Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tùy bút: Nhớ má…

Bình Hoà

 

(VNTB) – 32 năm đi qua. 32 năm tôi xa má…

 

Tôi nhớ, lúc còn con nít, thích Tết dữ lắm…. Hằng năm, thuở ấy, cứ mỗi độ thấy lặt lá mai, là biết Tết đang gần kề.

Vậy là những tiết học, những bài giảng của thầy cô những ngày đó dần dần được thay thế bằng những buổi ăn vụng, những giờ đọc lén truyện tranh, những “tám” hẹn hò trong Tết…. Thầy cô khi ấy cũng không quá khó khăn với học sinh. Biết là cái lũ “thứ ba học trò” ấy đang trốn tiết, cúp cua, nhưng thôi… Tết mà…

Thời đại của công nghệ 4.0, gần như là quanh năm, mùa nào cũng có dưa hấu. Cứ thèm là chạy u ra chợ, tìm kiếm, là có ngay một quả dưa về ăn “giải nhiệt”. Chứ còn ngày xưa, chỉ khi đến Tết, mới được ăn dưa hấu mà thôi. Đặc biệt, Tết đến, thích nhất, là có quần áo mới. Dù trong năm đó, má có bán “ế” hay bán lời, đều đều cứ đến cuối năm, là má lại dẫn tôi đi mua quần áo mới.

Tôi nhớ, chợ khi đó vui lắm, sáng má đi bán xong ở chợ Thị Nghè. Về mua cho tôi một gói xôi hoặc một ổ bánh mì, rồi hai má con lại dắt tay nhau đi chợ Bà Chiểu lựa quần áo mới. Những bộ đồ với nhiều kiểu dáng, nhiều sắc màu, nhiều hình ảnh, luôn thu hút tôi. “Mày thích gì mày cứ lựa đi”.

Rồi thời gian dần trôi, tôi lớn dần theo năm tháng. Chưa bao giờ má quên sắm sửa quần áo mới cho tôi. Bởi, má hay nói: “Năm mới, bận đồ mới cho sáng sủa, cho may mắn, một năm hanh thông”.

Ngày đó, khi tốt nghiệp đại học Tổng hợp, tháng lương đầu tiên ở cơ quan, tôi nhớ, cũng là vào dịp cận Tết, sửa soạn mua cho má một bộ đồ quần áo mới. Cũng chẳng biết sao, má biết được, nhỏ nhẹ: “Thôi, mày để dành mua dàn máy hát đi, tao biết mày thích nó lắm mà”.

Nghe lời má, năm đó, tôi chỉ mua cho má được một đôi dép lào, làm quà Tết. Nào biết được, ra Tết, má mất.

Thêm một cái Tết nữa lại về, tất bật sắm sửa nào bông, nào trái, nào nhang, nào đèn; chạy đây đi đó để lo chu toàn cho một cái Tết; viếng mộ tổ tiên, thăm linh cốt ông bà, đánh lư đồng…. Dường như, quên bẵng mất cái thói quen khi xưa, sắm sửa quần áo mới cho bản thân mình.

Chiều 30 Tết, theo tục lệ hằng năm của gia đình, rước ông bà về ăn Tết với con cháu. Ngồi đốt cho má những bộ quần áo mới nhưng làm bằng giấy mà chợt cảm thấy chạnh lòng. Vài chục năm trôi qua, khi công việc đã ổn định, có thể mua cho má rất nhiều bộ quần áo mới. Thèm lắm cái cảm giác nhìn má bận những bộ đồ mới do chính tay mình mua, nhưng….

Hôm nay, khi đã bước sang lứa tuổi tạm gọi là không còn được trẻ. Nhìn những đứa bé được ba má dẫn đi sắm sửa quần áo mới, chợt cảm thấy, nói theo kiểu dân gian, nhớ “ông bà ông vải” đến chi lạ.

“Con không như người con trong Xuân này con không về của tác giả Trịnh Lâm Ngân. Xuân nào con cũng về nhưng đã 32 cái xuân, con không còn thấy hình bóng của má. Ngồi lau hình má, những hình ảnh xưa, những quang gánh buổi sớm mai, những buổi đi chợ sắm đồ Tết, hình ảnh của người phụ nữ miền Nam nằm võng tòn ten… tựa như một cuốn phim, ùa về”.

Trong ký ức đó còn có nén nhang trên bàn thờ gia tiên cúng chiều ba mươi Tết. Trong tâm thức vẫn hiểu thì khói nhang, khói của những hàng mã cúng ông bà vẫn là khói như muôn năm cũ. Thế nhưng dường như sự khác biệt đến từ tâm thái con người, khi muốn neo ngọn khói đó vào cái nút điểm chênh chao chiều ba mươi Tết, để ký thác, gửi gắm yêu thương, để cồn cào mong ngóng con cháu trở về sum vầy bên gia đình, để cùng nhau tri ân đấng sinh thành và tưởng nhớ ông bà, tổ tiên trên bàn thờ ngày Tết.

32 năm đi qua. 32 năm tôi xa má…


Tin bài liên quan:

VNTB – Tết này Việt kiều không về…

Phan Thanh Hung

VNTB – Phóng sự ảnh: Chợ ‘nhà nghèo’ 29 Tết ở Sài Gòn

Phan Thanh Hung

VNTB – Bấm quẻ năm Dần

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.