Hàn Lam
(VNTB) – Với biên độ áp dụng biên 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch dao động trong khoảng 23.045 – 25.471 VND/USD.
Thực tế, trong suốt gần 1 tháng qua, dù Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện bán ngoại tệ can thiệp, song tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng vẫn liên tục kéo sát, thậm chí kịch trần cho phép. Điều này gây ra áp lực lớn đối với dự trữ ngoại hối vốn chỉ ngấp nghé ngưỡng an toàn (3 tháng nhập khẩu) theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế.
Theo một số nguồn tin trên thị trường liên ngân hàng, lượng ngoại tệ mà Ngân hàng Nhà nước đã bán cho các ngân hàng thương mại đến nay đã chạm mốc 2,5 tỷ USD.
Hôm 22-5, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm đã tăng 3 đồng so với mức niêm yết hôm qua ở mức 24.254 VND/USD. Áp dụng biên độ 5%, tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch từ 23.041 – 25.467 VND/USD. Tỷ giá mua bán được Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước giữ niêm yết ở mức 23.400 – 25.450 VND/USD.
Đáng chú ý, phiên giao dịch ngày 22-5 chứng kiến Ngân hàng Nhà nước đã cho 9 thành viên thị trường vay gần 25.000 tỷ đồng thông qua kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO) với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 4,5%/năm. So với phiên trước đó, quy mô cho vay OMO của Ngân hàng Nhà nước đã tăng gấp hơn 9 lần, và lãi suất cho vay đã tăng thêm 0,25 điểm %, từ 4,25%/năm lên 4,5%/năm.
Trên thị trường ngân hàng, giá bán USD tại các nhà băng trong sáng ngày 23-5 tiếp tục được điều chỉnh tăng theo biến động của tỷ giá trung tâm, lên sát trần cho phép. Theo đó, tất cả ngân hàng được khảo sát đều tăng giá bán USD lên mức 25.470 VND/USD, chỉ kém trần cho phép 1 đồng. Chênh lệch 1 đồng mang tính hình thức này cho thấy áp lực tăng tỷ giá vẫn còn lớn, đồng thời với việc giá bán USD của các ngân hàng liên tục cao hơn giá bán can thiệp phản ánh sức ép đối với dự trữ ngoại hối.
Thông thường khi biến động tỷ giá tăng, chênh lệch giá mua – bán cũng tăng để bù cho rủi ro biến động lên xuống. Chênh lệch này giảm khiến các ngân hàng chịu nhiều rủi ro hơn và khó đưa ra quyết định mua bán, vì vậy có xu hướng làm giảm thanh khoản giao dịch ngoại hối trên thị trường.
VND hiện đang mất giá khoảng gần 5% so với đồng USD, nhưng nhìn vào dữ liệu tổng hợp của đồng tiền từ các nền kinh tế lớn, mức giảm của VND đang nằm trong xu thế chung và chỉ ở mức trung bình.
Giá USD trên thị trường quốc tế tăng, chỉ số USD-Index thêm 0,2 điểm, lên 104,6 điểm. Biên bản cuộc họp mới nhất của Fed được công bố cho thấy các quan chức thể hiện sự thất vọng đối với chỉ số lạm phát gần đây. Theo đó áp lực giá sẽ giảm bớt dù tốc độ chậm và khả năng tăng thêm lãi suất. Thế nhưng, các nhà đầu tư đã tăng đặt cược vào việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất sau khi lạm phát giảm nhẹ vào tuần trước.
Trong một diễn biến liên quan, liên tục trong hai ngày vừa qua, có một số ngân hàng đã tăng lãi suất tiết kiệm ở một số kỳ hạn. Chẳng hạn, HDBank tăng lãi suất thêm 0,3%/năm ở các kỳ hạn. Lãi suất kỳ hạn từ 1 – 5 tháng lên 2,75%/năm, 6 tháng lên 4,8%, 18 tháng 6,1%. Riêng ở kỳ hạn 12 tháng, nhà băng này có lãi suất 7,7%/năm khi khách hàng gửi tối thiểu 500 tỷ đồng; lãi suất kỳ hạn 13 tháng 8,1%/năm khi khách gửi trên 500 tỷ đồng.
Tương tự, MBBank tăng lãi suất các kỳ hạn 3, 6 và 12 tháng từ 0,1 – 0,2% như hạn 3 tháng từ 2,6% lên 2,8%; 6 tháng từ 3,6% lên 3,7%; kỳ hạn 12 tháng từ 4,6% lên 4,7%…
Ước tính chung từ đầu tháng 5 đến nay, gần 20 nhà băng tăng lãi suất tiết kiệm; trong đó, chủ yếu là nhóm ngân hàng thương mại cổ phần. Mức tăng đến 0,7% thuộc về SeABank với 0,7% áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng tại quầy lên 4,25%/năm. Hiện mức cao nhất ở ngân hàng này là 5%/năm kỳ hạn 24 – 36 tháng tại quầy. Trong khi tại CBBank, sau khi tăng đồng loạt 0,6% thì lãi suất cao nhất là 5,55%/năm dành cho kỳ hạn 24 – 36 tháng gửi online…