Ngọc Vân
(VNTB) – Sự kiện chính trị lớn nhất Việt Nam mỗi năm năm trên báo chí nước ngoài được báo Việt Nam nhắc đến với những lời lẽ đầy tự hào.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin “Tờ South China Morning Post (SCMP) gây ấn tượng mạnh với số báo ra trước ngày khai mạc Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Quốc kỳ Việt Nam được in trọn vẹn một trang kèm dòng chữ chú thích: ‘Ngôi sao đang lên của châu Á’.”
Những tờ báo được báo Đảng nhắc tới là Reuters, The Straight Times của Singapore nhưng thật ra bài ở đây lại là bài được đăng lại từ Reuters, tờ The Star của Malaysia và tờ Bưu Điện Hoa Nam của Hồng Kông.
Các hãng tin khác cũng được nhắc đến với loạt bài về đại hội Đảng là BBC, Nikkei, Deutsch Welle, AP. Al Jazeera…
Tự hào một…
Những điểm được báo chí nhà nước đưa tin lại cho người dân trong nước tham khảo là thành tích nổi bật về phòng chống dịch COVID-19 trong năm qua với chưa tới 1600 ca lây nhiễm và 35 ca tử vong.
Ngoài ra đó là thành tích kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua ở trong nhóm các quốc gia ít ỏi trên thế giới có mức tăng trưởng dương trong khi gần như toàn bộ các quốc gia phát triển và có nền kinh tế lớn ở phương Tây đều đang dần chìm vào suy thoái. Các quốc gia phương tây vẫn chưa thể kiểm soát được dịch bệnh và liên tục áp dụng các biện pháp cách ly cần thiết để hầu mong chế ngự dịch bệnh lây lan thì giờ đây lại phải đối đầu với virus corona biến thể mới.
Tờ Bưu Điện Hoa Nam – South China Morning Post (SCMP) còn nhắc đến thành tích chống tham nhũng của người đứng đầu đảng trong thời gian 5 năm qua đã kỷ luật 2.500 đảng viên tham nhũng.
Những điểm sáng này đã được báo chí trong nước khai thác nhằm chứng tỏ thành tích và tính chính danh của Đảng Cộng sản cầm quyền. Một chi tiết mà hầu như các bài báo nước ngoài đều đề cập đến nhưng lại bị bỏ qua trong các bài dịch và tường thuật của báo chí nhà nước.
Ốt dột mười…
Báo đảng chỉ trích những điểm tốt để khoe việc Đại hội Đảng XIII được báo hay đài địch đưa tin, nhưng những gì mà báo đài địch chỉ điểm không tốt thì báo Đảng ém lại.
Báo chí độc lập như Việt Nam Thời Báo trích lại ở đây, sẽ không khéo lại bị khép tội tung tin xấu độc làm ảnh hưởng đến uy tín lãnh đạo và nhà nước.
Vậy thì những tin nào báo đảng đã ém lại?
1. Sức khoẻ của ông Nguyễn Phú Trọng.
Hãng Reuters viết:
“Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam trong hai nhiệm kỳ, Nguyễn Phú Trọng, 76 tuổi, đã phải vật lộn với tình hình sức khỏe tồi tệ nhưng được các nhà phân tích kỳ vọng sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba.
Người ta không nhìn thấy ông Trọng trong các hình ảnh / đoạn phim viếng thăm lăng mộ do truyền thông nhà nước công bố, và không được hãng thông tấn nhà nước VN News đề cập đến trong một bản tường trình về sự kiện này, nhưng thấy đã tham dự một cuộc họp sau đó.”
2. Đấu đá quyền lực khốc liệt
Tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn lời Hayton rằng cuộc chiến giữa những người trung thành và những người theo chủ nghĩa tự do sẽ tiếp tục bất kể điều gì xảy ra trong cuộc chiến lãnh đạo và dù theo cách nào đi nữa, thì “kết quả có thể giống nhau hơn: mở cửa kinh tế ngày càng tăng kết hợp với chủ nghĩa độc tài chính trị đang diễn ra.”
3. Dự kiến ông Trọng sẽ ngồi thêm một nhiệm kỳ
Tổng Bí Thư tại nhiệm được dự đinh sẽ ngồi thêm một nhiệm kỳ nữa sau khi đã giành được quyền hưởng quy chế “ trường hợp đặc biệt” về tuổi tác và nhiệm kỳ.
AFP tường trình các nhà phân tích cho biết ông Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Đảng Cộng sản, đã kiêm chức chủ tịch nước từ năm 2018, đang cạnh tranh thêm một nhiệm kỳ tổng bí thư.
Ông Trọng dự kiến sẽ không tiếp tục giữ cả hai chức vụ lãnh đạo cùng một lúc.”
Báo Đức dw có cùng nhận định “Ông Trọng đã phải chống chọi với sức khỏe không tốt, nhưng dự kiến sẽ tiếp tục cho nhiệm kỳ thứ ba.”
