vài tháng sau đó, thế giới đã sáng tỏ việc những biện pháp nào có thể làm chậm lại và ngăn chặn các chuỗi lây nhiễm.

Trong không đầy một năm, một số loại vắc xin có hiệu quả đã được đưa vào sản xuất đại trà.

Nhưng khoa học không thể thay thế chính trị. Khi đi đến quyết định về chính sách, phải tính đến nhiều lợi ích và giá trị. Và vì không có phương thức khoa học nào để xác định những lợi ích và giá trị nào quan trọng hơn, nên không có phương thức khoa học nào để quyết định những gì nên làm.

Ví dụ, khi quyết định liệu có áp phong toả hay không, sẽ không đầy đủ nếu chưa có câu trả lời: “Có bao nhiêu người sẽ ngã bệnh vì Covid-19 nếu không triển khai phong toả?”. Cũng nên đặt câu hỏi: “Có bao nhiêu người sẽ trải qua trầm cảm nếu áp phong toả? Bao nhiêu người sẽ chịu đựng tình trạng dinh dưỡng tồi tệ? Bao nhiêu người sẽ thất học hoặc mất việc làm? Bao nhiêu người sẽ bị bạn đời của họ đánh đập hoặc sát hại?”…

Ngay cả khi tất cả dữ liệu là chính xác và đáng tin cậy, vẫn luôn nên hỏi: “Chúng ta coi trọng điều gì? Ai quyết định việc này? Làm thế nào để chúng ta đánh giá những con số đối chọi nhau?”. Đây là một nhiệm vụ chính trị hơn là khoa học. Chính các chính trị gia phải cân bằng giữa các suy tính về y tế, kinh tế và xã hội với việc đưa ra một chính sách toàn diện.

Rồi từ những nhìn nhận đó, mai này ‘tàn cuộc binh đao’, khi ‘điểm lại quân số’, cần minh định công trạng lẫn tội trạng của ‘tướng lĩnh’ – đơn cử vì sao một công ty tư nhân ở Sài Gòn đã dốc vốn liếng để đặt mua 30 triệu liều vắc xin AstraZeneca từ tháng 11-2020, trong khi đó thì cả hệ thống chính trị ở trung ương vẫn tiếp tục ‘tự sướng’ khi cho rằng Việt Nam là hình mẫu của chống dịch Covid-19.

Liệu có phải đó là một thất bại về chính trị và cần mang ra xét xử ở ‘tòa an binh’?


Tin bài liên quan:

VNTB – Chờ chết ở thành phố Hồ Chí Minh

Phan Thanh Hung

Dù có covid thì cũng phải “thành công tốt đẹp”!

Phan Thanh Hung

VNTB – Có nên cứu các hãng hàng không?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.