Hồng Dân
(VNTB) – Liệu Việt Nam sẽ cởi mở hơn về quyền tự do báo chí?
Phát biểu kết luận hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Truyền thông chính sách: Nhận thức – Hành động – Nguồn lực” vào chiều 24-11-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công tác truyền thông chính sách có vai trò rất quan trọng, là chức năng của các cơ quan Chính phủ và địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý tăng cường cán bộ cũng như giải quyết vấn đề kinh phí cho công tác truyền thông chính sách theo hướng đặt hàng từ nguồn ngân sách dành cho chi thường xuyên của các bộ ngành, địa phương.
Liệu quyền tự do báo chí cũng từ đây mà mở ra nhiều cơ hội hơn so với việc siết chặt các tòa soạn báo chí như đề án dưới thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc?
Truyền thông chính sách được hiểu là một phần trong hoạt động của chính phủ nhằm đưa thông tin về các chính sách đến người dân, thuyết phục họ thay đổi nhận thức và hành vi theo đúng pháp luật. Bên cạnh đó, đây còn là kênh thông tin ngược để chính phủ lấy ý kiến nhân dân khi xây dựng các loại chính sách mới hay điều chỉnh chính sách hiện tại, tạo ra sự đồng thuận xã hội.
Chuyên ngành Truyền thông chính sách đã được vào chương trình đào tạo chính quy của Học viện Báo chí và Tuyên truyền (AJC). Theo thông báo của AJC thì các vị trí mà sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Truyền thông chính sách có thể ứng tuyển gồm: Cán bộ làm công tác tuyên truyền giáo dục trong các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương; Cán bộ truyền thông tại các văn phòng chính phủ, các bộ, ban, ngành Ủy ban nhân dân các cấp;
Người phát ngôn phụ trách vấn đề giao tiếp với báo chí của các cơ quan chính quyền, lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị xã hội hay các doanh nghiệp và các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghiên cứu viên, giảng viên về lĩnh vực truyền thông chính sách; Làm công tác truyền thông ở những cơ quan, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ hay chuyên viên truyền thông nội bộ trong các doanh nghiệp.
Như vậy, gần như những ai tốt nghiệp chuyên ngành Truyền thông chính sách không nằm trong danh sách bổ sung về lực lượng phóng viên ở các tòa soạn. Tuy nhiên ở cách hiểu ngược lại, để “chính sách” được “truyền thông” tốt hơn buộc phải có phương tiện chuyển tải đến với cộng đồng, và kênh báo chí sẽ là lựa chọn đắc lực.
Từ góc nhìn trên, một khi đã có đội ngũ nhân sự được sự đầu tư đúng mức bằng tiền bạc từ chính phủ như cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính, cho thấy cần có sự cạnh tranh ngay cả các tòa soạn báo, bao gồm có thể chấp nhận cả báo chí tư nhân hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và quyền Hiến định.
Trong hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Truyền thông chính sách: Nhận thức – Hành động – Nguồn lực” vào chiều 24-11-2022, ghi nhận việc Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Truyền thông chính sách là nhiệm vụ chính trị của các cơ quan hành chính, cơ quan báo chí trong việc xây dựng, phổ biến, tổ chức thực hiện và đánh giá tác động để mọi chính sách đến với nhân dân.
Phải làm truyền thông cả trước, trong và sau ban hành chính sách. Tạo cơ chế, điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý phản biện chính sách”.
Về việc sử dụng ngân sách đối với các cơ quan báo chí nhà nước, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành và được bố trí trong dự toán của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức đoàn thể ở trung ương, UBND các cấp theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Liên quan đến đặt hàng truyền thông chính sách bằng nguồn ngân sách Nhà nước, trên thực tế vẫn có nhưng có thể chưa đủ hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu do ngân sách nhà nước còn eo hẹp.
Như vậy nếu chấp nhận có sự góp mặt của báo chí tư nhân, cho thấy phần ngân sách có thể không thay đổi, nhưng các yêu cầu của “truyền thông chính sách” sẽ thêm nhiều kênh đến với người dân, đáp ứng mục tiêu “Dân biết – Dân hiểu – Dân tin – Dân theo – Dân làm – Mọi chính sách phải đến được với người dân”.
Và điều này còn là đáp ứng đề bài mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra: “Phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm về truyền thông chính sách, sát với tình hình thực tiễn, với điều kiện, khả năng, bối cảnh của đất nước”.