Quang Nguyên
(VNTB) – Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng: Người trẻ Việt Nam ở mọi nơi hãy hội nhập vào trào lưu thế giới và tham gia các chiến dịch quốc tế để nắm bắt và khai thác các cơ hội thay đổi Việt Nam.
Phỏng vấn Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng về Hội Nghị Thượng Đỉnh về tự do tôn giáo quốc tế 2021
Xin TS Nguyễn Đình Thắng cho độc giả VNTB biết về Hội Nghị Thượng Đỉnh về tự do tôn giáo quốc tế 2021 đã tổ chức tại thủ đô Washington tuần qua.
Hội Nghị Thượng Đỉnh về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, gọi tắt là IRF Summit do viết tắt chữ International Religious Freedom (IRF), là mũi nhọn thứ tư trong nỗ lực dấy lên phong trào toàn cầu để bảo vệ và phát huy quyền tự do tôn giáo ở mọi nơi và cho mọi người.
Mũi nhọn thứ nhất, khởi xướng cách đây 10 năm, là các bàn tròn đa tôn giáo, quy tụ những cá nhân và tổ chức đấu tranh cho quyền con người rất căn bản này. Hiện nay đã có khoảng 30 bàn tròn đa tôn giáo ở nhiều quốc gia hoặc khu vực. Bàn tròn đa tôn giáo ở Việt Nam được hình thành năm 2016.
Mũi nhọn thứ hai, cũng khởi xướng cách đây khoảng 10 năm, là mạng lưới các nhà lập pháp trên thế giới – họ làm luật để bảo vệ tự do tôn giáo và trừng phạt các kẻ vi phạm. Chẳng hạn, các nhà lập pháp ở một số quốc gia đã chủ xướng đưa ra luật chế tài kẻ vi phạm nhân quyền.
Mũi nhọn thứ ba, được khởi xướng mới 2 năm trở lại đây, là liên minh của 37 chính quyền quốc gia cùng chung mục tiêu bảo vệ tự do tôn giáo.
Mũi nhọn thứ tư, được mở ra qua hội nghị thượng đỉnh ngày 13-15 tháng 7 vừa qua, huy động sự tham gia của lực lượng quần chúng ở Hoa Kỳ và lan dần ra toàn thế giới.
Vai trò của đoàn VN tại hội nghị này thế nào?
Về người Việt thì có 10 người đến từ các văn phòng trung ương và địa phương của BPSOS, có một thành viên của nhóm trẻ NextGen đi cùng với người cha vì em còn nhỏ tuổi, có 3 thành viên của Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ do Mục Sư A Ga hướng dẫn, và một tín đồ Cao Đài đến từ Houston đại diện cho Hội Thánh Em Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Ngoài ra, cô Luật Sư Shireen Hormozdi, thành viên Hội Đồng Quản Trị của BPSOS, hướng dẫn 5 thực tập sinh người Mỹ xuất phát từ Atlanta. Đây là các thực tập sinh mùa hè làm việc cho BPSOS do Cô Shireen tài trợ.
Phái đoàn người Việt tham gia hội nghị nhằm lên tiếng với quốc tế về tình trạng đàn áp tôn giáo vẫn phổ biến cũng như cập nhật về một vài diễn tiến tích cực mang tính cách cục bộ ở VIệt Nam. Chúng tôi đã vận dụng cơ hội để lấy chữ ký vận động cho Luật Nhân Quyền Việt Nam.
Xin TS vui lòng cho độc giả VNTB biết qua về kế hoạch thúc đẩy tự do tôn giáo toàn cầu nói chung và ở Việt Nam nói riêng? Riêng về tổ chức BPSOS mà TS Thắng là Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc, TS có thể cho biết kế hoạch của quý vị đã và sẽ thúc đẩy Việt Nam thế nào trên lĩnh vực tự do tôn giáo?
Kế hoạch của chúng tôi gồm 3 trọng tâm. Quan trọng nhất là tăng năng lực cho từng cộng đồng tôn giáo để chính họ có thể bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình. Cách chúng tôi làm là huấn luyện, đào tạo, hỗ trợ và bảo trợ từng cộng đồng một.
