Văn Nguyên Dưỡng
[ads_custom_box title=”Lời toà soạn” color_border=”#050ce8″]
Cựu Trung Tá Nguyễn Văn Dưỡng hiện sống tại Hawaii, nguyên trưởng phòng 2 ( Phòng Tình Báo) bộ tư lệnh sư đoàn 5 BB. Người tham dự trận chiến An Lộc từ bắt đầu đến kết thúc. Trong bài viết của ông dưới dây có thể có một vài chi tiết khá nhạy cảm với một vài người.
[/ads_custom_box]
CÁC CHỐT CHẶN CỦA SĐCT-7/CSBV TRÊN QL-13, PHÍA BẮC LAI KHÊ VÀ PHÍA NAM AN LỘC. CUỘC ĐẤU TRÍ GAY GO GIỮA HAI TƯỚNG NGUYỄN VĂN MINH VÀ TRẦN VĂN TRÀ.
Trong suốt thời gian gần ba tuần lễ sau trận tấn công lần thứ nhất ngày 13/4/1972 cho đến đầu tháng 5/1972 khi Đại tá Walter Ulmer thay thế Đại tá William Miller ở An Lộc thì mặt trận ở phía nam, SĐ21BB của Thiếu tướng Nguyễn Vĩnh Nghi được điều độ̣ng từ miền tây lên tăng viện với ba Trung đoàn 31, 32, 33 và Thiết đoàn 9 Kỵ binh, thay thế Lữ đoàn 1 Nhảy Dù của Đại tá Lê Quang Lưỡng –đã vào An Lộc– đang lo giải tỏa chốt chặn của Sư đoàn SĐ-7/CSBV trên trục QL-13, từ phía bắc quận lỵ Chơn Thành lên An Lộc. “Chốt chặn” gồm nhiều “chốt nhỏ” của các đơn vị trực thuộc đại đơn vị này. Mỗi chốt nhỏ gồm có hệ thống hầm hố liên hoàn yểm trợ nhau –thường được binh sĩ gọi là “kiềng” như loại kiềng ba chân– tức một hệ phòng thủ chặn trục lộ với ba hệ thống hầm hố, địa đạo… bảo vệ cho nhau, kéo dài hàng chục cây số trên trục lộ gồm cả khu vực rộng lớn hai bên đường. Trên lý thuyết một “cứ điểm” của QLVNCH hay một “chốt chặn” của CSBV –nếu được phòng thủ với hệ thống kiên cố— lực lượng tấn công chiếm điểm hay bứng chốt cần một quân số gấp ba lần, là ít nhất, để có thể thành công. Tướng Minh đã điều ngược lại với dụng ý… như một đại kỳ thù trong bàn cờ ở (trận) QL-13 và An Lộc này năm đó.
Nên lưu ý theo trục QL-13 thì từ Lai Khê lên Chơn Thành là 30km. Từ Chơn Thành, một quận của tỉnh Bình Long, lên An Lộc thủ phủ của Bình Long, cũng 30km.
Toàn bộ SĐ21BB di chuyển vào lãnh thổ V3CT từ ngày 10/4/1972 và hoàn tất vào ngày 12/4/1972. Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi đóng Bộ Tư lệnh Hành quân nhẹ SĐ21BB ở căn cứ Lai Khê chung với Bộ Tư lệnh Hành quân nhẹ của QĐIII & V3CT. Ông cho điều động Trung đoàn 31 lên vùng Suối Tre, chừng 6km tây bắc Lai Khê và giữ Trung đoàn 33 làm trừ bị tại Lai Khê. Trước tiên ông đưa Trung đoàn 32 bằng đường bộ lên Chơn Thành ngày 11/4. Quốc lộ 13 từ Lai Khê lên Quận Chơn Thành từ ngày các đơn vị của Tướng Nghi vào vùng hành quân lưu thông tốt sau khi Lữ đoàn 1 Nhảy Dù bứng các chốt của hai Trung đoàn 141, 209 của SĐ-7/CSBV tăng cường Trung đoàn biệt lập 101 và các đơn vị chống chiến xa và phòng không của CSBV ở vùng Bàu Bàng (chốt chặn lần thứ nhất) từ ngày 9 đến 11/4. Sau đó Ông nhận được lệnh kiện toàn hệ thống phòng thủ vùng từ tỉnh lỵ Bình Dương lên quận Bến Cát và căn cứ Lai Khê lên đến căn cứ Vân Đồn, ở hướng bắc Lai Khê chừng 6km… trong vòng mười ngày (từ 14/4 đến 24/4/1972…) nhưng bỏ trống quãng đường dài chừng 20km từ căn cứ này đến phía nam quận lỵ Chơn Thành. Tướng Minh cho rằng trong vòng mười ngày TWC/MN sẽ cho đóng chốt lần nữa trên đoạn đường này.
