VNTB- Từ loạn thu phí đến loạn 12 sứ quân

Thảo Vy – Nguyễn Tuấn

Bản đồ thời kì loạn 12 sứ quân 

(VNTB) – “loạn 12 sứ quân” không chỉ là chuyện của các “quan đầu tỉnh”, mà còn là các “quan đầu bộ”. Trong nhiệm kỳ mới của Đảng và của Chính phủ sắp tới đây, liệu có tìm được một Đinh Tiên Hoàng?
Sáng 20-5, ông Nguyễn Chiến Thắng có cuộc tiếp xúc với cử tri P.Vĩnh Phước (TP Nha Trang) với vai trò đại biểu HĐND tỉnh. Ông Thắng nói: “Về phát triển TP Nha Trang, vừa rồi báo chí thông qua một số cán bộ của tỉnh, có nói Nha Trang làm như thế là làm bức tường, không phải là khu sinh thái. Việc này là ý kiến của một số người mà thôi, không phải ý kiến của đại đa số. Chúng tôi làm theo đại đa số và làm theo đúng quy định pháp luật. Nha Trang là một đô thị chứ không phải là một khu du lịch sinh thái. TP Nha Trang là đô thị loại một mà tương lai còn là đô thị loại đặc biệt nữa, như Hong Kong, Singapore”.
Miệng nhà quan
“Đúng quy định pháp luật” mà ông chủ tịch Thắng nói đến, thật ra là pháp luật riêng do các quan chức tỉnh Khánh Hòa đặt ra. Ông Thắng tự tin nói với cử tri: “Bây giờ mình làm theo những ý kiến thiển cận đó thì làm sao có thể phát triển được tỉnh Khánh Hòa? Cho nên đó là ý kiến, chúng tôi cũng tham khảo nhưng mà không phải làm theo. Bởi cái này (chỉ quy hoạch – PV) là cả một tập thể, cả một hội đồng của quốc gia, cả Thủ tướng Chính phủ, mà chỉ nghe một vài người nói thì không ổn, thì tỉnh không thể phát triển được. Chúng tôi vẫn tiếp tục kiên trì phát triển để làm sao Nha Trang đẹp hơn Hawaii. Chúng tôi phát triển phía tây (Nha Trang) để giảm bớt áp lực phía đông. Đó là chiến lược của tôi”.
Dùng từ ngữ đao to, búa lớn, viện dẫn cả thủ tướng chính phủ vào đây, có lẽ không ngoài ý nghĩa hù dọa cử tri Nha Trang. Bởi trên thực tế, như xác nhận của ông Huỳnh Ngọc Bông – chánh văn phòng, người phát ngôn UBND tỉnh Khánh Hòa – “có lẽ chủ tịch UBND tỉnh muốn nhắc đến quy hoạch phát triển chung TP Nha Trang đã được Chính phủ phê duyệt năm 2012. Không có văn bản nào của Chính phủ đối với quy hoạch nêu trên của tỉnh, vì quy hoạch phân khu 1/2.000 phía đông đường Trần Phú – Phạm Văn Đồng là thuộc thẩm quyền của tỉnh”.
Ông Nguyễn Chiến Thắng hiện giữ chức phó bí thư tỉnh ủy Khánh Hòa. Chính điều này giải thích vì sao Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa có văn bản yêu cầu UBND tỉnh này điều chỉnh lại quy hoạch phân khu 1/2.000 khu vực phía Đông đường Trần Phú – Phạm Văn Đồng, TP Nha Trang theo hướng thu hồi, giảm một số dự án, nhưng vẫn đồng ý chủ trương cho đầu tư dự án phát triển bãi biển Phoenix của Công ty TNHH Dewan International Việt Nam (thuộc Tập đoàn Dewan).
Sở dĩ gọi “loạn 12 sứ quân”, vì trên thựt tế, thủ tướng chính phủ cùng 2 thứ trưởng bộ văn hóa, thể thao, du lịch và bộ xây dựng đều “nhắc” ông Nguyễn Chiến Thắng về chuyện “vi phạm luật”. Sáng 2-4-2015, đoàn công tác Trung ương do Thủ tướng dẫn đầu có buổi làm việc với tỉnh Khánh Hòa. Tại buổi làm việc, vấn đề quy hoạch xây dựng dự án phía Đông đường Trần Phú – Phạm Văn Đồng (thành phố Nha Trang) được đưa ra tranh luận.
Thứ trưởng bộ văn hóa, thể thao và du lịch Đặng Thị Bích Liên cho rằng, nội dung dự án chưa phù hợp với quy định của Luật di sản hiện hành. Nếu quy hoạch sử dụng quá nhiều bê tông hóa sẽ phá vỡ cảnh quan vốn có, cũng như cảnh quan di sản ở Nha Trang. “Địa phương cần tránh làm hạng mục manh mún, chia cắt bờ biển, ảnh hưởng đến tầm nhìn và cần giảm hạng mục cao tầng. Không xây dựng công trình trên mặt biển và các công trình nhỏ lẻ trên cát. Điều chỉnh giảm về số lượng, quy mô mặt bằng và chiều cao”, bà Liên nói.