Trọng tâm thứ hai là tạo mạng lưới yểm trợ trong những lĩnh vực mà các cộng đồng này chưa thể tự làm như vận động quốc tế, hành động pháp lý, truyền thông… Nói cách khác, chúng tôi lập ra hệ thống trợ lực để công việc của mỗi cộng đồng bớt gian nan.
Trọng tâm thứ ba là đẩy lùi chính sách hà khắc của chính quyền bằng cách ép chính quyền trung ương phải tuân thủ các cam kết quốc tế và các chính quyền địa phương phải tuân thủ luật quốc gia với một số cam kết với quốc tế đã được “nội luật hoá”.
Trong 25 năm qua chế độ ở Việt Nam ngày càng phải hội nhập quốc tế để sinh tồn, nhưng họ chỉ muốn nhà nước hội nhập và ngăn chặn để người dân không thể hội nhập. Cách làm của chúng tôi là giúp các cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam hội nhập quốc tế và hội nhập nhanh hơn nhà nước. Khi người dân đã hội nhập thật sâu với quốc tế thì họ sẽ khai thác được “sân chơi” quốc tế, nơi mà khối người Việt ở hải ngoại nắm phần chủ động, để cân bằng lại sự thất thế trên sân chơi trong nước, nơi mà chế độ đang nắm trịch.
Hội nghị IRF Summit là cơ hội để người Việt hội nhập quốc tế.
So với những năm 1975, và hôm nay, Thưa TS Thắng, ông thấy VN có cởi mở hơn về TDTG? Nếu có thì do đâu? Nếu không, Ông có bằng chứng cho thấy VN vẫn duy trì chính sách đàn áp TDTG và niềm tin?
Đối với những cộng đồng tôn giáo theo đuổi 3 trọng tâm như tôi đã trình bày, thì rõ ràng họ đã đạt được những thay đổi tích cực. Tình trạng sách nhiễu giảm đi, không gian thực thi quyền tự do tôn giáo nở rộng ra, và ở một số nơi có sự giao tiếp hài hoà hơn giữa họ và chính quyền địa phương. Hiện nay có khoảng trên 200 cộng đồng tôn giáo đã trải nghiệm sự thay đổi tích cực như vậy. Nhưng đấy mời chỉ là một tỉ lệ rất nhỏ. Tuyệt đại đa số các cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Họ chưa biết đến hoặc chưa theo đuổi 3 trọng tâm kể trên.
Thưa TS, ông nghĩ về vai trò của các vị lãnh đạo tinh thần tại Việt Nam thế nào để có thể thúc đẩy tiến trình đòi hỏi chính phủ VN phải thực thi tự do tôn giáo?
Họ cần mở rộng tầm nhìn và quan hệ. Trước hết họ cần liên kết và hợp tác với các cộng đồng tôn giáo đa dạng ở trong nước; họ cũng cần tham gia các sự kiện mang tính khu vực hoặc quốc tế, cần giao tiếp với các tổ chức và cơ quan quốc tế, cần vận dụng bốn mũi nhọn về tự do tôn giáo mà tôi đã kể, và cần biết cách khai thác các định chế quốc tế về bảo vệ quyền tự do tôn giáo. Tại hội nghị IRF Summit, lẽ ra nên có sự hiện diện của nhiều chức sắc Việt Nam. Đáng tiếc là chỉ có mỗi Mục Sư A Ga. Trong khi đó tôi đã gặp nhiều chức sắc tôn giáo đến từ các quốc gia khác nhau.
Nếu các chức sắc người Việt tham gia hội nghị thì họ sẽ thấy rằng có đến 90 tổ chức thuộc các tôn giáo, sắc tộc, quốc gia khác nhau đã hợp tác với nhau thì mới có được hội nghị IRF Summit vừa qua.
Chúng tôi theo dõi hội nghị này thấy đoàn Việt Nam có rất nhiều khuôn mặt trẻ, thay thế thế hệ trước. Xin TS vui lòng cho VNTB biết thành phần và hoạt động của đoàn tại hội nghị?