Tờ AP trích dẫn lời ông Murrya Hiebert rằng “Các quy định của đảng không cho phép bất cứ ai trên 65 tuổi và / hoặc đã phục vụ hai nhiệm kỳ, nhưng các quy định này sẽ được miễn để ông Trọng có thể tiếp tục nhiệm kỳ khác, mặc dù ông ấy đã bị ốm trong những năm gần đây. ”
Tờ SCMP phân tích nếu tiếp tục lãnh đạo thì ông Trọng sẽ là Tổng Bí Thư lâu đời nhất kể từ khi ông Lê Duân qua đời.
4. Áp dụng “trường hợp đặc biệt” cho ông Trọng và hệ luỵ
Ông Nguyễn Khắc Giang nhận định “việc ông Trọng ở lại có thể làm gián đoạn quá trình kế vị. Khi đó ông Trọng thâu tóm quá nhiều quyền lực và đó sẽ là điều cản trở cho “quy tắc tập thể lãnh đạo” của đảng. Ngoài ra ông Trọng “cũng sẽ tạo tiền lệ cho những người khác bám vào quyền lực … sẽ gây khó khăn cho việc duy trì sự lãnh đạo bền vững và gây hại hiến pháp về lâu dài.”
Ông Lê Hồng Hiệp nhận định việc ông Trọng ở lại chỉ là tạm thời vì “nếu ông có ý định trở thành một nhà lãnh đạo tham quyền cố vị, ông đã dàn xếp việc bỏ giới hạn nhiệm kỳ trong Điều lệ Đảng sớm hơn.”
Tờ SCMP trích lời bà Linh Nguyen về việc sửa đổi Điều lệ Đảng “ sẽ tạo ra một tiền lệ cho các lãnh đạo tương lai trong việc lợi dụng Điều lệ Đảng vì lợi ích cá nhân hơn là vì lợi ích quốc gia.”
5. Thiếu đội ngũ kế thừa trong ban lãnh đạo đảng.
Ông Trọng cùng ông Phúc được đưa vào trường hợp đặc biệt vì không có được người kế vị thích hợp.
Có thể do người hiện là cánh tay phải của ông Trọng là ông Trần Quốc Vượng không thu hút đủ sự ủng hộ như giáo sư Tuong Vu, trưởng khoa khoa học chính trị tại Đại học Oregon nhận xét. Theo ông Tuong Vu “với sức khỏe yếu và tuổi cao” của ông Trọng thì “điều này cũng tạo ra những bất ổn về khả năng kế vị trong tương lai.”
6. Đàn áp bất đồng chính kiến trước đại hội
Giới bất đồng chính kiến bị đàn áp đã gia tăng đột biến dưới nhiệm kỳ thứ hai của người đốt lò vĩ đại. Theo Đề án 88, có 256 nhà hoạt động đang bị cầm tù so với 86 người vào tháng 7 năm 2016
Hãng AP trích lời Tổ chức Ân xá Quốc tế trong việc cáo buộc rằng chính quyền Việt Nam không khoan dung với bất đồng chính kiến ôn hòa đã lên đến đỉnh điểm dưới thời lãnh đạo sắp mãn nhiệm.”
Hãng AFP trích lời ông Jonathan London, chuyên gia về Việt Nam tại Trường Đại Học Leiden, Hà Lan, cho biết: “Trong 5 năm qua, mức độ đàn áp của nhà nước đã gia tăng đáng kể.” Theo ông Jonathan London, điều này “phản ánh chương trình nghị sự của ông Trọng về kỷ luật đảng và nhân dân một cách rộng rãi hơn”, và họ “có ý định mở rộng đặc tính này ‘một cách lâu dài'”.
Matthew Bugher, Giám đốc Chương trình Châu Á của Điều19, cho biết. “Làn sóng bắt giữ và kết án gần đây là một nỗ lực táo bạo nhằm ngăn chặn sự bàn luận của công chúng và những lời chỉ trích mạnh mẽ đối với chính phủ.”
Bà Hường Nguyễn nhận định trên tờ The Diplomat “Nếu Nguyễn Phú Trọng vẫn nắm quyền hoặc thành công trong việc cài đặt một người đáng tin cậy, xu hướng đàn áp có thể sẽ tiếp tục…
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là chế độ độc đảng sẽ tiếp tục cai trị Việt Nam và việc đàn áp những người bất đồng chính kiến sẽ còn kéo dài. Sự khác biệt, nếu có, sẽ chỉ là vấn đề mức độ.”
Tóm lại, tự hào vì những thành tích nhiều quốc gia khác công nhận là một điều đương nhiên. Nhưng dám nhìn nhận sự thật như vốn có mới là điều đáng nói và cũng không phải ai hay lúc nào cũng làm được.