Còn Thứ trưởng bộ xây dựng Phan Thị Mỹ Linh yêu cầu Nha Trang phải có ngay thiết kế đô thị cho dải bờ biển, có quy chế quản lý dọc bờ biển với một dự án hơn 4 km. Thêm vào đó, Việt Nam chưa có kinh nghiệm xây dựng công trình ngầm nên thành phố phải thận trọng khi thực hiện dự án. 
Chính phủ yêu cầu các Bộ và tỉnh Khánh Hòa mời các nhà khoa học, thậm chí là cả nhà đầu tư ngồi lại bàn bạc kỹ lưỡng để đi đến thống nhất một phương án theo hướng vừa giữ được cảnh quan thiên nhiên, vừa có công trình độc đáo, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch.
Tuy nhiên như tuyên bố hôm 20-5 của người đứng đầu tỉnh Khánh Hòa, thì: “Bây giờ mình làm theo những ý kiến thiển cận đó thì làm sao có thể phát triển được tỉnh Khánh Hòa. Cho nên đó là ý kiến, chúng tôi cũng tham khảo nhưng mà không phải làm theo…”.
Ai “điều chỉnh” luật?
Quốc hội làm luật, nhưng “lách luật”, “điều chỉnh luật” lại là những quan chức cấp bộ trưởng.
Trong báo cáo được công bố hôm 21-05, bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết hiện nay, trên các tuyến quốc lộ có 96 trạm thu phí đang thu phí và sẽ thu phí khi các dự án BOT hoàn thành và đưa vào sử dụng (đã ký hợp đồng BOT). Trong đó, có 45 trạm thu phí đang thu phí hoàn vốn cho các dự án BOT; có 51 trạm thu phí chưa thu, đã thống nhất ký hợp đồng BOT và sẽ thu phí cho các dự án BOT sau khi hoàn thành (từ nay đến năm 2018). Trong số 96 trạm, có 83 trạm do Bộ GTVT ký hợp đồng với các nhà đầu tư BOT, 13 trạm do UBND các tỉnh ký hợp đồng với các nhà đầu tư BOT. Việc thành lập các trạm thu phí để thu phí đối với các dự án BOT nêu trên đã tuân thủ đúng quy định của Bộ Tài chính, có sự đồng thuận của địa phương liên quan.
Tuy nhiên bộ trưởng Thăng và cả bộ trưởng bộ tài chính Đinh Tiến Dũng cùng chủ tịch tỉnh Phú Yên Phạm Đình Cự, chủ tịch Nguyễn Chiến Thắng của Khánh Hòa đã không có lời giải thích nào về hàng triệu lượt xe khi đi qua đèo Cả suốt gần 3 năm qua, phải chấp nhận đóng một khoản phí đường bộ hết sức vô lý, khi hầm đường bộ đèo Cả chưa đưa vào khai thác.
Không chỉ dự án hầm đường bộ đèo Cả, sắp tới đây nếu không có gì thay đổi, xe qua hầm Hải Vân cũng sẽ phải chịu phí vô lý tương tự.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lúc còn làm chủ tịch tỉnh Quảng Nam cũng đã không giải thích vì sao người dân ở TP Tam Kỳ, dù không sử dụng đoạn đường tránh TP Tam Kỳ dài hơn 8 cây số, nhưng phải đóng phí cho đoạn đường này đều đặn. Tính đến thời điểm hiện tại, 14 năm đi qua, việc thu phí đã vượt tổng số tiền đầu tư cho dự án này nhưng vẫn chưa dừng lại.
Trước đây chủ trương xây dựng trạm thu phí này là thu phí hoàn vốn (không phải BOT) tuyến đường tránh với thời hạn 14 năm 6 tháng do Cienco 5 đầu tư, đến năm 2018 là kết thúc. Thế nhưng đến ngày 1-4-2014, khi tỉnh Quảng Nam chủ động đóng cửa trạm thu phí này (theo văn bản rà soát các trạm thu phí mà Chính phủ đưa ra, nếu dự án nào thu hoàn vốn thì hủy bỏ và trả lại vốn cho nhà đầu tư) thì Bộ tài chính và Bộ GTVT có ý kiến khác nhau.
Bộ tài chính đồng ý đóng cửa trạm thu phí Tam Kỳ, trong khi bộ GTVT cho rằng đây là hình thức đầu tư theo kiểu BOT, chứ không phải đầu tư thu hồi vốn nên việc thu này vẫn được tiếp tục. Đến đầu năm 2015, việc thu hồi vốn đã đủ số vốn hơn 200 tỉ đồng đầu tư cho tuyến đường. Việc thu phí đã đủ, nhưng hiện tại trạm thu phí vẫn duy trì thu và chưa quyết toán.

Như vậy, “loạn 12 sứ quân” không chỉ là chuyện của các “quan đầu tỉnh”, mà còn là các “quan đầu bộ”. Trong nhiệm kỳ mới của Đảng và của Chính phủ sắp tới đây, liệu có tìm được một Đinh Tiên Hoàng?
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)