Hoàng Mai
(VNTB) – 26.000 tỷ đã tới tay bao nhiêu người dân?
Chiều ngày 17-7-2021, nhiều người dân xôn xao với tin tức mà báo chí đưa ra, kèm theo đó là công văn hỏa tốc được ký bởi Thủ tướng Phạm Minh Chính vào cùng ngày, về vấn đề các tỉnh thành phía Nam giãn cách theo chỉ thị 16, từ 0g ngày 19-7.
Xoay quanh vấn đề này, xuất hiện nhiều luồng ý kiến, đại đa số là vì vấn đề phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả ở khu vực miền Nam, cho nên đều đồng tình. Tuy nhiên, trong số đó, cũng có không ít ý kiến cho rằng, nếu như tiếp tục giãn cách theo chỉ thị 16, với những quy định như đang áp dụng hiện nay ở khu vực TP.HCM, nhiều người dân sẽ sinh sống ra sao?
Để giải đáp cho vấn đề, theo trích dẫn từ bài báo đăng trên báo Tuổi Trẻ thì:
“Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ thị 16, chú ý bảo đảm nguồn vật tư, trang thiết bị, nhân lực y tế, nhất là đội ngũ y bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế.
Đồng thời bảo đảm an ninh, an toàn, an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu; đặc biệt chú ý nâng cao hiệu quả điều trị, ưu tiên tối đa nguồn lực cho các ca bệnh nặng”.
Thoạt nghe qua, là một cảm giác an tâm, bởi tất cả đã nằm trong tiên liệu trước.
Trước khi đưa ra quyết định toàn miền Nam cùng chung tay thực hiện chỉ thị 16, đã có sự tính toán trước không chỉ trong vấn đề vật tư, trang thiết bị hay nhân lực y tế mà còn là về an sinh, cuộc sống của người dân cũng như tình hình trật tự trị an. Tuy nhiên, làm việc đó như thế nào, ra sao, lại không được nói rõ.
“Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua là một ví dụ đó. Không cần ngồi ở Việt Nam cũng thấy người dân rất tuân thủ quy định mà chính quyền địa phương đưa ra. Dù biết là khó khăn, là ảnh hưởng rất nhiều đến việc mưu sinh, đời sống của họ, nhưng họ vẫn chấp nhận hy sinh vì cái chung.
Có thể bạn thấy kéo dài thời gian thực hiện chỉ thị 16 thôi mà, có gì mà đáng lo, mấy ông cứ nói quá. Điều bạn nói có thể không sai nhưng nó không đúng với tất cả.
Với những người buôn gánh bán bưng, làm ngày nào sống ngày đó, dư dả một ít, để tiết kiệm, là mừng lắm rồi. Giờ đây, buôn bán không được, đi lại cũng khó khăn, một số công việc như vé số, xe ôm cũng tạm dừng. Không phải sống để ăn nhưng cần ăn để mà sống, giờ đây sẽ ra sao? Không lẽ suốt ngày ăn mì gói, cháo gói? Rồi sức khỏe sẽ như thế nào trước dịch bệnh Covid-19 này?
Vận động chủ nhà giảm tiền trọ là một phương pháp, dù thực tế cũng có không ít chủ nhà trọ không cần vận động vẫn tự động giảm tiền trọ, nhưng dù sao đi chăng nữa, đó cũng chỉ là bớt một phần tiền ở, còn tiền ăn, tiền sinh hoạt, tiền điện – nước, tiền phòng bệnh tật, đủ thứ cái để lo.
Trong khi đó, cái gọi là hỗ trợ Covid-19 cho những người khó khăn, có chắc chắn những ai khó khăn đều được nhận không? Đã giải ngân hết chưa? Rồi 26.000 tỷ trao được bao nhiêu người?
Một số người có thể thấy thêm thời gian chỉ thị 16 là bình thường như đối với một số lao động nghèo, lang thang cơ nhỡ, là khó khăn nhiều lắm chứ”.
Hàng loạt vấn đề ở trên đang được đặt ra qua góc nhìn của giới lao động cần lao.
Có thể nói, người dân luôn sẵn sàng chung tay cùng chính phủ và chính quyền địa phương thực hiện chỉ thị 16 để đẩy lùi dịch Covid-19. Thế nhưng, cũng mong rằng, sẽ có chính sách an sinh thật sự rõ ràng và hiệu quả để người dân không quá cơ cực trong thời gian này…