Đúng vậy, đến ngày 24/4 quả thực đoạn đường này bị đứt đoạn khi một xe đò bị một đơn vị của SĐ-7/CSBV bắn cháy bằng B-40 làm cho nhiều người chết và bị thương và đóng chốt lần thứ hai ở khu vực Bàu Bàng, phía bắc Lai Khê chừng mươi cây số, tức là cách căn cứ Vân Đồn, nơi đóng quân của một Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 33, chừng 6km, làm tắt nghẽn vận chuyển tiếp tế cho các đơn vị khác ở Chơn Thành. Chốt chặn lần này rất mạnh gồm Trung đoàn 101 bộ binh biệt lập của VC, được tăng cường các đơn vị phòng không, chống chiến xa, và đặc công… kể cả lực lượng tăng cường gồm hai Tiểu đoàn của các Trung đoàn 209 và 165 thuộc SĐ-7/CSBV như Tướng Minh đã tiên liệu…. Ông cũng biết rằng dù “bứng” chốt chặn ở khu vực Bàu Bàng này xong SĐ21BB, với ba Trung đoàn bộ binh cơ hữu và một thiết đoàn kỵ binh sẽ khó giải tỏa QL-13 đoạn đường dài nối tiếp 30km từ phía bắc Chơn Thành lên An Lộc. Ông là vị tướng dùng quân rất thận trọng, như đã nói, nên đã xin BTTM/QLVNCH tăng cường thêm lực lượng. BTTM tăng cường cho QĐIII & V3CT Lữ đoàn 3 Nhảy Dù. Một kế hoạch mới được thiết lập để bứng các chốt chặn trên vùng bắc Chơn Thành cho đơn vị Dù mới tăng viện. (Nếu tính về quân số thì lực lượng Dù tung vào giải chốt vùng bắc Chơn Thành chỉ bằng 1/3 quân số của đơn vị đóng chốt là SĐ-7/CSBV. Đó là điều “nghịch lý” mà tôi nêu ở phần trên, nhưng lại nằm trong kế hoạch có dụng ý của Tướng Nguyễn văn Minh. Sau này, mới hiểu dụng ý của Tướng Minh trong kế hoạch này là dùng ít quân thiện chiến để kềm đại quân của địch nằm tại chỗ tiêu diệt bằng phi pháo, đồng thời đánh nhử để biết rõ thực lực của địch ở các chốt chặn đó, và kéo thêm những đơn vị lớn của chúng vào vùng chốt chặn mà nới áp lực ở mặt trận chính An Lộc…)
Kế hoạch hành quân mới gọi là “Toàn Thắng 72-D”, được tiến hành từ ngày 24/4 với ba Tiểu đoàn 1, 2 và 3 của Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù do Trung tá Trương Vĩnh Phước chỉ huy (Ông thăng cấp Đại tá không lâu sau đó), có sự phối hợp của Trung đoàn 31 Bộ binh, Đại đội Trinh sát của SĐ21BB. Và Thiết đoàn 5 Kỵ binh. Đây là cuộc hành quân giải tỏa lần thứ hai vào Suối Tàu-Ô của lực lượng Dù, nhưng là lần thứ nhất vào ấp Tân Khai. Thực ra, cả hai lần: lần trước sử dụng Lữ đoàn 1 Dù của Đại tá Lê Quang Lưỡng và lần này Lữ đoàn 3 Dù của Đại tá Trương Vĩnh Phước đánh vào Suối Tàu-Ô không phải là để thực sự “bứng” chốt mà chỉ “kềm” địch tại chỗ…. Hay nói rõ ràng hơn chỉ là một cuộc “hành quân cường thám” vào hang hùm, cấp lữ đoàn mà thôi. Một cuộc hành quân cường thám với lực lượng khá lớn như vậy nếu bứng được chốt thì bứng, không bứng được thì rút, dù có tổn thất cũng biết rõ được thực lực của địch trong “hang hùm” của chúng lên đến mức nào… (Cũng nên lưu ý rằng Tướng Minh xuất thân là một sĩ quan Nhảy Dù từ khi ra trường Đà Lạt cho đến khi mang cấp bậc đại úy mới ra khỏi Lữ đoàn Nhảy Dù và làm Trưởng phòng 3 Bộ Tham mưu Phân Khu Sài Gòn – Chợ Lớn của Đại tá Dương văn Minh (người mà sau này thăng đến Đại tướng, hai lần làm sụp đổ hai nền Cộng Hòa của miền Nam) cũng là Bộ Tham mưu Hành quân của ông này trong chiến dịch Chợ Lớn và Rừng Sát bình phục loạn quân Bình Xuyên của Bảy Viễn (1954-1955). Đối với các cấp chỉ huy Nhảy Dù như các Đại tá Lê Quang Lưỡng và Trương Vĩnh Phước thì Tướng Minh là bậc huynh trưởng, nên dù cho các ông có xả thân cho huynh trưởng trong chiến trận cũng không tiếc. Đó là truyền thống cao quí của các sĩ quan Nhảy Dù).