Muốn tạo phong trào toàn cầu cho tự do tôn giáo thì nhất thiết phải có sự tham gia của giới trẻ. Họ năng động, họ tận tuỵ, họ sáng tạo, họ ít định kiến, và họ rất giỏi về tin học và truyền thông. Do đó, hội nghị IRF Summit có một bộ phận riêng dành cho giới trẻ, chúng tôi gọi là Chương Trình Lãnh Đạo Trẻ cho Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế. Tôi chủ trì chương trình này.
Có khoảng 100 người trẻ đã tham gia hội nghị. Có lẽ trẻ nhất là cô Dania Nguyễn, 16 tuổi đến từ San Jose. Dania đại diện giới trẻ phát biểu tại buổi tiếp tân khai mạc hội nghị chiều ngày 13 tháng 7 trước nhiều trăm quan khách. Ngày hôm sau, Dania đại diện nhóm NextGen gồm khoảng 25 thanh thiếu niên người Việt thuyết trình tại cuộc hội luận về Miến Điện và Việt Nam.
Ngoài các người trẻ thuộc phái đoàn BPSOS, tôi không thấy người trẻ Việt Nam nào khác tại hội nghị.
Ngoài việc TS là người lãnh đạo đoàn trẻ Việt Nam, chúng tôi thấy hình như TS có ảnh hưởng tốt đến nhiều người trẻ của các đoàn khác trên thế giới. TS nghĩ những người trẻ trên thế giới nên thống nhất thành một tổ chức? TS có lời khuyên gì với các bạn trẻ VN trên thế giới và nói riêng trong nước về vai trò của họ trong sứ mệnh đấu tranh cho TDTG?
Vâng. Tôi được ban tổ chức đề cử chủ trì bộ phận giới trẻ nói chung của hội nghị. Trong 3 tháng trước hội nghị, tôi đã họp với nhiều nhóm trẻ thuộc nhiều cộng đồng sắc dân, như Việt, Hoa, Miến Điện, Ấn Độ, Do Thái, Ả Rập, Bangladesh, v.v. để lên chương trình riêng của giới trẻ. Chương trình này bao gồm nhiều sự kiện trực tuyến kéo dài trong 2 tháng trước hội nghị cũng như hàng loạt các sự kiện ngay tại hội nghị.
Chúng tôi có một phòng sinh hoạt riêng tại hội nghị. Các nhóm trẻ đều có quyền ghi danh cho sinh hoạt của nhóm. Chẳng hạn, một nhóm trẻ toàn nữ đến từ California đã tổ chức buổi huấn luyện về sử dụng truyền thông để phát huy tự do tôn giáo. Nhóm trẻ Pháp Luân Công tổ chức hội thảo về tội ác của đảng cộng sản Trung Quốc. Nhóm trẻ Mỹ gốc Ấn Độ trình bày về nỗ lực đối phó tình trạng kỳ thị tôn giáo, sắc tộc và giai cấp ở Ấn Độ. Nhóm trẻ Do Thái theo Thiên Chúa Giáo có buổi thuyết trình về ngôn ngữ cổ dùng trong kinh thánh.
Ngoài Cô Dania phát biểu mở đầu, mỗi ngày chúng tôi đều sắp xếp cho một người trẻ phát biểu tại hội nghị. Một người trẻ Mỹ gốc Do Thái phát biểu tại buổi họp khoáng đại mở đầu hội nghị ngày 14 tháng 7. Một người trẻ Mỹ gốc Ấn Độ phát biểu tại buổi dạ tiệc kết thúc hội nghị.
Ban tổ chức trao một giải thưởng dành riêng cho giới trẻ lãnh đạo. Cô Wai Wai Nu, người Rohingya ở Miến Điện, được chúng tôi đề cử nhận giải. Cô ấy đã từng đi tù 7 năm khi mới 18 tuổi. Sau khi ra tù, cô ấy tiếp tục đấu tranh và hiện nay đang lánh nạn ở Hoa Kỳ.
Kế hoạch kế đến của chúng tôi là hỗ trợ cho các nhóm trẻ phát triển chương trình hoạt động riêng của họ cũng như cùng nhau phát động một chiến dịch vận động chung.
