Tâm Don (VNTB) Vào sáng ngày 19-01-2016, tại Hà Nội và Sài Gòn đã diễn ra hai lễ tưởng niệm dâng hương hoa lên 75 ( hay 74?) con dân nước Việt Nam đã hi sinh tại quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 trong trận hải chiến Hoàng Sa chống lại sự xâm lăng và xâm lược của chính quyền cộng sản Trung Quốc. Lễ tưởng niệm tại Hà Nội diễn ra trong yên lặng và trật tự, trong ôn hòa và văn minh với sự tham gia của hàng trăm nhân sĩ, trí thức và người dân mà không bị bất cứ một lực lượng nào- dù chính danh hay không chính danh, dù công khai hay ẩn dấu- của chính quyền gây khó dễ và cản trở. Người tham gia tưởng niệm tự do đọc phát biểu, tự do dâng hương, tự do kéo nhạc tri ân, tự do chụp hình và quay camera. Trong khi đó, tại Sài Gòn, mọi việc đều diễn ra trong sự tồi tệ.
Chính quyền Sài Gòn đã dùng 3 thủ đoạn chính để ngăn chặn lễ tưởng niệm: Thủ đoạn thứ nhất, họ canh giữ các nhân sĩ trí thức và những người hoạt động xã hội, thuyết phục những người này không được ra khỏi nhà kể từ ngày 17 đến trưa ngày 19-01. Thuyết phục không được họ thực hiện biện pháp canh giữ, biện pháp mà giới hoạt động xã hội ở Sài Gòn gọi là “bánh canh”. Chỉ riêng anh Trần Bang- một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, đã được- bị 6-8 anh chị mặc thường phục canh giữ từ ngày 17-01. Anh Nguyễn Công Thành cũng bị canh giữ 24/24. Chị Nguyễn Thị Bích Ngà cũng được công an phường và an ninh cảnh báo rằng:” Sáng ngày 19, chị không được đi ra khỏi nhà. Nếu chị đi ra khỏi nhà, chúng tôi lại phải vất vả đưa chị về nhà!”. Chị Ngà trả lời tưng tửng: “ Thì cũng để cho mấy anh, mấy em có việc mà làm chứ”. Theo thống kê không đầy đủ, đã có hàng trăm người ở Sài Gòn đã được- bị canh giữ không cho ra khỏi nhà.
Thủ đoạn thứ hai của chính quyền Sài Gòn là, bắt giữ và xé lẻ những người tham gia lễ tưởng niệm khi họ vừa đặt chân đến khu vực tưởng niệm. Các anh Hoàng Dũng, Đinh Nhật Uy và Phát đã bị bắt giữ theo thủ đoạn và phương thức này.
Thủ đoạn thứ ba của chính quyền Sài Gòn là trấn áp về mặt tâm lý đối với những người muốn tham gia lễ tưởng niệm. Chính quyền đã huy động một lực lượng đông đảo an ninh chìm nổi, cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động 113 hiện diện xung quanh tượng đài Trần Hưng Đạo nhằm tạo nên một không khí nghẹt thở để làm những người muốn tham gia lễ tưởng niệm sợ hãi mà quay về. Và chính quyền đã đạt được mục đích: Rất nhiều người đã ra về khi thấy bầu không khí quá căng thẳng và nóng bỏng. Họ chưa vượt qua được sự sợ hãi do chính mình tạo nên.
Thủ đoạn thứ tư của chính quyền Sài Gòn là huy động một lượng công nhân môi trường đô thị(?) rất đông đảo làm việc cần mẫn và chăm chỉ quanh khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo. Đội ngũ công nhân này ( hay là một lực lượng trá hình nào đó?) liên tục quét rác, liên tục phun xịt nước vào bất cứ nơi nào có thể phun xịt trong khu vực. Nhiều người thắc mắc: tại sao công nhân môi trường đô thị mà lại đeo tai nghe? Những người công nhân(?) liên tục quát nạt người tham gia tưởng niệm: Tránh ra cho người ta làm việc! Đi chỗ khác mà chơi! Trước những hành xử vô văn hóa, nhiều người tham gia lễ tưởng niệm đã rất phẫn nộ và bi quan.
Cũng trong lễ tưởng niệm đã xuất hiện những dân thường rất lạ. Có một ông già rất đẹp lão, tuổi khoảng 70, nói giọng Bắc khuyên mọi người không nên tưởng niệm ở đây, mọi việc đã có nhà nước lo. Dĩ nhiên, mọi người không quan tâm đến ông già này. Hiện tượng cướp giật vòng hoa cũng đã diễn ra. Vòng hoa đầu tiên vừa được đưa đến đã bị 4-5 thanh niên to khỏe, mặc thường phục cướp đi rất nhanh gọn. Vòng hoa thứ hai cũng bị một nam thanh niên đẹp trai, tuổi chừng 28-30 tấn công quyết liệt.
Tại sao lại có hai cách hành xử khác nhau của chính quyền Hà Nội và Sài Gòn trong vụ việc lễ tưởng niệm Hoàng Sa? Với chính quyền Sài Gòn, họ không bạo liệt quá mức cần thiết. Họ không mềm mỏng đến mức nhân nhượng và thỏa hiệp. Họ âm thầm giấu mặt mà làm. Nhẹ nhàng về hình thức nhưng quyết liệt trong việc làm. Họ ôn hòa nhưng vẫn ẩn ý đe dọa.
Cách hành xử của chính quyền SG trong buổi sáng nay phản ánh sự lúng túng trong nhận thức về một sự kiện có ý nghĩa cần phải được tưởng nhớ và vinh danh. Có lẽ họ đang ở trong buổi giao thời nhận thức đấy dông bão.
Không thể suy đoán hay phỏng đoán về nguyên nhân của mọi vụ việc khi không thể biết rõ nội tình. Nhưng tính không thống nhất là bản chất của bất cứ chính quyền độc tài nào. Họ làm việc và hành xử theo tùy hứng, không theo một khuôn khổ và luật lệ nào.