Với hai lữ đoàn hành quân trong mặt trận, Sư đoàn Nhảy Dù phải lập BTL/HQ nhẹ do Chuẩn tướng Hồ Trung Hậu chỉ huy –đóng chung với Bộ Chỉ huy của Trung đoàn 32 tại Chơn Thành– để theo dõi và yểm trợ cho hai lữ đoàn trực thuộc (Lữ đoàn 1 ở An Lộc và Lữ đoàn 3 đang hành quân trên QL-13). Trên nguyên tắc, Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi là Tư lệnh các lực lượng giải tỏa QL-13. Tuy nhiên trong cuộc hành quân đặc biệt Toàn Thắng 72-D này, Bộ Tư lệnh nhẹ của Sư đoàn Nhảy Dù trực tiếp chỉ huy Lữ đoàn 3 Dù và Thiết đoàn 5 Kỵ binh. Đơn vị trưởng của đơn vị thiết kỵ này là Đại tá Trương Hữu Đức, hy sinh trong lần giải tỏa trước khi phối hợp với Lữ đoàn 1 Nhày Dù (ngày 13/4, thăng cố Chuẩn tướng).
Trong ngày 24/4 Trung đoàn 31 Bộ binh được trực thăng vận từ vùng Suối Tre lên phía đông nam Suối Tàu-Ô chừng 3km, bên sườn QL-13, để hỗ trợ cho Lữ đoàn 3 Nhảy Dù trực thăng vận vào vùng hành quân. Lữ đoàn này vừa rút từ mặt trận Tây nguyên về và được đưa ngay vào trận địa QL-13. Ngày hôm sau, 25/4 Tiểu đoàn 2 Nhảy Dù được trực thăng vận xuống bãi đáp đã dự trù phía đông QL-13, quãng giữa Suối Tàu-Ô và xã Tân Khai ở phía bắc để tấn công vào hai mục tiêu đó. Ngay khi trực thăng vừa đổ quân, Tiểu đoàn này –do Trung tá Lê văn Mạnh chỉ huy– đã bị pháo kích súng cối và bắn phòng không, nhưng vẫn tiến đánh các mục tiêu đã ấn định. Ngày 26/4, Tiểu đoàn 1 Nhảy Dù của Thiếu tá Lê Hồng được đổ tiếp vào trận địa nhưng vượt sang phía tây quốc lộ tiến về hướng tây bắc lên đến xã Đức Vinh, chiếm mục tiêu này, chừng năm cây số phía bắc Tân Khai và khoảng 8 km nam An Lộc. Lúc đó quân CSBV sợ và nghĩ là lực lượng của Tướng Nghi sẽ từ phía nam tiến lên giải tỏa Suối Tàu-Ô hơn là đánh ở quãng trên, tức vùng ấp Đức Vinh, phía bắc Tân Khai. Vì vậy việc đóng chốt của chúng ở vùng suối Tàu-Ô và ấp Tân Khai rất vững, kiên cố, với hai Trung đoàn 209 và 165 tăng cường các đơn vị phòng không và chống chiến xa. Còn ở ấp Đức Vinh chúng bỏ trống. Do đó Tiểu đoàn 2 Dù của Trung tá Lê văn Mạnh chạm địch rất mạnh ở cả hai khu vực Suối Tàu-Ô và Tân Khai. Còn Tiểu đoàn 1 Dù của Thiếc tá Lê Hồng chỉ chạm nhẹ ở Đức Vinh. Tiểu đoàn 2 Dù phải đóng một căn cứ tạm trong khu vực hành quân, với một số khẩu 105 pháo binh dã chiến mang theo yểm trợ.