Thực hiện kế hoạch này, mấy ngày qua cá nhân tôi đã đưa cô Wai Wai Nu vào Quốc Hội Hoa Kỳ để đề nghị giải pháp cho Miến Điện. Chúng tôi cũng đã tiếp xúc Uỷ Hội Nhân Quyền Tom Lantos của Hạ Viện Hoa Kỳ để đề nghị điều trần về các công ty Hoa Kỳ cung cấp thiết bị y khoa cho việc mổ cướp nội tạng ở Trung Cộng. Hôm qua, tôi hướng dẫn một nhóm trẻ người Mỹ gốc Miến Điện thành lập tổ chức phi chính phủ nhằm đấu tranh cho nền dân chủ Miến Điện. Riêng các thành viên của toán BPSOS thì đang ra sức vận động cho Luật Nhân Quyền Việt Nam.
Tôi tin là giới trẻ người Việt không thua kém bất kỳ giới trẻ thuộc sắc dân nào khác. Tôi kêu gọi người trẻ Việt Nam ở mọi nơi hãy hội nhập vào trào lưu thế giới và tham gia các chiến dịch quốc tế để nắm bắt và khai thác các cơ hội thay đổi Việt Nam.
Tôi cũng muốn nhắc nhở rằng, khi nói về lãnh đạo thì không thể chỉ quanh quẩn tổ chức trại hè, đi dã ngoại mà phải dấn thân giải quyết một vấn nạn của đồng bào, của dân tộc. Hoặc, khi nói về hội nghị quốc tế thì không thể chỉ tập hợp những người Việt đến từ nhiều quốc gia với lưa thưa vài người ngoại quốc phát biểu. Đó không là hội nghị quốc tế vì nó chẳng giúp gì cho việc hội nhập quốc tế. Nếu đổi cách suy nghĩ và đổi cách làm, giới trẻ Việt Nam sẽ tiến xa trong việc thay đổi đất nước.
Thành quả trong hội nghị nói chung và của đoàn Việt Nam nói riêng?
Đây là một số thành quả của hội nghị:
-
1,200 người ghi danh tham gia, nhưng chỉ có chỗ cho 900 người.
-
Giới chức Bộ Ngoại Giao, Toà Bạch Ốc, Quốc Hội và Uỷ Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ cũng như giới chức của trên chục quốc gia khác đã tham gia hội nghị.
-
Toà Bạch Ốc cho biết Tổng Thống Biden sẽ bổ nhiệm vị Đại Sứ Lưu Động về Tự Do Tôn Giáo nội trong vài tuần tới. Ngay trước hội nghị, nhiều tổ chức tham gia đã gửi văn thư yêu cầu việc này đến Tổng Thống Biden và Ngoại Trưởng Blinken.
-
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tuyên bố sẽ tiếp tục Hội Nghị Cấp Bộ Trưởng Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, được đề xướng bởi Hành Pháp Trump.
-
180 cuộc tiếp xúc với các dân biểu và thượng nghị sĩ Hoa Kỳ được thực hiện trong mấy ngày trước hội nghị.
-
Một số chính quyền như Kazakhstan, Sudan, Guatemala… cam kết tôn trọng quyền tự do tôn giáo và tham gia Liên Minh Cho Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin. Đây là các quốc gia trước đây có thành tích vi phạm tự do tôn giáo.
-
12 đề xuất để phát huy tự do tôn giáo toàn cầu. Nhiều công ty và doanh nhân nổi tiếng cam kết tham gia các đề xuất này.
-
Mạng lưới trên 100 người trẻ cùng nhau phát động chiến dịch đòi tự do cho các tù nhân lương tâm toàn cầu.
-
Sau hội nghị đã có thêm 7 dân biểu Hoa Kỳ đồng bảo trợ Luật Nhân Quyền Việt Nam, nâng tổng số lên là 18 vị dân biểu đồng bảo trợ, chưa kể Dân biểu Christopher Smith (Cộng Hoà, NJ) là tác giả.
Trân trọng cảm ơn TS Nguyễn Đình Thắng.