Tử Long
(VNTB) – Bước sang tuổi 93, Tuyên giáo Đảng nên tự tin khi ‘dừng cấm cản’ báo chí tư nhân ra đời.
Cách đây 92 năm, ngày 1-8-1930, nhân dịp kỷ niệm Ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xuất bản tài liệu mang tên “Ngày quốc tế đỏ 1-8”.
Mấy mươi năm sau, nhìn lại vụ việc với kết luận là đánh giá cao sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt này, vào năm 2000, Bộ Chính trị (khóa VIII) đi đến quyết định lấy ngày 1-8 hằng năm làm Ngày truyền thống công tác tư tưởng – văn hóa của Đảng.
Năm 2007, sau khi hợp nhất Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) quyết định lấy ngày 1-8 hằng năm làm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng.
“92 năm qua, ngành Tuyên giáo và công tác tuyên giáo trở thành bộ phận không thể tách rời, luôn gắn bó sâu sắc với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Những thắng lợi vĩ đại mà Đảng và Nhân dân ta đã đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc đều có sự đóng góp to lớn của ngành Tuyên giáo và công tác tuyên giáo của Đảng” – trích nội dung cổ động chính trị cho sự kiện “92 năm”.
Tại buổi tổng kết công tác tuyên giáo năm ngoái, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên lưu ý “ngành tuyên giáo TP.HCM phải đổi mới tư duy, nhạy bén, chủ động hơn, nâng cao năng lực dự báo”; và đặc biệt, ông nhấn mạnh “lắng nghe nhiều chiều”.
Để có “nhiều chiều” cho yêu cầu “lắng nghe” như lời của Bí thư Thành ủy TP.HCM, rất nên dừng việc ‘cản trở’ báo chí tư nhân.
Trong thể chế Đảng lãnh đạo toàn diện thì đương nhiên báo chí tư nhân vẫn phải tuân thủ những định hướng nội dung của cơ quan tuyên giáo, nhưng khi hành nghề thì báo chí tư nhân sẽ mang đến những thông tin đa chiều hơn, vì sẽ không phụ thuộc vào cái gọi là “cơ quan chủ quản”, để rồi phải chịu sự giới hạn của “tôn chỉ mục đích” mà cơ quan chủ quản ấy được “quy hoạch”.
Nói một cách khác, báo chí tư nhân có thể vẫn là “công cụ tuyên truyền”, nhưng họ hiểu rất rõ để cạnh tranh sòng phẳng, cần cố tìm kiếm phân khúc thị phần nào đó trong thị trường báo chí, thay cho mải mê tuyên truyền hóa thông tin đơn chiều.
Hơn nữa, cuộc hôn phối giữa kỹ thuật – công nghệ với tư tưởng, tâm lý, thông tin, nói như ông chủ facebook, mạng xã hội này là “tâm lý học và xã hội học chiếm phần ngang bằng công nghệ” thì đòi hỏi cao hơn, thực chất hơn năng lực tương tác – đối thoại; yêu cầu biết tôn trọng hơn tính khác biệt – phản biện là con đường để đi tới sự thật hoặc tiệm cận sự thật – nơi ngự trị cuối cùng của chân lý, là ngọn lửa từ đỉnh Olympus mà Prometheus đã chấp nhận trả giá để mang về trái đất cho con người: ánh sáng của sự hiểu – biết.
Một cơ quan Tuyên giáo Đảng đã bước vào tuổi 93 thì có lẽ đã thừa trải nghiệm, thừa hiểu sóng gió chính trường lẫn hậu trường của các phe nhóm quyền lực trong chính Đảng của mình, để mà biết sử dụng “định hướng” sao cho có lợi nhất, bất chấp đó là “báo nhà nước”, hay “báo chí tư nhân”.
Một đơn cử: nếu như sắp tới đây vẫn giữ chuyện năm 2025 ở mỗi tỉnh, thành chỉ còn một cơ quan báo chí như nội dung “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025” được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành hồi đầu tháng 4-2019, thì xem chừng “quyền lực nhóm” sẽ tha hồ mà khuynh đảo một khi “cờ đến tay”; vỉ ở đây chỉ có “báo chí nhà nước”, tức báo chí cũng nằm trong tay những nhóm quyền lực phe cánh chính trị đó, vắng hẳn sự giám sát của “quyền lực thứ tư” là báo chí tư nhân.