Trong nhiều ngày liền Tiểu đoàn Dù này đã mở nhiều đợt tấn công vào các chốt của địch nhưng không thể chiếm được các mục tiêu này của SĐ-7/CSBV, mặc dù được sự yểm trợ của KQVN và KLHK kịp thời và dữ dội, với hỏa lực của các phi xuất dội bom khủng khiếp vào khu vực đóng chốt của chúng, kể cả các phi vụ B-52. Hơn một tuần, từ ngày đổ quân cho đến ngày 2/5, sau nhiều đợt tấn công, rồi liên tục bị phản công hay bị dập pháo vào căn cứ dã chiến, và mặc dù tổn thất của CSBV rất nặng, cánh quân của Tiều đoàn 2 Dù không thể “bứng” được các chốt trên QL-13 ở hai vùng chốt chặn nói trên. Ở khu vực ấp Đức Vinh ở phía bắc Tân Khai, TĐ1ND khi mới đổ quân vào chỉ chạm súng nhẹ. Nhưng cho đến ngày 2/5/1972, thì căn cứ dã chiến của Tiểu đoàn ở ấp Đức Vinh bắt đầu bị tấn công mạnh “tiền pháo hậu xung”. Tin tức tình báo kỹ thuật ghi nhận là từ đầu tháng 5, Trung đoàn 271 của SĐ-9/CS được tái bổ sung sau trận tấn công An Lộc lần đầu 13/4 và bị tổn thất lớn, đã được TWC/MN đưa xuống vùng tây bắc ấp Đức Vinh, đồng thời Trung đoàn 141 của SĐ-7/CSBV, sau khi kết hợp với hai Trung đoàn F6 và 275 của SĐ-5/CS tấn công Tiểu đoàn 6 Dù tái chiếm vùng Đồi Gíó, Đồi 169 và Srok Ton Cui ở đông nam An Lộc từ 18 đến 21/4, cũng được trả lại cho SĐ-7/CSBV và rút về vùng ấp Đức Vinh để kết hợp với Trung đoàn 271 của SĐ-9/CS nhằm ngăn chận và tiêu diệt TĐ1ND không cho tiến lên An Lộc… Những gì Tướng Minh dự trù đều diễn ra đúng như vậy. Đánh nhử phía nam để địch quân giãn bớt quân ở An Lộc phía bắc.
Tuy đã tính trước là kéo các đơn vị lớn của TWC/MN về vùng chốt chặn, nhưng với tình hình nguy hiểm đó, trong ngày 2/5, Tướng Minh ra lệnh cho Tướng Nghi và Bộ Tư lệnh nhẹ của Sư đoàn Dù đưa Trung đoàn 31 ở phía đông QL-13, đông bắc Chơn Thành, lên Đức Vinh và cũng cho trực thăng vận Đại đội Trinh sát của SĐ21BB từ Lai Khê vào ấp Đức Vinh để tăng cường cho Tiểu đoàn 1 Nhảy Dù. Ông cũng ra lệnh cho Lữ đoàn 3 Nhảy Dù trực thăng vận Tiểu đoàn 3 Dù vào vùng hành quân Suối Tàu-Ô và Tân Khai tăng cường cho Tiểu đoàn 2 Dù.
Phải thành thực ghi nhận rằng SĐ-7/CSBV là đơn vị thiện chiến. Chẳng những các đơn vị thuộc Sư đoàn này đã lợi dụng sự kiên cố của hệ thống phòng thủ do quân lực Hoa Kỳ thiết lập ngày trước ở hai bên trục lộ ở khu vực Suối Tàu-Ô, củng cố các vị trí đó thêm, để đủ sức chịu đựng phi pháo vô cùng dữ dội của Không Lực Hoa Kỳ, kể cả sự tàn phá ghê gớm của hàng mấy mươi phi xuất B-52, và hàng trăm phi vụ đánh bom và không kích khác của Không quân Chiến thuật Hoa Kỳ và KQVN suốt chiều dài của chiến dịch Nguyễn Huệ mùa Hè năm đó, Sư đoàn này còn có khả năng tổ chức hệ thống phòng thủ di động, có nghĩa là, ngoài các đơn vị giữ chốt với hệ thống hầm hố và giao thông hào, sâu, nối liền dày đặc trong khu vực đóng chốt –và thường xuyên thay quân– chúng còn tổ chức những đơn vị đánh phản công, từ cấp Đại đội hay cấp Tiểu đoàn tăng cường phòng không, với các đội trinh sát bám thật sát theo các đơn vị hành quân của ta trong vùng để chỉ điểm đánh pháo, hoặc đánh phục kích và tấn công. Do đó, các đơn vị Dù, từ ngày được đưa vào vùng hành quân giải tỏa QL-13 từ Suối Tàu-Ô lên phía bắc Tân Khai và Đức Vinh theo Kế Hoạnh Toàn Thắng 72-D, đã khó tiến gần đến khu vực chốt phòng ngự thực sự của CSBV, ngược lại luôn luôn bị chúng dập pháo hoặc phục kích trên các trục lộ xuất phát từ căn cứ dã chiến trong khu vực. Những sự kiện này giúp cho Tướng Minh ước tính được lực lượng của TWC/MN ở các chốt chặn phía bắc Chơn Thành nhiều ít, mạnh yếu, như thế nào dù ông biết rằng các đơn vị tăng viện sẽ gặp khó khăn và tổn thất vì ít quân, nhưng ông tin tưởng vào sự thiện chiến của các đơn vị Dù và nhất là sự đánh phủ đầu bằng các trận bom dội xuống mục tiêu…. Tuy nhiên chỉ với cấp một Tiểu đoàn cho mỗi khu vực mục tiêu thì quá ít và nguy hiểm…. Thí dụ như khu vực Suối Tàu-Ô do nguyên Trung đoàn 209 của SĐ-7/CSBV cộng thêm các đơn vị phòng không với đại bác 37 ly Liên xô di động và hỏa tiễn hồng ngoại tuyến mới nhất SA-7 cá nhân chống chiến đấu cơ, nhất là các loại trực thăng (của một Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 271 Phòng không, SĐ-70 Pháo/TWC.MN) và loại hoả tiễn AT-3 Sagger chống chiến xa (Tiểu đoàn 41 Chống Chiến xa) và đơn vị trọng pháo (một Tiểu đoàn của Trung đoàn 208 Pháo dã chiến với các loại súng cối 82 ly, 120 ly của Liên Xô, hỏa tiễn 122 ly) trong khi lực lượng tấn công “bứng” hay “kềm” chốt chỉ là một cánh quân chừng hai Đại đội của TĐ2ND tăng cường một pháo đội Dù với 4 khẩu 105 ly. Còn ở vùng Tân Khai, SĐ-7/CSBV có Trung đoàn 165, trong khi lực lượng của ta chỉ có một cánh quân khác chừng hai Đại đội cũng của Tiểu đoàn 2 Dù. Như khi ta đưa Tiểu đoàn 1 Dù vào ấp Đức Vinh, phía bắc Tân Khai, tức khắc TWC/MN điều ngay Trung đoàn 141 của SĐ-7/CSBV về đó lại còn tăng cường thêm Trung đoàn 271 của SĐ9/VC. Ở đâu quân địch cũng nhiều gấp 3 hay 4 lần hơn quân bạn.
Trong chiến tranh, đôi khi người ta nhìn thấy những điều tưởng chừng như phi lý hay sai nguyên tắc thí dụ như chuyện dùng quân của Tướng Nguyễn văn Minh kể trên… nhưng sau này nghĩ lại mới nhận ra rằng lúc đó đã có cuộc đấu trí lớn lao giữa ông và Tướng Trần văn Trà ở tuyến đường 60km từ Lai Khê lên An Lộc mà quận lỵ Chơn Thành là tâm điểm trọng yếu nhất.
Ai cũng biết muốn tiêu diệt SĐ5BB của QĐIII phòng thủ tỉnh lỵ An Lộc tất nhiên phải cắt con đường bộ tiếp viện và tiếp vận của Sư đoàn này, tức là Quốc lộ 13. Đoạn đường lý tưởng nhất cho việc đóng chốt khóa trục lộ đó hẳn nhiên phải là vùng Suối Tàu-Ô lên đến ấp Tân Khai, từ 15km đến 20km phía bắc quận lỵ Chơn Thành. Tân Khai ở phía nam tỉnh lỵ An Lộc chừng 10km. Tư lệnh bộ TWC/MN đã điều động nguyên vẹn SĐ-7/CSBV tăng cường các đơn vị phòng không, chống chiến xa, đóng chốt khu vực rộng lớn này và tổ chức lại địa thế thành một trận địa với hầm hố và địa đạo ẩn náu tránh được phi pháo dữ dội nhất và chống trả được các cuộc tấn kích chiến xa và bộ binh, như nói trên. Trong khi đó Tướng Trà sử dụng lực lượng tổng hợp khác, hơn 3 Sư đoàn –2 bộ binh, 1 pháo binh, và 3 Trung đoàn biệt lập chiến xa và đặc công– để tiêu diệt lực lượng VNCH phòng thủ An Lộc. Kế hoạch trên được thi hành từ ngày 7/4/1972 sau khi TWC/MN đã chiếm xong Lộc Ninh. Ngày 8/4/1972 An Lộc đã bị bao vây, phía nam bị SĐ-7/CSBV cắt mất đường tiếp vận. Có lẽ Tướng Trần văn Trà của TWC/MN không nghĩ rằng đã gặp một địch thủ túc trí và dè dặt như Tướng Nguyễn văn Minh. Tôi đã trình bày phần trên Tướng Minh đã sử dụng tin tức để xin tăng cường quân cho Vùng 3 CT và An Lộc như thế nào. Xin nói tiếp thêm rằng, có lẽ Tướng Trà cũng nghĩ là Tướng Minh có thể xin tăng viện được một Sư đoàn từ miền Tây điều động lên ngoài các đơn vị Dù và Biệt Động Quân. Xin ghi nhớ, SĐ21BB từ miền Tây lên thì Trung đoàn 32 Bộ binh đến căn cứ Lai Khê ngày 10/4/1972 và được đưa lên Quận Chơn Thành ngày hôm sau 11/4 bằng xe vận chuyển đường bộ. Hai Trung đoàn 31, 33 Bộ binh và Thiết đoàn 9 Kỵ binh đến Lai Khê ngày 12/4.
Quận lỵ Chơn Thành trấn giữ trục giao thông ở giao điểm Ngã Tư QL-13 lên An Lộc và QL-14 dẫn qua tỉnh Phước Long lên Quảng Đức… được coi là trọng điểm chiến thuật phía nam An Lộc.
Cả Tướng Minh lẫn Tướng Trà đều biết rõ địa điểm này là quan trọng cho sự mất còn của An Lộc. Tướng Minh luôn luôn cho trấn đóng tại đây một Trung đoàn, vừa để bảo vệ điểm “xuất phát” giải tỏa trục lộ từ đó lên An Lộc, vừa là điểm “nhử” cho quân CSBV đến để diệt bằng phi pháo. Địch đến càng nhiều càng tốt. Tướng Trà chắc chắn sẽ không thí quân đánh chiếm Chơn Thành, vì bốn ngã đều “thọ địch”, chưa kể phi pháo. Tướng Minh biết như vậy nên ông “bỏ ngõ” quãng đường giữa từ Lai Khê lên Chơn Thành từ chiều ngày 11/4/1972 sau khi Trung đoàn 32 của SĐ21BB đã lên Chơn Thành chuẩn bị thay thế cho Lữ đoàn 1 Nhảy Dù rút quân tăng cường cho An Lộc. Ông chỉ cho một Tiểu đoàn của Trung đoàn 33 đóng quân ở Căn cứ Vân Đồn, 6km phía bắc Lai Khê, và án binh bất động chờ địch đến, sau khi rút Lữ đoàn 1 Nhảy Dù ngày 14/4/1972 đưa lên An Lộc. Như vậy đoạn đường còn lại từ phía bắc căn cứ Vân Đồn lên Chơn Thành là trên 20 km, bỏ trống thực sự từ ngày đó. Đương nhiên Tướng Trà phải hành động. Nếu để đoạn đường từ Lai Khê lên Chơn Thành cho SĐ21BB sử dụng thong thả thì chốt chặn từ Suối Tàu Ô của TWC/MN lâm nguy bị “bứng” và như vậy là không dứt điểm được An Lộc khi đại đơn vị này của Tướng Minh tiến lên tiếp viện. Do đó, một mặt TWC/MN tổ chức vội vã tấn công An Lộc lần thứ nhất từ ngày 13/4 đến ngày 17/4/1972, thiếu chuẩn bị, thiếu phối hợp, và nhất là thiếu quân. Rồi lần thứ nhì từ 18/4 đến 21/4/1972, cũng vội vã như vậy…. Mặt khác, TWC/MN đưa Trung đoàn 101 biệt lập, cộng thêm hai Tiểu đoàn của các Trung đoàn 209 và 165 của SĐ-7/CSBV, phối hợp với các đơn vị phòng không và chống chiến xa xâm nhập trở lại và lập chốt chặn lần nữa ở khu vực Bầu Bàng.
Mặc dù sau hai đợt tấn công của quân CSBV do TWC/MN chỉ đạo thất bại, Đài Phát thanh Hà Nội tuyên bố với thế giới là chúng đã chiếm được An Lộc ngày 18/4. Quyết tâm của Quân ủy Trung Ương đã rõ ràng, An lộc là điểm chiến lược của cuộc Tổng Tấn Công của CSBV mà không là Quảng Trị, không là Kontum, TWC/MN không thể coi thường).
