Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tử hình treo: một quy định cần học hỏi Trung Quốc

Phú Nhuận

(VNTB) – Tại điều 48 của Bộ luật hình sự Trung Quốc quy định về hoãn thi hành hình phạt tử hình 02 năm khi xét thấy không cần thiết phải thi hành ngay lập tức.

 

Việc áp dụng hình phạt tử hình không góp phần vào việc làm giảm các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Theo số liệu thống kê tội phạm ở một số quốc gia đã xóa bỏ hình phạt tử hình, cho thấy, việc xóa bỏ hình phạt tử hình không gây ra những tác động tiêu cực với việc phòng ngừa tội phạm.

Nhóm quan điểm nên xóa bỏ hình phạt tử hình, đưa ra các lý do, luận cứ trên các tiêu chí sau: Về mặt pháp lý, quyền sống là quyền tự nhiên thiêng liêng và bất khả xâm phạm của con người. Và không ai được phép tước đi quyền sống của người khác, cho dù đó là Nhà nước.

Do đó, việc duy trì án tử hình đã vi phạm quyền sống – quyền cơ bản và quan trọng nhất của con người.

Để bảo vệ cho quan điểm của mình, họ đã đưa ra các cơ sở pháp lý như: Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948, theo đó, “mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an ninh cá nhân”; hay theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị năm 1966 (được viết tắt là ICCPR) thì “mỗi người đều có quyền được sống. Quyền này được pháp luật bảo vệ.”; hay “quyền được sống” được khẳng định một cách dứt khoát trong tuyên ngôn độc lập của Việt Nam năm 1945.

Về mặt đạo lý, hình phạt tử hình có tính chất “quá tàn khốc” nên có thể coi đó là “sự phản ứng một cách thái quá với những vấn đề con người phức tạp”,“là triệu chứng của một nền văn hóa bạo lực chứ không phải là một phương thuốc cho nền văn hóa đó”.

 Theo quan điểm của nhóm này, án tử hình không những ảnh hưởng rất lớn đến bản thân người bị kết án và thân nhân của họ, mà đối với những tử tù, nỗi đau thể chất diễn ra rất nhanh khi bị hành quyết, nhưng sự khủng hoảng tinh thần suốt thời gian chờ đợi thi hành án mới khủng khiếp.

Đối với gia đình tử tù, nỗi đau tinh thần thậm chí còn đeo đẳng họ đến nhiều năm sau và không chỉ ảnh hưởng đến một thế hệ. Những người theo quan điểm này còn đưa ra khẩu hiệu: “Tại sao chúng ta lại giết những kẻ sát nhân để cho mọi người thấy rằng giết người là sai”, hay “lấy oán trả oán thì oán chồng chất”…

Những người theo quan điểm ủng hộ việc duy trì hình phạt tử hình đã đưa ra các lập luận để phản bác lại những lập luận của nhóm theo khuynh hướng xóa bỏ hình phạt tử hình.

Cụ thể:

Thứ nhất, về mặt pháp lý: Hình phạt tử hình không vi phạm đến quyền sống của con người.

Trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 có quy định: “Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an ninh cá nhân”, tuy nhiên, hiểu một cách hợp lý thì quyền này chỉ được đảm bảo với điều kiện họ không được xâm phạm quyền sống, tự do và an ninh của người khác.

Nếu trên cơ sở này, ai đó cho rằng hình phạt tử hình là xâm phạm quyền sống, thì hình phạt tù cũng xâm phạm quyền tự do thân thể của người khác.

Trong ICCPR cũng không cấm việc áp dụng hình phạt tử hình, cụ thể: “Ở những nước mà hình phạt tử hình chưa được xóa bỏ thì chỉ được phép áp dụng hình phạt tử hình đối với tội ác nghiêm trọng nhất, căn cứ vào pháp luật hiện hành ở thời điểm thực hiện tội ác và không trái với quy định của Công ước này và Công ước ngăn ngừa tội diệt chủng”.

Như vậy, theo Công ước này thì các quốc gia toàn quyền có thể xóa bỏ hoặc vẫn duy trì hình phạt tử hình.

Thứ hai, về mặt đạo lý: Việc áp dụng hình phạt tử hình, nếu bị coi là làm tổn hại phẩm giá của tử tù thì việc không áp dụng hình phạt này cũng có thể bị coi là làm tổn hại đến phẩm giá của nạn nhân.

Hay nói cách khác, hình phạt tử hình là hình thức đền bù thích đáng nhất về tâm lý cho những mất mát của nạn nhân. Việc tử hình sẽ mang lại công lý cho nạn nhân và gia đình họ và để ngăn chặn tội phạm, do đó, gián tiếp có tác dụng bảo vệ nền tảng và những giá trị đạo đức trong xã hội.

Một đề xuất dung hòa cho hai luồng quan điểm trên: cần bổ sung quy định hoãn thi hành án hình phạt tử hình trong một khoảng thời gian nhất định.

Tại điều 48 của Bộ luật hình sự Trung Quốc quy định về hoãn thi hành hình phạt tử hình 02 năm khi xét thấy không cần thiết phải thi hành ngay lập tức.

Sau khi hoãn thi hành án 02 năm thì các cơ quan tố tụng đánh giá về tình hình của người bị kết án để xử lý theo một trong ba trường hợp sau: (1) Trong thời gian hoãn thi hành án phạt tử hình, nếu người bị kết án không cố ý phạm tội mới sẽ được giảm hình phạt từ tử hình xuống chung thân;

(2) Trong thời gian hoãn thi hành án phạt tử hình nếu người bị kết án lập công lớn sẽ được giảm hình phạt từ tử hình xuống thành hình phạt tù từ 15 năm đến 20 năm;

(3) Trong thời gian hoãn thi hành án phạt tử hình nếu người bị kết án cố tình phạm tội, được xác minh là đúng sự thật thì tòa án ra phán quyết hoặc phê duyệt thi hành hình phạt tử hình.

Đây là một quy định hay mà Việt Nam có thể vận dụng nhằm đảm bảo thận trọng trong việc áp dụng hình phạt tử hình hạn chế đến mức tối thiểu những sai sót; đồng thời tạo điều kiện cho người bị kết án sửa chữa lỗi lầm, khắc phục hậu quả, lập công chuộc tội để giảm hình phạt đặc biệt là tội phạm về tham nhũng nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng, thay cho các hành động “mặc cả tiền bạc” ở lúc xét xử, dễ đưa đến tâm lý phản cảm của việc “tòa ăn tiền” nên đã… “đánh khẽ”.


Tin bài liên quan:

VNTB – Chính sách zero-COVID của Trung Quốc: nông dân Việt Nam phải hứng chịu

Phan Thanh Hung

VNTB – Virut Corona – Vũ khí của kẻ yếu ra gió*

Phan Thanh Hung

VNTB – Tàu nạo vét trái phép của Trung Quốc tàn phá môi trường từ Đài Loan đến Philippines

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo