Ngọc Lan
(VNTB) – Pháp luật Việt Nam không có quy định ràng buộc khi là tu sĩ thì phải tu tập theo cộng đồng, phải tham gia vào tổ chức hội đoàn tôn giáo nào, hoặc phải trú ở chùa chiền, tự viện.
Hầu hết, các tu sĩ Phật giáo đều ở chùa, viện, tịnh xá… Tuy nhiên, có một số trường hợp người tu vì nhiều nhân duyên khác nhau nên không muốn phiền thầy tổ và huynh đệ, lui về theo hình thức “tu sĩ ở nhà như người dân”.
Theo quan điểm nguyên thủy của Phật giáo, chỉ có những người sống viễn ly mới có thể đạt được giác ngộ, nên những người tu hành còn gọi là người xuất gia (rời khỏi nhà), họ thường gia nhập những tăng đoàn. Người ta cho rằng tu sĩ hay nhà tu hành là người tu dưỡng tôn giáo khổ hạnh, sống một mình hoặc với một nhóm các nhà tu khác trong tự, viện. Tu sĩ đó có thể là người cống hiến cuộc đời mình để phụng sự chúng sinh, hoặc là một người tu hành khổ hạnh tránh xa trần thế để sống cuộc sống cầu nguyện và chiêm nghiệm cuộc đời.
Phật giáo được truyền vào Việt Nam, lúc ban đầu chỉ có một dòng duy nhất là Bắc truyền Phật giáo. Nhưng đến sau này, Phật giáo từ Campuchia vào, người Việt có thêm Phật giáo Nam tông Kinh, và Việt Nam có dân tộc Khmer, nên có thêm Phật giáo Nam tông Khmer. Cuối thế kỷ XX, lại có thêm Phật giáo Khất sĩ ra đời do ngài Minh Đăng Quang sáng lập. Vì vậy, Việt Nam có Phật giáo Bắc tông, Phật giáo Nam tông Kinh, Phật giáo Nam tông Khmer và Phật giáo Khất sĩ.
Và Phật giáo không phải là một tôn giáo khu biệt theo dòng nào, trong quá trình xã hội phát triển, hoàn toàn có thể sinh ra các nhánh khác của Phật giáo. Theo nghĩa đó, có thể chia sẻ hoàn toàn cách thức tu hành của tu sĩ Thích Minh Tuệ, hay nhóm người ở Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ/ Tịnh thất Bồng Lai. Bởi về biệt truyền sinh hoạt có thể những nét khác nhau, nhưng thống nhất một điểm, tất cả đều là con của Phật, đều sống trong giáo pháp Phật, không có gì khác.
Trong sách Kinh Tương ưng bộ II, (tập IV) có viết: “Tu sĩ Phật giáo là người từ bỏ nếp sống thế tục, còn gọi là người xuất gia, khép mình trong nếp sống đạo đức và hành trì theo pháp môn đã được Đức Phật thuyết định”.
Nói cách khác, tu sĩ và cả cư sĩ đều gọi tắt là tứ chúng, là người có khả năng nhân danh Đức Phật truyền giáo pháp cho mọi người. Mỗi người đều có trách nhiệm và nghĩa vụ trong cuộc sống tu thân và kết nối với nhau để hoằng truyền chánh pháp vì lợi ích của nhân loại, vào thời Đức Phật còn tại thế và hiện tại.
Thời Phật còn tại thế, nơi tu tập của cộng đồng tu sĩ, được gọi là tịnh xá, chung quanh tịnh xá, mỗi vị có một am thất riêng cho từng cá nhân được gọi là tịnh thất. Nơi thất của đức Phật được gọi là hương thất.
Khi Phật giáo truyền qua các nước như Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc, Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan, Campuchia, Lào… nơi thờ tự và tu tập được gọi là chùa. Những đại già lam chuyên tu thiền gọi là thiền viện. Riêng hệ phái khất sĩ, vẫn giữ hình thức tu tập và hành trì khất thực, lối kiến trúc chỗ thờ Phật hình bát giác, các am thất chung quanh dùng để chư tăng an trú, ngôi tam bảo đó vẫn được gọi tên hồi thời Phật còn tại thế là tịnh xá.
Ngày nay dân đông, đất hẹp, không thể mỗi vị một am cốc riêng như thuở xưa, do vậy, tăng phòng, tăng xá cho tập thể tăng chúng cũng được kết cấu từng dãy bao quanh nơi thờ Phật.
Pháp luật Việt Nam không có quy định ràng buộc khi là tu sĩ thì phải tu tập theo cộng đồng, phải tham gia vào tổ chức hội đoàn tôn giáo nào, hoặc phải trú ở chùa chiền, tự viện.
Do vậy các đả kích về chuyện tu hành của tu sĩ Thích Minh Tuệ, hay nhóm Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ/ Tịnh xá Bồng Lai là cần thận trọng cho các cáo buộc về pháp luật.