TWC/MN lâm vào thế phải hạ quyết tâm chiếm cho được An Lộc trong những trận đánh kế tiếp với những nỗ lực dù phải tận dụng đến đơn vị cuối cùng. Do đó, ngoài việc củng cố lại lực lượng và chu toàn kế hoạch để tấn công và chận viện từ Chơn Thành trở lên An Lộc, TWC/MN cũng điều các đơn vị đặc công và pháo phá rối căn cứ Lai Khê, căn cứ của SĐ5BB nhưng lúc đó là nơi Bộ Tư lệnh Hành quân của Tướng Minh và là trung tâm yểm trợ cho các đơn vị QĐIII hành quân trên QL-13, và đưa một Trung đoàn khác tấn công dữ dội để mong dứt điểm các căn cứ Tống Lê Chân và Minh Thạnh nằm trên Sông Sài Gòn, do các đơn vị BĐQ/BP và BĐQ trấn đóng –cách An Lộc về phía tây nam từ 18km đến 25km, theo đường chim bay– để khai thông đường chuyển quân và tiếp vận của chúng giữa các mật khu Dương Minh Châu ở Tây Ninh và Chiến khu D ở liên ranh Biên Hòa và Bình Dương cho những trận tiến công mới. Nếu trong tiểu tiết TWC/MN có thu nhặt được một vài kết quả nhỏ thì trên tổng thể TWC/MN rối rắm và mất thế chủ động ở suốt cả mặt trận Bình Long, từ An Lộc xuống phía nam quận lỵ Chơn Thành không thể thực hiện được sách lược của Bộ Chính trị đảng CSVN vì cách điều quân đầy mưu lược theo một thời biểu có tính toán và rắc rối của Tướng Minh làm cho Tư lệnh bộ của Tướng Trà không đoán được Tướng Minh đánh phản công giải tỏa An Lộc như thế nào… Khi bỏ trống đoạn đường từ căn cứ Vân Đồn lên phía bắc gần quận lỵ Chơn Thành, Tướng Minh đã buộc TWC/MN quyết định và họ đã quyết định sai lầm. Hai lần TWC/MN đưa những cánh quân lớn vào đóng chốt đoạn đường phía nam Chơn Thành, hai lần đầu bị “bứng” với tổn thất nặng. Lần đầu từ ngày 8/4 chắc chắn nằm trong nhu cầu chiến thuật theo kế hoạch của TWC/MN khi tung quân bôn tập tấn công An Lộc, cần thiết phải chặn đường chuyển quân tiếp viện lên phía bắc của QĐIII & V3CT. Lần thứ nhất đó chốt chặn bị Lữ đoàn 1 Nhảy Dù “bứng” trong ba ngày kịch chiến từ 9/4 đến 11/4 với hai mũi gíáp công từ Lai Khê đánh lên và từ Chơn Thành đánh ép xuống làm cho SĐ-7/CSBV, Trung đoàn biệt lập 101, và các đơn vị yểm trợ khác thiệt hại hơn 200 cán binh, rút quân bỏ chốt. Trái lại, khi đóng chốt lần thứ hai ở Bàu Bàng từ ngày 22/4 rõ ràng TWC/MN bị Tướng Minh ép vào thế chẳng đặng đừng. Lần sau này, chốt chặn của các đơn vị thuộc SĐ-7/CSBV tăng cường cũng bị SĐ21BB bứng với chiến thuật hai mũi giáp công mà Lữ đoàn 1 Nhảy Dù đã áp dụng hai tuần trước đó. Trung đoàn 33 và Thiết đoàn 9 Kỵ binh (-) từ Lai Khê đánh lên và Trung đoàn 32 và một chi đoàn của Thiết kỵ 9 từ Chơn Thành đánh ép xuống với sự yểm trợ tối đa của KQVN và KLHK. Tuy phải mất 5 ngày để thanh toán chốt chặn đó, từ 24/4 đến 28/4, nhưng đã làm cho các đơn vị CS đóng chốt bị thiệt hại nặng và từ đó về sau TWC/MN không còn đủ lực lượng tái đóng chốt trên đoạn đường này nữa.
Điều đáng ghi nhận khác là việc điều động sử dụng quân tăng viện của Tướng Minh theo vòng quay kim đồng hồ làm cho TWC/MN rối rắm, bỡ ngỡ, mất cả sự chủ động cần thiết của lực lượng tấn công. Ngược lại Tư lệnh bộ của Tướng Trà phải chạy theo từng giờ từng ngày bởi sự chuyển quân nhanh chóng và không theo quy luật chiến tranh của lực lượng bị tấn công. Sư kiện điển hình thứ nhất là khi SĐ21BB đã hoàn tất cuộc chuyển quân từ miền Tây lên Lai Khê và Chơn Thành từ ngày 12/4 thì Tướng Minh không dùng Sư đoàn này tấn công bứng chốt Tàu-Ô ở phía bắc Chơn Thành mà lại sử dụng Lữ đoàn 1 Nhảy Dù lúc đó vừa bứng xong chốt Bàu Bàng (9-11/4) và đóng ở Chơn Thành (11/4) rồi tiến lên “ủi” chốt Tàu-Ô ngày 12/4. Khi SĐ-7/CSBV ở đó đang chống đỡ, bỗng nhiên Dù ngưng tấn công và rút ra khỏi trận địa ngày 13/3 và ngày 14-15/4 đổ quân vào tăng viện An Lộc cùng với Liên đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù (xin xem lại phần trên). Sự chuyển quân bất ngờ này làm cho TWC/MN phải điều quân thêm bằng cách đưa bớt Trung đoàn 141 của SĐ-7/CSBV từ vùng chốt chặn Tân Khai lên phối hợp với SĐ-5/CS và SĐ-9/CS vội vã tấn công vào An Lộc đợt 2 từ ngày 18/4/1972, như nói trên. Sự kiện điển hình thứ hai là sau khi TWC/MN không thể chiếm được An Lộc trong đợt hai tấn công này, dù chiếm lại được vùng Đồi Gió và Đồi 169, Tướng Minh vẫn sợ An Lộc bị nguy khốn nên tung Lữ đoàn 3 Nhảy Dù vào suối Tàu-Ô và Tân Khai, nhưng quan trọng hơn là vùng ấp Đức Vinh, phía nam gần An Lộc làm cho TWC/MN phải điều động Trung đoàn 271 của SĐ-9/CS và Trung đoàn 141 của SĐ-7/CSBV rời bỏ vòng vây An Lộc rút xuống Đức Vinh mà chận không cho quân Nhảy Dù tiến lên hướng An Lộc. Sức ép của của quân CSBV đối với thành phố nhỏ này nhẹ hơn sau đợt tấn công thứ hai của chúng, mặc dù An Lộc vẫn bị dập pháo mỗi ngày hơn một nghìn qủa đại pháo các loại….
Hai sự kiện trên đây cho thấy rõ mưu lược và tài dùng quân của Tướng Nguyễn văn Minh. Trên bàn cờ An Lộc và QL-13, rõ ràng rằng Tướng Trần văn Trà lép hơn Tướng Nguyễn văn Minh túc trí. Cuộc chiến ở giai đoạn này dằng dai ba tuần lễ từ 22/4/1972 đến 11/5/1972 mà Tướng Minh vẫn chưa thực sự tung lực lượng trừ bị vào trận địa. Câu hỏi được đặt ra là:-Tại sao? Trả lời: Thứ nhất, Tướng Minh tin vào quyết tâm gan lì và khả năng cầm quân giữ An Lộc của Tướng Lê văn Hưng và của Đại tá Lê Quang Lưỡng với sự yểm trợ hùng hậu của hoả lực Không quân HK và KQVN. Thứ hai: Khi tung Lữ đoàn 3 Nhày Dù cường thám vào “hang hùm” suối Tàu-Ô lên đến ấp Tân Khai xong, hiểu rõ thực lực của định quân ở đó, ông sẽ dùng SĐ21BB vào trận đánh quyết định giải tỏa An Lộc…. Và hình như ông còn phải chờ thêm những đơn vị tăng viện thiện chiến khác thích ứng cho kế hoạch mới của ông và tăng trợ cho Sư đoàn này.
Đến đây thì mọi người đều thấy rõ cục diện chiến trường Bình Long giữa QĐIII & V3CT và TWC/MN Cộng Sản. Tướng Trần văn Trà lúc đó hình như cũng đã hiểu nhiều hơn về Tướng Nguyễn văn Minh, đối thủ chính của mình, nên tính toán kỹ hơn, chưa chủ động đánh lớn vội vã như hai trận tấn công trước trong suốt ba tuần lễ đó, trừ việc SĐ-7/CSBV còn chận đánh Lữ đoàn 3 Nhảy Dù từ Suối Tàu-Ô lên Tân Khai, đến Đức Vinh. Trong thành phố An Lộc chỉ có những vụ chạm súng nhỏ vì các đơn vị phòng thủ, tuy bị hứng pháo mỗi ngày, nhưng vẫn bung dần ra từng căn phố, diệt mòn các đơn vị Công sản đã chiếm khu vực phía bắc và đông bắc từ các trận tấn công trước, không rút ra được, đang cố bám sát các đơn vị phòng thủ để tránh bị oanh kích. Các chiến xa của địch chưa bị hạ trong các trận trước hình như cũng áp dụng kỹ thuật lẩn trốn này trong các khu vực chúng đã chiếm trong thị xã, nằm im hơi lặng tiếng dưới những mái nhà sập hay trong những căn phố long lở, trong khu vực chúng chiếm được, nhưng… ngụy trang thật kỹ. Chúng cũng đã rút được ít nhiều kinh nghiệm về sự lợi hại của “Hoả Long”, vì có những chiếc tăng nhúc nhích di chuyển đâu đó đã bị loại “spectre” này hạ trong nhiều đêm trước…
Rõ ràng lần này TWC/MN đang củng cố lực lượng, bổ sung quân, vận chuyển đạn dược và… lập kế hoạch mới quyết tâm dứt điểm An Lộc.